CHIẾN-THẮNG AN-LỘC 1972 : Phần I (Chương 1-5)

CHƯƠNG 2

MẶT TRẬN LỘC NINH

1 . ĐIỂM LÀ AN LỘC,
ĐƯỢC KHỞI ĐẦU BẰNG TRẬN TẤN CHIẾM LỘC NINH


anloc_chuong2-1
Quân Cộng Sản Bắc Việt tấn chiếm Quận Lộc Ninh (30 cây số Bắc tỉnh Bình Long), được khởi diễn vào lúc 17 giờ 45 ngày 04 tháng 04 năm 1972. Được xem như mở màn cho trận chiến An Lộc khi Đại Đội Trinh Sát của Chiến Đoàn 9 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà chạm trán nặng và bất ngờ với Trung Đoàn E.6, thuộc Công Trường 5 Cộng Sản Bắc Việt tại vùng hoạt động 4 cây số Tây Lộc Ninh. Cả Đại Đội Trinh Sát 9 bị địch tràn ngập và tiêu diệt trong khoảnh khắc, chỉ còn lại vài Chiến Sĩ trong đó có một hiệu thính viên mang máy còn sống sót, gọi báo cho Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 về tình hình chiến xa, bộ binh địch, đang tràn ngập và cận chiến, đánh xáp lá cà với các Chiến sĩ Trinh Sát 9, chúng đang tiếp tục tiến về hướng Quận Lộc Ninh. Người Chiến Sĩ anh hùng hiệu thính viên của Đại Đội 9 Trinh Sát vẫn tiếp tục báo cáo về Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 sự di chuyển của địch cho mãi đến chiều ngày 06 tháng 04, tiếng nói của người chiến binh quả cảm này im bặt vào lúc 18 giờ 30 cùng ngày.

Tại Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 (-), mọi người đều biết tình hình chiến trận bắt đầu trở nên nghiêm trọng; Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh, Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 9, cùng toán cố vấn, và toàn thể các đơn vị, kể cả Chi Khu Lộc Ninh, đều được cảnh giác, và ban hành lệnh báo động ứng chiến (1).

Lúc 05 giờ sáng ngày 05 tháng 04 năm1972 mở màn cho cuộc tấn công của Chiến Dịch mà Cộng Quân đặt tên là “Nguyễn Huệ” với khẩu hiệu: Khí thế như Mậu Thân, Ra quân như Nguyễn Huệ, Diệt gọn như Điện Biên (2).

Cộng quân bắt đầu pháo kích vào Quận Lỵ, dọn đường cho bộ binh và chiến xa đang trên đường ồ ạt tiến quân vào Lộc Ninh.

Đến 06 giờ sáng cùng ngày, từ phía Tây và Tây Bắc, Cộng quân tung vào chiến trường toàn bộ Công Trường 5, gồm có Trung Đoàn 275, Trung Đoàn 174, Trung Đoàn E.6, được tăng cường Trung Đoàn 95.C của Công Trường 9 và một Trung Đoàn Địa Phương, cộng thêm 1 Đại Đội Chiến Xa trực thuộc Trung Đoàn Chiến Xa Hỗn Hợp 203 (T.54 và PT.76, tổng cộng có 10 chiếc tham chiến), về phòng không và pháo binh, có Trung Đoàn phòng không cơ động 271, dưới sự yểm trợ của Trung Đoàn Pháo nặng 42.D (130 ly có tầm xa 30 cây số), và các giàn phóng hoả tiễn 107 và 122 ly. Tổng cộng quân số địch tham dự trận đánh khoảng 15,000 quân bộ chiến, chưa kể Thiết Giáp và Pháo Binh.

Phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà gồm có các đơn vị: Chiến Đoàn 9 (-) thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà do Đại tá Nguyễn Công Vĩnh chỉ huy, Thiết Đoàn 1 (-) thuộc Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh do trung Tá Nguyễn Đức Dương chỉ huy (gồm 14 Chiến Xa M.41 và 26 Thiết vận Xa M.113) + Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân biên phòng, Tiểu Đoàn 2/9, Tiểu Đoàn 3/9 Bộ Binh, cùng với lực lượng diện địa của Chi Khu Lộc Ninh do Trung Tá Nguyễn Đức Thịnh, Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng chỉ huy và toàn khu vực, được khoảng 1 Tiểu Đoàn Pháo Binh hỗn hợp 105 ly và 155 ly). Tổng cộng quân số khoảng 3,000 tay súng.

Khởi đầu trận đánh, Cộng quân pháo kích vào Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng đang trú đóng tại căn cứ Alpha “Hoa Lư” 9 cây số Bắc Lộc Ninh (nơi đây có một Pháo Đội Hỗn Hợp 105 và 155 ly), và Thiết Đoàn 1 (-), trú đóng tại ngã ba Lộc Tấn (3 cây số Nam căn cứ Hoa Lư) cùng với Tiểu Đoàn 2 thuộc Chiến Đoàn 9 Bộ Binh, nơi đây có 4 khẩu pháo 105 ly, do Tiểu Đoàn 53 Pháo Binh tăng phái.

Cộng quân có kế họach là làm tê liệt pháo binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, không thể yểm trợ được cho quân bạn đang hoạt động trong vùng giáp giới Việt Nam, Cambodia, và vùng phụ cận. Kế tiếp, pháo vào Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 Tiểu Đoàn 53 Pháo Binh Hỗn Hơp 105 và 155 ly (-), và Chi Khu Lộc Ninh (nơi có đặt 1 Trung Đội Pháo Bình Lãnh Thổ 105 ly), theo chiến thuật “Bịt Pháo Công Đồn”.

Nhận biết âm mưu của địch, Đại Tá Vĩnh khẩn mật điện cho Trung Tá Dương, cắt bớt 1 Chi Đoàn, điều động trở về tăng cường phòng thủ cho Bộ Chi Huy Chiến Đoàn và Quận Lỵ Lộc Ninh.

anloc_chuong2-2

Chi Đoàn 3/1 hỗn hợp Thiết Kỵ (Chiến Xa M.41 và Thiết vận Xa M.113) do Trung Úy Lê Văn Hùm (Chi Đoàn Trưởng) cùng với 1 Đại Đội Bộ Binh của Tiểu Đoàn 2/9 tùng thiết được lệnh rời vị trí, xuất phát trong đêm từ vùng ngã ba Lộc Tấn. Đến khi chỉ còn cách Quận Ly Lộc Ninh khoảng 3 cây số về hướng Bắc, Chi Đoàn 3/1 bị lọt ngay vào ổ phục kích của quân địch, có chiến xa T.54 và PT.76 trợ chiến. Các chiến sĩ tùng thiết và Chi Đoàn 3/1 trộn trấu đánh vùi với địch quân, nhưng rồi cũng bị tràn ngập, và mất liên lạc với Thiết Đoàn 1 và Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 sau khoảng 1 giờ giao tranh.

Trung Tá Dương, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 1, báo về Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9, đã mất liên lạc với Chi Đoàn 3/1. Nhưng tại Bộ Chỉ Huy của Chiến Đoàn 9 đang trú đóng tại cứ điểm, có tên là “căn cứ Lộc Ninh”, tần số liên lạc bị gián đoạn, vì trong giờ phút đó, hầm truyền tin của Chiến Đoàn 9 bị trúng pháo của Cộng quân sập, gây cho một số chiến sĩ Truyền tin thương vong, mãi cho đến sáng hôm sau, Bộ Chỉ Huy của Đại Tá Vĩnh mới bắt liên lạc lại với các đơn vị cơ hữu. Ông chỉ thị cho Trung Tá Dương lập tức điều động hết các lực lượng “vòng ngoài” rời vị trí (vùng ngã ba Lộc Tấn), phải đợi khi Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng từ căn cứ hoả Lực “ Alpha”, (3 cây số Tây Bắc, ngã ba Lộc Tấn) về đến, rồi cùng nhau di chuyển về tăng cường phòng thủ các yếu điểm tại Quận Lỵ Lộc Ninh. Đồng thời Ông cũng ra lệnh cho Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng, do Thiếu Tá Nguyễn Văn Hùng chỉ huy, cấp tốc phá huỷ hết các khẩu pháo trong căn cứ hoả lực, rút về phía Nam, phối hợp với cánh quân Thiết Kỵ của Trung Tá Dương đang chờ tại ngã ba Lộc Tấn, cùng mở cuộc hành quân “triệt thoái” về Lộc Ninh.

Qua đến sáng ngày 06 tháng 04, Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng đến cứ điểm ngã ba Lộc Tấn hợp cùng Thiết Đoàn 9 Kỵ Binh và Tiểu Đoàn 2/9 (-), có kéo theo 4 khẩu Pháo 105 ly, mở cuộc hành quân triệt thoái, lấy Quốc Lộ 13 làm chuẩn trực chỉ rút về Lộc Ninh.

Dọc theo hai bên Quốc Lộ 13 xuôi về Nam, khi nhận diện được điểm phục kích của địch quân, đánh tan Chi Đoàn 3/1 Thiết kỵ vào đêm trước, thình lình chiếc chiến xa M. 41 dẫn đầu bị trúng 1 quả đạn 100 ly của chiến xa T.54 địch bốc cháy, đồng thời hàng loạt tiếng súng nổ vang rền khắp các cánh quân, hàng ngàn cán binh Cộng Sản xuất hiện, có cả Chiến Xa T.54 và PT.76 trợ chiến.

Cánh quân Bạn bên Phải có Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân biên phòng khi vừa tới phía Đông chân đồi 177 (cách Lộc Ninh 3 cây số về hướng Tây Bắc) bị đánh bật trở lui và bị dồn ép ra Quôc Lộ 13, cánh quân di chuyển bên sườn Trái có Tiểu Đoàn 2/9 (-), cũng chạm địch rất nặng , còn Trung Quân do Trung Tá Dương chỉ huy tổng quát đi sau cùng, có 1 chi đội chiến xa và thiết vận xa để bảo vệ đoàn xe kéo 4 khẩu 105 ly cùng đạn dược, cũng bị địch quân tràn ngập.

Sau hơn 2 giờ chiến đấu một cách anh dũng, quyết liệt, trước hằng ngàn địch quân, đông hơn gấp nhiều lần, các con ngựa sắt M.41 và M.113 của Thiết Đoàn 1 Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân và Tiểu Đoàn 2/9 (-) đành phải thúc thủ tan hàng trước số đông quân địch áp đảo.

Trung Tá Dương và Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn 1, với 2 thiết vận xa, tung phá vòng vây, vượt được khỏi nơi phục kích khoảng 1 cây số, rồi cũng bị chận đánh phải bỏ xe mà chạy bộ (tần số liên lạc giữa Thiết Đoàn 1(-) và Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 bị cắt đứt từ đó (khoảng 11 giờ 30 cùng ngày). Cuối cùng Trung Tá Dương cùng Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn 1 cũng bị Cộng quân chận bắt trên đường tháo chạy về Lộc Ninh. (3) (xem Sơ đồ số 3)

SƠ ĐỒ TRẬN LỘC NINH
Khởi diễn ngày 04 tháng 04, chấm dứt ngày 07 tháng 04 năm 1972 (Sơ đồ số 3)
anloc_chuong2-3

06giờ00 sáng ngày 06 tháng 04 năm 1972, Cộng quân gia tăng cường độ pháo kích vào vùng Quận Lỵ Lộc Ninh và các cứ điểm quân sự, hơn 3,000 quả pháo đủ loại thi đua nhau nổ trên trận tuyến, bất kể là pháo trúng vào Quân hay Dân, rồi từng đợt biển người ồ ạt tấn công vào các điểm chánh: Căn cứ Lộc Ninh, nơi đặt Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9, vị trí của Tiểu Đoàn 53 Pháo Binh, Bộ Chỉ huy Chi Khu Lộc Ninh:

A/ Tại Bộ Chi Huy của Chiến Đoàn 9, lực lương Bạn chỉ còn lại Tiểu Đoàn 3/9 với quân số chưa đầy 450 tay súng mà phải cáng đáng một chu vi phòng thủ quá rộng, kể cả đơn vị Pháo Binh, nên không còn quân trừ bị, dự phòng khi hữu sự để phản công, hay lấp vào những tuyến bị địch xuyên thủng, còn Tiểu Đoàn 53 Pháo Binh chỉ còn có 4 khẩu 105 ly và 2 khẩu 155 ly là còn sử dụng đươc, đôi khi pháo binh phải hạ nòng, bắn trực xạ vào chiến xa và bộ binh địch đang áp dụng chiến thuật xung phong biển người, cận kề trên tuyến phòng thủ.

Các chiến sĩ Chiến Đoàn 9 và Pháo Binh đã đẩy lui nhiều đợt xung phong của địch, bắn cháy 2 T.54 và 1 PT.76. Trận chiến kéo dài đến chiều tối, quân bạn càng lúc càng ít đi, vì bị thương và tử vong trên chiến tuyến, còn địch thì càng lúc lại càng đông; cho đến khi phòng tuyến phía Bắc và phía Đông bị Cộng quân tràn ngập, Đại Tá Vĩnh cùng Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn, một số anh em Pháo Binh và toán Cố Vấn Mỹ liền rút ra khỏi vị trí phòng thủ, các phi tuần phản lực Hoa Kỳ được gọi đến ném bom Napalm hủy diệt hầu hết lực lượng địch quân đang tràn vào căn cứ .

Cố vấn trưởng, Trung Tá Richard Schott, vì bị thương nặng, biết là không thể chạy được, đã tự sát, để cho những người Cố vấn khác không bận tâm về Ông mà thoát thân. (4)

Sau đó, đoàn quân còn lại, chưa đầy 100, lần mò trong đêm tối, vượt ngang qua sân bay rút về phía Nam, lại bị địch chận đánh, khiến mọi người bị tản mát thất lạc. Đại Tá Vĩnh cùng một số chiến binh, và vị Cố vấn Mỹ duy nhất còn lại là Đại Úy Mark Ạ Smith buộc phải buông súng đầu hàng. Riêng Đại Tá Vĩnh, một quân nhân già dặn, can đảm, bị bắt khi mình mẩy và bộ đồ trận trên thân người còn đẫm đầy máu, vì bị nhiều thương tích trong lúc chiến đấu. Tần số liên lạc của Chiến Đoàn 9 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà im bặt vào lúc 10giờ30 tối đêm 06 tháng 04 năm 1972.

B/ Tại Bộ Chỉ Huy Chi Khu Lộc Ninh: Sau khi mất liên lac truyền tin với Bộ Chị Huy Chiến Đoàn 9, và được biết toàn bộ lực lượng của Thiết Đoàn 1 ở phía Bắc bị đánh tan, và viện quân từ phía Nam cũng bị chận đánh phải tháo lui, không thể tiến lên tiếp viện được, Trung tá Nguyễn Xuân Thịnh, Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Lộc Ninh, họp Bộ Chỉ Huy Chi Khu và toán Cố vấn Mỹ quyết định phân tán rút lui, lợi dụng trời tối, cắt hàng rào phòng thủ rút về phía Nam, phân tán vượt thoát vòng vây.

Trung Tá Thịnh là con ngưòi có vóc dáng nhỏ, nhanh nhẹn, da ngâm đen, nhưng thật rắn rỏi và kiên cường, sau khi thoát khỏi vòng vây, len lỏi trong rừng sống như dân Thượng, đôi lần gặp Cộng quân, Ông làm bộ trả lời nhiều câu hỏi bằng tiếng Việt không thông, nên bị chúng đuổi đi, vì ngỡ rằng người Thiểu Số. Bôn ba lặn lội đầy gian nan khổ cực, cuối cùng cũng về được đến An Lộc 2 ngày sau đó. Trung Tá Thịnh được trực thăng bốc về Lai Khê, và sau khi nghỉ ngơi, hồi phục lại sức khỏe và tinh thần sung mãn, Trung Tá Thịnh được Trung Tường Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III, bổ nhiệm làm Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Chi Khu Hoài Đức (Võ Đắc), thuộc tỉnh Bình Tuy vào trung tuần tháng 04 năm 1972. Còn cố vấn trưởng Chi Khu, Thiếu Tá Thomas A. Davidson, chỉ sau đó vài ngày, cũng lần mò về được đến vùng phía Đông An Lộc, được một đơn vị Biệt Động Quân tiếp cứu (ngày 10 tháng 04 năm 1972).

Mặt trận Lộc Ninh kể như chấm dứt, sau 48 giờ giao tranh ở cường độ ác liệt. Quân Cộng Sản Bắc Việt đã làm chủ tính hình chiến trận. (xem Sơ đồ số 2).

2 . KẾT QUẢ TỔN THẤT ĐÔI BÊN :

ĐỊCH :

2150 thương vong
2 T.54 + 1 PT. 76 bị bắn hạ

BẠN :

600 tử trận, khoảng 2400 bị thương và bị địch bắt làm tù binh.
Thiết Đoàn1: (38 Chiến Xa M.41 và Thiết Vận Xa M.113 bị địch chiếm đoạt hay bị bắn hạ ;
1 Pháo Đội Hỗn Hợp của căn cứ Alpha (4 khẩu 105 và 2 khẩu 155 ly) được phá huỷ;
1 Trung Đội pháo 105 (4 khẩu 105 ly) bị địch chiếm;
Tiểu Đoàn 53 (-) Pháo Binh Hỗn Hợp 105 và 155 ly, đa số trúng pháo địch bị hư hại, số còn lại tự phá huỷ.

DÂN CHÚNG : Ước độ 200 chết và 500 bị thương, và một số thường dân bị cưỡng bắt làm dân công tải đạn, hay làm tài xế lái xe vận tải.

3 . BÌNH LUẬN TRẬN CHIẾN LỘC NINH

A . Cộng quân đã thành công trong chiến thuật gọi là bỏ qua tuyến phòng thủ phía trước, (Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên phòng và Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh của Lực Lượng Việt Nam Cộng Hoà), và huy động nguyên Công Trường 5 cộng thêm 1 Đại Đội Chiến Xa (10 chiếc) thuộc Trung Đoàn Chiến Xa 203, chĩa mũi dùi chính vào 3 hướng Đông, Tây và Bắc, đánh thẳng vào Bộ Chỉ Huy đầu não của Chiến Đoàn 9 (-) và Chi Khu Lộc Ninh.

Với quan niệm tạo áp lực tấn công vào các vị trí đầu não (Bộ Chỉ Huy), thì lực lượng vòng ngoài sẽ phải co rúm lại, và rút về để tiếp ứng, và vì muốn tiếp ứng kịp thời, tất phải vội vã rút lui, nên địch chỉ cần tổ chức một tuyến phục kích cấp Trung Đoàn (Trung Đoàn 95 “C” thuộc Công Trường 9 và Trung Đòan Địa Phương) có chiến xa trợ chiến, là có thể tiêu diệt được đoàn quân bên ngoài rút về .

Khi cái VỎ bên ngoài bị đánh bể, RUỘT bên trong không còn ai tiếp ứng, cộng thêm phải đương đầu với một lượng địch nhiều lần đông hơn, khí thế mạnh hơn tất nhiên phải thất thủ hay phải đầu hàng. (Lộc Ninh thất thủ sớm hơn 3 ngày, chiếu theo ước tính của Bộ Chỉ Huy Chiến Dịch MIỀN (cơ quan chỉ đạo trận chiến của quân Cộng Sản Bắc Việt).

B . Đây là trận đánh Cộng quân đã chuẩn bị đầy đủ, như xây con lộ ngầm dưới mặt nước của một con suối ăn thông ngang qua rừng, từ Lộc Ninh về biên giới Cambodia. Chính con lộ này Cộng quân dùng để di chuyển các chiến lợi phẩm và tù binh Việt Mỹ xuyên qua Miên.

Về phần tâm lý: Đã khiến cho phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà HAI cái bất ngờ:

1. Áp dụng chiến thuật tiền pháo (mưa pháo) hậu xung (biển nguời);
2. Lần đầu tiên sử dụng chiến xa tại chiến trường Miền Nam, nên binh sĩ, kể cả cấp chỉ huy của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bị giao động và mất tinh thần ngay từ giờ phút đầu, khi thấy Tăng T.54 của Cộng quân xuất hiện tại một nơi mà theo lý thuyết, các chiến xa này không thể đến được.

C . Tham khảo tài liệu của một nhân chứng sống, tựa đề “ After Action Report “ của Đại Úy Mark A. Smith, Cố Vấn Mỹ, thuộc Chiến Đoàn 9 /Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, viết lại sau trận đánh: “Giữa vị Chiến Đoàn Trưởng (Đại Tá Vĩnh) và Cố vấn Trưởng (Trung Tá Richard Schott), có một sự bất đồng sâu đậm trong việc phối hợp điều quân cũng như yểm trợ để chống trả quân địch.

D . Về cái chết oanh liệt của Cố vấn trưởng Trung Tá Schott, đã phải tự sát (vì vết thương trên đầu của Ông bị trúng miểng pháo của Cộng quân quá nặng); tài liệu này còn viết: Sau khi toán Cố vấn Mỹ còn lại rút ra khỏi vị trí, và trước khi gọi cho phi cơ thả bom Napalm thiêu huỷ căn cứ, Đại Úy Smith còn quay trở lại, định kéo xác của Trung Tá Schott ra khỏi hầm, nhưng khi vừa tới nơi, đã thấy 3 tên cán binh Cộng Sản đang quay quần bên xác người quá cố, đứa thì lột lon, đứa thì đang lấy dao “xẻo lỗ tai hay định cắt đầu??”, Đại Úy Smith liền nã đạn bắn chết “loài thú dã man đó”, sau cùng cũng lôi đươc xác Trung Tá Schott , ra khỏi hầm chỉ huy của căn cứ.

(Theo bài viết của cựu Trung Tá James Willbanks, tác giả quyển The Battle of An Lộc, xuất bản năm 2002: “ Toán tìm những Quân Nhân Mỹ mất tích tại Việt Nam, Lào và Cambodia, đã tìm thấy hài cốt của Trung Tá Schott tại địa điểm kể trên (Căn Cứ Lộc Ninh). Bây giờ là một khu vườn trồng cây “hột điều” (5).

4 . CÂU CHUYỆN SAU TRẬN LỘC NINH

Sau khi làm chủ tình hình Quận Lộc Ninh, Cộng quân liền trưng dụng tất cả các xe chở hàng và chở hành khách của dân, ép buộc những tài xế của những xe này phải tuân lệnh chúng, lái xe chuyên chở tù binh Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ từ Lộc Ninh đến đồn điền cao su Mi Mốt, trong nôị địa Cambodia, và trong chuyến trở lại, chở các cán binh bổ sung cho các đơn vị tác chiến của Cộng quân.

Một trong những tài xế, cũng là chủ nhân của một xe hàng đang hành nghề chở mướn những bành mủ cao su cho các đồn điền Pháp từ Lộc Ninh về Sài Gòn, tên là Nguyễn Văn Nại (42 tuổi vào thời điểm năm 1972), là cậu ruột của chiến hữu Không Quân Trần Văn Long, đang hành nghề Địa ốc (Broker) tại Austin, Texas. Chiến Hữu Long kể: Khi Ông Cậu còn sống, ông ta đã thuật lại cho Chiến Hữu Long nghe về cuộc đào thoát khỏi bàn tay của Cộng Sản tại Lộc Ninh, đầy gian truân và nhiều nước mắt của gia đình Ông Cậu như sau:

Vào ngày 07 tháng 04, Ông Nại đậu xe trước cửa nhà, bị Cộng quân giọng cửa bắt phải lái chiếc xe “đi công tác”, ông Nại từ chối, chúng dọa đem cả nhà gồm vợ và 3 con nhỏ tuổi từ 12 đến 2 ra bắn bỏ, buộc lòng Ông Nại phải lái xe cho Cộng quân. Lái từ buổi trưa ngày 07 tháng 04 đến Mi Mốt rồi trở về Lộc Ninh. Đến sáng ngày 08 tháng 04, Ông Nại cởi chiếc đồng hồ “mạ vàng” lo lót cho tên cán bộ đặc trách kiểm soát đoàn xe, xin được về thăm gia đình xem vợ con như thế nào. Ông hứa là khi xong Ông sẻ trở lại lái xe đi “công tác” tiếp tục, tên cán bộ nhìn thấy chiếc đồng hồ vàng liền ưng thuận ngay. Ông Nại cám ơn, rồi chạy bộ về nhà. Trong lúc đó, gia đình vợ và 3 con của Ông đang chuẩn bị rời bỏ nơi cư ngụ tại Lộc Ninh để về Bình Dương. Vợ Ông đã móc nối được với một người Thượng trước đây đã giúp cho Ông Nại trong việc chuyên chở mủ cao su về Sài Gòn, người Thượng này rất thông thuộc đường rừng từ Lộc Ninh về An Lộc, chịu hướng đẫn gia đình Ông Nại đào thoát trốn chạy.

Trời vừa tối, gia đình Ông Nại được người Thượng hướng dẫn rời Lộc Ninh, băng đường rừng về An Lộc. Dọc đường, khi băng xuyên qua con suối, phía trên có chiếc cầu bắt ngang, có nhiều cán binh Cộng sản di chuyển qua lại, bổng dưng đứa con 2 tuổi ré lên tiếng khóc. Sợ bị bại lộ, Ông Nại liền bịt miệng con, nhưng vẫn còn thốt ra tiếng, buộc lòng Ông phải bóp cổ đứa trẻ để không còn thoát ra được tiếng khóc, đồng thời thúc giục gia đình mau vượt qua khỏi con suối đó. Tay Ông bóp cổ đứa con, không biết năng nhẹ thế nào, mà sau đó vài phút, Ông thấy người con buông xuôi 2 tay, không còn thấy cử động được nữa. Ông nghĩ rằng cậu bé đã chết. Ông cũng không dám báo cho vợ biết sự tình, Ông cố cõng con, vượt qua chỗ nguy hiểm, rồi tất cả mọi người dừng lại để cấp cứu đứa bé, nhưng cũng vẫn không thấy đứa bé hồi sinh, tất cả mọi người đều uất nghẹn không dám bật ra tiếng khóc, chỉ cắn môi chịu đựng, với hai dòng lệ tuôn trào. Riêng Ông Nại cũng không muốn chôn xác con mình ở giữa chốn rừng xanh hoang vu, Ông cố cõng con, cùng mọi người tiếp tục vượt rừng hướng về An Lộc. Sau 1 đêm di chuyển, đến sáng hôm sau, gia đình Ông Nại dừng lại nghỉ chân, khi đặt đứa bé nằm xuống mặt đất, thì thấy tay chân nó cử động, nhìn kỹ lại thì thấy cậu bé còn sống. Thật là tạ ơn Trời Phật !!!.

Sau đó gia đình Ông đến được An Lộc, và cùng theo đoàn dân cư An Lộc di tản bộ về đến tỉnh Bình Dương, tạm cư trú nơi nhà của người bà con. Sau đó 4 năm, Ông Nại qua đời, gia đình và đứa bé 2 tuổi (1972), đã có vợ con, và vừa từ trần (năm 2008) tại tỉnh Bình Dương Việt Nam, hưởng dương 38 tuổi.


(1) After Action Report “ The Battle of Lộc Ninh “ 4-7 April 1972, Tác Giả Thiếu Tá Mark Smith, Trang 5/13.

(2) Chiến Sử Trận Bình Long, do Bộ Tổng Tham Mưu Phòng 5/Khối Quân Sử thực hiện, Trang 67.

(3) Lời tường thuật của nhân chứng sống Trung Tá Nguyễn Đức Dương, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 1 và Trung Sĩ Lê Hoàng Long, thuộc Tíểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng.

(4) After Report “The Battle of Lộc Ninh” Tác Giả Thiếu Tá Mark Smith, Trang 11/13.

(5) The Battle of An Lộc, Tác Giả James Willbanks, Trang 177.

—->Phần I-chương 3

This entry was posted in 2.Một thời để nhớ, Chiến Thắng An Lộc 1972 (Nhóm quân nhân QLVNCH), Người Lính VNCH. Bookmark the permalink.

1 Response to CHIẾN-THẮNG AN-LỘC 1972 : Phần I (Chương 1-5)

  1. dung minh truong says:

    toi co doc mot tai lieu ghi la tran chien an loc 81 ngay 81 chien si biet cach du tu tran vay tai lieu nao dung/?

    Like

Ý kiến - Trả lời