HỒN BƯỚM MƠ TIÊN (Khái Hưng)

V

Sáng hôm sau cảnh chùa Long Giáng lại yên lặng như ngày thường, vì việc đàn chay đã kết liễu.

Mãi hơn bẩy giờ, Ngọc mới thức giấc, mắt nhắm mắt mở nhìn qua cửa sổ ra ngoài, thấy ngổn ngang các án thư bỏ lổng chổng ở giữa sân. Gần tường hoa, một đống tro tàn cao ngất, đó là đồ mã đốt tối hôm qua.

Sau mấy buổi huyên náo, kế đến hôm tĩnh mịch, thành thử sự tĩnh mịch càng thấy rõ rệt hơn trước.

Trước cảnh tẻ ngắt, Ngọc có cảm tưởng buồn rầu, tưởng tượng như thuở bé sau mấy ngày Tết.

Chùa Long Giáng sau mấy hôm rực rỡ, nay bỗng lại ủ rũ như xưa, thực chẳng khác cô con gái nơi thôn dã trong ba hôm Tết thắng bộ áo đẹp, rồi hết Tết lại cởi ra mà mặc bộ quần áo nâu sồng thường nhật.

Ngọc ngồi nghĩ vơ nghĩ vẩn, hồi tưởng đến câu chuyện tối hôm qua. Sau khi rời chỗ đàn chay, chàng ra đường đi lang thang mãi đến một hai giờ sáng mới trở về chùa. Đi đâu? Chàng cũng chẳng biết đi đâu, mà cũng chẳng định đi đâu, chỉ cốt vắng chùa trong thời gian khá lâu để chú Lan ngờ vực mà thôi. Vì nay chàng đã yên chí, chàng đã chắc chắn rằng chú là giái cải nam trang.

Ôn lại các việc xảy ra, những sự mắt trông, tai nghe, từ lời nói, dáng điệu, nước da, cho tới những ý tứ giữ gìn, khép nép, Ngọc không còn thể nào cho rằng chú tiểu xinh xắn kia là trai được nữa.

Chàng mừng thầm mỉm cười, sung sướng, chứa chan hy vọng.

Cánh cửa khẽ đẩy, chú Lan rón rén bước vào phòng, nét mặt nghiêm trang đặt một bao chè tầu xuống bàn, nói:

– Cụ truyền biếu ống bao chè để ông xơi nước. Chè này của bà Hàn cúng Cụ hôm qua.

– Chú bạch Cụ hộ tôi rằng tôi xin đa tạ Cụ nhé. Ý hẳn Cụ cũng biết tôi có ấm cồn đun nước.

– Ông để chúng tôi đun cũng được, can chi lại phải đun lấy.

Ngọc mỉm cười nhìn Lan:

– Ấy vì tôi sợ làm phiền chú, nên tôi viết giấy về nhà xin gửi lên cho đủ thứ.

– À, ra bữa nọ anh người nhà mang lên ở trong bồ đấy?

– Chính phải.

– Tôi thấy có cả quyển Kiều và quyển Phật Giáo Đại Quan nữa.

Ngọc mừng rỡ vội hỏi:

– Chú biết quốc ngữ?

Lan điềm nhiên:

– Vâng. Chữ quốc ngữ học dễ, học chỉ độ mươi hôm là đọc được. Làm gì mà không biết.

– Ồ, thế thì hay quá nhỉ?

Ngọc nghĩ đến việc đương dự định, buột mồm nói ra câu ấy, nhưng Lan lại hiểu theo một cách khác, nên trả lời:

– Đời bây giờ, ai không biết quốc ngữ? Lạ! Sao ông cứ nhìn tôi, ông cười vậy?

– Chú ạ, tôi đương nghĩ đến chú thì thấy chú vào. Tôi cho rằng tư tưởng chúng ta có liên lạc với nhau nên chúng ta mới có thể viễn cảm với nhau như vậy. Vì thế nên tôi cười, chú đừng vội giận.

– Ông nói những gì, tôi không hiểu.

Lan đứng đưa mắt nhìn quanh phòng, rồi mỉm cười khen:

– Cái phòng này ông mới bài trí lại trông đẹp nhỉ.

– Phải, tôi trang hoàng thế để khi chú có bước chân vào trông đỡ bề bộn, chướng mắt.

Lan, hai má đỏ bừng, cúi mặt xuống trả lời.

– Ông cứ dạy quá lời, tôi chỉ đáng là đầy tớ ông.

Ngọc nói đùa: “A di đà phật!” rồi cười khanh khách, khiến Lan xấu hổ cắm đầu chạy thẳng.

Ngọc đứng dậy rửa mặt, rồi đem ấm cồn ra đun nước. Chàng đưa mắt ngắm lại phòng một lượt, và nhớ tới câu khen ngợi của Lan, Ngọc lại mỉm cười một mình..

– Thực ra cái phòng của ta giống như cái phòng của một sinh viên trường Đại học.

Mà thực vậy, cái giường mắc màn ren, cái bàn thờ dùng làm án sách, cái án thư trên phủ lá cờ dạ xanh dùng làm bàn viết trông đều sáng sủa, sạch sẽ, k hác hẳn hôm mới tới chỉ trơ trọi cái giường buông chiếc màn nâu. Các tranh ảnh cùng những bức thủy họa của chàng treo ở tường càng tôn vẻ nhã nhặn, âu yếm của cái buồng con con.

Ngọc ngắm một lượt tự hỏi: Trang hoàng như thế để làm gì?

Chàng tự hỏi rồi nhách một nụ cười: Thôi, ta yêu mất rồi!

Mà chính thế. Phải rồi, cái tay thần Ái Tình mới có thể bài trí một cảnh u ám, buồn rầu, nên cảnh dịu dàng âu yếm được. Ngọc lại cười: Nhưng mà ta cũng ngộ nghĩnh thật. Lên ở chùa mới biết yêu, mới biết yêu là có thú vị…Song chẳng lẽ ta cứ yêu suông, yêu bóng mãi thế này cũng uổng, thà chả yêu cho xong.

Sự liên tưởng của ý nghĩ tự nhiên nhắc Ngọc ôn lại một câu Kiều, chàng buột miệng ngâm nga: “Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau”.

– Ừ phải, người ta tu hành. Tội nghiệp!

Muốn cố giữ cho khỏi nghĩ vẩn vơ , Ngọc lấy quyển sách bàn về đạo Phật của David mà chàng vừa mua tuần lễ trước ra coi. Nhưng mới đọc được vài trang đã chán ngắt, chàng gấp sách lại. Bỗng chàng giật mình, mấy giọt nước nóng bắn vào tay. Thì ra ấm nước đặt trên bếp cồn sôi từ bao giờ mà chàng vẫn không biết, đến cả tiếng nước reo chàng cũng không nghe thấy.

Ngọc xoa tay mỉm cười, rồi lấy ấm chén ra pha chè. Uống mấy chén Liên-tâm, chàng thấy tinh thần tỉnh táo, tâm trí hớn hở và ngắm cuộc đời có rất nhiều tư tưởng lạc quan. Rồi nghĩ chuyện nọ nhẩy sang chuyện kia, lẩn mẩn chàng tự đặt mình vào địa vị Từ Thức sống trong cảnh động Phi Lai.

Bấy giờ nhìn qua cửa sổ, ngắm cảnh đồi thoai thoải sau chùa, chàng thấy hiện ra nhiều vẻ xinh đẹp huyền bí. Chàng tưởng tượng dưới đám lá chè lấp lánh, rung động bởi ngọn gió dịu dàng mơn mởn, một cô tiên yểu điệu đương ngồi mơ màng tưởng nhớ ai.

Chàng mỉm cười, mỉm cười với cảnh vật, mỉm cười với làn không khí bao bọc người yêu…

Cúi nhìn xuống cái vườn con bên cạnh cửa sổ, bỗng chàng chú ý đến một vật khiến mắt chàng đăm đăm không chớp. Trong hai khoảng tròn đất mới xới, bên cây đại cành khô khan, da mốc thếch, có hai cây ngọc lan nhỏ mềm mại, ai vừa trồng, mỗi cây ngọn nở một bông hoa trắng muốt.

Chàng chú ý đến là vì tâm trí đương bị cái tên Lan đẹp đẽ ám ảnh… Chàng ngây ngất người ngẫm nghĩ: “Ngọc Lan! Có lẽ thế chăng? Âu yếm mà kín đáo lắm!”

Bỗng chàng thấy lòng phấn khởi, mạnh bạo. Chàng chép miệng nói một mình: “Chà, thì ta cứ thử liều một chuyến xem nào! Không vào hang hổ sao bắt được hổ con?”

Câu nói có vẻ “tuồng” khiến chàng cũng phải phì cười. Mà vào hang hổ thì đã lấy gì làm nguy hiểm. Chỉ có việc đem giấy bút ra viết một bức thư.

Bức thư ấy đã ba, bốn lần Ngọc viết rồi, nhưng lần nào viết xong đọc lại, lại xé nhỏ vứt đi, vì một là chàng sợ Lan không biết quốc ngữ, hai là chàng sợ bị cự tuyệt. Lần này thì chàng nhất định quả quyết. Liền mở hộp giấy viết thư màu tím lấy một tờ ngồi viết:

Chú Lan

Viết được hai chữ ấy, Ngọc mỉm cười xóa đi.

– Không được. Chẳng chú nữa.

Chàng liền lấy tờ giấy khác viết lại:

Cô Thi

Nam mô A di đà Phật! Tôi bắt đầu bức thư của tôi bằng một câu niệm Phật, để xin Phật độ trì cho kẻ khổ sở này, như Phật đã độ trì cho hết thẩy các chúng sinh. Vì tôi chỉ là một người lạc lối trong rừng người. Như một hạt cát bị vùi trong bãi cát sông Hằng Hà.

Nhưng cô cũng là một người, cũng chỉ là một người. Dù cô muốn xa lánh cõi tục, rứt bỏ trần duyên, song cái bản tính của con người dễ một lúc mà cô xóa bỏ nổi được. Cái bản tính ấy là Tình, là… A di đà Phật! Là Ái tình.

Ái tình là bản tính của loài người, mà là hạnh phúc của chúng ta. Tôi yêu cô, và nếu tôi đoán không lầm thì cô cũng chẳng ghét tôi, vậy can chi ta lại làm trái hạnh phúc của ta?

Đức Thích Già Mâu ni xuất thế để đưa linh hồn chúng sinh tới cõi Niết Bàn mà hưởng hạnh phúc bất vong bất diệt.

… Nhưng hạnh phúc của chúng ta chỉ ở ái tình.

Đó là… A di đà Phật! đó là Niết Bàn của chúng ta.

Mấy hôm nay tôi đọc quyển Phật giáo, tôi thấy tôi yêu đạo Phật. Tôi yêu đạo Phật thì tôi lại càng yêu cô, một cách chân thành, tôi yêu trong linh hồn, trong lý tưởng. Cô tha thứ cho tôi, tôi không phải cứ yêu mãi chú Lan, phải cho phép tôi yêu cái linh hồn thực của chú Lan mới được; cái linh hồn ấy, là cô Thi.

Cô xem thư mà xét thấy cho lòng này thì tức là cô vâng ý Phật cứu vớt được một linh hồn đương bị đắm đuối ở cõi nhân gian.

NGỌC

Ngọc chải chuốt y phục, rồi gấp thư cho vào phong bì, bỏ túi ra đi. Lên chùa trên, gặp chú Mộc, Ngọc đột nhiên hỏi:

– Chú Lan đâu?

Chú Mộc thấy Ngọc ngơ ngác, tưởng mới xẩy ra sự gì:

– Chú Lan ở vườn sắn sau chùa. Có chuyện gì đấy ông?

Ngọc chỉ kịp trả lời một tiếng: “không”, rồi lật đật đi thẳng, khiến chú Mộc đứng nhìn theo lấy làm ngạc nhiên.

Ra tới vườn sắn, vì sắn lá cao mà lại trồng bên sườn đồi, chỗ hiện chỗ khuất, nên đến hơn năm phút sau, Ngọc nghe rõ tiếng sột sạt, mới tìm thấy chỗ chú Lan đứng. Bên cạnh chú, một đống cây sắn nhổ lên còn để nguyên củ, cành, lá ngổn ngang .

Ý chừng Lan làm việc nhiều nên mệt nhọc, đứng thở hồng hộc, một tay để vào ngực. Ngọc rón rén đến sau lưng, ỡm ờ chào:

– Kìa, cô Thi!

Lan thong thả quay mặt lại, điềm nhiên trả lời:

– Không, tôi đây mà. Cô Thi nào dám vào vườn sắn của nhà chùa?

Nói xong chú cười rũ rượi, chảy cả nước mắt, đỏ ửng cả hai má. Rồi lại nói tiếp:

– A di đà Phật! Ông muốn gặp cô Thi thời ra nhà cô ấy chứ.

– Không, cô Thi khác, cô Thi của tôi kia.

Lan không để ý đến câu trả lời của Ngọc, nhìn trời, nói:

– Mặt giời lên đã cao. Phải mang sắn về mới được, chẳng Cụ quở.

Nói xong lấy giây buộc qua quít lại bó sắn. Còn Ngọc thì thò tay vào túi lấy bức thư ra, rồi lại ấn vào, như thế đến hai, ba lượt.

Lan vác bó sắn lên vai, chào:

– Thôi ông ở lại, tôi về chùa.

Ngọc nói lúng túng:

– Được… này… tôi… à! Sao chú không bẻ lấy sắn đem về, còn cành lá thì bỏ đi có nhẹ việc không?

– Cành để giồng và đun chứ.

Lan vừa trả lời, vừa bước xuống đồi.

Ngọc đi theo như toan níu lại:

– Thì hãy ở lại, chờ tôi rồi cùng về một thể.

Lan sợ hãi, đặt vội bó sắn xuống đất mà rằng:

– Vâng, thì ở lại. Nhưng ở lại làm gì mới được chứ?

– Ở lại ngắm cảnh.

– Giời nắng còn ngắm cảnh gì?

– Nắng thì ta ngồi xuống dưới bóng lá sắn. Này cô…

Ngọc vừa nói vừa rút bức thư,

– Này, chú…

– Ông dạy?

– Hôm nay chắc mát giời…

– Vâng, chắc mát giời…

Hai người lại nhìn vơ vẩn. Ngọc lại toan đưa bức thư.

– Chú… ạ.

– Dạ.

– Sắn ăn ngon đấy chứ?

– Vâng ngon. Nhưng ông để tôi về chẳng Cụ kêu.

– Chú để tôi mang đỡ.

Lan không trả lời, đội bó sắn chạy vùn vụt xuống đồi, để trơ Ngọc đứng lại một mình, buồn bã.

Ngọc chép miệng thở dài. Rồi quả quyết lấy bức thư ra xé làm tư, vứt xuống đất.

Chàng về đến cổng chùa, thì chú Lan đi ra có dáng vội vàng, hấp tấp. Ngọc buồn rầu, chẳng thèm chào hỏi.

Lan chạy một mạch lên đồi sắn. Đến chỗ ban nãy, chú vui cười mà rằng:

– Đây rồi!

Thì ra chú bỏ quên con dao nhọn dùng để đào và chặt sắn. Bỗng chú mỉm cười nói một mình: “Không biết giấy gì của ông ấy xé thế này? “

Ngắm kỹ thì là chiếc phong bì xé ra làm bốn mảnh . Trên một mảnh thấy thoáng có hai chữ “Cô Thi”

Thốt nhiên ở mồm Lan buột ra câu hỏi: “Cô Thi nào? “

Lan ngồi cặm cụi chắp lại các mảnh thư ở trong phong bì.

Bên ngoài gió thổi xô xát lá sắn, tiếng kêu sạt sạt. Những mảnh giấy tím chỉ chực bay. Lan phải lấy những viên gạch vụn chặn lên trên.

Một lát sau, khi đã đọc xong bức thư, Lan còn thơ thẩn trên đồi.

Gió càng thổi dữ, các tà áo Lan bay phấp phới mà trái tim kia như chịu sức mạnh của cơn gió cũng phập phồng trong ngực như làn lá sắn nhấp nhô tựa sóng.

Lan buồn rầu nghĩ ngợi, hai bên má có ngấn hai hàng nước mắt.

Bỗng tiếng mõ tụng kinh ở chùa đưa tới. Một nụ cười kín đáo nở trên môi, Lan thong thả trở về.

Qua dẫy nhà trai, Lan liếc mắt thấy Ngọc ngồi ở ngưỡng cửa buồng, tì tay vào má có dáng nghĩ ngợi. Thoáng thấy Lan, Ngọc gật đầu, mỉm cười nhưng Lan vờ như không biết cứ rảo bước đi thẳng lên chùa trên.

Lan khẽ đẩy cửa rón rén bước vào nhìn trước nhìn sau, như người mới phạm một trọng tội mà sợ có kẻ biết sắp tố giác.

Vào trong chùa ngửi thấy mùi trầm ngào ngạt, nghe thấy tiếng tụng kinh dịu dàng, Lan tươi cười thở dài, như kẻ ngã xuống sông vừa ngoi lên được mặt nước vậy

Làn không khí êm đềm tịch mịch bao bọc những pho tượng khổng lồ, nét mặt thản nhiên. Trên bục gỗ, sư Cụ khoác áo bốn thân ngồi ngay thẳng như pho tượng, chỉ hơi mấp máy cặp môi, và động đậy cánh tay gõ mõ.

Lan đứng sững hồi lâu, nhắm mắt lim dim hai tay chắp ngực, rồi thong thả, nhẹ nhàng như cái bóng, mon men lại sau lưng sư Cụ, ngồi xệp xuống đất lâm râm khấn khứa…

—>6

This entry was posted in 3.Truyện dài - Tiểu thuyết, Khái Hưng. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời