NÀNG CÔNG CHÚA HUẾ (Lưu Trọng Lư)

LIÊN HING lại nói tiếp :

– Thì dầu nàng là công chúa hay là tiên nữ thì nàng cũng đã là vợ tôi. Hai hôm sau, chỉ hai hôm sau thôi, nàng cũng đã về với tôi. Tôi không giấu: tiền bạc ở trong cái sự chiếm thắng nàng đã dự một phần quan trọng. Nàng yêu tôi thì ít, nhưng có lẽ có cảm tình với sự giầu sang của tôi thì nhiều. Đó là thường tình, và tôi không hề trách nàng một tí nào cả.

Nàng là một công chúa một trăm phần trăm, và vua cha hiện đương sống những ngày thừa ở một đảo xa… Vì thế, cũng như các công chúa khác, nàng phải trôi nổi. Hơn hết mọi sự ở đời, nàng cần tiền để cứu vãn lấy cái tình cảnh đã suy vi của nàng – không bao giờ bằng lúc ấy, nàng cần tiền – để sống mãi, để giữ mãi cái cuộc đời huy -hoàng của một nàng công chúa.

Đêm đầu, nàng gặp tôi, chỉ là như gặp người trong mộng. Nàng không kịp nghĩ đến điều khác, thì mộng đã tàn rồi. Tôi phải công bình mà nhận cho nàng rằng: cái cảm tình thứ nhất của nàng, đối với tôi, là cái tình trong ngần như sương tuyết, không bợn một chút lợi. Hôm ấy, nàng là một bà tiên hoàn toàn. Nàng khinh hết cả sự dục vọng hẹp hòi, ti tiện của thế nhân, nhưng khi trăng đã lặn, và con thuyền đã trở về bến, thì nàng cũng trở về với cõi đời thực tế. Nàng không thể quên mình là một nàng công chúa lỡ thời. Nàng phải nghĩ đến tiền là cái có thể giữ cho nàng đừng trụy lạc. Khi nàng biết tôi là một kẻ đại thương, thì nàng nhận lời ngay.

Tôi tin cho má tôi biết. Thoạt nghe, má tôi kinh hồn; Tôi nói mãi bà mới chịu nghe tôi cưới nàng về. Cái đám cưới tuy rằng cử hành một cách gấp bức, nhưng mà hết sức hoa lệ, linh đình, vì tôi bỏ vào đấy hơn năm nghìn bạc. Hầu hết quan to ở Triều, các vị tai mắt ở Tôn nhơn phủ đều có mặt hôm đãi yến, đãi ở một khách sạn lớn nhất trong thành phố.

Đùng một cái, tôi trở nên phò mã, ai lại không ngạc nhiên. Chính tôi lại càng ngạc nhiên hơn ai hết.

Sau khi cưới, chúng tôi bèn thuê một cái nhà đồ sộ ngay ở An cựu, và hai vợ chồng tôi ở đó gần một năm, ngoài sự tiêu tiền ra, chúng tôi không làm gì hết. Khắp kinh đô thuở bấy giờ, chẳng còn ai không biết chúng tôi. Và sự hôn nhân của chúng tôi đã làm đầu đề cho biết bao câu chuyện của thiên hạ. Tôi tính ra trong một năm ấy, có hơn trăm đám tiệc người ta đãi tôi. Ngay nhà tôi, không mấy đêm là ngớt khách. Những bọn phu xe đêm nào cũng chầu chực ở trước ngõ nhà tôi như là trước một nhà khách sạn.

Nói rằng tiền bạc không có ảnh hưởng gì đến tình yêu, thì thật là không đúng chút nào, vì tôi biết rằng sự giàu sang của tôi đã làm cho công chúa yêu tôi thêm mãi. Công chúa là một người thích vui: vì thế nhà tôi luôn luôn có người ca hát, đàn địch và những lúc có bạn đông, thì chúng tôi lại bày ra đánh bạc, hoặc me, hoặc tứ sắc. Tôi tính ra cái năm tôi ở Huế đó, công chúa và tôi tiêu hết non vạn bạc. Mà các bạn thử nghĩ, bạc ấy làm ra bởi một người đàn bà, suốt đời đầu tắt mặt tối, góp nhặt từng đồng một, Mà tôi không nói ra, nhưng tôi biết bà đau khổ vì sự ăn chơi quá độ của tôi. Và mãi vui với công chúa hình như tôi đã để má tôi lạnh lùng trong một cảnh nhà đã vắng vẻ lại càng thêm vắng vẻ. Mà thật thế, tôi không muốn dời Huế để về với má tôi nữa. Con chim một khi đã biết cái thú trời rộng biển xa, bao giờ lại còn chịu trở về cái lồng con, dầu ở đấy mọi sự no ấm đương chờ đợi nó.

Tôi nghĩ lại thật tôi là một kẻ tàn nhẫn vô cùng: tôi đã hoang phí mồ hôi nước mắt của một đời làm lụng nhọc nhằn mà không giật mình, mà không hề đau xót.

Đã mấy lần má tôi viết thư giục tôi về Faifoo, lo việc mua bán giúp má tôi, nhưng tôi không hề dám ngỏ cho công chúa hay, vì tôi biết công chúa còn lưu-luyến với những cuộc truy hoan, chưa muốn dứt khỏi Huế. Nếu tôi cướp nàng đi, thì có lẽ làm cho nàng đau khổ lắm. Mà làm cho nàng sứt một cái móng tay, trượt một cái da chân, thật lòng tôi không nỡ…

Cho đến khi má tôi không gởi tiền nữa, và cự tuyệt thì tôi mới cho công chúa hay, nhưng đã muộn quá rồi: má tôi trong lúc vắng tôi, đã nuôi một người con nuôi ở trong nhà, để đêm ngày hầu bên gối má tôi, và coi sóc cửa hàng cho má tôi. Sự sầu muộn phải xa tôi, đã làm cho má tôi già yếu đi nhiều lắm: tóc bà đã bắt đầu lốm đốm bạc. Tôi không sợ bà tái giá nữa. Tôi chỉ sợ bà đành lòng cự tuyệt tôi mà thôi; vả thấy cái đức tiêu tiền của tôi, bà cũng khó lòng còn tín nhiệm tôi được nữa.

Quả vậy, mọi việc đều đúng như lời tôi dự ước. Má tôi giao cả việc nhà cửa trong ngoài cho người con nuôi của bà, và cũng là người cháu gọi bà bằng dì. Người ấy chỉ biết cúi đầu làm việc cho nên được má tôi hết lòng tin yêu. Có lẽ bao nhiêu lòng tin yêu tôi, bà đã trút qua cho người ấy. Tôi nhớ hôm tôi trở về nhà, má tôi chỉ nói với tôi bằng một giọng chua chát khiến trọn đời tôi cũng không quên được :

– Liên Hing, con đã về đó à! Má cử tưởng con không còn khi mô trở về với má nữa. Tiền má gởi cho con xưa nay, chắc con đã tiêu hết rồi, nên con mới nhớ tới má. Phải, chỉ khi mô hết tiền, con mới nghĩ đến má.

Nghỉ một lát, má tôi lại hỏi tiếp :

– Công chúa vẫn còn ở với con chứ ?

Rối từ đấy, má tôi không hỏi gì đến tôi nữa. Bà cho tôi là một đứa con bất hiếu, không đáng đếm xỉa tới. Tôi không ngờ người đàn bà ấy cương quyết đến thế, nhẫn tâm đến thế. Một hôm, tôi đến gần bà, tôi toan thưa với bà một điều quan hệ đến tương lai của tôi, nhưng tôi ngập ngừng e ngại quá không sao mở miệng ra được. Má tôi đoán được ý muốn của tôi ngay, đón trước lời tôi:

– Con lại cần tiền tiêu chứ gì?

Tôi chưa kịp nói thì bà đã đứng dậy đi lại tủ sắt lấy ra một cái giấy một trăm đồng, vất cho tôi và nói bằng một giọng chua chát:

– Gọi là chừng ấy, tôi tặng anh lên đường. Vì tôi muốn anh đi khỏi nhà tôi ngay. Nhà này chỉ là nhà làm ăn, không chứa những kẻ lểu lổng chơi bời. Cửa dân gia, cái bà công chúa của anh có thèm để chân tới đâu. Tốt hơn là anh để mặc tôi, đi đâu cho khuất mắt. Anh làm lấy, anh ăn, anh xài. Còn tôi ở đây, chết đã có người chôn.

Đến đây, tôi mới hiểu tại sao má tôi căm giận tôi đến thế. Cái cớ làm cho má tôi căm giận, có lẽ là vì từ ngày cưới đến nay, công chúa không hề bước về nhà tôi một lần nào. Má tôi cho đó là một sự khinh bỉ của công chúa đối với bọn dân giã, nhưng thực ra tôi cũng không biết có phải như thế không.

Bấy giờ tôi cũng không lựa được một lời gì để đáp lại má tôi. Thấy cái cách bà vất thí cho tôi một trăm đồng bạc, tôi thấy bất bình và tự lấy làm nhục nhã. Cố nhiên là tôi chẳng bao giờ ngả tay ra nhận lãnh cái số bạc khốn nạn ấy. Nhưng tôi sẽ làm theo ý muốn của má tôi là đi ngay khỏi nhà má tôi để cho bà được hài lòng.

Má tôi một hồi lâu mới lại nói:

– Anh đi đâu cho rảnh mắt. Việc nhà, bây giờ đã có người lo liệu rồi, khỏi phải bận lòng anh nữa. Tôi nói cho anh biết rằng: giấy má gì, tôi đã sang tên cho người khác cả.

Má tôi nói câu này hình như là để trêu tức tôi thêm nữa. Tôi không ngờ má tôi lại nhẫn tâm với tôi thế được.

Tôi phẫn uất quá, không còn giữ được vẻ từ tốn:

– Má tưởng con không có cái số bạc này của má thì con không thể đi khỏi nhà má sao ? Con sẽ không để má bận lòng: còn sống ngày nào, còn có hai tay hai chân, con còn kiếm được miếng ăn bỏ miệng, mà khi chết cũng kiếm được một tấm gỗ bọc thây. Ruộng vườn của má rộng mông mênh, con cũng sẽ không xin của má ba tấc đất để nghỉ mình.

Lời ấy tự miệng tôi nói ra, lại làm cho tôi cảm động hơn là má tôi. Sự nhẫn tâm của má tôi, lại càng làm cho tôi cương quyết trong ý định của tôi.

***


NGÀY hôm ấy, tôi từ biệt nhà má tôi. Tôi không muốn má tôi trông thấy sự từ biệt, tôi sợ rằng má tôi có hồi tâm và lại thương hại tôi. Vì, dầu thế nào, má tôi cũng chỉ là một người đàn bà mà thôi. Sự thương hại của má tôi sẽ làm cho tôi nhục nhã và không chừng mềm yếu trước cái ý định đã rắn như sắt của tôi. Không bao giờ tôi tin ở tôi bằng lúc bấy giờ, tin ở tài lực của tôi. Đã bao lần, tôi lấy ngón tay chỉ vào trán mình, và tự nói với mình : ‘‘Mày phải là một người tự lập. Mày phải bay bởi đôi cánh sắt của mày. ‘‘ Và tương lai, ở trong tâm hồn tôi, tươi sáng ra như một cảnh bình minh ở trên sông rộng.

Một ít hành lý, tôi đã cho gởi trước ở nhà một người bạn ở phố Cầu chùa. Lúc ra đi, tôi chỉ có hai tay không. Má tôi không thể ngờ rằng tôi đã quyết định một cách nhanh chóng thế. Vả lại, lúc tôi ra đi, có vẻ bình thản tự nhiên quá, khiến cho má tôi lại càng không ngờ rằng đó là một cuộc vĩnh quyết nghiêm trọng, can hệ đến cả một đời người. Mà tôi cũng tưởng tôi đi chơi đâu đấy rồi lại về, hoặc có đi nữa, thì cũng là còn dư bị kỹ càng đã, không thể đột ngột như thế được, huống hồ là lúc ấy, trong túi tôi không có một xu nhỏ. Chỉ có tôi là biết sự chia phôi,và thấy vẻ nghiêm trọng, não nùng trong cái phút chia phôi ấy mà thôi.

Bấy giờ vào khoảng chín giờ tối. Hàng vừa đóng cửa. Má tôi còn ngồi nhai trầu ở trên một bộ ngựa gỗ đặt ngay ở gian ngoài. Bên cạnh má tôi, người em nuôi tôi đương tính sổ sách. Tôi bước ra, chính vào cái phút giây không ngờ ấy, người em nuôi tôi chỉ hỏi qua một câu :

– Anh đi mô đó ?

– Tôi đi ra sông chơi mát.

Má tôi thì không hỏi gì, miệng vẫn nhai trầu, và đôi mắt vẫn nhìn một cách hững hờ.

Mọi vật trong phút giây ấy thật lạnh lùng và phẳng lặng như một tâm hồn vô lự. Nhưng mà lòng tôi như thắt lại và hai chân tôi cứ ngập ngừng… Chỉ thiếu một chút nghị lực nữa thì tôi đã ngã lăn ra và gục vào chân má tôi mà khóc như một đứa trẻ con. Nhưng vẫn như chống đỡ bởi một can đảm phi thường, tôi cố mỉm cười và đi ra khỏi cái cảnh nhà phụ bạc không còn muốn chứa chấp tôi nữa.

Khi bước qua khỏi ngưỡng cửa, chân tôi đã thấy bạo dạn hơn, và lúc ra khỏi ngõ, tôi đã bước nhanh hơn và như bị cướp đi bởi một cơn gió lốc ; một động lực phi thường như đùn thêm mãi ở sau lưng tôi. Bấy giờ tôi mới tin rằng tôi đã thoát và không còn cái gì có thể giữ áo tôi lại, dầu trong lúc này, má tôi có hồi tâm…

Tôi đi như thế đã lâu lắm, văng mình vào trong sự rộn rịp. Nhưng bỗng tôi như lạc vào một chốn đìu hiu quạnh quẽ : đêm đã khuya, người và xe cộ ở quanh tôi như biến đâu mất. Tôi đứng lại và nghe có tiếng đóng cửa cái ập từ một cửa hàng trước mặt tôi. Tôi mỉm cười và tự nói một mình : ‘‘Bây giờ có lẽ má tôi đã đóng cửa hẳn, và không chờ tôi nữa. có lẽ, lần này hoặc giả má tôi mới tin tôi đã đi thật. Người đàn bà ấy chỉ tin rằng : không có tiền, người ta không làm gì được, nhưng biết đâu chỉ với một chút phẫn uất, một chút cương quyết, người ta có thể làm được tất cả mọi việc ở đời…’’

Hôm ấy, tôi xuống ghe ra Hàn, và sáng hôm sau thì tôi đã có ở Huế. Khi tôi bước vào nhà công chúa, tôi chỉ còn có hai đồng bạc, số tiền nhỏ giật ở một người bạn, trừ lộ phí từ Faifoo ra Huế, chỉ còn lại có thế.

Cái nhà mà công chúa đương ở vẫn là một cái nhà nguy nga.Tôi bước lên thềm mà ngại ngùng, và tôi cảm thấy tôi đã bước đến một quãng nghiêm trọng trong đời tôi.

Nắng đã giọi qua song cửa. Nhưng công chúa vẫn còn ngủ. Tôi rón rén bước lại gần nàng và nhìn nàng ngủ. Cái giấc ngủ của nàng làm cho tôi có cái cảm giác như đương ở trong một truyện cổ. Tôi vẫn không dám thở mạnh. Nhưng tôi cảm thấy một sự cần tha thiết không thể nào im đi được : tôi muốn đến quì cạnh nàng và đặt một cái hôn lên trên những ngón tay búp măng của nàng. Tôi muốn khóc dưới chân nàng, để xin lỗi nàng vì sự bất lực của tôi không còn làm cho nàng sung sướng được nữa, nghĩa là duy trì được mãi cái cuộc đời huy hoàng lộng lẫy để vui lòng nàng. Không, tôi không có cách gì nữa để làm nàng sung sướng. Mà tôi cần phải nói cho nàng sự thực, tất cả cái sự thực tàn khốc. Tôi phải cho nàng biết sự hất hủi của má tôi, sự căm tức của tôi và cái chí quyết định của tôi muốn sống một cuộc đời tự lập, dầu gian khổ…

Bỗng, một quả bàng chín rụng mạnh bên song cửa ; nàng giật mình, mở mẳt ra. Nàng nhìn tôi, nhìn cái vẻ bối rối, bần thần của tôi mà ngạc nhiên, mà sảng sốt, vì có lẽ nàng vừa tỉnh khỏi một giấc mộng đẹp, tôi sợ là quá đẹp.

Không hiểu sao tôi bối rối như một kẻ gian phi bị bắt được quả tang. Thật ra tôi có làm gì đâu. Tôi vẫn đứng xa, đứng rất xa nàng. Nàng vén màn lên và nói bằng một giọng vui mừng, nhưng vẫn có vẽ còn ngái ngủ :

– Ồ, mình đã về đấy à! Mình làm tôi nhớ quá. Mình lại đây, lại đây.

Tôi sung sướng quá, như một đứa con nghe tiếng gọi của mẹ. Tôi chạy ập lại bên nàng, và quì xuống bên giường nàng. Nàng kéo tôi dậy và âu yếm nói :

– Mình khỉ lắm nờ ! ngồi lên. Em hôn một cái. Đi mãi làm người ta nhớ quay quắt !

Rồi nàng ôm chặt lấy tôi. Tôi nằm trong lòng nàng, và nàng thở vào tóc tôi một cái hương vị say sưa đến bây giờ tôi còn nhớ. Rồi những ngón tay, đều và dịu như những điệu đàn, vẫn chạy ở trên làn thịt của tôi, đưa lại cho tôi một cảm giác đê mê khiến cho tôi khuây hết cả những tư tưởng âm u trước đây mấy phút đã xâm chiếm tâm hồn tôi.

Nàng lại lôi tôi đứng dậy. Hai chúng tôi cùng đứng ở song trông ra vườn, đầu nàng dựa vào ngực tôi làm cho tôi càng lo sợ : tim tôi bấy giờ đánh mạnh quá, và tôi lo rằng nàng đoán được sự cảm động của tôi.

Nếu như tôi bộp chộp nói cho nàng hay cái tình thế nguy nan của tôi, thì có lẽ tôi đã làm cho nàng đau khổ biết mấy, vì sự sung sướng của nàng, bao giờ tôi cũng muốn nó được thuần túy, được hoàn toàn, không trộn lẫn một chút lo sợ. Thấy hoa đương nở, mà ta đã nghĩ ngay đến sự úa tàn, thì hương cũng không còn nữa. Nhưng tôi không thể giấu nàng được mãi ; tôi chỉ còn lựa cái lúc thích hợp để cho nàng hay mà thôi.

Ngay tối hôm ấy, trước khi lên giường, tôi nói với nàng:

– Mình ơi ! tôi muốn cho mình hay một sự thực : đoạn đời của chúng ta đã đến một chỗ khắc khuỷu. Ta không thể ở mãi nhà lầu này nữa. Má tôi không còn tin tôi nữa…

Nghỉ một lát, tôi lại nói tiếp:

– Ta sẽ phải đi, phải dời Huế. Huế là xứ ăn chơi, không phải là chỗ làm ăn. Tôi muốn đi xa, đi thật xa, vào Sàigòn.

Công chúa ngắt lời tôi, mỉm cười :

– Thì đã làm răng ! Nếu phải đi, ta cứ đi. Sông có khúc, chơi có lúc. Bây giờ phải mần việc thì ta cắm đầu mần việc.

Lời nói của công chúa làm cho tôi sung sướng không ngờ.

– Mình sẽ đi theo tôi, công chúa sẽ đi theo tôi?

– Tôi sẽ đi theo mình.

– Công chúa sẽ chịu cực bên cạnh tôi ?

– Đừng gọi tôi là công chúa, đã lâu tôi không còn là công chúa nữa.

Lần thứ nhất nàng cấm tôi gọi nàng như thế.

Tôi nhìn nàng, ngạc-nhiên và nói:

– Tôi chỉ muốn là một người thường dân, bên cạnh chồng tôi. Mình là một người Tàu, tôi lại càng không muốn nhớ tôi là một người Việt Nam. Đối với mình, tôi chỉ là một người vợ. Tôi sẽ theo mình và có những bổn phận đối với mình, những bổn phận của một người vợ.

Tôi sung, sướng, còn hỏi lại :

– Thật mình sẽ vui lòng theo tôi ?

– Không theo mình thì theo ai nữa ?

Hạnh phúc của đời tôi đến đây, trong giây phút này, mới thật là lên đến tuyệt đích. Trước kia, thật tôi còn ngờ là nàng công chúa mà theo một khách thương như tôi, tình ấy chỉ là tiền, hoàn toàn là tiền. Nhưng bây giờ, thì tiền tôi không còn nữa mà nàng vẫn không bỏ tôi, đó chả phải là một chứng cớ rành rành mà ai cũng có thể trông thấy được là nàng đã yêu tôi với cả một tấm lòng chân thực, gắn bó, duy nhất và không còn lẩn một chút lợi lộc.

Đã hiểu nàng như thế rồi thì tôi còn có thể giấu nàng điều gì được nữa. Khi tôi cho nàng biết rằng trong túi tôi chỉ còn có hai đồng bạc, nàng mỉm cười rút đưa cho tôi một cái xuyến vàng ở trong tay, và nói với tôi :

– Đây, của này mình cứ đưa bán đi. Mình đừng ngại chi hết. Ta có thể bán hết bất kỳ cái gì ở trên mình ta, ở trong đời ta, trừ cái tình thiêng liêng của chúng ta.

Nàng đã rõ rệt, đã ‘‘tận cùng’’ như thế, nếu tôi còn kiếm lời từ chối, chả hóa ra mình không biết điều lắm sao.

Tất cả những đồ nữ trang của nàng, tôi cho đi bán được gần năm trăm. Trừ tiền nhà và các chi phí khác, trước khi đi, chúng tôi còn được hơn hai trăm đồng. Tôi giao cả cho nàng. Nàng cầm lấy và nói với tôi:

– Trong số tiền này, tôi muốn trích ra độ một trăm đồng để thết các bạn quen – các bạn ăn chơi của ta xưa nay – một bữa tiệc cuối cùng mà cũng rất đàng hoàng, long trọng như bao bữa tiệc khác trong đời ta.

Tôi nhìn nàng một cách ngạc nhiên: bán vàng để đãi tiệc trong lúc này, thực là một điều không thể nào tôi hiểu được.

Công chúa vội cắt nghĩa :

– Sự phung phí trong lúc này thật là ‘‘không phải’’, thật là nguy hiểm. Nhưng mà tôi không muốn cho người ta thấy được một sự thay đổi gì ở trong đời ta. Vào trong Sàigòn, chúng ta sẽ là những người dân, như những người dân khác. Bây giờ, còn ở đất Huế này, ta phải xử trí ra một bà công chúa.

Tôi mỉm cười và vui vẻ nhận lời, coi đó như là một sự ngông cuồng của trẻ con. Được chiều, còn có thể chiều nàng công chúa được ngày nào nữa, là lòng tôi còn hả hê ngày ấy.

—>Xem tiếp

This entry was posted in 3.Truyện dài - Tiểu thuyết, Lưu Trọng Lư. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời