HỒN BƯỚM MƠ TIÊN (Khái Hưng)

I

Trên con đường Bắc Ninh – Đông Triều, chiếc xe ô tô hàng bon bon chạy. Bỗng một người hành khách vận âu phục thò đầu ra cửa ngơ ngác nhìn rồi kêu:

– Cho tôi xuống đây!

Sau một tiếng còi lanh lãnh, xe từ từ đỗ, người hành khách xuống xe, đi rẽ sang tay phải theo con đường đất gồ ghề, cong queo.

Tuy lúc đó đã vào quãng năm giờ chiều, mà nắng tháng năm hãy còn gay gắt. Mặt trời xiên ánh sáng xuống cái lạch nước phía bên đường, rồi phản chiếu lên, khiến người lữ hành phải đội nghiêng cái mũ dạ về bên trái để che cho khỏi chói mắt.

Hai bên đường, lúa chiêm vàng ối. Từng bọn vừa đàn ông, đàn bà, con gái, cúi khom lưng cầm liềm nhỏ cắt lúa trông dáng vội vàng chăm chỉ lắm, như sợ trời sắp tối không đủ thời giờ mà gặt xong thửa ruộng. Một bọn nữa phần nhiều người lực lưỡng, kẻ thì lấy sức rít dây lạt bó các lượm lúa lại thành từng bó, kẻ thì cắm đòn xóc xuống đất đứng bắt chéo chân, nhìn vơ vẩn.

Trong một thửa ruộng ngay sát chân đồi, một đám hơn mười người con gái, công việc đã xong, ngồi nghỉ trên những bó lúa xếp thành từng đống ở bên vệ đường để chờ bọn đàn ông trở lại gánh nốt.

Thấy người lữ hành một cô trỏ bạn:

– Chị em ôi, nhà tôi đã về kia kìa…

Mọi người cười rộ. Một cô nữa hát ví:

Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại em than vài nhời
Đi đâu vội mấy anh ôi?
Công việc đã có chị tôi ở nhà.

Các cô vỗ tay, cười rũ rượi. Lữ khách như đã biết tiếng con gái vùng Bắc đáo để, cắm đầu rảo bước lên đường, không ngoảnh cổ lại. Thì cô hát ví lại đứng dậy như muốn chạy đuổi theo và gọi:

– Này anh, anh đưa va-li đây em xách cho. Khốn nạn! thương hại nhà tôi đi đường mệt nhọc, mồ hôi, mồ kê thế kia kìa…

Lữ khách đi đã xa, còn nghe văng vẳng sau lưng câu hát ghẹo:

Anh về kẻo tối, anh ơi,
Kẻo bác mẹ mắng rằng tôi dỗ dành!

Qua cánh đồng lúa, lữ khách đi vào một con đường tối, giữa hai đồi cây cối um tùm. Đường đã gồ ghề lại phải lên giốc, nên lữ khách mệt nhoài, đặt cái va-li xuống, ngồi thở.

Bỗng ở vườn sắn bên đồi, một chú tiểu quần nâu áo nâu, chân đi đôi dép quai ngang sơ sài, đầu đội cái thúng đầy sắn, đương lần từng bước leo xuống con đường hẻm. Thốt gặp người lại, chú bẽn lẽn, hai má đỏ bừng. Chắc vì chú tu hành ở vùng quê, không trông thấy người vận tây mấy khi, nên chú sợ hãi chăng?

Người kia thấy chú giật lùi lại một bước, thì mỉm cười ngả mũ chào, rồi hỏi:

– Thưa chú, chú làm ơn bảo dùm cho từ đây vào chùa Long Giáng đường còn xa hay gần?

Chú tiểu tò mò nhìn lữ khách, hỏi lại:

– Thưa ông, ông có phải là ông Ngọc không?

– Vâng chính phải, tôi là Ngọc, tại sao chú biết?

Chú tiểu hai má càng đỏ ửng, cúi đầu trả lời:

– Thưa ông, vì mấy hôm nay Cụ thường nhắc đến ông, Cụ nói ông sắp lên chơi vãn cảnh chùa.

– Vậy ra chú cũng ở chùa Long Giáng?

– Vâng.

– Thế chú cũng về chùa?

– Vâng.

– Gần đến nơi chưa, chú?

– Đi hết con đường đồi này thì trông thấy chùa.

Ngọc đứng dậy xách va-li nói:

– Vậy ta cùng về chùa?

Ngọc đi bên cạnh chú tiểu, liếc mắt nhìn trộm, nghĩ thầm:

– Quái lạ! Sao ở vùng nhà quê lại có người đẹp trai đến thế, nước da trắng mát, tiếng nói dịu dàng trong trẻo như tiếng con gái.

Rồi chàng quay lại hỏi chú tiểu:

– Chú tu ở chùa này từ bao lâu?

– Thưa ông, mới hơn hai năm nay.

Chú tiểu chừng muốn đổi sang câu chuyện khác thốt nhiên hỏi Ngọc:

– Thưa ông, ông là cháu Cụ Long Giáng tôi?

– Phải.

– Cháu gọi bằng bác?

– Phải.

– Ông học trường Canh Nông?

– Phải, chú biết tường tận lắm nhỉ?

Chú tiểu cười gượng:

– Ấy, Cụ tôi vẫn nói chuyện đến ông luôn.

Lúc hai người ở con đường hẻm đi ra, thì mặt trời ẩn sau một trái đồi. Gió chiều hây hẩy đã mát, mùi lúa chín bốc lên thơm phức, khiến Ngọc ngắm cảnh nơi thôn dã êm đềm, trong lòng biết bao tình cảm.

– Chú tu ở vùng này thú nhỉ?

– Thưa ông, đã xa nơi trần tục mà mến cảnh chiền am thì không còn lấy gì làm vui thú nữa.

Nghe câu nói có vẻ con nhà có học, Ngọc mỉm cười hỏi chú tiểu:

– Chú biết chữ nho?

– Vâng, nhờ ơn Cụ dạy bảo, tôi cũng võ vẽ đọc được kinh kệ.

– Thế thì đi tu sướng lắm, chú ạ. Có cảnh đẹp… Lại có sách kinh Phật mà đọc để mà quên cuộc đời náo nhiệt phiền phức… Hay tôi xin phép Cụ ở lại chùa, tu với chú nhé?

Chú tiểu quay mặt nhìn sang phía bên đường, rồi giơ tay trỏ lên một cái đồi, như muốn nói lảng:

– Thưa ông, chùa Long Giáng kia rồi.

Hai người đứng lại ngắm chùa. Lưng chừng một cái đồi cao, mái ngói rêu mốc chen lẫn trong đám cây rậm rạp, bốn góc bốn gác chuông vượt lên trên từng lá xanh um.

– Chùa đẹp quá, chú nhỉ?

– Vâng, Long Giáng là một danh lam thắng cảnh ở vùng Bắc. Cụ tôi thường thuật cho tôi nghe rằng chùa này dựng lên từ đời Lý Nhân Tôn. Trước chỉ là một cái am nhỏ lợp gianh, sau vì có một bà Công Chúa đơn xin nương nhờ cửa Phật, nên nhà vua mới cho sửa sang nguy nga như thế. Câu chuyện thụ pháp của Công Chúa tỏ ra rằng phép Phật huyền diệu biết bao!

– Chú làm ơn kể lại cho tôi nghe có được không?

– Vâng, tôi xin thuật hầu ông nghe những lời Cụ tôi thường kể. Chắc ông cũng biết Đức Thái Tổ nhà Lý khi còn hàn vi, nhờ đạo Phật rất nhiều … nên lúc ngài lên ngôi rồi, ngài giốc lòng chăm chỉ sửa sang các chùa chiền. Đến đời Đức Nhân Tôn vì bận việc chinh phục Chiêm Thành và chống chọi với nước Tàu nên trễ nải đạo Phật.

Ngọc Hoàng Thượng Đế như muốn giúp nhà vua tỉnh ngộ, liền cho một nàng tiên nga giáng thế đầu thai, tức là Văn Khôi Công Chúa. Công Chúa nhan sắc diễm lệ một thời, nhưng khi lớn lên chẳng tưởng gì tới việc trần duyên, chỉ ngày đêm học đạo tu hành. Sau nhà vua cố ý kén phò mã, Công Chúa liền đương đêm lẻn bước trốn đi, nhờ có các thần tiên đưa đường đi tới nơi này xin thụ pháp đức Cao Huyền Hòa-thượng.

Về sau có thám tử báo tin, đức vua mấy phen cho quan quân đến chùa đón Công Chúa về triều. Công Chúa nhất định không nghe. Nhà vua nổi giận, liền truyền quan quân phóng hỏa đốt chùa. Ngọn lửa vừa nhóm, bỗng một con rồng vàng hiện lên phun nước tắt ngay. Vì thế chùa này mới lấy tên Long Giáng từ thuở ấy. Nhà vua nghe được tin cả sợ. Từ đó Ngài giốc lòng tin theo phép mầu nhiệm của đức Thích Già Mâu Ni và lập tức cho sửa sang chùa để Công Chúa ở lại tu hành. Chùa này vì thế bắt đầu trùng tu từ thời ấy, đã bao phen tu bổ lại, nhưng kiểu chùa vẫn y nguyên như cũ.

Ngọc mỉm cười:

– Chú biết rộng lắm nhỉ?

Chú tiểu cúi mặt nhìn xuống đất, se sẽ đáp:

– Thưa ông, đấy là Cụ tôi kể cho nghe, tôi chỉ thuật lại mà thôi.

– Nhưng chú thuật khéo lắm. Lại thêm chú có cái giọng dịu dàng êm ái quá.

Lần này là lần thứ ba, chú tiểu nói lảng:

– Chết chửa, đi mãi. Nay đến phiên tôi thỉnh chuông. Ta đi thôi, không trễ Cụ quở…

– Ở chùa không còn ai?

– Có chú Mộc nhưng nay đến phiên tôi.

– Cụ chưa thấy chú về, chắc cũng bảo chú ấy đánh chuông thay chứ gì?

Nói dứt thời thì bỗng ngẫu nhiên chuông đâu như đáp lại, khoan thai dõng dạc buông tiếng. Ngọc mỉm cười:

– Đấy, chú coi, tôi nói có sai đâu.

Phía tây, sau dẫy đồi cỏ biếc, sắc trời đỏ ửng lấp loáng qua các khe đám lá xanh đen. Mái chùa rêu phong đã lẫn màu cùng đất, cùng cây, cùng cỏ. Khỏanh khắc, mấy bức tường và mấy cái cột gạch quét vôi chỉ còn lờ mờ in hình trong cảnh nhuộm đồng một màu tím thẫm.

Trong làn không khí yên tĩnh êm đềm, tiếng chuông thong thả ngân nga… như đem mùi thiền làm tăng vẻ đẹp của cảnh thiên nhiên. Lá cây rung động, ngọn khói thướt tha, bông lúa sột soạt, như cảm tiếng gọi của Mâu Ni muốn theo về nơi hư không tịch mịch.

Ngọc liếc mắt nhìn chú tiểu, thấy chú vừa đi, miệng vừa lâm râm cầu nguyện, nét mặt có vẻ mặc tưởng trầm tư.

Cái buồn rất hay lây. Đi cùng đường với một người, từ hình dung cho tới tâm hồn, nhuộm tuyền một vẻ ủ ê chán ngán, Ngọc cảm thấy trong lòng bỗng nẩy ra mối sầu vẩn vơ man mác, đoái nghĩ tới cảnh náo nhiệt phiền phức ở Hà Thành.

Nhưng tuổi thiếu niên tuy dễ buồn mà cũng dễ vui. Lúc ấy lên đồi, đường vừa khấp khểnh đá sỏi vừa trơn, lại thêm trời nhá nhem sắp tối nên Ngọc trượt chân suýt ngã, văng cái va-li xuống sườn đồi. Chú tiểu giật mình vội kêu:

– Chết chửa! Ông có can gì không?

– Không.

Ngọc toan trèo xuống giốc nhặt va-li thì chú tiểu đã vội đặt thúng sắn, thoăn thoắt chạy xách lên.

– Cám ơn chú.

Hai người cười ồ. Chú tiểu nói:

– Ông nên cẩn thận gần đến chùa rồi. Có cái giếng cạn ở bên đường khéo mà ngã xuống đấy thì khốn. Để tôi đi trước đưa đường cho.

– Cám ơn chú. À quên, tôi chưa hỏi tên chú gì?

– Tôi là Lan.

Rồi chú trỏ tay bảo Ngọc:

– Tam quan đây rồi.

Tam quan chùa Long Giáng cũng như nhiều tam quan các chùa vùng Bắc, cách kiến trúc rất sơ sài, trông giống như cái quán, có ba gian hẹp. Trên mái làm dô lên một cái mái nhỏ giống hệt cái miếu con. Vả tam quan không có cánh cửa mà hình như chỉ là một cái cảnh để bài trí cho đẹp mắt chứ không dùng để ra vào. Vì thế tam quan xây ngay trên sườn đồi đứng thẳng như bức tường không ai leo lên được, còn ra vào thì có cái cổng con.

Chú tiểu Lan đưa Ngọc đi qua một cái vườn sắn rồi vòng quanh một bức tường hoa. Một người điền tốt, cởi trần, quần nâu ống xắn lên quá đầu gối ở trong bếp chạy ra. Anh ta chưa kịp trông thấy Ngọc, vội vã ngắt lời chú tiểu:

– Kìa chú Lan, Cụ vừa quở chú đấy.

– Cụ đâu?

– Cụ đương làm lễ ở trên chùa. Sao hôm nay chú về muộn thế?

Chú tiểu vừa nói vừa trỏ Ngọc đứng cách đấy mấy bước:

– Tôi gặp ông Ngọc là cháu Cụ đến vãn cảnh chùa nên đi hơi chậm, chú bảo chú Mộc lấy gạo tám thổi nhé, để ông Ngọc xơi cơm.

Ngọc vội đỡ lời:

– Thôi được, chú cho tự nhiên, tôi ăn cùng một thứ cơm với các chú cũng được mà.

Anh điền tốt cười:

– Thưa ông, chúng tôi ăn cơm hẩm với dưa xơi sao được.

Chú tiểu Lan mỉm cười:

– Vâng, ông nói rất phải. Đã đến cảnh chùa thì cũng phải ăn kham khổ. Trước Cụ tôi cũng chỉ xơi cơm hẩm, song mấy năm nay, vì Cụ tuổi tác, yếu đuối mà xơi mỗi bữa có một chén, nên nhà chùa cấy riêng một mẫu tám để Cụ dùng. Nhưng mời ông hãy vào nghỉ trong nhà Tổ để đợi Cụ xuống.

Ngọc theo chú tiểu đi vào một tòa nhà gỗ thấp lợp ngói, bên trong bày trí rất sơ sài. Ở gian giữa sau cái bệ đất trên giải chiếc chiếu đã cũ là bàn thờ Tổ đặt trong một cái hậu cung xây thùng như cái miếu. Ngọc vén bức màn vải tây đỏ lên thì thấy lờ mờ đến hai chục pho tượng, liền hỏi chú tiểu:

– Đây là các vị sư Tổ có phải không, chú?

Không thấy trả lời, Ngọc quay lại, thì chú tiểu đã đi từ bao giờ. Ngồi đợi một lúc lâu, vẫn không thấy ai ra vào.

Trời dần dần tối. Một lát trông không rõ các thứ bày trong nhà nữa. Lại thêm ngoài sân lờ mờ có bóng trăng, nên ở chỗ tối nhìn ra, thấy như mình ngồi trong một cái hang sâu vậy.

Ngọc vừa mệt, vừa khát, đương mong có người vào để xin chén nước thì nhìn qua cái giại che hiên thấy ánh đèn dưới bếp đi lên. Rồi tiếng người nói:

– Này chú Mộc, tôi đã bạch Cụ rồi. Cụ sắp xuống đấy. À, trong khi tôi bận làm đèn thì chú đã lấy nước để ông Ngọc rửa mặt chưa?

Tiếng cười trả lời:

– Chưa, tôi đang bận giã vừng.

– Thế bà Hộ đâu? Nhưng thôi, tôi đem đèn lên rồi tôi lấy cũng được.

Chú Lan bước vào. Cây đèn dầu tây hình búp măng chiếu ánh lên mắt chú trông càng xinh lắm. Ngọc ngắm chú lại tưởng đến bức tranh người con gái Nhật cầm chiếc đèn xếp của họa sĩ Utamaro. Nụ cười tự nhiên trở trên môi Ngọc khiến chú tiểu ngước mắt trông thấy, ngượng nghịu lúng túng, đặt cây đèn xuống án thư rồi vội bước ra ngoài.

– Này chú Lan, chú làm ơn cho tôi xin ấm nước nhé.

Chú tiểu, chân trong chân ngoài, quay cổ lại trả lời:

– Vâng, mời ông ngồi chơi, rồi lát nữa xuống nhà trai xơi nước và xơi cơm.

– Thì chú đi đâu vội thế, hãy vào đây tôi hỏi câu chuyện đã.

Chú Lan ngần ngừ bước vào:

– Thưa ông, đây là nhà Tổ; sư Tổ thụ trai, nghĩa là xơi cơm (chú mỉm cười) ở buồng bên. Còn các khách thập phương thì xơi cơm nước ở nhà trai, cũng như nhà khách của các ông.

– Phải đấy, chú giảng nghĩa cho tôi biết ít nhiều phong tục ở nhà chùa. Này chú, ở nhà Tổ thì thờ các sư Tổ, còn hai gian bên cạnh này thờ ai thế?

– Đây là các hậu. Nghĩa là những người không có thừa tự, bầu hậu ở chùa thì nhà chùa cúng cho.

Có tiếng guốc lộp cộp ở ngoài hiên. Ngọc nhìn ra thấy một vị hòa thượng mình mặc áo vải nâu rộng, chân đi đôi guốc tre già, tay chống cái gậy trúc, ung dung bước vào.

Ngọc vội vàng đứng dậy chắp tay vái:

– Lạy bác ạ.

– Cháu đấy à? Cháu đã được nghỉ hè rồi?

– Vâng.

– Mẹ cháu được mạnh chứ?

– Đội ơn bác, mẹ cháu nhờ giời vẫn mạnh.

Chú Lan nghe Ngọc nói, tủm tỉm cười, đi ra. Mấy phút sau chú bưng lên thau nước. Ngọc trông thấy vội vàng bước ra hiên nói:

– Cám ơn chú, chú cứ để đấy cho tôi.

Sư Cụ nói tiếp:

– Sao không lấy ghế đẩu? Chú không trông thấy thầy ấy vận quần áo tây à?

Ngọc vội đỡ lời:

– Được, bác cứ để mặc cháu.

Rồi trỏ vào cái khăn mặt vải ta nhuộm nâu còn mới, hỏi chú tiểu:

– Khăn của chú đấy chứ, chú Lan?

– Thưa ông, khăn mới lấy ở hòm ra đấy ạ.

Sư Cụ mắng:

– Sao không lấy khăn mặt bông để thầy ấy dùng?

Rồi quay lại hỏi Ngọc:

– Cháu mới đến chùa mà đã biết tên chú ấy là Lan?

– Bẩm bác, cháu gặp chú Lan hỏi chuyện nên biết.

Lúc đó thấy chú tiểu cười, Ngọc liền hỏi thầm:

– Sao chú cười tôi?

Lan se sẽ đáp:

– Vì thấy ông xưng Cụ là bác. Ông nên bạch Cụ. Đã xuất gia tu hành thì người nhà dẫu thân mật đến đâu cũng không được nhận họ.

Ngọc mỉm cười:

– Thế à? Cảm ơn chú, nhé. Xưa nay tôi không hỏi tường tận nên không biết.

Một lát chú Mộc lên mời Ngọc xuống nhà trai xơi cơm. Ngọc đứng lên xin phép sư Cụ rồi theo chú tiểu đi qua sân, tới một nếp nhà ngang dài đến gần mười gian, nhưng chỉ để ba gian làm nhà tiếp khách thập phương, còn thì ngăn ra từng buồng làm phòng ngủ. Ở đấy bài trí có phần lịch sự hơn ở nhà Tổ: gian giữa giáp bộ sập gỗ mít, kê một cái bàn, và đôi tràng kỷ gỗ lim lâu ngày đã đen bóng. Trên xà treo một cái đèn ba giây, có chụp bằng thủy tinh men trắng. Hai bên kê sát từ tường ra tới ngưỡng cửa ba bộ ghế ngựa quang dầu ghép liền với nhau.

Ngọc nhác nhìn mâm cơm đặt trên bàn, mủm mỉm cười; vì buổi tối hôm ấy thấy nhà chùa có vẻ náo nhiệt, nhộn nhịp, kẻ lên người xuống, lạch cạch bát đĩa, nồi mâm, thì vẫn tưởng các chú tiểu sửa soạn một bữa tiệc sang để thết khách quý. Ai ngờ trên chiếc mâm gỗ vuông chỉ lỏng chỏng có đĩa dưa, đĩa cà và đĩa muối vừng.

Lúc đó chú Lan bưng lên một bát đậu phụng kho tương, khói bay nghi ngút. Chú hơi cau mặt, hỏi chú Mộc:

– Sao chú không bảo bà Hộ rán đậu?

– Dầu lạc hết rồi, mai mới mua được.

Chú Lan quay lại nói với Ngọc:

– Thưa ông, nay ông hãy xơi tạm. Nếu mai ông muốn dùng cơm mặn, xin bảo bà Hộ làm riêng để ông xơi.

Ngọc mỉm cười đáp:

– Cảm ơn chú, nhưng tôi thích ăn cơm chay.

– Ông quen ăn mặn nay dùng vài bữa cho biết mùi, chứ ông ăn mãi cơm chay thế nào được.

– Được chứ. Bên Tây cũng có người chỉ ăn rau cùng hoa quả quanh năm mà lại khỏe mạnh hơn là ăn thịt.

– Thế à, thưa ông?

– Nếu vậy càng hay, muốn xin phép Cụ được cùng ăn với hai chú cho vui.

Chú Lan cười:

– Thế không được.

– Sao vậy? Tôi chỉ muốn nếm thử các sự tham khổ của đạo Phật, vì tôi thấy tôi yêu đạo Phật lắm, nhất là từ ngày tôi bị….

Nói đến đấy, Ngọc ngừng ngay lạ, mỉm cười vì suýt nữa chàng đem chuyện riêng của mình thố lộ cho hai chú tiểu nghe. Ngọc không hiểu vì đâu gặp chú Lan chàng đã có lòng quyến luyến ngay, như người gặp bạn thân muốn đem hết những sự đau đớn phiền muộn của mình cùng người san sẻ.

Ngọc ngồi âm thầm nghĩ ngợi, hình như đương ôn lại một quãng đời dĩ vãng, thì Lan xới bát cơm đặt lên mâm:

– Mời ông xơi cơm.

– Cảm ơn chú. Sao chú lại bảo tôi không thể ngồi ăn với các chú được?

– Thưa ông, có hai cớ: một là, như thế người ta cười, hai là, chúng ta đã tu hành, thì không những phải ăn kham khổ, mà lại không được ngồi cùng mâm với…

– Với người trần tục, phải không?

– Nghĩa là với người không tu hành. Như đến mai có dọn cơm ông ngồi xơi hầu Cụ cũng phải bưng hai mâm, chứ không được ngồi cùng mâm với Cụ.

– Lạ nhỉ? Nhưng nếu như tôi cũng đi tu thì được chứ?

Chú Lan mỉm cười:

– Vâng, nếu ông cũng thụ giới, nhưng khi nào ông lên chức sư Cụ thì mới được, nghĩa là ít ra cũng ba mươi năm nữa.

Lúc đó nghe có tiếng mõ. Chú Lan vội vàng chạy lên nhà Tổ. Ngọc cũng bắt đầu ăn cơm. Quay ra phía bên thấy chú Mộc đứng khoanh tay, Ngọc liền hỏi:

– Sao chú Lan nghe tiếng mõ lại chạy hấp tấp đi đâu thế?

– Bẩm, sư Tổ gọi.

– Cụ gõ mõ gọi à?

– Vâng. Nếu nghe hiệu lệnh mà không thưa khiến Cụ đánh đến tiếng thứ tư thì chúng tôi phải ra ngay sân quì để chịu tội.

– Luật nhà chùa uy nghiêm nhỉ?

– Chả cứ chúng tôi, đến sư Bác, sư Ông cũng vậy. Năm ngoái sư Ông cũng đã phải quì đến nửa ngày.

– Thế à? Vậy bây giờ sư Ông đâu?

– Bẩm, Cụ cho đi trụ trì ở chùa gần đây.

– Vậy ở đây chỉ có chú với chú Lan?

– Vâng.

– Chắc rồi hai chú cũng lên sư Bác chứ gì?

– Thưa ông, tôi thì còn lâu lắm. Nhưng chú Lan thì rất sáng dạ. Mới thụ giới có hai năm mà kinh kệ thông lắm. Có lẽ ít nữa thế nào cũng được lên sư Bác.

– Phải, tôi cũng nhận ra như vậy, nhưng chú có biết quê quán chú ấy ở đâu không?

– Bẩm nghe đâu chú ấy ở Ninh Bình, cha mẹ mất cả.

– Nhưng kìa, sao chú không đi ăn cơm?

– Thưa ông, ở chùa chỉ ăn có hai bữa mà thôi. Một bữa năm giờ sáng và một bữa đúng ngọ.

– Thế không đói à?

– Khổ hạnh lâu ngày quen đi chứ. Chính phép nhà chùa thì chỉ dùng được một bữa cơm trưa mà thôi.

– Nhưng tôi chắc đó chỉ là luật phép nhà chùa, đã dễ ai tuân theo.

– Ấy, những người không tu hành vẫn đều tưởng thế. Có người lại ngờ chúng tôi ăn thịt, ăn cá nữa, nhưng chẳng bao giờ có thế. Nhất là ở đây sư Tổ tôi rất nghiêm giới lắm. Sai một tí là Cụ phạt ngay.

Ngọc phần thì đói, phần thì cơm chay lạ miệng, nên ăn ngon lắm, nghĩ bụng: cứ bảo ở chùa ăn kham khổ, nhưng, dẫu vừng cùng dưa, cà thì cũng chẳng kém gì thịt cá. Tự nhiên trong trí Ngọc nẩy ra cái ý tưởng muốn xa lánh chốn phồn hoa.

Ngoài sân ánh trăng chiếu lờ mờ, rặng tường hoa lồng bóng xuống lối lát gạch, mấy cây đại không lá ẻo lả, uốn thân trong vườn sân um tươi. Vạn vật có vẻ dịu dàng như nhuộm màu thiền êm đềm tịch mịch….

—>2

This entry was posted in 3.Truyện dài - Tiểu thuyết, Khái Hưng. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời