ÁI-ÂN THÂU NGẮN CHO DÀI TIẾC THƯƠNG … (Bình-nguyên Lộc)

TAI NẠN THẢM KHỐC
Ở BẮC RẠCH-MIỄU

18 người mất tích, trong đó có một hoạ sĩ danh tiếng.

-2-

RẠCH-MIỄU- Chiều hôm kia một tai nạn thảm khốc xảy ra trên sông Cửu-Long ngay trước thành phố tỉnh lỵ Định-Tường.

Một chiếc đò máy nhỏ, đưa hành khách địa phương qua lại Rạch-Miễu và Mỹ-Tho, đã chìm vào khoảng sáu giờ chiều, trong một trận mưa to gió lớn đầu mùa.

Hình như có đến 18 hành khách mất tích, chưa biết sống chết thế nào, vì sau trận mưa, trong bờ (phía bên Rạch-Miễu) hay được tai nạn ghe thuyền tư nhơn tự động chèo ra cứu vớt các nạn nhơn rồi đưa những người sống sót về đâu không ai rõ để mà kiểm soát.

Hai người tài công chánh và tài công phụ của chiếc đò máy ấy cũng ở trong số người mất tích nên không ai biết nguyên nhơn vì sao xảy ra tai nạn nầy.

Theo lời một thương gia trẻ tuổi ở Saigon thì họa sĩ Đằng-Phương mà ai cũng biết tiếng, cũng đã quá giang chuyến đò ấy chiều hôm đó, và mãi đến nay chưa thấy mặt ở Saigon.

Bổn báo đang theo dõi vụ nầy để loan báo thêm những chi tiết lượm lặt được.

Quí về Saigon ngày hôm qua, chắc là một lượt với người thông tín viên địa phương, y đã mang tin nầy lên cho báo chí thủ đô. Chàng không thèm đi đâu cả, cốt để đùa bạn hữu chơi.

Nhưng hôm nay thấy cái tít năm cột ở trang nhứt tờ nhựt báo Hừng-Đông, chàng giựt mình.

« Bậy lắm, – chàng nghĩ, – thằng Quang nó đã hay tin đâu hôm kia, do anh Chín tài xế đánh xe không về cho biết chuyện chẳng lành. Chắc nó đã báo động các tờ báo quen ngay từ đêm đó ; nó có thể đã cho họ biết sự hiện hữu của một chiếc va-ly đựng y phục phụ nữ trên xe, và của một cô gái chung chuyến đò với mình.

«Báo chí họ tò mò và giỏi xí gạt để lấy tin, chắc là thằng Quang mắc bẫy và đã tiết lộ tất cả. Cô gái áo đen sẽ ngộ nhận, ngỡ chính mình cho tin đó, hóa ra như mình không giữ lời hứa»

Chàng bối rối, đọc vội vàng hết bài báo thì nghe nhẹ cả người. Thì ra báo chí không biết sự thật về cái đêm kỳ dị của chàng, hay họ chưa biết.

«Nhưng phải đi thăm Quang ngay mới được để dặn dò nó, kẻo lại có tờ báo khôn hơn, tìm nó mà gài bẫy thì phiền lắm».

Nghĩ xong, chàng tức tốc gọi tắc-xi đến nhà thằng bạn đã cho mượn xe hơi.

Thấy Quí lù lù từ ngoài sân tiến vào, Quang và vợ hắn mừng quýnh lên :

– Trời ơi, ma chết đuối hiện hồn về. – Quang reo lên mà pha trò như vậy.

– Làm vợ chồng tôi hết cả hồn vía. – Vợ Quang nói.

– Anh chị lo làm gì mất công. Bề nào chiếc xe cũng còn là đủ rồi.

– Anh mắc dịch, bộ ai coi của hơn người sao chớ.

– Nếu không nghĩ đến nỗi đau ruột của chị, tôi đã đi chầu bà Thủy với chiếc xe rồi. Tôi mà cố sống, chỉ để bảo vệ chiếc xe đỏ của chị thôi.

– Quí. Kể chuyện nghe coi nào !

– Dài lắm. Để tôi viết ra thành một thiên phóng sự hồi ký rồi chị hãy xem.

– May cho anh lắm đó nha. Anh mà có vợ thì anh chết với cái va-ly trong xe. Tụi tôi ngỡ anh đã đi thăm Hà-Bá nên mở va-ly ra xem mới hay đó là va-ly phụ nữ, toàn y phục con gái không mà thôi.

– Nếu tôi có vợ, anh Quang đã thủ tiêu chiếc va-ly ấy để cứu tôi.

– Nàng đâu rồi ?

– Chị đừng có ý đổ tội cho tôi. Hỏi anh Chín thì biết. Nàng đón xe dọc đường, xin quá giang, chớ nào tôi có chở gái đi chơi bằng xe chị đâu.

– Tao hồ nghi mày đã tổ chức nhận chìm xuồng để thủ tiêu nàng hầu đoạt chiếc va-ly tài vật đó.

Cả ba cười xòa, rồi Quí dặn :

– Nói chơi chớ anh chị không nên tiết lộ điều đó. Coi chừng nhà báo, chúng nó đánh hơi được mùi gì, chúng nó đeo riết anh thì sẽ đỗ tùm lum ra.

– Biết rồi. Ai mà ác đến đỗi làm cho anh phải ế vợ về sau.

Quí xin chiếc va-ly rồi về nhà nằm, không dám bước chơn ra khỏi cửa, sợ người đẹp đến đòi lại mà không gặp thì uổng chẳng biết bao nhiêu.

Lúc nào cần ra ngoài ăn cơm, uống cà phê, thì chàng dán danh thiếp nơi cánh cửa, biên mấy chữ trên đó cẩn thận : « Đằng-Phương sẽ về nhà vào khoảng X giờ ».

Trong suốt một tuần lễ, không bữa ăn nào, chàng ăn no bụng cả, và vì ăn vội nên tức bụng mãi, rất khó chịu.

Những khi nằm nhà, bạn hữu chàng rất ngạc nhiên mà thấy chàng giật nẩy mình mỗi lúc nghe tiếng bất kỳ một loại xe nào ngừng lối trước nhà chàng. Chàng dáo dác trông ra ngoài, lắng tai nghe ngóng, rồi mãi không thấy bóng ai, chàng sốt ruột chạy ra cửa mà dòm, rồi lần nào cũng thất vọng.

Nhiều phóng viên đến thăm chàng mong biết chi tiết về vụ chìm đò, mà đến nay, mười hai xác chết đã được vớt lên, trong đó có đến sáu xác trẻ em, còn thì toàn là xác phụ nữ cả, nhưng chàng chối đã là nạn nhân trong tai nạn ấy, cho rằng cái tin ban đầu về chàng, chỉ là tin vịt thôi.

Nhưng bọn làm báo tinh khôn quá sức. Họ đoán thấy một ẩn tình gì trong đó nên chàng càng chối, họ càng đặt ra nhiều nghi vấn rất là giựt gân mà trong đó tên tuổi chàng luôn luôn được nêu lên sau những tiếng «Phải chăng» và trước nhiều dấu hỏi thật lớn.

Thật là phiền và nhứt là rất tốn tiền. Chàng làm bộ thưởng công anh Chín tài xế và toa rập với Quang để đưa anh ta đi an trí một nơi, nói là cho nghỉ mát, kẻo báo chí mà chụp được anh ta thì họ sẽ làm rùm beng lên.

Nhưng cô gái áo đen vẫn không thấy tăm dạng. «Hay là nàng đau ốm nặng sau trận ngâm nước, dầm mưa, mặc áo ướt nằm ngoài sương suốt đêm đến bị vọp bẻ hàng giờ ! »

Phải, rất có thể là như vậy. Nhưng chàng bền chí đợi thêm một tuần nữa, mà vẫn không thấy cô ta cho dấu hiệu rằng cô ta hiện đang sống trên đời nầy. Nếu phải đi đâu xa, hay bận gì, cô ta cũng có thể viết đến chàng một bức thư ngắn, nhờ giữ giùm nàng chiếc va-ly đó chớ !

Quí đã tò mò, nhưng chàng không xấu hổ với lương tâm chàng. Chàng nghe yêu thiếu nữ quá sức đến đỗi tưởng tượng rằng nàng cũng đã yêu chàng và chàng có quyền dòm ngó đến đồ đạc của nàng. Vì thế mà chàng đã lục nát chiếc va-ly ấy.

Va-ly chỉ đựng những y phục mát, mặc ngủ như bi-da-ma, hay mặc đi dạo xóm được như những bộ bà ba ngắn. Chỉ có một chiếc áo dài đen trong đó, chiếc thứ nhì ngoài chiếc áo nàng mặc trên người để đi đường. Ngoài ra thì son, phấn, một lọ nước hoa nhỏ, vài chiếc mu-xoa, vài chiếc khăn mặt, một quyển tiểu thuyết tình, tiếng Pháp, dài hơn ba trăm trang.

Chàng trổ tài trinh thám, qui nạp và diễn dịch để rút ra từ cuộc lục soát ấy những kết luận sau đây : Cô con gái, nhà khá giả, có thể bảo là con nhà giàu, có học cỡ Trung-Học Pháp sấp lên, về nghỉ hè ở quê nhà và trở lên Saigon để tựu trường. Cô ta thuộc một gia đình có nền nếp, không se sua ở một nơi mà chung quanh ai cũng lam lũ, nên chỉ mang về quê toàn y phục cũ, phần lớn màu đen và màu sậm tối, tuy nhiên lối may và phẩm chất của hàng, lụa, vải, chứng tỏ nàng sành ăn mặc và có tiền.

Hết tuần lễ thứ nhì, Quí sốt ruột quá. Chàng chạy đi tìm một vị bác-sĩ quen biết để hỏi thăm về hậu quả của một trận cảm hàn. Bác-sĩ đưa cả hai tay lên trời mà rằng :

– Chỉ có trời mà biết. Nạn nhân có thể sốt hai ba ngày, nhức đầu sổ mũi rồi khỏi. Nhưng cũng có thể bị sưng phổi, rồi thì hàng trăm biến chứng khác xen vào. Vả lại khi con người ương yếu thì bao nhiêu vi trùng, bịnh tật, vốn rình sẵn đâu đó để phục kích, thừa cơ thuận lợi mà nhào vô, tôi còn biết sao nữa mà nói.

Anh muốn biết chắc nạn nhân đau ốm lâu lắm là mấy mươi ngày à ? Có thể đến mấy tháng cũng cứ được.

– Nhưng anh chỉ kể các trường hợp thường thôi mà đừng đả động vài trường hợp đặc biệt để bi thảm hóa vấn đề.

– Vâng, nạn nhơn già hay trẻ ?

– Hai mươi tuổi.

– Vậy hắn chỉ sổ mũi ba hôm là khỏi. Nếu hắn là một cây rượu mạnh cừ khôi thì rượu sẽ bịnh thay cho hắn, chớ hắn không sao cả.

Những chỉ dẫn của nhà chuyên môn quen biết và đáng tín nhiệm nầy càng làm cho Quí tuyệt vọng thêm.

Thế là nàng đã tự ý không đến chớ không vì trở ngại vật chất nào cả. Nàng không đến ? Nàng không đến thì thôi ! Chưa có một dính líu tình cảm cỏn con nào giữa hai người, trừ giấc mơ yêu của chàng trên xe, trừ sự xúc động của chàng lúc thoa bóp cho người bị chứng vọp bẻ và trừ những giây phút ngậm ngùi khi xuồng tách bến. Quả nàng đã trông lại, nàng đã vẫy khăn. Nhưng đó không phải là một lưu luyến đáng kể, mà chỉ là một cử chỉ lịch sự đối với người mà nàng đã thọ ơn.

Nàng đã thọ ơn ! Quí hơi hờn con người đó, mặc dầu chàng nhận rằng những gì chàng đã làm hôm ấy đều là chuyện tự nhiên, chớ chàng không hành động vì lòng tốt riêng đối với cô gái. Mà có vì thế chăng nữa, cũng chẳng ai yêu cầu chàng thi ân để rồi đòi báo đáp ; vả lại giáo dục và thiện căn nơi chàng cũng đã cho chàng cái quan niệm đúng là đừng nghĩ đến việc được báo ân.

Tuy nhiên, chàng cứ hờn, hơi hơi nghĩ rằng đó là con người bạc bẽo. Hờn dỗi như vậy hết hai ba hôm, chàng mới thấy mình vô lý, tức cười cho mình, rồi càng sầu hơn bao giờ cả.

Chàng thử phân tách xem tại làm sao mà chàng lại si tình một cô gái không hề tỏ chút cảm tình đặc biệt nào với chàng cả. Phải, con trai có thể yêu bất kỳ cô gái đẹp nào, nhưng họ chỉ si khi nào đã thấy được hay ngỡ thấy được dấu hiệu tương cảm cho dẫu là rất kín đáo – hoặc thấy được những khuyến khích rõ rệt nó dẫn họ đi sâu vào tình yêu cho đến si mê. Nhưng luôn luôn họ dừng bước trước lằn mức thờ ơ.

Cứ cố khám phá lòng mình ngày nầy qua ngày khác, rốt cuộc Quí chịu là không biết vì sao mà bỗng dưng chàng lại lẩn thẩn như vậy.

Thật là cay cho chàng. Chàng thân với rất nhiều bạn gái, quen sơ với rất nhiều gia đình có con gái, bao nhiêu người đẹp đó chưa làm gợn được tấm lòng bình thản của chàng, và bao nhiêu người đẹp xa lạ khác, thấy hằng bữa trên các hè phố đô thành cũng chưa hề bắt chàng nghĩ ngợi lâu hơn hai phút đồng hồ.

Phải chăng là con đường quê, tốc độ chạy xe của chàng, cuộc gặp gỡ bất ngờ, tất cả những thứ ấy là bao nhiêu yếu tố xui chàng tưởng tượng nhiều quả, rồi mơ nhiều quá, đến đỗi yêu một cách nông cạn và tình yêu ấy bị cái đêm trên đảo, bị sự đụng chạm về xác thịt cứ đào sâu thêm ?

Nhưng mà không cần lắm, những lý do nó xui chàng yêu ! Chỉ biết rằng chàng đang yêu nhiều, đang si, và đang khổ.

Lắm đêm đã sắp sửa đi ngủ tức là khuya rồi, mà Quí còn nghe như ai gõ cửa đằng trước. Chàng vội vã chạy ra thì không có ai hết : một khách đi đêm đã nện guốc hơi mạnh trên mặt đường, chỉ có thế thôi.

Chàng thơ thẩn trở vào, đứng nhìn trân trối chiếc va-ly đặt trên mặt của chiếc bàn ăn không bao giờ dùng đến, rồi không cưỡng được với ý muốn, chàng mở va-ly ra, cầm lên một chiếc áo và ngắm chiếc áo ấy rất lâu. Chàng đưa áo vào sát mặt rồi hít một hơi rất dài. Bỗng xấu hổ quá, không biết là với bóng mình hay với ai, chàng thồn lẹ chiếc áo trở vào va-ly, đậy va-ly lại cẩn thận, để bôi xóa dấu lục soát của chàng kẻo người nhìn nhận của gởi sẽ đoán biết rồi cười cho.

Hôm ấy là ngày thứ hăm mốt sau tai nạn trên sông Cửu-Long. Bốn tờ báo hàng ngày lớn nhứt ở thủ đô đều có đăng nơi trang tư lời nhắn sau đây :

NHẮN TIN THẬT GẤP
VỚI

NGƯỜI GỞI VA-LY

NẾU KHÔNG ĐẾN NHẬN
THÌ NGƯỜI GIỮ
SẼ TỰ-TỬ !

Mặc dầu viết dưới hình thức nhắn tin, nhưng đăng to quá, đến bốn cột, chữ lớn, nên ai cũng ngỡ đó là một lối quảng cáo giựt gân cho một thứ hàng hóa mới nào.

Chính Quí cũng đã phải gạt các ty quản lý, bảo rằng chàng lăng-xê một cuốn phim Việt-Nam vừa quay xong, không thôi họ không nhận đăng một lời rao có vẻ bí mật như thế, sợ phải bị liên lụy vì hành vi của một bọn lưu manh nào.

Chàng định rằng cô gái, dầu có thờ ơ với quảng cáo bao nhiêu, cũng bị lời rao to lớn nầy nhảy lên mắt cô ta.

Đăng báo xong lời nhắn nhủ nầy, Quí bền chí đợi ba hôm. Trường Mỹ-Nghệ mà chàng dạy môn mỹ thuật thuần túy đã khai giảng từ mười ngày rồi. Hôm nào, dạy học xong, chàng cũng thót lên xe xì-cút-tơ dông tuốt về nhà một nước, mở cửa và thất vọng không thấy mảnh giấy con nào, nhét qua lá sách cửa rơi vào trong. Trong giấy có mấy dòng chữ đại loai như thế nầy : « Em có đến, tiếc không gặp. Tối nay sẽ trở lại. Ký tên : người suýt chết đuối dưới Rạch-Miễu. » Hoặc : « Em van anh, khoan chết, đợi gặp mặt em rồi hẵng hay. »

Ba hôm qua, độc giả các bảo hàng ngày lại được đọc một quãng cảo mới.

NHẮN TIN THẬT GẤP
VỚI

NGƯỜI SUÝT CHẾT ĐUỐI

NẾU KHÔNG NHẬN VA-LY
NGƯỜI GIỮ SẼ TIẾT-LỘ
TẤT CẢ CHO BÁO-CHÍ BIẾT.

Quí đã đổi chiến lược « Ừ, nàng không sợ ta chết thì phải sợ ế chồng vậy ! Sự hăm dọa trước, có tánh cách tiêu cực và thụ động, hăm dọa tự hủy mình thì ai mà thèm sợ làm gì, vì ai đã yêu ta đâu, ta chết mặc xác ta chớ ! Chí như hăm dọa nầy thì phải biết ! Ta mà cho tài liệu báo chí viết một thiên điều tra nguyên tử về một đêm trắng của một họa sĩ với cô gái áo đen bí mật, gốc ở làng X… trên một hoang đảo, thì tiêu cả đời con gái của nàng. Các tay viết phóng sự ly-kỳ-hóa mọi việc tài lắm ! Ho sẽ nói đến một thiên tình-sử thơ mộng, bi đát, não nùng thì chết chớ chẳng chơi đâu nhé ! »

Quí bằng lòng chàng lắm. Chàng đã nghĩ gần ngót tháng mới ra mưu mẹo nầy : hai cái quảng cáo kỳ dị, không có giải thích bởi quảng cáo sau nào nữa cả, và chỉ có hai người là hiểu với nhau thôi.

Và huyền diệu thay, cái quảng cáo thứ nhì của chàng linh nghiệm như một nén hương mà học trò tiên trong truyện Tàu đốt lên để gọi sư tổ hạ san.

Hôm ấy đi dạy về, vừa qua khỏi bến xe Tây-Ninh thì chàng bỗng nghe muốn ngộp thở. Nhà chàng ở mãi đằng ngã ba Nguyễn-văn-Tráng, thế mà chàng đã rình nhà chàng ngay từ ngã ba Phan-văn-Hùm, và hôm ấy thì người trông đợi hiện ra.

Chàng tin chắc là nàng, vì người ấy mặc đen, và đứng sát cửa chàng, tay nắm hột xoài, có lẽ để gọi cửa.

Quí đạp ga rút tới, và qua ngã ba một cách mù quáng, suýt bị một chiếc xe hơi từ trên Võ-Tánh đổ xuống, đâm vào hông chàng.

Cô gái xây lưng ra để đi về thì thấy Quí cho xe leo lề.

– May mắn quá !

Hai người không chào nhau nhưng cùng cười và đồng nói một lượt câu trên đây, như là hợp ca. Nói xong họ thấy sự trùng ý đó buồn cười quá, nên lại cười nữa.

Quí cuống lên, tìm chìa khóa cửa mãi mà không được. Rốt cuộc thì ra nó chỉ nằm dưới chiếc khăn mu-xoa độn túi quần. Tay mở cửa, miệng chàng mời :

– Mời cô vào. Cô chờ tôi có lâu lắm không ?

– Em chỉ mới đến thôi.

Hai người vào nhà, Quí chỉ một chiếc ghế rồi bước lại mở cửa sổ phía trước, xong lại đi mở cây quạt máy đứng.

Chàng vừa ngồi xuống vừa nói :

– Thế là tôi biết chắc được hai điều. Điều thứ nhứt: cô mặc kệ tôi chết. Điều thứ nhì cô rất sợ tôi không kín miệng. Được, tôi sẽ lợi dụng bí mật mà tôi cầm giữ, để tống tiền cô.

Cô gái cười nói :

– Em có sợ ông chết chớ sao không. Nhưng em biết chắc ông không chết vì chiếc va-ly, nên đã nín luôn. Còn bí mật thì em vẫn tin ông là người lịch sự.

– Nhưng sao cô lại vội vàng đến ngay sau lần nhắn tin thứ nhì ?

– Vì nghe buồn cười quá. Em thấy sự liều lĩnh của ông hay hay nên không thể không đến được.

– Thành ra tôi nói sai bét hết.

Họ giống như đôi bạn đã thân nhau từ lâu rồi vì thế mà họ chỉ chào nhau ngoài cửa bằng cái cười. Việc nhắn tin trên báo bằng lời thảm kịch hóa, và sự ra mặt của cô gái giúp cho họ hiểu lòng nhau phần nào rồi, nên tự nhiên, họ không nghe còn xa lạ như trong đêm tối trên cù-lao Tân-Vinh nữa.

– Sau đêm đó rồi cô có đau ốm gì nữa hay không ?

– Dạ, em chỉ sổ mũi có mấy hôm ?

– Lão bác-sĩ ấy thật tài.

– Bác-sĩ nào mà xem mạch người vô hình được đó ông ?

Quí cười nói :

– Không thấy cô đến đòi va-ly, tôi định bụng rằng cô bịnh nặng vì quá lạnh, mới đi hỏi thăm một ông bác-sĩ quen về nỗi nguy mà một nạn nhân trong trường hợp cô có thể phải gặp.

Cô gái đã tắt ngay cái mỉm cười trên môi, và môi trên của cô hơi mấp máy vì cảm động.

– Nhà tôi không có nước uống, không biết lấy gì đãi cô, xin cô thông cảm.

– Ông ở một mình à ?

– Vâng, và tôi ăn cơm ở các hiệu ăn trong thành phố.

Qua bức màn ngăn cái buồng sâu và độc nhứt nầy làm hai, thiếu nữ thấy một chiếc giường ngủ bên trong, đang rung rinh, vì màn bị gió lay, và sau bếp, không thấy bóng ai cả, không thấy khói lửa gì hết.

Bấy giờ nàng mới mở xắc lấy ra một hộp thuốc rời Prince Albert thứ dẹp, đặt lên bàn khiến Quí ngạc nhiên lắm. Nàng cười nói :

– Khi sáng em thấy món nầy, nhớ lại đêm đó ông phải nhịn vì không lửa, nên mua tặng ông hút chơi. Xin ông hút một điếu thử xem để ta nhớ lại cơn ác mộng và hưởng cái thú còn được sống.

– Một ý rất hay !

Khen xong, chàng rút chiếc bíp ở túi sơ-mi ra, khui hộp thuốc rồi thồn vào ống cối một nhúm thuốc thật to.

Quí ngả lưng lên cái ghế dựa, kéo một hơi dài. Khói Prince Albert thơm ngát tỏa ra khắp gian phòng hẹp. Chàng lim dim đôi mắt để sống lại đêm nào và để tận hưởng vị thuốc ngon.

Cô gái ban đầu nhìn người hút thuốc, rồi theo dõi khói thuốc trắng bay lên trần, nhưng rồi mắt cô phiêu lưu vào một thế giới xa vắng nào.

Lâu lắm cả hai mới trở về thực tại, Quí hỏi :

– Sao đêm ấy, trong đêm tối mà cô biết tôi hút Prince Albert ?

– Em có biết đâu điều đó. Chỉ biết rằng ông hút bíp và nghe người ta nói Prince Albert ngon nhứt nên mới mua.

– Cô tình cờ mà thấy họ bày bán ?

– Vâng.

Quí thấy ngay rằng cô ta đã nói láo một cách mạnh miệng vì dốt thời sự.

Tại thủ đô, chỉ có hai hàng thuốc bán Prince Albert thôi, nhưng họ giấu đút chớ không bày ra vì đó là hàng lậu thuế. Cô gái chắc đã nhờ ai mua giùm đó thôi mà không dè rằng loại thuốc nầy rất hiếm.

Chàng nhìn lại cô gái. Quả thật gương mặt cô kiêu hãnh lắm. Nhưng nào có xấu hổ gì sự săn sóc một người quen, một người ơn, mà phải che giấu sự thật của lòng nàng? Chàng băn khoăn tự hỏi điều đó rồi không đáp được.

Thiếu nữ xem lại đồng hồ tay rồi nói :

– Em xin phép ông…

– Ủa, còn sớm mà sao cô vội thế ? Chưa nói được gì với nhau kia mà !

– Ông cho khi khác vậy.

– À, để tôi mang va-ly ra cho cô.

– Thưa ông… hay là… vâng, ông cho em xin lại.

Quí có cảm giác rõ rệt rằng cô gái không muốn lấy chiếc va-ly đó, định gởi lại đây luôn, hay bỏ hẳn. Nhưng rồi cô ta không dám hành động như thế và rốt cuộc miễn cưỡng nhận vì nếu không nhận thì khả nghi quá.

Bỗng nhiên Quí đâm sợ, tự hỏi có điều gì bí ẩn, lương lẹo, không minh bạch về chiếc va-ly nầy. Nếu đã không lục soát, chắc chàng còn sợ hơn, vì đoán rằng nó có thể chứa đồ quốc cấm hay chứa những bằng chứng gây liên lụy nào.

Khi xách va-ly từ trong buồng đi ra, chàng nhìn kỹ lại cô gái. Không, cô ta vẫn hiền từ, không có vẻ gì là một tay buôn lậu, một tay cách mạng hay một tay sát nhơn cả.

– Hôm nào cô trở lại ?

– Em chưa biết chắc được.

– Tôi rất mong cô. Tôi có ở nhà, buổi sáng từ 10 giờ rưỡi đến mười hai giờ rưỡi, buổi chiều từ hai giờ rưỡi, tức là liền ngay sau giấc ngủ trưa, đến bốn giờ chiều. Còn đêm thì tôi hoàn toàn rảnh rang.

Thiếu nữ đưa tay ra để nhận va-ly, nhưng chàng nói :

– Để tôi xách ra xe cho cô.

Trên vỉa hè, nàng bắt một chiếc xe tắc-xi, rồi mỉm cười nói với Quí :

– Em mặc nguyên bộ y phục hôm nọ.

– Cám ơn cô lắm. Tôi đã thấy điều ấy ngay từ phút đầu và sung sướng mà gặp lại người mắc nạn, không thay đổi chút xíu nào hết.

Thiếu nữ bước lên xe, chàng trao va-ly theo, đóng cửa lại. Nàng không nói địa chỉ, mà bảo người tài xế cứ chạy tới. Đoạn mỉm cười cúi đầu chào vị ân nhân. Hắn nói :

– Rất mong cô.

– Em mặc nguyên bộ y phục hôm nọ.

Câu nói nầy cứ văng vẳng bên tai Quí mãi, nó đeo đuổi chàng trong bữa ăn, trong giấc ngủ, trong giờ dạy học, trong các buổi họp bạn.

Không, nàng chắc phải có nhiều áo đẹp ngoài chiếc áo đen dùng để về quê nầy. Nhưng nàng vẫn mặc nó trong thành phố, một buổi đi thăm bạn trai, vì phải chăng nàng biết chắc rằng người bạn trai ấy đã ghi hình ảnh nàng trong trí hắn với tất cả mọi thứ phụ thuộc khác trong đó có chiếc áo đen nầy, và tránh cho chàng cảm giác khó chịu đã gặp lại một thiếu nữ khác, cho dẫu là chỉ khác một tí thôi.

Đó là lời nói tràn ứa cảm tình đầu tiên và duy nhứt của cô gái mà chàng được nghe. Nó êm như tiếng ru của một bà mẹ thuở chàng còn thơ ấu, nó dịu như là một bàn tay bọc nhung xoa ngực chàng.

Cuộc đời bấy giờ thật đáng yêu, chớ không ủ dột như chiều mưa gió nọ tại bến đò Rạch-Miễu nữa.

Quí cứ săm soi hộp Prince Albert như đã săm soi chiếc áo bà-ba trong va ly. Cô gái khéo léo quá trong việc xử thế. Cô ta tặng quà một cách trôi chảy, không làm sao mà từ chối được. Cô chỉ tặng một món nho nhỏ độ năm chục bạc, nhưng trình bày khác đi, thành ra người nhận quà không thấy rằng mình nhận quà: đó là một buổi hút thuốc chung, để cùng sống lại một dĩ vãng gần.

Một ngày qua đi, hai ngày trôi, ba ngày tàn, bốn ngày lụn, cô gái áo đen không thấy trở lại. Quí nghĩ rằng lịch sự lắm thì thiệt thân. Nếu chàng cứ tò mò, một sự tò mò vô tội, hỏi nhà cô ta thì đã tìm thăm cô ta được rồi.

Một tuần lễ, hai tuần lễ…. ủa, sao mà lạ như thế nầy ? Chàng đã trót yêu, đã trót si, cô ta đến nuôi nấng sự si mê ấy rồi bặt luôn như một lương-y bốc thuốc hồi dương cho một con bịnh hấp hối, con bịnh tỉnh lại thì ông thầy chạy te.

Sao tàn nhẫn thế ? Sao không để con bịnh tắt nghỉ luôn có phải là nhơn đạo hơn là kéo dài những ngày đau đớn của nó ?

Chàng muốn đăng báo kêu gọi một lần nữa, nhưng lối ấy tốn tiền quá sức, vả cũng chẳng biết dùng luận cứ nào khác khi mà sự hăm dọa không áp dụng được nữa.

Sáng hôm sau tờ nhựt báo « Đường Mới » đăng nơi trang nhứt cái tin một cột sau đây trên bức ảnh của chàng :

MỘT HỌA-SĨ TÀI HOA
ĐANG HẤP HỐI ĐẰNG-PHƯƠNG

Khó mong thoát khỏi tay tử thần.

SAIGON.- Họa-sĩ tên tuổi Đằng-Phương, sau một tuần lễ lâm binh đang hấp hối trên giường tại một nơi kia, xa nhà ông.

Các vị lương-y điều trị cho ông đều đồng thanh bảo rằng ông mắc phải chứng loạn tâm.

Nhưng Đằng-Phương đã từ chối lời van nài bạn hữu ông, xin ông cởi mở tâm tư để họ tìm phương giải thoát tiềm thức của ông.

Bài báo nầy, Quí đã phải hối lộ cho người bạn làm thơ ký tòa soạn cho báo Đường-Mới một tách cà-phê đen nó mới chịu loan tin vịt ấy ra.

Chàng yêu cầu nó nói là chàng nằm một nơi xa, rồi đóng cửa lại mà trốn, kẻo lũ bạn khác nó kéo đến thăm thì đổ bể hết ráo.

Nén hương gọi sư tổ hạ san, vẫn còn linh nghiệm, cô gái áo đen gõ cửa vào một buổi xế chiều chúa nhựt và con bịnh hấp hối, chạy bán sống bán chết từ trong buồng ra để tiếp khách.

« Cô gái áo đen » chỉ còn là cái tên tượng trưng. Lần nầy cô ta mặc toàn trắng, màu trắng trinh nữ của học trò con gái, vừa thấy là nghe thơm ngay mùi trong sạch.

Họ càng hiểu lòng nhau hơn, và chỉ cười thay cho tiếng chào hỏi. Cô gái hóm hỉnh nói :

– Em sắp sửa mua tràng hoa, nhưng anh đã hiện hồn về, thì tức là đã chôn cất xong, trễ quá rồi thì thôi vậy.

Quí đứng chết trân vì lối xưng hô chàng mong ước mà không dám xin ấy thình lình lại được cô khách tự nhiên dùng.

– Em..Có … lý … nào …mà …

– Có lý nào mà anh chận cửa, không tránh cho em vào.

Quí sực nhớ lại điều nầy, bật cười, rồi bước lùi ra sau.

– Lần nầy, vì sao mà em đến ? – Chàng hỏi thế khi cả hai đều an vị.

– Vì anh tha thiết kêu gọi em.

– Em biết đó là tin vịt à ?

– Không cần là thánh cũng biết ngay.

– À, em tên gì chớ? Hôm nay anh mới dám hỏi tên em lần đầu.

– Lan-Chi.

– Lan-Chi ! Tên đẹp quá. Nhưng sao em lại không đến, cứ để anh gọi mãi, tốn tiền quá ?

– Khổ, em cũng sốt ruột cho các lần lãng phí của anh lắm. Từ nay, chắc em phải đến thường hơn, không thôi anh vỡ nợ mất.

Quí cười sung sướng và nói :

– Nhưng lần thứ ba nầy chỉ tốn có một tách cà-phê thôi. Loại bài như vậy, hoặc phải mua hằng vạn bạc hoặc xin bằng tình bạn, chớ không thể vài trăm, vài ngàn mà được.

– Sao em không thấy dụng cụ vẽ vời tại đây ?

– Anh không vẽ nữa từ mấy năm nay. Vì không đủ ăn, nên anh đi dạy người khác… vẽ.

– Anh dạy ai mà đủ sống ?

– Dạy học trò trong trường Mỹ-Nghệ Gia-Định,

– Sao mà em nghe họ nói tranh của các họa sĩ hữu danh như anh, bán đến năm sáu chục ngàn một bức.

– Phải, nhưng không ai mua.

– Tại bán mắc quá à ?

– Không phải. Bên Âu-Mỹ người ta bán đến hằng triệu một bức mà vẫn có người dành nhau mua cho kỳ được.

– Tại nhà giàu ta không biết thưởng thức tranh à ?

– Ừ, nhưng nhà giàu Âu-Mỹ cũng không biết thưởng thức tranh. Nhà giàu họ mua tranh, chỉ để tỏ ra họ không phải trọc phú thôi, bởi vì văn nghệ thơm hơn tiền.

– Vậy thì tại sao anh lại ế hàng ?

– Vì nhà giàu ta chưa biết rằng văn nghệ làm sang con người như nhà giàu Âu-Mỹ đã biết. Hiện nay họ chỉ mới tới trình độ thấy xe hơi nhà lầu làm sang con người thôi. Anh phỏng đoán thì năm mươi năm nữa nhà giàu ta mới thấy như nhà giàu Âu-Mỹ. Trong khi chờ đợi, anh cất tranh vào kho hết.

– Kho anh ở đâu ?

– Đằng hiệu cầm đồ.

Lan-Chi cười dòn mà rằng :

– Nghèo như vậy lại không lo, cứ đăng quảng cáo mãi cho tốn tiền.

– Nếu em bặt tin nữa thì anh sẽ lại phải nhịn thuốc, nhịn cà phê và có thể phải nhịn cơm vì quảng cáo mắc tiền quá sức.

– Anh nên biết điều một chút, sở dĩ em không đến, thì chắc chắn là có lý do gì đó.

– Cố nhiên.

– Như vậy, anh nên ráng chịu. Anh làm phiền em quá.

– Anh xin lỗi em. Nhưng nếu em thờ ơ với anh, thì anh đã nhẫn nại chịu số phận. Đằng nầy, em lại…

– Thì em đã thờ ơ.

– Phải, nhưng anh giận sự thờ ơ đó, làm ồn lên, và em đã hết thờ ơ mà đến lần đầu.

Cô gái giựt mình, mặt lộ vẻ hối hận lắm. Cô hối hận đã đến lần đó, khiến anh chàng nầy lại hy vọng hơn lên, và có thể liều mạng hơn lên.

Chàng tiếp :

– Như vậy sự thờ ơ buổi đầu của em không thật. Chính vì thế mà anh càng tò mò muốn biết vì sao mà em phải giả đò lạnh lạt với anh.

– Anh có biết tò mò xấu lắm không ?

– Biết nhưng không xấu trong trường hợp của anh.

– Sao anh lại được hưởng trường hợp đặc biệt?

– Vì sự bỏ chiếc va-ly, làm cho anh hồ nghi. Anh kêu gọi em, để hết sự hồ nghi nó làm cho anh khó chịu lắm. Em đến, em lại làm cho anh hồ nghi hơn là đã do dự không muốn nhận của lại.

– Sao anh không gọi công an bắt em ?

– Chỉ mới hồ nghi, sao lại bắt. Nhưng anh đã hết hồ nghi rồi. Giờ thì anh cứ muốn gặp em vì lẽ khác.

– Lẽ gì ?

– Vì anh mến em, mà em thì không ghét anh, tự nhiên anh muốn được quen nhiều với em.

– Bằng giá đó ?

– Ừ, hơi mắc tiền một chút, nhưng không hề gì. Anh mà khám phá ra ổ buôn á-phiện lậu của em thì số tiền thưởng của Nha Quan Thuế sẽ bù vào tất cả tổn phí mà anh đã chịu.

Cả hai cười xòa.

Rồi Lan-Chi hỏi chàng về hội họa. Nàng không hiểu nhiều về môn nghệ thuật nầy, nhưng rất muốn hiểu, không vì nghệ thuật mà vì kẻ sáng tạo. Thấy rõ là nàng chú ý đến đời sống của chàng.

– Năm kia, em có đi xem triển lãm tranh của anh, nhớ đã có thấy mặt anh một lần, khiến hôm gặp nhau trên đường, em nghe ngờ ngợ, và khi đứng trên xuồng, chia tay nhau anh nói tên, em mới chợt nhớ lại.

Anh cỏ bức tranh gì, đề tên là cảnh « Sông nước » nhưng lại không thấy sông nước đâu cả trong đó.

– Chỉ gợi ý thôi.

– Em không hiểu gì hết ; nhưng nghe họ khen hay, em cũng tin là hay. Giờ quen với anh, em càng tin hơn.

Quí có nhiều bạn gái, có cả nhơn tình đẹp nữa. Nhưng chàng không yêu họ được, không yêu họ lâu dài được, vì họ chỉ biết con người của chàng mà không quan tâm đến hoạt động của chàng, mà chàng thì rất cần một người bạn gái bổ túc cho chàng, tức là biết thưởng thức cái đẹp mà chàng tạo ra. Những mỹ nhân không hiểu tâm hồn chàng qua tác phẩm của chàng, bị chàng xem như những hình nộm. Không hơn không kém.

Những cô gái đẹp biết thưởng thức nghệ thuật có lẽ không đến đỗi khan hiếm, và chàng đã gặp họ trên đời. Nhưng số chàng rủi ro lắm là luôn luôn có những chuyện lặt vặt nó ngăn chàng quen thân với họ, rồi bận việc, chàng không đủ thời giờ nối lại những mối sơ giao bỏ dở đó.

Lần nầy thì may mắn vô cùng. Lan-Chi tuy không hiểu hội họa bao nhiêu, vẫn là người đang tìm tòi để hiểu và nàng là người chàng tìm kiếm vậy.

Dứt câu chuyện mỹ thuật, nàng hỏi :

– Em bỏ bộ đồ đen, anh thấy sao ?

Quí sung sướng vô cùng mà nhận thấy, qua câu hỏi đó, sự lo lắng của người con gái đối với ý kiến của chàng về nhan sắc nàng. Nàng muốn được đẹp trước mắt chàng, như đã cố ý cho chàng xem lại người chàng mơ, lúc đến đây lần đầu trong bộ đồ đen chìm đò.

– Em mặc đen hay trắng gì cũng đẹp tuốt.

– Nhưng chắc anh thích gặp lại cô gái áo đen hơn. .

– Cố nhiên, nhưng không lẽ bắt em dùng màu tang chế mãi. Hay là như thế nầy : thỉnh thoảng em mặc lại bộ y phục ấy một lần, và anh cũng mặc lại bộ Âu-phục chìm đò hôm nọ. Ta sẽ gặp nhau nơi công viên nào đó, một đêm mưa, để tạo lại phần nào không khí trên đảo Tân-Vinh.

– Chuyện đó thì hơi khó.

Lan-Chi đánh trống lấp, lái câu chuyện qua hướng khác :

– Nhà anh trống trước, trống sau cả. Cửa sổ cửa lớn gì cũng phải treo màn cho nó kín đáo, ấm cúng. Tường phải được trang-trí bằng chính tranh của anh, chớ sao mà để trơ mặt phấn của nó ra như tường khách-sạn vậy. Rõ là thợ rèn không dao ăn trầu. Lần sau em đem màn đến cho anh, nhưng mà em muốn thấy tranh trên tường đa nghen.

Lan-Chi nói ra như lệnh, nhưng Quí không nghe mích lòng, trái lại chàng sung sướng không biết bao nhiêu mà nhận thấy trong sư hách dịch đó tâm-hồn của một người bạn chớ không phải là một người quen thường, lạnh lùng với chàng nữa, hơn thế, một người bạn rất thân, thân ghê lắm nên mới tự thấy mình có quyền đối với chủ nhà.

Lan-Chi xin về, Quí tiếc quá, thiết tha mời :

– Chiều nay, em đi ăn cơm với anh có được hay không ?

– Cô em khó lắm, với lại ba má em đã gởi gấm em với cô em kỹ quá, em không có cớ để vắng nhà lâu.

– Chừng nào em đến nữa ?

– Bữa kia. Anh phải có tranh, nếu không, anh sẽ biết em !

– Vâng lịnh.

Lần nầy, họ bịn rịn hai lâu thiếu nữ mới ra khỏi nhà được. Nhưng nàng ngăn Quí đưa ra tận đường bằng một giọng quyết liệt, khiến Quí đành phải y theo lời nàng. Chàng đứng nơi cửa, nhìn bạn lên xe, vẫy tay đáp lại cái mỉm cười của Lan-Chi. Con đường Lê-Lai buồn lắm bỗng đẹp rực rỡ lên và cho đến cả những mui xe lửa xám xịt thấy qua đầu tường, bên kia đường, cũng đẹp như mui xe Huê-Kỳ.

Lan-Chi đúng hẹn. Nàng đến với hai bức màn cửa sổ bằng vải ni-lông trổ hoa và hai bức màn cửa lớn bằng voan.

– Bây giờ thì anh chỉ còn treo lên thôi.

– Ừ, để anh mua dây kẽm rồi anh treo.

Lan-Chi đưa cả hai tay lên và kêu :

– Trời ! Ai lại treo màn bằng dây kẽm ! Anh phải gọi thợ mộc, đặt họ bốn cái hộp, trong hộp có đà ngang. Treo bằng dây kẽm, vài bữa, giây nó giãn ra, màn sẽ oằn, coi sao được.

– Rắc rối lắm.

– Anh lười, nhưng cả đời anh, chỉ phải mất công gọi thợ mộc có một lần, hay hai lần gì đó, anh lại không có can đảm làm à ? Đâu nào, tranh ra sao ?

Tường của buồng khách, Quí treo hai bức tranh dầu thật to của chàng. Tranh cũ bán không được, chàng gởi ở nhà bạn, mới lấy về hôm qua. Lan-Chi đứng ngắm một hơi rồi nói :

Rằng hay thì thật là hay,
Xem ra thì, ngỡ người say vẽ hình.

Đôi bạn cười xòa với nhau. Đoạn nàng lại mở cái gói to đặt dưới gạch nãy giờ. Quí rất đổi ngạc nhiên mà thấy nào là than đước, ấm nhôm và bình, chén.

Lan-Chi xách ấm và mang cả than đi xuống bếp. Nàng nhúm lửa lên trong cái hỏa lò đổ mà có lẽ người thuê nhà trước Quí đã bỏ lại, rồi đi rửa ấm, múc nước để nấu.

Trong khi đó, Quí cũng tiếp tay với bạn, rửa bình và chén. Chàng có cái cảm-giác hay hay và êm dịu lòng quả rằng đây là đôi vợ chồng mới cưới và mới dọn nhà, bận rộn tíu tít.

Họ trở lên nhà trên và Lan-Chi hỏi :

– Anh uống nước chứa trong cái hồ xi-măng ấy à ?

– Không, lúc nào khát anh nhịn cho tới giờ ra ngoài gặp bạn.

– Từ rày, anh nên uống nước ở nhà. Cái bếp lạnh, anh không thấy là hoang vắng sao ?

– Thấy, nhưng anh đợi một người vào đây, để làm cho nó ấm cúng ra.

– Người ấy chừng nào vào ?

– Chưa biết, thỉnh thoảng nàng hiện ra, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, nấu nướng y như mỹ nhân trong tranh của chuyện « Bích-Câu Kỳ-Ngộ ». Anh quyết rình và hôm nào đó, anh sẽ chụp được nàng trước khi nàng chun trở vào trốn trong bức tranh.

Lan-Chi cười nói :

– Anh đừng có hăm dọa mà nàng sợ không dám xuất hiện nữa.

– Anh mời em vào buồng trong xem bức tranh anh mới phác họa. Trong đó, không thể treo tranh cũ được.

Lan-Chi bước theo Quí và tới cửa buồng, nàng nhìn theo ngón tay của bạn thì thấy nơi tường ở đầu giường của chủ nhà, treo một khung vải bố mà trên đó họa sĩ mới chấm phá những nét đơn sơ để xây dựng một cảnh mà Lan-Chi thoáng thấy đó là cảnh về đêm trên hoang đảo, và một đôi nam nữ đang đối bóng giữa cây lá um tùm.

Quí nói :

– Cô gái ấy trốn trong tranh nầy.

– Anh chưa vẽ cô ta cho rõ ra.

– Anh không vẽ, vì họ đang ngồi trong bóng tối. Nhưng có lẽ anh sẽ xóa luôn cái dáng mờ của nàng. Anh chỉ muốn nhìn nàng tận mắt, hay là nhìn hình bóng của nàng trong trí nhớ. Không bức tượng, bức vẽ, bức ảnh nào thay thế được hình bóng ấy cà, trừ phi con người thật, bằng xương bằng thịt của nàng.

Bỗng Lan-Chi hốt hoảng kêu lên :

– Ý chết, chắc nước sôi.

Rồi nàng chạy ra buồng khách, mở lấy gói trà, đoạn đi xuống bếp châm nước. Xong đâu đó, nàng bưng hai chén trà lên mời bạn và giao kết :

– Lần sau em đến, chính anh phải mời nước. Nếu anh sợ nhúm lửa bẩn tay thì sắm rê-sô. Vỏ dừa nầy giữ nóng được cả ngày thì sáng châm một bình, chiều châm một bình là đủ rồi.

– Vâng lịnh. Em còn sai khiến gì nữa ?

– Hoàn thành bức tranh trong buồng. Vẽ thêm một bức nữa về cảnh anh đứng trên bờ tiễn xuồng em tách bến.

– Anh thấy phải có một cảnh thứ ba nữa, vẽ anh cùng em đi trên đường phố Saigon, hoặc cảnh « bên anh đọc sách, bên nàng vá may » trong nhà nầy.

– Không làm sao có cảnh ấy được cả.

– Anh ao ước được uống mãi trà do em pha.

– Em rất tiếc.

– Em nè, chắc em đã hiểu lòng anh, mặc dầu anh chưa hề nói gì với em cả. Như vậy anh khỏi phải bày tỏ gì nữa hết, mà đi ngay vào một vấn đề đã đặt ra rồi giữa chúng ta. Anh không hiểu sao em lại có thái độ như vậy. Em từ chối một cách máy móc chớ không chờ đắn đo, suy nghĩ.

– Tình bạn không đủ cho anh hay sao ? Chính anh chỉ đòi có bấy nhiêu đó, lúc em đến đây lần đầu.

– Đúng, nhưng tình cảm cũng tiến triển như sự việc vậy, chớ nó có đứng yên một nơi đâu.

– Tình cảm của anh tiến triển mau lẹ quá. Em mới đến đây lần thứ ba.

– Em bắt bí anh cho vui vậy chớ em dư biết rằng anh gặp em cách đây non hai tháng rồi kia mà.

– Thôi anh cho khi khác.

Lan-Chi đứng lên xin phép về, và Quí khẩn khoản van nài.

– Xin em xem xét lại thỉnh nguyện của anh.

– Anh muốn được tình bạn hay mất cả ?

Quí sợ hãi, không dám nài nỉ thêm gì.

Ba hôm sau, Lan-Chi lại đến. Nàng cũng mặc trắng như hôm trước. Quí khen :

– Em thật có tướng học trò. Em học ở đâu ?

– Tướng học trò như giò ăn cắp phải không ?

Lan-Chi đánh trống lấp rất tài. Lần nào muốn lẩn tránh một câu đáp khó là nàng pha trò một tiếng, thế là cả hai cười xòa rồi câu chuyện tự nhiên bị hướng đi qua chiều khác.

Nàng mở xắc ra, lấy một hộp thuốc Prince Albert dẹp, quà tặng bạn mà nàng không nói ra, và Quí cứ tự nhiên nhận và không nói cám ơn.

Lấy thuốc ra, Lan-Chi đã làm xáo trộn mọi vật trong xắc, nên nàng đổ tất cả lên bàn để sắp trở vào cho có thứ tự : son phấn, gương con, tiền lẻ ; chiếc khăn mu-xoa gói cái gì không to, nhưng xem ra nặng lắm.

Lan-Chi tự xem có quyền thu dọn nơi nhà nầy thì Quí cũng tự ban cho chàng cái quyền nhỏ là để mắt tới vật dụng của nàng từ xắc lọt ra. Chàng đưa tay lấy cái gói bằng khăn mu-xoa ấy và mở xem rồi kinh ngạc, ngồi thừ ra rất lâu.

Lan-Chi hơi bối rối, nhưng trấn tĩnh được ngay. Bỏ gói trở vào xắc, nàng bình tĩnh hỏi:

– Hộp thuốc hôm nọ, anh hút hết chưa?

Quí không đáp. Chàng vừa khám phá được một điều kỳ dị hết sức. Chiếc khăn mu-xoa gói một chiếc chìa khóa cửa. Nếu thế thì Lan-Chi sống độc thân rồi chớ không phải ở trọ nhà người cô «rất khó tánh» như nàng đã nói.

Các cụ không bao giờ khóa cửa bỏ nhà đi đâu cả. Nếu không con cháu thì các cụ có lão bộc để trông coi nhà cửa, chớ đóng cửa bên ngoài là một điều mà các cụ rất kiêng. Còn như bà cụ nầy có không tin dị đoan đi nữa thì chính bà giữ chìa khóa chớ không phải Lan-Chi.

« Có những bí mật gì trong đời nàng, – Quí băn khoăn tự hỏi điều đó, – hay là nàng… ? » Chàng khủng khiếp vì một ý nghĩ ghê gớm vừa lóe ra như một tia điện nơi trí chàng. Nhưng chàng thấy ý nghĩ ấy vô lý hết sức nên vội xua nó đi ngay.

Chàng mong gặp bạn, giờ gặp thì nên vui. Những phút giây sung sướng ngắn ngủi quá, sao lại làm cho vẩn đục đi.

Vậy họ đàm đạo, pha trò, và cả hai cười vang nhà, chàng quên tất cả mọi băn khoăn vì cái chìa khóa bí mật, nàng quên băn khoăn vì bí mật bị bắt gặp và nhứt là vì vẻ băn khoăn của kẻ khám phá.

Giây lâu, Lan-Chi vào buồng trong để xem lại bức họa vẽ dở chừng. Quí không có bôi thêm cọ dầu nào lên đó cả, và chàng giải thích :

– Đó là bản đàn chưa dứt. Anh đợi xem nó ngã ngũ ra sao.

Lan-Chi lục soát y phục của bạn, rồi lấy kim chỉ nàng mang theo để tra lại những nút áo sơ-mi long sắp đứt.

– Lan-Chi à, anh muốn mời em tối nay đi xem chiếu bóng.

– Đi ăn cơm ban ngày còn không được, làm sao mà em dám đi xi-nê.

– Nhưng đêm nay bà cô đi vắng.

– Sao anh biết ?

– Anh thấy chiếc chìa khóa. Chắc bà cô giao nhà cho em. A, nhà không có tôi tớ sao em ?

Lan-Chi bối rối quá, một lát lâu mới nói được :

– Đó là chìa khóa tù.

Lần đầu tiên, thiếu nữ thông minh ấy mất khôn. Nàng đã nói một điều vô lý hết sức vì trên đời nầy, không có cải tủ nào mà khóa bằng chìa khóa cửa cả.

Để bạn ngồi trên mép giường với công việc của nàng, Quí thọc hai tay vào túi quần, đi từ trong ra ngoài, rồi từ ngoài vào tuốt nhà bếp. Chàng bước mau lắm, vì trí chàng đang sôi nổi những chiến lược sắp dùng để biết đích xác tình cảm của bạn đối với chàng. Chỉ có điều ấy là đáng kể, bao nhiêu thứ khác như là sự quá dè dặt của nàng, đời sống có vẻ bí mật của nàng đều hoàn toàn phụ thuộc.

Bỗng chàng mỉm cười, dừng bước lại trước chiếc giường và nói :

– Em Lan-Chi ơi, anh xin báo tin mừng của anh cho em hay. Tuần tới, anh cưới vợ, em sẽ tặng anh quà gì ?

Lan-Chi rụng rời, đâm nhằm mũi kim vào đầu ngón tay. Nàng vừa xuýt xoa, vừa nặn máu ra. Một hột máu đỏ rịn trên da hồng của đầu ngón bị bóp chặt, cho nàng cái cảm giác rằng tim nàng cũng đang rịn máu vì cũng đang bị ai bóp trong ấy.

Ngước lên, nàng gượng cười hỏi, giọng nghẹn ngào :

– Tuần tới à, ngày nào ?

– Tối thứ bảy. Nay là thứ sáu. Đúng chín ngày nữa. Anh cô đơn quá, như em đã thấy.

– Cố nhiên là sẽ có quà. Nhưng em giữ bí mật cho đến ngày chót cũng như anh đã giữ bí mật hôn nhơn của anh cho tới bữa nay.

Lan-Chi không nói gì nữa, vội vàng làm nốt công việc rồi đứng lên xin phép về. Lần nầy Quí không cầm giữ bạn nữa, chàng cũng không lo đã làm khổ ai, vì chàng rất sung sướng mà đã biết được điều chàng muốn biết. Bây giờ chỉ còn nghiên cứu xem phải hành động ra sao.

Tuần sau đó, Lan-Chi không đến. Quí chờ mãi rồi đâm lo. « Bậy thật, chàng nghĩ, có thể nàng buồn và tuyệt giao luôn cũng nên. Như thế thì thật bặt tăm chim cá, không làm sao mà đính chánh cái tin thử lòng của mình được ».

Quí sốt ruột mười lần hơn hồi mới về Saigon. Hồi ấy, chàng chưa yêu nhiều, và nàng còn thờ ơ ; mất nàng, bất quá chàng chỉ buồn một tháng là cùng. Giờ thì chàng đã len sâu quá vào mê đạo của ái tình, không làm sao mà tìm lối ra được nữa.

Đến trưa thứ sáu tuần sau đó, tức một ngày trước cái ngày cưới mà chàng đã báo với bạn, trong lúc Quí đang nằm gác tay lên trán mà tuyệt vọng thì Lan-Chi gõ cửa ngoài thềm.

Thường thì nàng đi thẳng vào mà không lên tiếng, sự dè dặt hôm nay của Lan-Chi khiến Quí ngỡ là khách nào ấy. Chàng uể oải ngồi dậy, chẫm rãi bước ra ngoài.

– Ồ Lan-Chi!

Lan-Chi buồn vô hạn, đứng nơi khung cửa, hỏi bạn bằng mắt « Nhà đã có người mới chưa, em vào được chớ ? » Để đáp lại câu hỏi thầm lặng ấy, Quí nói lớn :

– Em cứ vào tự do như mọi lần đi chớ, sao lại đứng đó.

Lan-Chi lặng lẽ bước vào buồng khách, đặt lên bàn một bọc gói bằng giấy hồng. Nàng nói :

– Sao không thấy trang hoàng nhà cửa. Gia quyến anh không có ai đến à ?

– Hãy khoan tò mò về chuyện đám cưới cà rỡn đó. Em cho xem quà thử coi ý nghĩa thế nào.

Lan-Chi lặng lẽ mở gói. Nàng làm cẩn thận lắm, khiến Quí ngỡ món quà là một món đồ bằng thủy tinh. Nhưng khi tờ giấy hồng được banh ra thì, người họa sĩ trẻ tuổi nầy ngạc nhiên hết sức mà thấy một món quà lạ lùng nhứt mà chưa có đám cưới nào nhận được. Đó là một bộ đồ kẹp sách đứng trên bàn, gồm hai pho tượng bằng sứ nhiều màu.

Đây là món quà đắt giá vì người tặng chắc chắn đã phải đặt làm riêng theo một đề tài chỉ định. Nước men lại nhuộm đến bốn màu, kể cả màu đen là màu rất hiếm trong công nghệ đồ sứ.

Một pho tượng tạc hình một cô gái mặc đen ngồi trên cỏ xanh, lưng dựa vào một gốc cây cằn cỗi màu xám. Gốc cấy ấy phía đỡ lưng của cô gái thì tròn, nhưng phía bên kia thì bằng mặt để ôm sát vào hông quyển sách đứng.

Pho tượng thứ nhì tạc một thanh niên Âu-phục màu sô-cô-la, cũng ngồi trên cỏ xanh, dựa lưng vào gốc cây xám.

Màu da của cả hai người đều hồng pha vàng.

Trên một món đồ sứ mà nhiều máu xen lẫn với nhau như thế thì món đồ ấy rất khó thực hiện và cố nhiên phải mắc tiền.

– Trời, sao em lại xài to như thế nầy ?

– Bao nhiêu tiền cũng không xứng với kỷ niệm ngàn đời mà cả anh lẫn em đều cùng giữ. Để bộ đồ nầy trên bàn, anh sẽ nhớ chuyện cũ mỗi ngày, nhưng người khác không sao biết được ẩn ý giấu trong khối cao lanh nung nầy.

– Anh thích ghê món quà nầy, nhưng rất sốt ruột mà nhớ đến số tiền em phải xuất ra. Cũng tại anh nói láo, báo hại em tốn tiền quá sức, anh ngại lắm.

Lan-Chi hơi hy vọng, và vẻ buồn trên gương mặt của nàng tan dần. Tuy nhiên nàng vẫn chưa dám mừng vội. Quí tiếp :

– Anh xin lỗi em đã đùa một cách dại dột.

Muốn thật chắc ý, Lan-Chi hỏi :

– Anh đùa về gì ?

– Cái tin đám cưới ấy, tin vịt một trăm phần trăm.

Lan-Chi tài giỏi cho đến đâu cũng không che được sự biến đổi trên mặt nàng, Quí biết rằng đó là một cô gái rất kiêu ngạo, nhưng kiêu hãnh nào cũng phải nhường bước cho một nỗi mừng to lớn và bất ngờ nó đột ngột đến sau một tuần lễ tuyệt vọng của nàng.

Quí thấy rằng hôm nay đã phải lúc cần nói ra lời những gì mà hai người đã ngầm hiểu với nhau từ lâu. Vấn đề phải được đặt ra rõ rệt, và Lan-Chi phải trả lời dứt khoát, không thể kéo dài sự úp mở lâu hơn.

– Em Lan-Chi, em đã cho anh tình bạn. Anh đã đứng đắn trong tình bạn đó. Nhưng em dư biết tình cảm của anh đối với em khác. Từ bấy lâu nay, em đã đoan trang mà dè dặt một cách chánh đáng. Nhưng nay, anh xin quyết em, anh van nài em cho anh biết rõ tình cảm của em đối với anh thuộc loại nào.

– Thì đã rõ ràng như ban ngày. Ta là bạn với nhau…

– Cố nhiên là như vậy. Nhưng anh đinh ninh rằng tình bạn giữa đôi ta chỉ là cái phòng chờ, để ta đứng đó mà đợi hầu bước vào một thế giới khác.

– Tình bạn không đủ cho anh hay sao ?

– Tình bạn cũng quí lắm em à, và được một người bạn gái như em, anh đã hoàn toàn thỏa mãn trong thứ tình đó. Nhưng mà anh đã yêu em, anh xin trắng trợn nói ra động từ đó mà có lẽ em đã vừa sợ, vừa chờ đợi từ lâu.

– Và chắc anh cũng đoán biết, tuy không biết rõ lắm, rằng em không thể bước xa hơn được nữa chớ ?

– Quả anh thấy như vậy. Nhưng anh ngờ rằng trở lực nó ngăn cản em, không là chướng ngại lớn lắm. Anh muốn biết rõ những lý do chận ngỏ, đón truông em, để ta cùng nhau nghiên cứu lối ra.

– Không, anh không thể nào biết được tình cảnh của em.

– Lan-Chi ơi, anh đã yêu em, mà nếu anh không lầm thì em cũng đã… cũng đã…

– Không, anh lầm. Em chỉ xem anh là một người bạn tốt.

Quí tức mình, rồi nổi giận, nói lớn :

– Em đừng có chối, vô ích. Về mặt ngoài thì như thế. Nhưng em không thể dối lòng em và dối lòng anh được. Ta nhìn mặt nhau, mắt đi thẳng vào mắt thử xem em còn nói thầm như thế được nữa hay không với anh.

– Không, anh đừng cố ý gán cho em một tình cảm mà em không hề có.

– Có, em đã có tình cảm ấy với anh, em đã… YÊU anh.

Quí run rẩy cả người, la lớn lên, nhấn mạnh tiếng YÊU đó và đánh nhịp nó bằng một cái đấm của nắm tay lên đùi chàng và một cái dậm chơn lên gạch thật mạnh.

Lan-Chi cũng nổi giận xô ghế kêu một cái rột, đứng lên hét :

– Anh nói bậy !

Người họa-sĩ si-tình nhảy một cái là ra tới cửa.

Chàng đóng cửa lại một cái rầm, đứng chận nơi đó và nói gằn từng tiếng :

– Em không được đi. Em phải nhìn nhận những điều anh nói, anh mới để cho em thoát khỏi chốn nầy. Thoát khỏi rồi, em cũng chưa yên thân đâu, vì lát nữa đây, anh sẽ đi theo em bén gót. Anh sẽ làm khổ em đến cùng, bất cứ ở đâu, nhứt là ở nhà bà cô của em.

Lan-Chi thả rơi mình trở xuống ghế rồi ôm mặt mà khóc òa. Nước mắt của nàng tưới tắt ngay cơn thịnh nộ của người con trai liều mạng và táo tợn. Chàng hối hận hết sức và rất xấu hổ mà đã cỏ một tác phong du-côn như vậy.

Đứng nhìn bạn khóc đến run rẩy cả người, Quí xót đau vô hạn, và lại càng yêu hơn con người đã làm chàng khổ và đã khổ vì chàng.

Tuy nhiên, chàng không dám can thiệp, chỉ đứng đó mà xót xa thôi. Lan-Chi khóc, khóc rất nhiều, và rất lâu. Nhưng nguồn lệ dồi dào nào cũng có hạn, nên đến một lúc kia nàng chỉ còn thổn thức thôi.

Quí bước tới đứng sát bên cạnh bạn, lặng nhìn đầu và lưng khom của nàng chốc chốc bị những cái tấm tức, tấm tưởi đẩy dội lên.

Giây lâu, chàng quì gối trên gạch và ngước mặt lên, nói nho nhỏ:

– Lan-Chi ơi, tha lỗi cho anh nhé.

Lan-Chi ngồi thẳng lên rút khăn tay lau mắt và nói :

– Anh đã làm phiền em nhiều lần rồi, giờ anh lại còn làm khổ em nữa.

– Anh xin lỗi em, anh hóa điên rồi, nhưng điên vì em, thì em cũng nên rộng lượng… Em nè, anh yêu em, em yêu anh, thì sao ta lại không dám yêu nhau…

Lan-Chi nhẹ đặt một bàn tay lên tóc Quí rồi lại khóc. Lần nầy nàng chỉ khóc thút thít thôi. Quí cầm lấy tay nàng và nói :

– Em ơi, anh đã tìm được người bạn của đời anh, nếu em hất hủi anh, thì anh phải chết, chớ không sống sót lại được với mối tình khôn thỏa nầy.

Lan-Chi khóc mùi mẫn, cúi xuống hôn lên tóc bạn rồi nói :

– Anh, ngày sau dầu có thế nào, anh cũng nên nhớ cho rằng trong giây phút nầy đây, em đã yêu anh, và cái hôn nầy là một cái hôn thật, tự đáy lòng em muốn như vậy.

– Em, tại sao em lại nói mấy tiếng «Ngày sau dầu có thế nào…» làm cho anh lo sợ hết sức.

Chàng vừa nói vừa siết chặt tay bạn lại, và đưa nó lên môi chàng. Bỗng Lan-Chi giựt tay lại thình lình, đứng lên mà rằng :

– Không, xin anh đứng đắn.

Quí ngạc nhiên lắm và thất vọng, chàng té ngồi lên gạch mà ấp úng :

– Sao.. sao… em lại có… phản ứng bất ngờ như vậy ?

– Em đã ngây dại, tự quên mình trong một giây. Không, đã hết rồi.

– Trời ơi, Lan-Chi ơi, em cứ dẫn dắt anh ngày một đi tới thêm một bước, rồi bỏ rơi anh một cách đột ngột, sao em tàn nhẫn vậy ?

– Em đã quên mình, em hối hận lắm. Nhưng đã hết rồi, xin anh biết cho.

Mặt Lan-Chi lộ vẻ sợ hãi trông thấy. Khi nãy bị nhốt trong nhà, nàng không tỏ ra hoảng hốt chút nào, nhưng giờ thì sự kinh khủng nơi nàng thật là rõ rệt. Nàng sợ chính lòng nàng, chớ không phải sợ người con trai liều lĩnh.

– Em Lan-Chi, em nỡ nào…

– Không, anh phải tự mãn với tình bạn giữa đôi ta, nhưng tình bạn ấy từ đây, cũng phải hạn chế, chớ không còn được thân mật như trước nữa. Em không thể đến đây được nữa.

– Trời ơi, vậy là chết anh rồi…

– Anh là một người nguy hiểm.

– Anh đã xin lỗi em và cắt nghĩa hành động ngông cuồng của anh hồi nãy. Anh chỉ làm thế trong một phút điên trí thôi, chớ rồi con người biết điều của anh cũng sẽ thắng…

– Không phải vì lẽ đó. Khi nãy, anh đóng cửa, em có sợ anh đâu. Nhưng anh si mê một cách dại dột vì một mối tình mà em quả quyết rằng không thể được, thì anh có thể làm liều, em đoán trước sao được những gì sẽ xảy ra để mà đề phòng. Anh lại có thể, vì sự đeo đuổi dai dẳng em mà đẩy em vào những nẻo em không muốn đi.

– Em, hay là… hay là… anh bằng lòng với tình bạn, không dám đòi hỏi van xin gì nữa, miễn là thỉnh thoảng em đến đây thăm anh như trước.

– Đã trễ quá rồi, em đã sợ anh rồi. Nhưng em không làm bức quá đâu, có điều là anh phải chịu những điều kiện sau đây, không thì mất cả.

– Xin em trình bày thử điều kiện của em.

– Em cho anh biết sở của em làm việc. Khi nào tưởng nhớ đến em, anh tới đó, đứng xa mà nhìn em lúc em tới sở và lúc em ra về. Nhưng mà anh không được lại gần để nói với em điều gì. Nếu anh bội ước, làm liều thì liệu đấy, em sẽ làm mặt lạ, và mắng anh giữa công chúng thì anh chịu lấy. Em không hăm dọa như thế cho anh sợ đâu. Em thề quyết sẽ có thái độ đó, nếu anh bội ước.

Quí thở dài. Nếu không nhận thì mất cả ! Và mặc dầu hiệp ước bất bình đẳng rõ rệt, chàng vẫn buộc lòng phải ký tên và cam kết tôn trọng những điều khoản trong đó, rồi sau hẵng hay.

Tuy nhiên, chàng vẫn cố tự vệ ở điểm then chốt:

– Được. Nhưng ngộ em cho anh một địa chỉ giả để thoát khỏi nơi đây rồi biệt dạng nữa thì sao ?

– Nếu em bất lương như vậy thì còn đâu xứng đáng với tình yêu to lớn của anh. Vả lại, muốn thoát khỏi đây, không khó lắm như anh ngỡ đâu, một là em đủ bản lĩnh thoát thân, hai là anh không dám, chắc chắn như vậy, anh không dám tự bôi lọ anh. Tuy nhiên, em vẫn cho thấy bảo đảm.

Lan-Chi nói rồi mở xắc lấy trong đó ra tờ chứng minh nghề nghiệp của nàng. Quí đọc sơ thì biết rằng một hiệu buôn tơ lụa ở đường Tự-Do đã nhận trong đó rằng cô Cao-thị-Thu là người bán hàng của «bổn hiệu».

– Nhưng đây là chứng-minh-thư cho cô Cao-thị-Thu kia mà.

– Cao-thị-Thu chính là em đó.

Quí phì cười rồi nói :

– Cô muốn bảo cô tên gì cũng được cả. Nhưng chỉ có trời mà dám tin.

Lan-Chi lại mở xắc và lấy thẻ căn cước bọc nhựa của nàng giao cho Quí. Chàng nhìn bức ảnh thì quả đó là ảnh Lan-Chi và đọc tên người thì cũng quả là Cao-thị-Thu.

Quí thừ người ra rất lâu vì sự biến hóa bất ngờ nầy. Khi mà người ta yêu, người ta chẳng những ấp yêu hình ảnh người phụ nữ thương mến, mà người ta lại còn ấp yêu cả tên họ, nơi ăn chốn ở của người đó nữa.

Chàng đã viết tên Lan-Chi lên sách vở chàng, lên bàn viết chàng, lên gối chăn của chàng, nhứt là đã viết hai chữ dịu dàng có nghĩa là « cành lan » ấy vào trí óc, vào tim chàng, hơn thế đã dùng mũi nhọn của lưỡi dao con chó thép già, bén ngót, để khắc sâu nó vào nơi ấy.

Quí nhìn lại thiếu nữ đang đứng trước mặt chàng và có cảm giác rằng nàng vừa thiếu mất một cái gì. Thật là khó chịu. Nếu chàng mất hẳn Lan-Chi thì nỗi buồn của chàng sẽ trọn vẹn. Nó to lớn thật nhưng cô đọng lại thành một khối, rõ rệt là nỗi buồn mất bạn. Chí như cái trò biến hóa tên tuổi nầy thì không ổn chút nào. Chàng không buồn được vì nàng còn đây, nhưng vẫn không hoàn toàn vui lòng vì quả nàng đã bị sứt mẻ phần nào.

Tên Thu vẫn đẹp không kém tên Lan-Chi chút nào, nhưng chàng đã trót khắc cốt ghi xương cái tên giả ấy thì khó lòng mà đưa tình cảm của chàng qua một cái tên khác được.

Có sự hội ý, sự liên tưởng giữa tên người và hình bóng người. Hễ nghĩ đến một người nào là ta thốt thầm lên « Em Kiều-Vân, Em Mộng-Nguyệt », hễ nghĩ đến tên Bích-Thủy, Tường-Vân là một gương mặt, một thân hình nổi lên trên bức màn đen của trí tưởng. Hai thứ ấy đã hỗ tương tạo nên tình cảm của ta và hễ nó sứt mẻ là tình sứt mẻ.

– Trời ơi, – chàng kêu than, – lẽ ra từ bao lâu nay, em đã ru ngủ anh bằng một cái tên giả.

– Dè dặt như vậy mà còn khổ với anh. Thôi, em xin phép anh và vĩnh biệt.

– Anh không bao giờ hết hy vọng cả.

—>Xem tiếp

This entry was posted in 3.Truyện dài - Tiểu thuyết, Bình-nguyên Lộc. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời