HỒN BƯỚM MƠ TIÊN (Khái Hưng)

IV

Sáng hôm sau trong chùa Long Giáng kẻ tới, người lui, có vẻ tấp nập rộn rịp.

Dưới nhà ngang đối diện với nhà trai, ông Hộ cùng ba bốn người làng đến giúp việc đứng bên chiếc bàn dài, kẻ lau lá mít, kẻ đóng oản, tiếng kêu chí chát. Chốc chốc lại thấy có người đội voi giấy, ngựa giấy cùng những hình nhân đến.

Ngọc tuy lần đầu được mục kích quang cảnh ấy ở chùa, nhưng cũng chẳng lưu ý tới. Lòng chàng đương băn khoăn về câu chuyện tối hôm qua, nên ngơ ngác chàng đi tìm Lan để dò cho ra bí mật.

Lên trên chùa chàng gặp chú Lan đương cầm phất trần phẩy bụi ở các pho tượng, còn chú Mộc thì lúi húi lau các cây đèn nến và bình hương, ống hoa. Ngọc lại gần hỏi:

– Chùa ta sắp có việc gì mà có vẻ náo nhiệt thế?

Chú Mộc quay lại trả lời:

– Hôm nay bắt đầu làm chay cho vong linh ông Hàn.

– Thảo nào ở nhà Tổ thấy nhiều đồ mã thế.

Ngọc tuy cũng hỏi, cũng nói cho qua quít, chứ bao tâm thần đều chăm chú cả vào chú Lan, chỉ mong được dịp ở lại một mình với chú mà thôi. Đứng một lát lâu, chàng vơ vẩn hỏi chú Mộc:

– Chú không xuống nhà giúp việc đóng oản à?

– Không phải việc của tôi.

Câu trả lời cộc lốc khiến Ngọc bẽn lẽn đứng im thin thít. May sao, chú Lan như giúp lòng nguyện vọng của chàng, bỗng bảo chú Mộc chạy qua xuống nhà Tổ xem sư Cụ có truyền gì không, vì hai người cắm cúi suốt từ sáng sớm đến giờ ở trên chùa. Ngọc nghĩ thầm: “Hắn vô tình hay hắn muốn ở lại một mình với ta? “

Song tuy được như lòng ước mong mà chàng cũng chả biết hỏi câu gì? Quái lạ, trước chàng mới ngờ bạn là gái thì đứng trước mặt bạn, cử chỉ ngôn ngữ còn được tự nhiên. Nay đoán chắc bạn là gái rồi thì lại thấy mình bẽn lẽn, ngượng nghịu. Có lẽ đó là cái tính nhút nhát của con người có giáo dục, có lương tâm. Hay đó chính là ái tình?

Ngọc mủm mỉm cười, trong lòng lấy làm sung sướng, đương tìm cách khai mào câu chuyện, bỗng có tiếng guốc lộp cộp. Ngoảnh lại, thì sư Cụ đã đến gần. Sư Cụ cười bảo Ngọc:

– Cháu lên đây để nghỉ ngơi cần được yên tĩnh mà gặp tuần chay thế này chắc phiền cho cháu lắm nhỉ?

– Bạch Cụ. Cũng không sao ạ. Chỉ vì cháu ở chùa làm phiền Cụ và làm khó nhọc cho các chú tiểu phải săn sóc, tới nay đã hơn nửa tháng, nên cháu muốn xin phép Cụ cháu về Hà Nội.

Ngọc vừa nói vừa nhìn Lan xem Lan có tỏ ra nét mặt vui, buồn chăng, nhưng vẫn thấy Lan điềm nhiên như không, đang cầm phất trần phẩy bụi, không hề lưu ý đến mình.

Sư Cụ ngẫm nghĩ một lát, rồi trả lời:

– Nếu cháu sợ chuông trống ầm ỹ thì bác chả dám giữ.

– Bạch Cụ, không phải thế.

– Hay cháu sợ ngăn trở việc học của cháu? Nếu chỉ có thế thì cháu kể các tên sách cháu cần dùng, vài hôm nữa bác bảo chú Lan về Hà Nội lấy lên cho cháu.

Ngọc ngỏ lời xin về là chỉ để dò ý tứ Lan, nên thấy sư Cụ giữ thì đứng im. Sư Cụ biết Ngọc thuận ở lại, quay ra bảo Lan:

– Xong việc làm chay, chú về Hà Nội…

Ngọc vội đỡ lời:

– Bạch Cụ, cháu đã đem theo đủ các sách rồi.

– Thế thì càng hay. Ày cháu, bác nghe nói Tây người ta cũng dịch kinh Phật có phải không?

– Bạch Cụ, vâng. Nhất là một quyển của người Đức, cháu nghe nói có giá trị lắm, nhưng cháu chưa đọc.

– Cháu biết tiếng Đức à?

– Bạch Cụ không, nhưng sách ấy có bản dịch chữ Pháp.

– Vậy thì cháu nên mua mà xem để biết qua đạo Phật.

Ngọc nhìn Lan mỉm cười:

– Bạch cụ, để rồi cháu nhờ chú Lan giảng cho cũng đủ.

– Chú ấy đã biết gì. Nhưng cháu còn bận học bao nhiêu thứ. Khi nào thi đỗ đã rồi hãy khảo cứu về đạo Phật cũng được. Cháu chỉ nên biết rằng đạo Phật huyền bí lắm, chứ những điều cháu trông thấy ở trước mắt không phải là điều cốt yếu của đạo Phật đâu. Cho chí những việc lễ bái, đàn chay cũng là phải có để khuyên đàn bà và những kẻ vô học làm điều thiện đó thôi.

Sư Cụ đứng nhìn quanh một lượt rồi hỏi chú Lan:

– Chú Mộc đâu?

– Bạch cụ, chú Mộc vừa xuống nhà Tổ.

– Chú ấy chưa đi mời các sư chùa Long Vân, Hàm Long đến dự lễ à?

– Bạch cụ, chưa.

– Thôi chú ở lại sửa soạn, quét tước để ta bảo chú Mộc đi ngay kẻo muộn.

Sư Cụ vội vàng đi ra.

Ngọc đứng ngắm chú Lan làm việc, cố tìm cách gợi tới câu chuyện bí mật. Chàng đến gần sẽ nói:

– Tôi xin về, Cụ chưa cho về, chán quá!

Lan không quay lại, trả lời:

– Ông quen ở nơi đô hội náo nhiệt, lên đây thấy cảnh chùa chiền tịch mịch chắc buồn lắm…

– Không phải thế. Tôi chỉ sợ tôi ở đây lâu làm phiền chú, mà phiền cả cho tôi.

– Sao lại phiền đến tôi được, thưa ông? Còn như ở đây có điều gì làm phiền ông thì ông cứ lên bạch Cụ.

Nghe câu trả lời gióng giẳng, Ngọc mủm mỉm cười, rồi bạo dạn nhìn thẳng vào mắt chú Lan mà nói rằng:

– Có gì phiền đâu, chỉ vì trước kia tôi yêu một người hình dung, diện mạo y hệt chú…

Chú Lan điềm nhiên nói tiếp:

– Nên nay ông gặp tôi lại nhớ tới, A di đà Phật, người tình của ông, phải không?

– Chính thế! Tình nhân của tôi tên là Thi.

Lan sẽ hỏi:

– Tên là Thi?

Chú mặt ngẫm nghĩ, rồi ngẩng phắt lên mạnh bạo nhắc lại:

– Tên là Thi, thưa ông?

– Phải, tên là Thi. Chú cho là lạ chăng?

– Cũng hơi lạ.

– Chú có thể cho tôi biết được vì cớ gì mà chú cho là lạ?

Lan chỉ mỉm cười không trả lời. Ngọc càng ngờ lắm giả vờ kể lể chuyện riêng:

– Tôi yêu cô Thi, sắp sửa hỏi làm vợ thì bỗng cô ấy đi đâu mất. Dáng chừng chú cũng quen biết cô ta nên cho là một sự lạ chứ gì? Có người bảo tôi rằng cô ấy đi tu, nên tôi cứ lần mò các chùa chiền để đi tìm…

Lan nghe tới đó, cười khanh khách nói tiếp theo:

– Vậy ra ông tới chùa Long Giáng chỉ có một mục đích ấy? Nhưng cô Thi tôi quen biết chắc không phải là cô Thi của ông đâu, xin ông đừng vội mừng. Đáng lẽ ở trước cửa từ bi chẳng nên nói tới câu chuyện nhăng nhít, nhưng xin Ngài cũng thấu nỗi khổ tâm của kẻ tu hành này mà tha thứ cho. Ông nghe câu chuyện tôi sắp kể đây xin giữ bí mật cho nhé!

– Được, tôi xin giữ bí mật.

– Có gì đâu! Gần đây có một người thiếu nữ cũng có chút nhan sắc, hễ gặp tôi là thì cô chòng ghẹo, có khi lại dám viết thơ cho tôi, tôi van thế nào cũng không được. Tên cô ấy là Thi. Vì thế thường thường đêm khuya tôi vẫn lên chùa cầu nguyện đức Thích Ca phù hộ và giáng phép mầu nhiệm cho cô ta tỉnh ngộ mà buông tha cho kẻ tu hành này ra.

Ngọc nghe câu chuyện, ngẫm nghĩ: “Có lẽ nào lại thế? Hay hắn biết ta đã khám phá được sự bí mật của hắn nên hắn bịa ra câu chuyện ấy chứ gì? ” Đã toan hỏi căn vặn, thì bỗng chú Lan nói một mình:

– Chết chửa! Chưa bảo ông Hộ đi mượn bàn.

Rồi chú hấp tấp chạy xuống nhà.

Lan tưởng làm thế để đánh trống lảng, nhưng ngờ đâu càng khiến Ngọc đoán chắc chú là gái. Vì Ngọc nhận ra rằng hễ khi nào câu chuyện đến chỗ nguy hiểm là Lan tìm cớ nọ cớ kia để xa lánh. Ngọc mừng thầm nói một mình: “Có tài thánh cũng không giấu nổi ta”.

Vừa nói dứt câu đã thấy Lan ở nhà dưới chạy lên, nét mặt thản nhiên tươi cười như thường . Ngọc ỡm ờ hỏi:

– Chắc tối hôm nay làm chay có chạy đàn, thì thế nào cô Thi cũng đến xem nhỉ?

Lan vô tình không hiểu:

– Cô Thi nào?

– Cô Thi của chú, chú đã quên rồi à?

– Nam mô A di đà Phật! Ông chớ nói đùa, nhỡ đến tai Cụ thì còn ra làm sao?

– Nhưng chuyện có thực đâu mà chú sợ… Chú ạ, cô Thi của chú yêu chú, mà chú không thể yêu được. Còn cô Thi của tôi, thì tôi yêu mà cô lại không thể yêu được tôi, hay cô không muốn yêu tôi.

Chú Lan nghiêm sắc mặt trả lời:

– Nếu ông còn muốn tôi nói chuyện với ông thì xin từ nay ông đừng đem những chuyện bậy bạ kể cho tôi nghe nữa.

– Xin vâng. Chỉ vì tôi coi chú là người bạn thân của tôi nên mới dám ngỏ tâm can với chú. Nhưng chú không muốn nghe thì thôi, can chi mà chú phải giận.

Lan, mặt đỏ bừng trách Ngọc:

– Xin ông biết cho rằng vì tôi thấy ông là người có lễ độ, có học vấn nên thỉnh thỏang muốn đem đạo Phật ra bàn cùng ông, cho rộng kiến thức. Nhưng nếu chỉ là câu chuyện bất chính, phạm tới tám điều răn thì xin từ nay ông tha cho.

Ngọc cười gượng:

– Thôi xin lỗi chú.

***

Luôn hai tối các nhà sư ở những chùa lân cận tiếp được giấy mời của Sư Cụ Long Giáng tề tựu đến dự lễ rất đông.

Ngoài sân chùa, ở giữa bày ba tầng án thư chồng lên nhau theo hình bậc thang. Hai bên cũng đều có án thư. Nến thắp lung linh, ánh sáng phản chiếu vào những mặt kính tròn ở các mũ giấy bày la liệt kín cả mấy hàng án thư trông lấp lánh như các ngôi sao trên trời.

Tối nào các nhà sư cũng cắt lượt nhau tụng kinh đến tận hai, ba giờ sáng, hoặc ngồi ở chiếu giữa, hoặc đứng sát các án thư bên. Cứ xong một lần tụng niệm lại có đánh trống lớn, trống con, thanh la, não bạt, nghe rất là inh ỏi.

Đến tối thứ ba thì vào đàn giải kết.

Sư Cụ chùa Long Giáng vì già yếu, mà việc đàn chay lại khó nhọc, nên một đồ đệ của Cụ là sư Ông chùa Long Vân đứng chủ trương. Sư Ông ngồi ở chiếu giữa, tụng kinh một lúc lại chạy vòng quanh đàn, nghĩa là đi lượn khắp hàng án thư, theo nhịp nhanh hay chậm của tiếng trống và thanh la. Sau lưng sư Ông gần hai chục người chạy theo, nào tiểu, nào vãi, nào thiện nam, tín nữ cùng là những người nhà sự chủ.

Ngọc đứng ngắm một tràng người tay chắp trên ngực, chạy lượn khú, quanh co, khi tiến, khi lui rất nhịp, như lăn trên đôi bánh xe nhỏ. Ngọc lại tưởng tượng đến những người bằng giấy trong chiếc đèn kéo quân đêm hôm rằm tháng tám.

Chạy xong một tuần, sư Ông lại vào chiếu giữa múa may quyết ấn trông rất dẻo tay, rồi cầm kéo cắt những đồng tiền kết giấy thành hình người và treo lủng lẳng ở ba hàng giây chung quanh bàn. Cứ mỗi lần lại cắt bốn, năm đồng kỳ cho hết là tan đàn.

Trong khi ấy thì những người tùy tùng hoặc vào ngồi lễ ở sau lưng sư, hoặc đứng sang một bên, lẫn vào chỗ người đi xem.

Ngọc đứng chờ ở một xó, hễ thấy chạy xong một lần lại gọi chú Lan nhờ giảng nghĩa hộ. Đến lần thứ ba, thứ tư, thì hễ thấy Ngọc chỉ gật sẽ một cái, Lan đã chạy vội đến ngay.

Ngọc cười, hỏi Lan:

– Này chú, sao lại có hai người chạy đàn?

– Hai người nào?

– Một người gánh một gánh cỏ và một người buộc con ngựa giấy vào mình trông như cưỡi ngựa vậy, nhất là nghe tiếng nhạc kêu lại càng như hệt lắm.

– Đấy là người giữ ngựa và người cắt cỏ cho ngựa ăn, đi theo hầu thầy Đường Tăng sang Tây Tạng thỉnh kinh. Đàn này tức là ôn những sự tích đi lấy kinh.

Bấy giờ có tiếng ai the thé trả lời ở sau lưng:

– Sự tích ấy tôi cũng biết, chép trong chuyện Tây Du chứ gì?

Ngọc quay lại thấy một cô nhà quê ăn vận gọn gàng như phần nhiều các cô con gái vùng Bắc nước da bánh mật, đôi mắt ti hí. Ngọc cho là cũng khá xinh và nói đùa một câu:

– Cô bảo cô biết thì cô thử kể cho tôi nghe xem nào?

Cô ta cho là Ngọc chế nhạo, cúi đầu không trả lời. Còn chú Lan thì không hiểu vì sao cũng bẽn lẽn đi lảng ra nơi khác.

Ngọc theo lại sẽ hỏi

– Người nào vừa rồi đấy chú?

Chú tiểu thở dài không trả lời. Ngọc đoán ngay là cô con gái phải lòng chú, liền lại hỏi:

– Có phải cô Thi của chú đây không?

– Nam mô A di đà Phật!

Ngọc chưa kịp hỏi câu thứ hai thì chú Lan đã vội vã vào trong đàn, vì lúc bấy giờ cắt kết xong lần thứ tư, sư Ông đã lại ra sân chạy đàn. Ngọc nhìn theo thấy người con gái ban nãy cũng chạy liền ngay đàng sau chú Lan, nét mặt có vẻ hớn hở lắm, khiến chàng không thể nhịn cười được.

Đàn vừa tạm nghỉ, Ngọc vội chạy ngay lại chỗ hai người, mỉm cười khen lấy khen để:

– Chú chạy đẹp quá, nhất là có cô… cô gì, à cô Thi, chạy theo càng đẹp lắm.

Người con gái nghe gọi đến tên Thi thì ngơ ngác nhìn Ngọc rồi lại nhìn chú Lan. Ngọc thấy vậy nhớ ngay đến câu chuyện khấn khứa đêm hôm nào. Chàng nghĩ thầm: “Thôi đích rồi, hắn bịa ra câu chuyện để chống chế chứ gì.”

Song tuy chàng nghĩ vậy mà cứ tảng lờ như không lưu ý đến dáng bộ ngạc nhiên của cô gái quê. Không những thế, chàng lại cố làm lạc hẳn câu chuyện đi mà hỏi cô kia rằng:

– Cô biết truyện Tây Du à?

– Vâng, tôi biết! Em tôi vẫn mượn sách của con ông Bá về nhà đọc, tôi được nghe… chuyện vui lắm kia… nhỉ, chú Lan nhỉ?

Lan nghiêm nét mặt trả lời:

– Tôi không biết. Mà tôi xin cô đừng nói chuyện với tôi nữa, tôi nghe chuyện cô đâu.

Cô ả cười, nghiêng cái đầu và lên giọng nũng nịu:

– Không nghe tôi cũng cứ nói.

Chú tiểu càng giận:

– Mà tôi nói cho cô biết, cô không được phép vào trong đàn. Chỉ các sư, các tiểu, các vãi, cùng người nhà sự chủ là được phép chạy đàn mà thôi.

Cô kia không chột dạ, vẫn cười, nhoẻn cặp môi thắm sắc quết trầu:

– Tôi cứ chạy…tôi sắp xin làm vãi kia.

Ngọc thấy cô ả đỏng đảnh quá cũng phải ngượng và đâm cáu:

– Rõ khéo cô này, người ta xuất gia tu hành lại còn cứ trêu ghẹo người ta mãi.

Cô nhà quê xấu hổ đứng im, còn Lan thì ngước mắt mỉm cười nhìn Ngọc như để cảm ơn, rồi nói luôn:

– Phải không ông? Người ta đã xuất gia tu hành thì không nên trêu ghẹo người ta nữa chứ?

– Phải lắm.

Ngọc trả lới ngơ ngẩn như vậy là vì trí chàng đương bận câu chuyện của Lan. Chàng cho là câu hỏi rất đáng ngờ và có lẽ đối với mình có một ý nghĩa trực tiếp, chứ không liên can gì đến cô gái kia. Tuy chàng đoán chắc rằng thế, nhưng vẫn cứ tảng lờ như không biết gì hết, vì chàng đã nghĩ ra được một kế rất diệu sắp đem thi hành.

Đến đàn thứ năm, chú Lan mỉm cười nhìn Ngọc như chào chàng ở lại để vào chạy đàn. Nhưng Ngọc giữ vẻ mặt lãnh đạm, rồi quay sang phía cô gái quê, ghé mồm vào tận tai, thì thầm:

– Cô ở lại, đừng vào trong đàn nữa, tôi nói cho cô nghe một câu chuyện hay.

Cô ả đỏ mặt không trả lời, nhìn theo Lan, còn chú tiểu thì có dáng tức giận lắm.

Trong khi chú Lan chạy đàn, hễ đến gần chỗ hai người đứng thì Ngọc lại làm bộ ghé gần vào cô láng giềng chuyện trò có vẻ thân mật mật lắm.

Ngọc hỏi:

– Tên cô là Thi, phải không?

– Không, tên em có là Thi đâu? Em là Vân kia mà. Ban nãy em thấy ông gọi em là Thi, em buồn cười quá….

– À, ra là cô Vân kia đấy. Nhưng cô chớ nói với chú Lan rằng tôi biết tên cô là Vân nhé, chú ấy ghen đấy. Vậy, này cô Vân, sao chú Lan tu hành mà cô cứ trêu ghẹo chú ấy thế?

Vân giả vờ không nghe rõ, nhìn đi nơi khác.

Ngọc nói lại:

– Quyến rũ người tu hành, tội chết!

Câu chuyện đến đấy thì chú Lan ở trong đàn đi ra, mặt hầm hầm, đứng gần lại chỗ hai người. Ngọc làm bộ như không trông thấy chú, vẫn cứ nghiễm nhiên thì thầm với cô Vân.

Lan cười gằn:

– Này cô…kia, khuya rồi đi về chứ, chẳng mai bà cô chửi chết.

Ngọc không để Vân kịp trả lời, nói đỡ ngay:

– Thì việc gì đến chú đấy, để mặc cô ấy xem chứ.

Nhưng Vân nói sẽ với Ngọc:

– Thôi để em về, không chú Lan giận.

Ngọc cũng hỏi sẽ:

– Cô sợ chú Lan giận à?

Rồi chàng nói to cốt để Lan nghe tiếng:

– Chốc nữa, có sợ tối thì tôi đưa về tận nhà.

Lan nguẩy một cái quay đi nơi khác. Còn Vân tưởng chú giận mình đứng nói chuyện với trai, cũng từ biệt ra về.

Nàng vừa đi khỏi, Ngọc đã thấy Lan lại gần, ôn tồn bảo bạn:

– Tính ông trai lơ lắm.

– Việc gì đến chú đấy.

– Nhỡ Cụ biết, Cụ quở chết.

– Ai dám mách mà Cụ biết? Vả Cụ biết cũng chẳng sao. Cụ đi tu chứ tôi có đi tu đâu. Nhưng chú thì chú vô ơn lắm.

– Thế nào là vô ơn?

– Cô Thi phải lòng chú, tôi có ý giúp việc tu hành của chú thành chánh quả, nên vì chú tôi muốn quyến rủ cô ta để cô ta buông tha chú ra…

Lan đỏ mặt:

– Đứng trước người tu hành mà ông ăn nói tự do quá.

Ngọc lạnh lùng đáp:

– Xin chú đại xá cho.

Nói xong quay lưng đi thẳng. Lan gọi với:

– Ông đi đâu đấy?

Ngọc ngoái cổ lại, cười gằn:

– Tôi đi đâu thì can gì đến chú?

– Lại đi…

Lan như tắc họng không nói được, hai giọt nước mắt long lanh dưới cặp mi đen quầng.

—>5

This entry was posted in 3.Truyện dài - Tiểu thuyết, Khái Hưng. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời