HỒN BƯỚM MƠ TIÊN (Khái Hưng)

VIII

Chùa Long Giáng vắng Ngọc như thiếu hẳn vẻ hoạt động. Một tháng Ngọc ở chùa làm biến cải hẳn các sinh hoạt của mấy người tu hành. Sư Cụ, trước kia ngoài giờ tụng kinh, niệm Phật, thường chỉ tĩnh tọa để trầm tư mặc tưởng tới những vấn đề giải thoát linh hồn. Chú Mộc ngoài việc chú dọn dẹp, quét trước, rót nước, bưng cơm, chỉ ngồi lì ở nhà ngang trò chuyện cùng ông Thiện và bà Hộ. Còn chú Lan thì ngày đêm chỉ biết chăm nom việc trên chùa, thắp nhang, đốt đèn, thỉnh chuông và học tập kinh kệ. Các công việc nhắc lại hằng ngày đã khiến năm linh hồn kia trở nên năm cái máy, giờ nào làm việc nào, ngày ngày, tháng tháng, năm năm không hề thay đổi.

Từ ngày có Ngọc ở chùa thì năm bộ máy khi nhanh khi chậm sai lạc đi nhiều. Tuy công việc vẫn có thế, song những giờ tĩnh tọa của sư Cụ nhiều khi đã đổi thành những cuộc nói chuyện về đạo Phật, về sự tích Phật Tổ. Sư Cụ bản tính thâm trầm nghiêm khắc, mà có lần cũng phải cười về những câu hỏi ngớ ngẩn, những ý tưởng ngộ nghĩnh của Ngọc.

Nhất là khi có chú Lan đứng hầu bên cạnh, Ngọc càng thấy phấn khởi tâm hồn, và cuộc đàm luận càng có vẻ náo nhiệt lắm. Những thuyết về thái tây, những tư tưởng triết lý của Ngọc không thể lọt tai nhà tu hành được, nhất Ngọc lại đem những ý tưởng trong các sách của phái tiểu thừa mà bàn tới đạo Phật ở nước ta theo về phái đại thừa, nên hai bên thực không thể nào hợp ý nhau được. Có những cuộc đàm đạo ấy, sư Cụ cũng thấy vui vui. Và Cụ cũng lo tới ngày cùng Ngọc biệt ly.

Đến cả bà Hộ, ông Thiện, chú Mộc trong khi có Ngọc, cũng bận suốt ngày, nhưng tuy bận bịu, rộn rịp hơn xưa mà vẫn lấy làm vui vẻ. Nào hai bữa cơm sửa sang cho lịch sự, nào hầu hạ pha nước, lấy thau. Nhất là chú Mộc thấy Ngọc tính rất dễ dãi lại càng hay lên chuyện gẫu lắm.

Nay Ngọc về Hà Nội, năm người đều thấy những công việc hằng ngày buồn tẻ. Mấy cái máy uể oải nay càng uể oải hơn xưa.

Nhưng người thấy buồn tẻ nhất là chú Lan.

Ba, bốn ngày sau hôm Ngọc đi, chú chẳng biết làm gì, chẳng muốn ăn uống gì. Đến nổi sư Cụ và chú Mộc phải lấy làm lạ rằng cái tình bằng hữu của chú đối với Ngọc không ngờ thân mật đến thế.

Chiều hôm ấy, mặt trời đã lặn sau rặng đồi tây, Lan còn thơ thẩn ở trên vườn sắn sau chùa. Ngồi trên bó cành lẫn lá để ngổn ngang chưa buộc, cặp mắt lờ đờ nhìn về phía xa xa linh hồn Lan như đương theo đám mây phản chiếu sắc hồng của vừng thái dương mà bay về nơi hư vô tịch mịch. Lan thở dài, buột mồm thong thả nói: “Niết Bàn! Bồng lai!”

Hai ý tưởng “tôn giáo” và “ái tình” hình như đương công kích nhau trong tâm trí.

Bỗng Lan giật mình tỉnh bừng giấc mộng. Tiếng chuông chùa như cất giọng từ bi vỗ về an ủi, dỗ dành. Lan mỉm cười lẩm bẩm: “Thế nào cũng phải lánh xa nơi trần tục!”

Tiếng chuông đổ hồi như vui mừng, cười khanh khách vì đã giải thoát được linh hồn Lan.

Lan cũng cười tiếp theo hồi chuông, tiếng cười lanh lảnh trong làn không khí yên lặng dưới ánh lù mù thảm đạm buổi chiều tà.

—>9

This entry was posted in 3.Truyện dài - Tiểu thuyết, Khái Hưng. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời