HỒN BƯỚM MƠ TIÊN (Khái Hưng)

III

Ngọc nấn ná ở chùa Long Giáng đã mười hôm, tình thân mật đối với chú tiểu Lan một ngày một thêm khăng khít, đến nỗi cả chùa từ sư Cụ cho chí ông Thiện, bà Hộ, đều biết rằng hai người là một cặp tri kỷ, ý hợp tâm đầu.

Từ hôm nói chuyện với chú tiểu ở trên gác chuông, mối hoài nghi của Ngọc một ngày một tăng tiến. Luôn luôn trí nghĩ lúc nào cũng nhắc tới câu hỏi:

– Gái hay trai?

Hỏi rồi lại tự trả lời:

– Chả có lẽ là gái. Những lời bàn về đạo Phật của chú tiểu có ý khinh bỉ cánh phụ nữ… Nhưng ta cũng ngốc tệ! Phải, nếu hắn là gái thì hắn càng cần phải làm thế để giấu ta chứ… Đích rồi, chính hắn là gái.

Hôm ấy Ngọc thung thăng bách bộ ở dưới rặng thông , hai tay chắp sau lưng, trông càng có vẻ tư lự:

– Ta hẹn cho ta mười hôm nữa là cùng, phải tìm ra sự bí mật này.

Lúc ấy có tiếng ai gọi:

– Thầy Phán!

Ngọc quay đầu lại. Một bà lão cắp rổ chè tươi rảo bước đi tới.

– Bà cụ gọi tôi?

– Thầy có phải ở chùa Long Giáng không?

– Phải, cụ hỏi điều gì? Hay cụ muốn bán chè chăng?

– Tôi nhờ thầy bảo giùm chú Lan cho rằng đừng lởn vởn đến nhà tôi nữa mà có ngày què chân.

– Sao vậy cụ?

Bà lão mặt hầm hầm tức giận:

– Ai lại đã tu hành còn ghẹo gái…

– Cụ lầm đấy! Chẳng khi nào chú Lan lại bậy thế.

– Chả khi nào! Con cháu nhà tôi từ ngày nó gặp chú ấy nó sinh ốm, sinh đau, mất ăn, mất ngủ.

Ngọc cười:

– Thế thì lỗi ở cháu cụ, chứ ở đâu chú Lan! Đừng ngờ cho người ta tội nghiệp, cụ ạ.

– Nếu nhìn nó, chú ấy không cười cợt nhí nhãnh thì đâu nên nỗi.

– Được, cụ để tôi về bảo chú ấy cho.

Bà lão vui vẻ cúi chào:

– Cám ơn thầy.

– Không dám, chào cụ.

Ngọc chau mày, lo lắng tự hỏi:

– Lạ nhỉ, có lẻ hắn là trai thật sự ư? … Mà sao hắn lại không phải là trai? Trí ta tiêm nhiễm tiểu thuyết quá, nghĩ quẩn mất rồi.

Ngọc loay hoay ngẫm nghĩ vừa đi vừa nhìn xuống đất. Bỗng nghe tiếng sột soạt trong vườn chè bên đường hẻm. Kiễng chân nhìn qua hàng rào, thấy chú Mộc đương buộc bó cành khô, Ngọc chào:

– Kìa, chú tiểu.

Chú Mộc chưa kịp đáp lại, chàng đã lấy tay rẽ một lối bước vào vườn:

– Chú đã nhặt đủ hai ôm rồi à? Đưa lạt tôi bó giúp cho một bó.

– Thôi, ông để mặc tôi, không bẩn áo.

Ngọc ngắm chú Mộc từ chân đến đầu, mủm mỉm cười. Chú Mộc ngước mặt thấy chàng cười chẳng hiểu chi cũng cười, có biết đâu rằng Ngọc đang so sánh chú với chú Lan, một người thì quê mùa cục mịch, một người thì trắng trẻo xinh xắn. Ngọc thốt nhiên hỏi:

– Sao tên chú ấy lại là Lan nhỉ? Như tên con gái ấy.

Mộc giảng nghĩa:

– Lan là tên Cụ đặt cho. Tên chú ấy chính là Thận kia.

– Sao Cụ lại đổi tên cho chú ấy thế nhỉ? Tên Thận cũng hay chứ.

– Vì ai mới tu hành cũng phải bỏ tên cũ, rồi sư Tổ đặt cho một tên mới chọn trong các giống hoa, chẳng hạn hoa Lan, hoa Quì, hua Hồng…

Ngọc nghĩ thầm:

– Ra ta lầm to, ta cứ tưởng Lan là tên con gái, té ra chỉ là một tên sư Cụ đặt cho. Khen cho sư Cụ cũng khéo tìm được cái tên xứng đáng…

Chú tiểu lại nói:

– Cụ đặt cho chú ấy cái tên Lan là vì chú ấy tới chùa về đầu mùa xuân.

Ngọc muốn gợi chuyện:

– Nghe đâu chú ấy không được đứng đắn thì phải.

– Không, chú ấy đứng đắn lắm, mộ đạo lắm.

Ngọc mỉm cười hỏi vẩn vơ:

– Chú ngủ cùng buồng với chú Lan chứ?

– Không tôi vẫn ngủ ở nhà trai. Còn chú ấy vì Cụ tin yêu, giao cho giữ buồng kho, nên hôm nào cũng ngủ trong buồng kho, cài then kỹ lưỡng lắm. Nhiều hôm đêm khuya gọi lấy thức gì rất khó khăn.

Một tia ngờ nẩy trong trí Ngọc. Làm gì mà cẩn thận quá thế? Thôi, chắc là con gái rồi.

Ngọc ở nương chè về, dáng điệu buồn rầu, đứng tựa cột hiên chùa, nhìn vơ vẩn. Dưới chân đồi, thẳng cửa Tam Quan trông ra, con đường đất đỏ ngòng ngoèo đi tít về phía rặng tre xanh biếc, bao bọc mấy xóm xa xa. Bên đường, lạch nước phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh như tấm kính dài.

Cảnh đẹp bỗng gợi lòng thích hội họa của Ngọc.

Xưa nay chàng đi chơi đâu cũng thường đem theo giấy cùng thuốc vẽ thủy họa. Chàng liền xuống nhà trai mở va-li lấy các họa cụ lên ngồi vẽ.

Đương hý hoáy chọn màu, pha thuốc, nghe có tiếng cười khúc khích sau lưng, chàng quay lại thì là chú Lan. Ngọc đang buồn, gặp chú trong lòng lại thấy vui. Chàng cũng chẳng hiểu vì sao mà chàng vui, hễ cứ vắng chú lâu lâu thấy mình nhớ vơ, nhớ vẩn như thiếu cái gì mà không nhận ra. Song ở nơi hẻo lánh không mấy ai biết nói câu chuyện cho ra câu chuyện thì hai người có trí thức làm gì mà chẳng chóng thành một cặp tri kỷ. Cái đó cũng chẳng có chi lạ!

Chú Lan nghiêng đầu ngắm nghía bức tranh rồi mỉm cười bình phẩm:

– Cây đại ông vẽ sao không có ngọn?

– Không cần có ngọn.

– Vẽ thế sai.

Ngọc mỉm cười:

– Nhưng gần quá thì trông sao đủ toàn thân cây được?

– Thêm vào chứ! Mà cảnh của ông không có người.

– Ấy tôi cũng biết thế, chính tôi đương muốn tìm một người làm kiểu mẫu hộ. Hay chú đứng cho tôi vẽ nhé?

– Cứ nghĩ ra mà vẽ không được à?

– Cũng được, nhưng không đẹp, vì không giống hệt dáng bộ… Đi, chú làm ơn ra đứng tựa gốc cây đại cho một lát.

– Vâng, thì ra. Nhưng ông vẽ mau lên nhé.

Ngọc đặt cái bìa cứng lên hai đùi, cầm bút chì ngồi nghĩ ngợi:

– Chú nhìn ngang về phía rặng đồi bên tả. Được đấy. Chú đứng yên cho.

Độ mười lăm phút sau, Ngọc hai tay cầm giơ bức tranh, nhắm một mắt lại ngắm nghía rồi mủm mỉm cười:

– Xong rồi, cảm ơn chú.

Lan vội vàng bước lại gần ngưỡng cửa chỗ Ngọc ngồi. Thoạt nhìn, chú kinh ngạc:

– Chết! Sao lại vẽ tôi mặc áo tứ thân như con gái thế?

– Không hề chi. Tôi chỉ mượn chú làm mẫu để vẽ một người con gái mà thôi.

Chú Lan có dáng không bằng lòng, nguây nguẩy quay đi. Ngọc vội giật lại:

– Này chú, chú giận tôi đấy à?

Lạnh lùng, chú tiểu đáp:

– Ông khinh tôi quá. Lần này không biết là lần thứ mấy, ông chế riễu tôi, ông coi tôi là một người con gái.

– Không phải là tôi dám khinh chú. Chỉ vì chú đẹp trai lắm kia. Mọi lần thì tôi không nhớ, nhưng lần này thì tôi xin lỗi chú, quả thực tôi không có ý chế riễu chú, tôi muốn vẽ một bức tranh cổ tích.

Chú Lan tuy giận mà cũng không nhịn được bật cười:

– Tranh cổ tích mà cần gì lại phải có hình tôi?

– Ấy thế mới vẽ chú ra một người con gái… Chính tôi muốn thuật lại bằng nét bút, sự tích bà Công Chúa đời Đức Nhân Tôn xuất gia đầu Phật, câu chuyện chú kể cho nghe bữa nọ ấy mà…

– À ra thế.

– Đây chú coi. Công Chúa vừa tới chùa, đứng tựa gốc đại già, nhìn về phía Thăng Long, nghĩ tới Đức vua cha cùng hoàng hậu, rầu rầu giọt lệ rơi trên má…

– Thế thì ông vẽ sai rồi. Công Chúa quả quyết đi tu, mới tới chùa là vui đạo Phật ngay…

– Chuyện thực tế vẫn là thế. Nhưng tôi muốn tả cái tâm tình Công Chúa lúc bấy giờ đương phân vân, nửa muốn quay về nơi đế đô vì sợ cha mẹ nhớ thương, nửa muốn ở lại mà tu thành quả phúc.

Lan mỉm cười, Ngọc thấy Lan cười cũng cười theo, rồi nói luôn:

– Lúc bấy giờ có tiếng chuông chùa ngân nga như để đánh tỉnh cơn mê, như để gột rửa linh hồn trần tục của Công Chúa…

Lan lại cười:

– Ông vẽ sao được tiếng chuông?

– Vẽ được. Nghĩa là vẽ Công Chúa, con mắt lờ đờ ngước nhìn trời như đương nghe chuông chùa mà cầu khấn đức Thích Già Mâu Ni, xin ngài cứu vớt cho được thoát chốn trầm luân.

– Nếu ông vẽ được thế thì khéo lắm. Còn vẽ Công Chúa mặc áo tứ thân thì chắc ông theo sự tích Phật khi đã rời bỏ cung điện, liền cởi bộ gấm đổi lấy áo cà sa của một vị Hòa Thượng…

Ngọc tuy không hiểu sự tích Phật cũng trả lời liều:

– Ấy chính thế.

Một lúc lâu, hai người ngồi lặng trên thềm hiên chùa, mỗi người như đương theo đuổi một ý nghĩ riêng.

Về phía đông nam mấy trái đồi phản chiếu ánh chiều tà nhuộm một sắc da cam. Da trời xanh lơ thơ mấy áng mây hồng. In trên cánh đồng lúa chín màu vàng thẫm, con cò trắng thong thả bay về phía tây, đôi cánh lờ đờ cất lên đáp xuống loang loáng ánh mặt trời. Bên chiếc quán gạch cũ, ẩn núp với đám cây đen, trên con đường hẻm, vài ba đứa mục đồng cưỡi trâu hát nghêu ngao trở về trong xóm.

Ngọc cất tiếng sẽ bảo Lan:

– Trông cảnh này tôi tưởng tượng như còn thiếu một thứ gì.

– Ấy là ông tưởng tượng đó thôi.

– Phải. Cái cảnh đẹp thế kia, êm đềm thế kia, tôi coi vẫn như không có linh hồn. Cũng như lúc nãy chú bình phẩm bức tranh của tôi, chê rằng thiếu vẻ hoạt động vì không có vẽ người…

Lan cười hỏi:

– Vậy thiếu cái gì?

– Thiếu ái tình… Vì cảnh yên lặng, diễm lệ này. Tạo hóa chỉ để riêng cho những người biết yêu thưởng thức.

Lãnh đạm, Lan trả lời:

– Không phải. Thiếu tiếng chuông, vì đến giờ thỉnh chuông rồi mà tí nữa tôi quên bẵng.

Dứt lời Lan vội vàng cắm đầu chạy. Ngọc gọi:

– Đợi tôi với!

Rồi cũng chạy theo sau.

Khi lên đến đầu thang gác chuông, bỗng Lan kêu rú lên một tiếng, lùi lại thì Ngọc vừa bước tới, thành thử Lan ngã ngay vào lòng chàng. Ngọc vừa ôm bạn lim dim cặp mắt vừa hỏi:

– Cái gì thế?

Câu hỏi như đánh thức linh hồn chú tiểu. Chú giật mình ẩy mạnh Ngọc ra rồi chạy tuột xuống chân thang. Ngọc theo xuống:

– Cái gì mà chú hãi quá thế?

Lan thở hồng hộc ngồi xệp xuống bậc thang, nói không ra tiếng:

– Con…. rắn!

Ngọc ngơ ngác:

– Con rắn à? Chú trông thấy ở đâu? To hay bé?

Lan, mặt còn tái như gà cắt tiết, nhưng đã lại hồn, mỉm cười gượng, trả lời:

– Bằng cái đũa cả ấy. Nó có đốm hoa…. Giời ơi! Hú vía!

– Được, chú để nó đấy cho tôi.

Ngọc quay đi tìm khí giới. Mấy phút sau chàng trở lại đem theo một cây đòn xóc. Lan đã hết sợ, ngăn lại:

T- hôi, ông đừng đánh nó phải tội. Ở nhà chùa không được sát sinh.

– Thế nó cắn mình thì nó phải tội không?.

Vừa nói chàng vừa xăm xăm chạy lên thang. Khi gần tới nơi, Lan ngửa mặt trông lên có chiều lo lắng:

– Ông hãy đứng lại nhìn qua xem nó nằm ở chỗ nào đã, chẳng nhỡ vô ý dẫm phải nó, nó cắn thì khốn.

Ngọc nghe lời, đứng kiễng chân nhìn khắp một lượt rồi cúi xuống gọi:

– Chú Lan! Cứ lên. Nó chạy rồi, không thấy nó nữa.

Chàng rón rén bước lên rồi xem xét lại một lượt khắp các xó gác chuông. Chú Lan cũng đã tới, nhớn nhác nhìn chung quanh chưa hết sợ.

– Bây giờ thì cứ yên tâm niệm Phật thỉnh chuông. Rắn có trở lại đã có tôi tiếp chiến.

Câu nói khôi hài khiến hai người cười ồ.

Rồi Lan bắt đầu thỉnh chuông. Còn Ngọc thì chống đòn xóc tựa vào tường, đứng khoanh tay, phưỡn ngực hút thuốc lá, trông ra dáng một tay hào hiệp và có vẻ tự đắc rằng ta bênh vực được một người yếu đuối và họ đã sẵn lòng ký thác sự bảo hộ cho mình.

Đêm hôm ấy, Ngọc trằn trọc loay hoay trên chiếc giường tre, không sao ngủ được, trong lòng nghĩ vẩn, nghĩ vơ. Vì lúc chú tiểu sợ hãi ôm chầm lấy Ngọc, Ngọc thấy có một cảm tưởng khác thường. Cái cảm tưởng ấy vẫn còn man mác trong lòng. Ngọc tự hỏi: “Sao khi anh em bạn ta đùa ôm ta như thế, ta không thấy trái tim ta hồi hộp? … À phải rồi, chỉ vì ta yên trí rằng chú Lan là con gái”.

Ngọc bỗng bật cười, cười sằng sặc. Đêm khuya thanh vắng, trừ tiếng dế không còn một tiếng gì khác nữa, thành thử Ngọc tự nghe tiếng cười của mình khanh khách giữa khoảng im lặng thì giật mình ghê sợ.

Nằm mãi không ngủ được, Ngọc liền dậy mặc quần áo đi bách bộ ngoài hiên. Hôm ấy vào hạ tuần, trăng vừa mọc, trông như cặp sừng trâu treo ngược ở trên đỉnh đồi. Cũng là trăng khuyết nhưng đối với trí tưởng tượng của Ngọc thì trăng thượng tuần trông dịu dàng âu yếm mà trăng hạ tuần trông lạnh lẽo tẻ ngắt.

Ngọc đi đi lại lại không biết bao nhiêu lượt trên hiên nhà trai. Khi tới phòng chứa là chỗ chú Lan ngủ thì như có sức mạnh thiêng liêng gì giữ chàng lại. Chàng dừng bước đứng lắng tai nghe, nhưng không có tiếng gì lạ, lại đi.

Một lần, Ngọc áp má vào cánh cửa buồng định nghe. Bỗng cánh cửa mở tung ra, làm Ngọc suýt té nhào. Thì ra buồng kho không có ai. Ngọc đứng nhìn quanh khắp một lượt, nghĩ thầm:

– Quái! chú này đêm khuya đi đâu thế? Được, ta cứ thung thăng bách bộ, thế nào hắn cũng trở về buồng.

Khi đến đầu hiên bên kia, Ngọc trông lên chùa trên, nhác thấy ở chỗ khe cửa tò vò có một vật đen đen vừa đi vụt qua, liền lần tới, se sẽ đẩy cửa bước vào.

Trong chùa tối om. Trên bàn thờ, ngọn đèn dầu lạc lờ mờ chiếu ánh sáng. Một cái bóng đen đương cầm bó hương châm ở ngọn đèn.

Ngọc trụt giầy rơm, rón rén lại gần, thì thấy chú Lan cắm hương vào bát nhang, rồi ra quỳ trên chiếc bục gỗ, chắp tay cầu khấn, tụng niệm. Ngọc tuy núp sau cái cột ngay bên cạnh, nhưng vì Lan khấn khứa nhỏ quá không nghe rõ; chỉ thỉnh thỏang lọt vào tai Ngọc những mẩu câu, đại khái “Phù hộ cho đệ tử… có đủ nghị lực… xa chốn trầm luân…” Lạ nhất là luôn luôn Ngọc nghe rõ Lan nhắc đến tên mình đi liền với một tên khác, hình như Thi thì phải.

Ngọc liền ở chỗ núp đi ra, định đến gần vỗ vai chú tiểu, nhưng chú tâm trí để cả vào sự tụng niệm không biết rằng Ngọc lại gần, thành thử chàng đứng liền ngay sau lưng mà chú vẫn không ngờ. Ngọc bỗng giật mình kinh sợ, vì chàng vừa nghe chú tiểu khấn một câu ghê gớm:

“Đệ tử đã dốc lòng tin mộ đạo, không ngờ nay mới biết lòng trần tục vẫn chưa rũ sạch. Nhưng đệ tử xin thề ở trước mặt đức Từ bi…”

Nghe tới đó, Ngọc rón rén lui về phía cửa, rồi lẳng lặng bước ra.

—>4

This entry was posted in 3.Truyện dài - Tiểu thuyết, Khái Hưng. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời