QUÊ NHÀ YÊU DẤU (Nhật Tiến)

CHƯƠNG HAI

Niềm ao ước lớn lao nhất của Thu vẫn là mong cho gia đình dời nhà lên tỉnh. Thu ấp ủ điều đó trong những lúc tha thẩn một mình trên đường làng vắng vẻ, trong khi ngồi lặng lẽ buông thõng chân trên chiếc cầu khỉ bắt chênh vênh qua lạch nước trong xanh, hay trong cả những giây phút nằm thu mình trong bóng tối chờ giấc ngủ. Hình ảnh của thành phố thường hiện ra lộng lẫy với muôn vạn ánh đèn rực rỡ theo đúng như lời Hạnh, bạn của Thu vẫn thường nhắc nhở. Hạnh học chung với Thu năm lớp ba. Giữa năm đó, nhà Hạnh dời lên tỉnh. Cuối năm Hạnh về thăm quê một lần.

Mới cách đây có một thời gian ngắn ngủi mà Hạnh đã đổi khác hoàn toàn. Thu bỡ ngỡ nhìn bạn với mái tóc óng mượt ở trên cài đôi bướm. Chiếc áo dài xinh đẹp như lúc nào cũng thướt tha, xúng xính theo từng bước chân Hạnh đi. Đôi dép quai đỏ gọn gàng như làm tăng thêm vẻ nghiêm trang, trịnh trọng, khác hẳn với Hạnh hồi nào áo quần xốc xếch, đầu tóc rối bù, chân dẫm đất chạy suốt ngày từ đầu làng đến cuối xóm. Sự thay đổi này làm hình ảnh thân thiết của Hạnh trong óc Thu bỗng nhiên phai nhạt. Hôm gặp nhau trở lại, Thu nhìn Hạnh ngỡ ngàng. Hồi mới xa nhau, Thu tưởng khi gặp lại Hạnh thì mình sẽ nhẩy xổ lại ôm chầm lấy nó, hỏi han nó hết chuyện này đến chuyện khác, sẽ kể lể cho nó nghe hết biến cố này đến biến cố khác ở trong làng và sẽ cho Hạnh hết tất cả những đồ chơi mà Thu đang có: mấy cây đậu đang lớn như thổi trong các lon sữa bò, vài con bướm sặc sỡ ép giữa những trang sách, hay những viên sỏi trắng như ngọc mà Thu dành dụm được từ ngày Hạnh mới ra đi. Nhưng bây giờ thì tất cả những dự định ấy đã bị thay đổi hoàn toàn trong chớp mắt. Thu vẫn nhìn bạn bỡ ngỡ. Trong lòng nó xúc động, nhưng có một ý nghĩ xa cách nào đó ngăn không cho nó ôm chầm lấy Hạnh, bảo nó đừng nên nói. Và cuối cùng nó chỉ nhìn Hạnh với cặp mắt mở to ngập ngừng.

Tuy vậy Hạnh không xa cách như Thu tưởng. Hạnh đón Thu với tất cả nỗi vui mừng. Hạnh kéo phắt Thu về nhà để chỉ huyên thuyên, cho nó xem tất cả những thứ mà Hạnh đem theo từ trên tỉnh về. Và Hạnh kể cho Thu nghe tất cả những hình ảnh thần tiên trên thành phố. Bể phun nước trong công viên đông người ngày chủ nhật. Những bảng hiệu rực rỡ muôn mầu. Sóng người ồ ạt trong đường phố. Không có lạch nước, không có những buổi sớm sương mờ mịt trên từng chòi lá thấp, cũng không có cả tiếng gà gáy eo óc lúc bình minh. Đồng quê đã bị hoàn toàn thay thế trong ý nghĩ của Hạnh và đang bắt đầu chinh phục trí tưởng tượng phong phú của Thu. Thu ước mơ có một ngày mình cũng sẽ được đi nhiều như Hạnh. Nhưng sự ra đi phải êm đềm và ngọt ngào như cảnh biệt ly trong cuốn tập đọc:“Chân bước đi, mặt còn ngoảnh lại: từ cái mái nhà, cái thềm nhà, cái lối đi cho đến bụi cây, đám cỏ, cái gì cũng làm tôi quyến luyến khác thường – Thuyền nhổ sào, ai nấy cũng đều chúc tôi thuận buồm, xuôi gió, bình yên, khoẻ mạnh – Thuyền đi đã xa mà tôi còn đứng nhìn trở lại, nhìn mãi cho đến lúc không trông thấy nhà nữa mới thôi. Ôi! Cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!”

Đó là cảnh biệt ly trong sách vở, cảnh biệt ly trong chiếc nôi êm ái của quê hương khi còn thanh bình, cảnh biệt ly trong trí tưởng tượng của người ra đi còn vương vấn hình ảnh của đồng quê yêu dấu với những giải đường làng còn thơm mùi cỏ ướt, những mái nhà tranh nghi ngút khói lam chiều hay những ao tù phẳng lặng in bóng từng hàng cau thẳng tắp dưới làn nước trong xanh. Nhưng ở thời buổi này, trí nhớ của người ra đi không bao giờ còn ghi được những hình ảnh thơ mộng ấy. Đồng quê yêu dấu bây giờ điêu tàn. Những con đường lồi lõm đầy dấu vết của sự đào xới. Đây đó rải rác những vết tích tàn phá của chiến tranh. Cảnh biệt ly bây giờ không còn có kẻ đưa, người đón. Người ta đã ra đi trong thấp thỏm, kinh hoàng, những bước chân thấp cao dò dẫm trong bóng tối âm thầm. Từng đoàn, từng đoàn, như trốn tránh nơi chôn rau cắt rốn thân yêu, trốn khoảng trời xanh êm ái mà ở đó họ đã sống qua bao năm tháng êm đềm bây giờ chỉ còn là vùng trời khốn khổ, chết chóc và đe dọa.

Kiểm điểm lại nhân số ở đây, tất cả không còn tới qua dăm bẩy chục người so với khoảng đất bao la nhằng nhịt những lạch nước, những vườn dừa, những cây cầu khỉ cheo leo bắc qua những khúc sông nhỏ, thật là ít ỏi, và chính vì thế, xóm làng đã trầm lặng lại càng trở nên vắng vẻ, tiêu điều. Thường thường, mọi người chỉ tụ họp đông đảo ở quanh mấy chiếc quán nhỏ dựng bên cạnh chùa, vào lúc trời đã xế trưa. Ở đó có một gian hàng nước, một cửa tiệm tạp hoá nhỏ nhoi, một gian hớt tóc kiêm sửa đồng hồ, và một căn lều trống làm chỗ họp chợ. Chợ họp từ sáng rõ đến xế trưa. Việc mua bán chỉ gần như là trao đổi vật dụng. Như lão Bẩy Thà hớt được mớ tôm liền đem mớ tôm vào quán mụ Phước, kỳ kèo ngã giá rồi để đó, gọi dĩa cơm sườn với một xị rượu. Nhiều hôm cao hứng, lão kêu thêm một dĩa củ kiệu với tôm khô. Mụ Phước la lên:

– Hụt tiền rồi đó!

Lão Bẩy Thà ngà ngà say, vênh mặt lên:

– Bao nhiêu mà hụt? Năm đồng củ kiệu với mười đồng tôm khô. Tính đi!

– Chả cần tính với toán chi cho mất công. Mớ tôm của ông ngã giá ba chục rồi nè.

Lão Bẩy hậm hực:

– Hừm! Bữa nay tôm bự vầy mà cũng còn giữ giá ba chục.

– Chớ bao nhiêu đây. Tôm hớt trong đầm Tròn thì bữa nào cũng bằng cái ngón tay ngoe. Có ba chục thì dĩa cơm đã mất hai rồi, xị rượu năm đồng nữa là hai mươi lăm. Ông chỉ dư có năm đồng. Lại trừ ba đồng thuốc rê hôm qua chưa trả là còn có hai. Hai đồng làm sao có tôm khô, củ kiệu đây!

– Ái chà! Tính toán rành rẽ quá ha. Mụ xứng bậc thư ký trên toà tỉnh rồi ấy chớ.

Mụ Phước cười nhô cả hai hàm răng thưa, cái thò ra, cái thụt vào:

– Hà…hà…buôn bán có ba cái đồ ăn quèn, không kỹ lưỡng để rồi bán cả cửa hàng mà đi ăn xin sao.

Ngừng một lát ngẫm nghĩ rồi mụ nói tiếp:

– Thôi được! Cho chịu thêm mười lăm đồng tôm khô với cái củ kiệu đấy. Mà điều sáng mai phải chịu khó đi vô đồng sớm một chút nghe hôn.

Lão Bẩy dẫy nẩy người lên:

– Y cha! Mụ tính xúi con nít làm bậy hay sao. Vô trong đồng sớm để gặp mấy “ổng” mời đi khiêng đạn với đắp đường sao?

– Cái thứ người yếu đuối như ông chả ai thèm. Có muốn bắt, nửa đêm người ta đã gõ cửa nhà ông rồi, chẳng phải chờ ông vô đồng mới tới bắt đi.

– Hừ! Sự đời biết đâu mà tính. Buổi tối, sức mấy tôi nằm trong nhà. Có bữa “họ” về, tôi đã leo tót lót lên tàu dừa rồi.

Mụ Phước mắt sáng lên:

– Vậy hả? Rồi ông thấy bọn họ chớ?

– Thấy chớ sao không. Tụi nó về đứa nào, đứa nào tôi biết hết.

– Dóc quá trời không! Bộ họ thắp đuốc lên cho ông nhìn hay sao.

– Bà không biết cái gì hết trơn đó. Tôi hổng thấy mà điều tôi nghe. Giọng thằng Hơn, thằng Thạch, thằng Sanh, tôi lạ gì.

– Tụi nó có nói gì không? Tụi nó có nhắc gì tới thằng Hiếu nhà tôi không?

– Trời ơi! Bà cứ hy vọng thằng Hiếu hoài. Tôi đã biểu nó chết ngắc rồi mà.

Mụ Phước giọng tức tưởi:

– Gì thì cũng phải có tin tức cho tôi chớ. Ai cũng biểu nó chết. Vậy nó chết ở đâu? Chết ra sao? Ai chôn nó? Nó có nhắn gì cho tôi không? Ít ra thì cũng có người biết rõ. Vậy mà ai cũng mù tịt, làm tôi không tin. Nhất định tôi không tin.

– Ớ! Bà không tin mặc bà chớ. Tôi thì tôi nhất quyết là vậy rồi đó. Này nhé, nó bỏ nhà trốn đi bao lâu nay rồi?

Mụ Phước bắt đầu sụt sùi:

– Dễ hơn hai năm rồi.

– Hồi đầu có tin của nó chớ?

– Tin đều đều. Trễ lắm là một tháng, thế nào nó cũng nhắn về.

– Bà thấy chưa! Một tháng một lần nó biết nhắn về, vậy mà hơn một năm nay, nó im luôn không đả động gì tới bà hết, như vậy có phải là…

– Tại nó đi xa. Ở trỏng người ta cử nó qua vùng khác thì sao.

– Vùng gì thì vùng, thư từ đi lại được hết ráo. Tôi nghe thằng Sanh nói nó về mãi tận Dầu Tiếng kia lận. Mà ở Dầu Tiếng thì đánh nhau biết bao nhiêu là trận lớn nhỏ rồi. Cái đà súng này, bom nay, có hoạ là tiên mới tránh khỏi số…

Câu chuyện giữa hai người trao đổi từ nãy được vài người trong quán vẫn lắng tai nghe. Cuối cùng, một người sốt ruột mới la lên:

– Cái nhà ông Bẩy này mới kỳ quái chớ. Ông cứ buộc thằng Hiếu phải chết là cớ làm sao. Để cho con người ta có hy vọng chút đỉnh thì mới sống được chớ.

Lão Bẩy quay phắt lại và nhận ra anh dân vệ xã tên Bằng. Lão la lối:

– Ớ! Cậu nói cái gì kỳ cục không. Chết thì người ta bảo là chết. Sống thì người ta nói sống. Bộ không ưa người nói thật hay sao?

– Chắc gì đã sống, mà chắc gì đã chết. Chưa có tin tức gì thì hãy cứ hy vọng. Thời buổi này, có hy vọng được ngày nào dễ sống ngày đó, ông ơi!

Lão Bẩy cười ha hả:

– Vậy rồi… cứ hy vọng hoài tới lúc tuyệt vọng thì tính sao đây?

– Thì lúc đó hãy hay.

– Nói theo điệu ăn sổi ở thì như vậy là không có phải người đàng hoàng. Đối với tôi, một là một, hai là hai, không lôi thôi gì hết!

Bằng đáp gọn:

– À, đó là ông đối với ông. Còn với bà Phước khác ông thì ông phải để cho bả yên lòng mà làm ăn chớ.

Bị vặn vẹo không cãi được, lão Bẩy ngồi yên tức tối. Lão hậm hực tợp một ngụm rượu và xé một miếng thịt sườn. Ngẫm nghĩ một lát bỗng lão cất tiếng:

– Ừ! Thì cứ cho là nó sống đi. Cho là nó trở về với má nó đi. Rồi cậu tính sao đây? Thấy nó về, cậu có bắn nó chết tốt ?

Câu hỏi bất ngờ làm Bằng lúng túng. Gã bối rối tìm một lời nói quanh:

– À! Cái đó thì chưa biết được. Nó đã về đâu.

Đắc ý vì đã tìm được nhược điểm của đối phương, lão Bẩy đâu có chịu tha. Lão cố buộc Bằng phải trả lời rõ ràng để cho hả cơn tức tối vừa qua. Lão nói xoắn vào:

– Thì cậu vừa mới bảo thằng Hiếu nó sống nhăn chớ gì?

– Tôi không đoan quyết mà điều bà Năm hy vọng thì cứ hy vọng. Ăn nhằm gì tới ông.

– Thôi, chẳng cần hy vọng gì hết ráo đó. Cho mười phần là nó sống cả mười đi. Cậu muốn vậy mà. Phải hôn?

– Rồi sao?

– Còn sao chi nữa. Nó còn sống thì nó sẽ trở về. Nó lại là du kích. Mà cậu là dân vệ. Cậu nghĩ sao đây? Cậu bắn nó chớ?

– Bắn chớ sao không? Đó là nhiệm vụ của tôi mà…

Lão Bẩy lại tợp một ngụm rượu và gật gù thêm. Lần này như lão nói với chính mình:

– Ấy, cái đó mới là kỳ. Biểu người ta hy vọng cho nó trở về. Đến lúc trở về lại hăm giết nhau. Thật là kỳ cục! Thật là kỳ cục!

Bằng quay sang phía lão, nói dằn giọng:

– Ờ! Đúng đó lão Bẩy. Cái cuộc chiến này nó kỳ như vậy đó. Thật sự tôi với thằng Hiếu đâu có thù oán riêng tư gì. Mà điều tôi không bắn nó thì nó cũng bắn tôi…

Lão Bẩy chồm lên ngắt lời:

– Mà điều vì lý do nó với cậu bắn nhau kia chớ.

– Lý do là nó với tôi không cùng một hàng ngũ.

– Hàng ngũ là cái con khỉ mốc gì. Mấy năm trước, hồi chưa có chiến tranh thì cậu với nó có hàng ngũ hàng nghiếc cái gì đâu.

– Như vậy mới là chiến tranh. Có chiến tranh thì làng ta, xóm ta mới thế này. Có chiến tranh thì thằng Hiếu mới ra thế này, anh em tôi ra thế khác. Rồi kẻ bỏ nhà, bỏ vườn mà đi. Kẻ ở lại ốm đau, nghèo đói bệnh tật. Như con bé Hương thì nó tội tình gì mà chân còn, chân mất. Mà như thế vẫn là may. Nhiều đứa chẳng còn nhân dạng, sống đấy, nhưng là chết đấy.

Một người buông một tiếng thở dài:

– Cái thảm cảnh này rồi không biết còn kéo dài tới bao lâu. Nhà ai thì tôi không biết chứ gia đình tôi như thế là mất đi bốn nhân mạng rồi. Một đứa chết cho Quốc Gia. Một đứa chết cho Mặt Trận. Một bà chị bị giật mìn. Một ông bác chết vì bom. Thật là công bằng. Tưởng như không có nơi nào trên thế gian này, con người lại được đối xử công bằng hơn thế nữa…

o O o

Hồi chưa có súng nổ, hồi mà ban đêm vào mùa khô, trăng sáng, người ta còn có thể tụ tập từng đám rong chơi ngoài cánh đồng đón gió, xem trăng, thì anh Hiếu, con của mụ Phước, còn là cái đinh đem lại cho lũ trẻ những trò chơi thoả thích. Hiếu yêu trẻ lại nhiều sáng kiến, lắm tài vặt nên bọn chúng xúm lại, theo anh rất đông. Anh tổ chức những buổi đá banh con nít giật cờ danh dự, những cuộc thi bơi trong đầm Tròn lấy giải bằng những tấm huy chương do chính anh sáng chế và suy tôn giá trị của nó khiến bọn trẻ đeo vào cảm thấy hãnh diện.

Anh cũng là một kho vô tận về những chuyện cổ tích xa xưa, ngay cả chuyện cũ rích bọn trẻ đã được nghe ông bà kể lại nhiều lần, nhưng qua tài biến chế của anh, đứa nào cũng cảm thấy thích thú. Như chuyện Tấm, Cám – anh mở đầu bằng một lối kể chuyện kỳ cục như thế này:

– Chuyện Tấm Cám chúng mày được nghe chưa?

Cả bọn nhao nhao:

– Rồi…Rồi…

– Vậy con Tấm thế nào, con Cám thế nào?

Tiếng ồn ào của lũ trẻ bỗng im tịt lại. Mấy đứa ngơ ngác nhìn nhau. Một đứa ngẫm nghĩ rồi rụt rè nói:

– Con Tấm là đứa hiền lành sống với dì ghẻ, bị con Cám độc ác hành hạ…

Anh Hiếu mỉm cười lắc đầu:

– Như thế là chỉ biết một mà không biết hai. Nhân chi sơ tính bản thiện. Ngày xưa con Cám cũng hiền lành ngoan ngoãn như con Tấm vậy và đầu tiên hai đứa rất thân thiện thương mến lẫn nhau…

Thấy câu chuyện xoay qua một lề lối hoàn toàn khác lạ, cả bọn nhao nhao lên:

– Vô lý! Vậy làm sao mà chúng nó lại ghét nhau? Làm sao mà con Cám lại hành hạ con Tấm?

Anh Hiếu cười ha hả:

– Vậy tao mới nói tụi bây biết một mà không biết hai. Vậy mới là chuyện chớ?

– Vậy anh kể cho tụi em nghe đi!

Anh Hiếu mỉm một nụ cười đắc thắng vì đã gợi được trí tò mò của lũ trẻ:

– Thế này này! Ngày xưa con Tấm rất xinh xắn và con Cám cũng xinh đẹp không kém. Hai đứa cùng ngoan ngoãn như nhau và ăn ở với nhau rất thuận hò, mặc dù con Cám là con của dì ghẻ, và con Tấm mồ côi mẹ, sống lủi thủi thiếu tình mẫu tử. Một hôm con Tấm rủ con Cám đi lên đồi bắt bướm. Hai đứa bắt gặp một con bướm thật to, thật đẹp, thật sặc sỡ. Tấm bèn nói:”Ôi cha! Con bướm hết sức là rực rỡ, hết sức là xinh đẹp. Chị nhường cho em bắt đó, em Cám”. Con Cám vì yêu quí chị nên cũng nói:”Không đâu, vì chị chạy lên đồi trước, nhìn thấy nó trước, vậy nó là của chị, em không dám tranh” – Chèn ơi! Ngày xưa hai con nhỏ này thương mến nhau ác!

– Rồi làm sao nữa? Rồi làm sao nữa?

– Rồi hai đứa nhường nhịn nhau mãi. Con bướm thấy động, bèn bay lên một cành cây. Trên cành cây đang núp sẵn một con rắn độc, con rắn đang rình mấy quả trứng xinh xắn trong một tổ chim. Thấy mầu sắc của bướm rực rỡ quá, rắn ta hếch lên nhìn. Nó như bị thôi miên bởi mầu đỏ ở cánh bướm, mầu xanh ở thân bướm và những bụi phấn vàng tươi trên khắp mình bướm. Dưới gốc cây, hai chị em Tấm, Cám vẫn nhường nhịn. Cuối cùng Cám trèo lên cây. Nó tự nhủ bắt được bướm sẽ cho chị chơi chung. Con bé rón rén qua những khóm lá. Bàn tay xinh xắn trắng như đốt ngọc của nó lùa qua chòm lá dò tới chỗ bướm đậu. Nhưng con rắn đen nhẫy đã phóng tới. Nó ghim một vết răng nhọn hoắt lên cườm tay của con bé. Cám la to lên hốt hoảng và vội vàng tụt xuống. Khuôn mặt hồng hào của nó tái xanh lại rồi xám ngoẹt. Nước da trắng mịn màng của nó đổi mầu nhanh chóng. Trong phút chốc, Cám không còn vẻ gì là xinh đẹp nữa. Làn da trở nên xù xì những mụn cóc, đôi mắt trong suốt như bích ngọc bỗng trở nên đục ngầu, và tâm hồn tươi sáng của nó trở nên tối tăm, tính nết hoà nhã, hiền hậu hoá ra cáu kỉnh, độc ác. Nó nhìn chị Tấm với cái nhìn của người xa lạ, của kẻ thù nghịch sẵn sàng xông lại cấu xé. Còn Tấm lúc ấy thì bưng mặt oà lên khóc.

Một đứa trong bọn đang nghe kể bỗng la to lên:

– Anh Hiếu bịa! Chẳng có chuyện Tấm Cám nào lại kỳ cục đến như thế.

Anh Hiếu mỉm cười:

– Mày biết gì mà cãi. Chuyện tao kể là chuyện Tấm Cám nguyên thủy, chuyện mà không ai biết tới.

– Không ai biết thì làm sao anh biết?

Hiếu tịt mít trước câu hỏi móc họng của nó nên chỉ cười trừ. Nhưng bọn trẻ đang mê say với câu chuyện kỳ lạ bèn nhao nhao lên:

– Ê! Để anh ấy kể hết cho mà nghe. Đừng có lộn xộn…

– Im đi…

Nhưng anh Hiếu đã giả bộ giận dỗi, ngừng kể chuyện và phủi quần đứng dậy:

– Thôi, nếu có đứa không tin thì tao không thèm kể nữa. Tao đi câu một mình sướng hơn.

Nói rồi Hiếu lững thững đi lại phía đầm. Bọn trẻ ùa lên, chạy theo sau. Có đứa túm lấy tay anh, níu lại:

– Mặc kệ! Anh phải kể nốt câu chuyện cho tụi em nghe đã.

Được thể, bọn trẻ cũng xúm xít lại chung quanh, đứa níu áo, đứa cản đường, không đứa nào chịu để cho anh bỏ dở câu chuyện. Cuối cùng Hiếu phải nhượng bộ và nói:

– Vậy tao kể, cấm đứa nào phá ngang nghe không…

Cả bọn đồng thanh:

– Nghe!

Thế là anh Hiếu laị ngồi xuống nệm cỏ và bọn trẻ lại xúm xít bu chung quanh. Anh hỏi:

– Tao kể đến đâu rồi?

Một đứa nhắc:

– Đến chỗ con Tấm bưng mặt khóc…

– À, phải rồi. Con Tấm thương em quá nên ôm mặt khóc. Bà tiên hiện ra hỏi: “Sao con khóc?”. Tấm kể lể đầu đuôi. Nghe rồi, bà tiên nói:”Đừng có buồn. Đây là một sự xếp đặt của Ngọc Hoàng Thượng Đế để làm bài học cho trẻ con muôn đời về sau. Con Cám tượng trưng cho tuổi trẻ hồn nhiên và trong sáng. Con rắn độc biểu hiệu cho thói xấu, tật hư. Thói xấu, tật hư bao giờ cũng tìm cách xâm lăng tâm hồn của tuổi trẻ. Đứa nào bị nhiễm độc cũng trở nên xấu xí và tàn ác”. Tấm hỏi:”Vậy làm thế nào cho cám trở lại xinh đẹp, ngoan ngoãn như cũ?”. Bà tiên đáp:”Có một thứ thuốc chữa. Đó là uống nước của dòng suối Yêu Thương. Mà dòng suối Yêu Thương thì ở bên kia dẫy núi Vị Kỷ. Vượt qua được núi Vị Kỷ sẽ tìm thấy thuốc”. Tấm nghe lời hăng hái lên đường. Nó tìm đến núi Vị Kỷ. Ngọn núi cao ngút chín từng mây. Vách đá cheo leo, lởm chởm đầy mũi nhọn . Không vượt qua được, Tấm lại ngồi khóc. Bà tiên hiện ra bảo:”Muốn vượt qua núi này phải dệt một tấm thảm toàn bằng tơ nhện. Thảm tơ nhện sẽ bay bổng lên cao và đưa ngươi qua đó”. Tấm vâng lời về nhà đi thu thập tất cả tơ nhện ở những nơi nào mà nó tìm thấy. Rồi nó chăm chỉ ngồi dệt. Ác hại thay, dệt được đến đâu, con Cám phá hủy đến đấy.

Một đứa hỏi:

– Sao con Cám dại dột thế. Thảm tơ nhện cốt dệt để tìm thuốc cứu nó mà.

Anh Hiếu trả lời:

– Nhưng nó đâu còn lương tri để hiểu biết phải trái. Bị nhiễm nọc độc của tật xấu, nó mê muội mất rồi. Vì thế, Tấm dệt trong ba năm liền mà chưa được lấy một mảnh nhỏ. Trong thời gian ấy nó bị Cám hành hạ đủ điều. Cứ xong tới đâu thì con Cám phá đến đấy. Tấm lại ngồi bưng mặt khóc. Bà tiên lại hiện ra hỏi đầu đuôi và lần này bà ta hỏi lại Tấm:”Tại sao con cứ tha thiết với chuyện tìm thuốc cho con Cám trong khi nó chẳng tử tế gì với con cả như vậy?”. Tấm đáp:”Ngày xưa, Cám cũng là một đứa có tính nết tốt. Chẳng qua là vì sốt sắng với tình chị em nên mới bị nọc độc của loài rắn cám dỗ mà trở thành nạn nhân. Vì thế bằng tất cả mọi cách con phải làm cho Cám trở lại hồn nhiên và trong sáng”. Bà tiên mỉm cười:”Lòng trung hậu và thiện chí tối đa của con đã giúp con vượt khỏi núi Vị Kỷ rồi đó. Suối Thương Yêu không ở đâu xa, nó ở trong những giọt nước mắt của con vậy”. Tấm nghe nói sung sướng bật lên khóc. Nó vội vàng hứng lấy những giọt nước mắt trong như thủy tinh của mình đựng vào một cái chén nhỏ và trao cho Cám uống. Trong phút chốc Cám đã thay hình đổi dạng và đẹp đẽ, xinh tươi gấp bội phần ngày xưa…

Một đứa hỏi:

– Thế con Hoàng Tử đâu?

Hiếu mỉm cười:

– Tại sao lại cứ phải có Hoàng Tử nhỉ. Lấy Hoàng Tử chắc gì người ta có hạnh phúc. Ở đồng quê, sáng nhìn mặt trời đỏ hồng một giải chân trời thơm phức mùi lúa chín, nghe chim ríu rít chuyền cành chào đón nắng sớm buổi ban mai, ban đêm ngắm vầng trăng toả ánh sáng dịu dàng trên những con đường rộn rã tiếng người vui đùa, ca hát như vậy chẳng thi vị hơn là giam mình trong lầu son gác tía hay sao? Vậy tụi bây thích lấy Hoàng Tử hay là thích nô đùa với bạn bè vui vẻ như thế nầy?

Cả bọn nhao nhao mỗi đứa một ý thích và chúng quên bẵng ngay câu chuyện bịa đặt làm sai lạc hẳn cả chuyện Tấm Cám của anh Hiếu mà chúng hằng nghe kể lại. Mà không riêng gì một câu chuyện đó, hầu như tất cả mọi lần chơi đùa với lũ trẻ, Hiếu đều thích bịa đặt ra những điều mới lạ để làm cho bọn trẻ luôn luôn bị “lỡ tầu” mỗi khi chúng tỏ ra “biết rồi” về một sự kiện nào đó. Điều này đã khiến cho Hiếu trở nên có rất nhiều yếu tố để quyến rũ lũ trẻ và chúng nó chạy theo anh để được thường xuyên nghe những chuyện hứng thú.

Nhưng rồi bỗng một hôm xẩy ra một chuyện đau lòng đã làm thay đổi hẳn cá tính của con người yêu trẻ đó.

Hôm ấy Hiếu đang tìm sóc ở trong vườn dừa, những con sóc nhỏ xíu rất thích ăn cùi dừa vừa ngọt vừa thơm. Bỗng anh thấy bóng thằng Tư luồn nhanh qua khóm lá ở gần bờ mương tới gần chỗ anh và ra dấu gọi. Hiếu vội vàng tụt xuống khỏi thân dừa cao chót vót và tiến lại gần phía nó. Nó nhìn Hiếu bằng cặp mắt khác thường, hai tay của nó dấu ra đằng sau. Hiếu hỏi:

– Mày có cái gì thế?

Tư ngập ngừng một giây rồi giơ hai tay ra đằng trước. Hiếu giật mình khi thấy thằng bé cầm trong lòng bàn tay nhỏ xíu một khẩu súng lục nặng chĩu. Nó nói:

– Dạy em tháo ráp cái này đi anh Hiếu.

Hiếu trợn mắt:

– Mày lấy ở đâu ra vậy?

Tư ấp úng:

– Em lượm!… Em lượm được!

– Mày nói chó nó cũng không nghe được. Nói thật đi. Mày lấy ở đâu?

Tư gân cổ lên cãi:

– Em lượm được thiệt mà. Người ta vứt nó ở dốc cầu, em đi qua, em thấy.

Hiếu giằng ngay lấy khẩu súng, ngắm nghía hồi lâu rồi hỏi:

– Dốc cầu chỗ xuống mé sông ấy hả?

Tư rối rít:

– Phải…phải…tuốt mé bờ sông lận.

Hiếu mỉm cười:

– Vậy là mày nói dóc rồi. Mày lượm ở bờ sông sao tao không thấy bùn, cát gì dính vô chỗ nào cả.

Mặt thằng Tư đang có vẻ khoái chí bỗng nghệt ra. Nó không biết chống chế thế nào nên đứng im như trời trồng. Lấp tức Hiếu lôi nó vào một bụi cây um tùm rồi tra hỏi cặn kẽ. Thì ra thằng nhãi con chớp được khẩu súng của ông chuẩn ý trên đồn Thạnh Phú lận. Hôm ấy là ngày nghỉ, lính trên đồn xuống chơi la cà ở cầu chợ rất đông. Người thì đi đánh bi-da hay bóng bàn, người thì vô chợ sắm đồ hay nhậu nhẹt. Riêng chuẩn úy Phú nhận được thư bạn bè báo tin người yêu đi lấy chồng sao đó nên từ chối tất cả mọi cuộc vui để đi uống rượu một mình. Trên đường ngồi xe lam trở về, gió lộng làm ông ta ngất xỉu. Thằng Tư có mặt trên chuyến xe đó. Thừa cơ lộn xộn nó chớp ngay khẩu súng và thủ vào lưng quần. Thế là thằng bé làm chủ một cách ngon ơ vật quí báu, đẹp đẽ mà không một anh dân vệ xã nào lại không ước mơ được đeo nó kè kè bên mình để làm oai với thiên hạ. Ý nghĩ đầu tiên của thằng Tư là đi tìm anh Hiếu để nhờ anh chỉ bảo cách tháo ráp và xử dụng vì Tư tin tưởng anh Hiếu là người biết tất cả mọi sự. Nó cũng tin tưởng Hiếu sẽ hoan nghênh hết mình về chiến công mà nó vừa thu được. Nếu cần, nó sẽ cho Hiếu khẩu súng, miễn là Hiếu sẵn sàng để nó xài chung, lâu lâu nó được ngắm nghía, sờ mó một mình. Nhưng thái độ của Hiếu lại hoàn toàn trái ngược. Hiếu không ưa khẩu súng, không dạy nó cách tháo ráp và xài khẩu súng. Hiếu lại còn bắt nó mang trả lại cho chuẩn úy Phú.

Thằng Tư la lên:

– Có mà sắp sửa khùng mới đem trả lại khẩu súng đẹp đẽ như thế này.

Hiếu đáp:

– Mày lấy khẩu súng thì mới là mày sắp khùng rồi ấy chớ. Bộ mày tưởng giữ được nó hoài hoài à?

– Giữ được chớ sao không!

– Xì mốc! Người ta sắp phăng ra mày đến nơi. Mày coi, xe lam ở đây chạy được mấy chiếc. Tài xế thì mấy ổng trên đồn nhẵn mặt ra rồi. Mấy ổng chỉ việc kêu họ lại, điều tra ngày ấy, giờ ấy những ai lên chiếc xe có chuẩn úy Phú, thế là mày bị tình nghi rồi. Mày nói mày xuống xe ngay từ lúc nó chưa tới cổng đồn chớ gì?

Tư cãi:

– Tôi xuống, ông Năm Hoàn cũng xuống.

– Vậy thì người ta bắt mày với ông Năm Hoàn. Mà ông Năm Hoàn thì già lụ khụ như vậy, ổng lấy súng làm chi. Chỉ có mày là thủ phạm thôi. Người ta sẽ cho là mày liên lạc với Việt Cộng , mày hết đường chối cãi. Tao thì tao chả dại gì chơi cái trò, thú vị đâu chưa thấy, chỉ thấy có đi tù một cách dễ dàng.

Mặt thằng Tư đang nhơn nhơn bỗng nhiên xịu lại. Đôi mắt của nó thoáng một vẻ lo lắng. Ngập ngừng một lát nó hỏi:

– Vậy…mình phải làm thế nào bây giờ?

Hiếu đáp:

– Đem trả lại chớ còn làm thế nào.

Tư dẫy nẩy:

– Thôi, chẳng dại! Bây giờ mang súng tới, ngộ nhỡ người ta cứ bắt mình thì sao.

– Bắt là bắt thế nào? Nếu mày là Việt Cộng thì mày đã chẳng mang súng đi trả lại. Mày cứ khai là lúc ông chuẩn úy Phú té xỉu ông ấy để súng rơi xuống mặt đường. Mày xuống xe rồi thì bắt được, mày bèn đem trả. Ông ấy mừng thấy mồ, không chừng lại thưởng cho mày vài trăm xài chơi nữa ấy chớ.

Thằng bé nghe chừng xuôi tai, nhưng cũng cố gặng thêm:

– Vậy anh đi cùng với em nhé.

Hiếu sốt sắng nhận lời:

– Tao sẽ đi cùng với mày. Mà điều tao chỉ đi xa xa thôi. To xác như tao đi kè kè bên cạnh khẩu súng, ngán thấy mồ. Lỡ mấy ổng tưởng là người Mặt Trận về thì ốm đòn.

Rồi sợ thằng bé rút lại ý định của nó, Hiếu vội vàng chữa:

– Mà điều mày thì không sao. Mày con nít mà, Mặt Trận sao được.

Thế là hai anh em dẫn nhau theo con đường đất đỏ từ trong ấp ra tỉnh lộ, rồi đón xe lam xuôi theo tỉnh lộ lên cầu chợ. Thằng bé thủ khẩu súng trong bụng. Bây giờ khẩu súng không hấp dẫn bằng món tiền thưởng mà Hiếu vừa phác hoạ cho nó thấy. Với vài trăm bạc xài chơi, nó sẽ có thể mua một bộ cần câu, một chiếc mũ kết và một cái áo tơi mưa, như vậy là đủ lễ bộ để có thể vô đầm Tròn câu ếch mà không sợ sương muối về đêm làm cảm lạnh.

Trên chuyến xe cả thẩy có năm người không kể bác tài xế. Trừ anh Hiếu và nó ra, còn tất cả là đàn bà. Những người đàn bà quanh năm không biết gì hơn là buôn bán mấy món đồ vặt vãnh vài cây kim, mấy cuộn chỉ, ít nải chuối hay mớ rau trồng trọt được đâu đó quanh mấy mảnh vườn xơ xác tiêu điều.

Nhưng lúc chiếc xe ngừng lại ở một chặng đường gần tới chợ để đón một người khách mới lên xe thì sự yên tĩnh lúc đầu không còn nữa. Người này thoạt trông thấy thằng bé đã ném ngay cho nó một cái nhìn nghi ngờ.

Rồi chỉ trong giây lát hắn ta đã túm ngay lấy ngực áo của nó rồi reo to lên:

– A! Thằng nhỏ ..mày …có phải mày đi chuyến xe hôm nọ có ông chuẩn úy ngất xỉu không?

Mặt thằng bé xám ngoẹt đi và nó líu lưỡi đến độ không nói được nên lời. Nó vội vàng nhìn Hiếu như cầu xin một sự giúp đỡ. Hiếu vội vàng nói:

– Phải rồi. Nó đi cùng chuyến xe đó và nó nhặt được khẩu súng của ông ta đánh rơi..

Người đàn ông la lên:

– Không phải ông ta đánh rơi mà nó cố tình ăn cắp. Trong lúc còn nửa mê nửa tỉnh, ông chuẩn úy thấy rõ ràng có đứa luồn tay vào dây lưng, rút vội ra. Nhưng ông ấy mệt, ông ấy không la được. Phải vậy không ? Phải vậy không, nhóc con!

Thằng nhóc con cứng họng không cãi được nên ngây mặt ra. Và đến lúc người đàn ông móc trong túi ra một khẩu súng to bằng con chuột thúc vào ngực nó thì nó la lên:

– Cháu lậy ông!… Cháu lậy ông! Ông tha cho cháu, hôm đó cháu bị anh này anh ấy xúi nên cháu trót đã làm như vậy…

Hiếu tức giận chồm lên, vồ cả hai bàn tay vào vai thằng bé. Nhưng anh ta bị người đàn ông gạt mạnh cho văng trở lại. Cả thân hình chắc nịch của anh xô đè rúi rụi lên mấy bà ngồi bên khiến họ la trời nhốn nháo cả chuyến xe. Khẩu súng con chuột bây giờ không thúc vào ngực thằng bé nữa mà quay trở lại phía Hiếu, tiếp theo là một tiếng la sắc và ngắn ngủi:

– À! Việt Cộng!

Hiếu không thấy có cách nào khác hơn là lợi dụng sự lắc lư của chiếc xe rơi trên ổ gà, bèn xô thật mạnh vào bàn tay cầm súng. Rồi nhanh như cắt anh ta lao cả thân hình của mình từ trên xe văng xuống mặt đường. Anh cảm thấy đau nhói ở một bên vai, nhưng cũng đủ bình tĩnh để lăn thêm một vòng từ mặt đường xuống ven lộ rồi rơi mình xuống thửa ruộng đầy bùn. Một vài tiếng nổ chát chúa vang lên đinh tai nhức óc, nhưng Hiếu biết ngay là những viên đạn chỉ sượt ngang qua đầu. Anh ta vùng ngay dậy và co chân chạy miết về phía những bụi duối dại mọc um tùm.

Thế là tuổi trẻ hồn nhiên mà anh yêu mến chúng từ bao lâu nay đã trả lại cho anh tất cả những ý nghĩ tốt đẹp về chúng nó. Tất cả những cảm tình mà anh từng vun xới đối với chúng trong giây lát đã hoàn toàn sụp đổ. Anh chưa được thụ hưởng ở chúng những quả chín ngọt mà anh đã gieo rắc bằng từng mầm mống tươi đẹp, bằng những buổi đi chơi, những câu chuyện cổ tích ngụ ngôn đầy ý nghĩa, thì ngược lại thằng bé trao tặng anh một trái đắng quá phũ phàng. Bây giờ anh mới thấy tính nết trẻ con là bất trắc, ích kỷ, và trong một trường hợp nào đó, chúng sẵn sàng phản bội. Nhưng hiểu được điều đó thì đã quá muộn để có thái độ thích nghi. Bây giờ trong không gian nhỏ bé này, trong khoảnh đất chật hẹp này, ở cái thế giới chỉ thu nhỏ quanh một chiếc cầu chợ, vài ba ấp dân cư lèo tèo và một chiếc đồn chênh vênh trên tỉnh lộ, chỉ trong giây lát đã xô đẩy anh ra ngoài cuộc sống trầm lặng hàng ngày. Lời tố cáo của một thằng bé, một vài phát súng nổ làm rung động bầu không khí tĩnh mịch của đồng quê, một tiếng la của kẻ nhấn cò, như thế là một kẻ đã bị xô đẩy sang bên kia hàng ngũ, hết đường chối cãi. Và Hiếu đã đi thẳng vô đầm Tròn ngủ đêm tại đó, trong một chiếc chòi có đốt lửa. Nửa khuya, bọn thằng Sanh, thằng Thạch bò sát lại gần. Chúng nó vây kín lấy Hiếu như những bóng ma trong đêm tối. Hiếu để mặc cho chúng nó lục soát mình từ đầu đến chân, rồi cuối cùng mới nói:

– Cho tao vô đồng tao tham gia hoạt động với tụi bây.

Thằng Sanh nhìn Hiếu nghi ngờ. Nhưng nó chỉ ra hiệu cho đồng bọn dẫn Hiếu đi. Mấy ngày hôm sau, Hiếu gửi một lá thư về nhà cho mẹ. Trong thư viết:

Mấy hôm nay con không về, chắc ở nhà họ lùng con dữ và má cũng trông tin con. Trăm sự tại con hết. Hôm nào rảnh, con sẽ về thăm má và kể đầu đuôi cho má nghe. Nhờ trời, con vẫn mạnh. Má đừng lo lắng gì hết. Dù thế nào, thế nào thì con cũng vẫn là con má. Mai mốt thanh bình thì đâu lại vô đấy cả, phải không má nhỉ?”

Nếu Hiếu biết rằng cuộc đời trôi nổi của anh lúc đó mới chỉ là những phút khởi đầu, thì chắc anh ta chẳng thể nào viết được những dòng chữ bình tĩnh đến như vậy. Mai mốt thanh bình, bốn chữ nói nghe gọn ghẽ và ngon lành làm sao. Nhưng rồi, những ngày âm thầm trôi qua đi. Súng chỉ thấy nổ thêm nhiều. Bom đạn mỗi ngày thêm một cầy nát quê hương. Hiếu chẳng có dịp nào về thăm được má cả. Anh ta đã trôi giạt hết vùng này đến vùng khác, dự hết trận này đến trận khác – cái hy vọng tràn trề “mai mốt sẽ về thăm má” cứ theo ngày tháng mà tàn lụi đi dần dần, cho đến một ngày chiến sự bùng nổ toàn diện thì Hiếu không bao giờ dám mong đến ngày trở về nữa. Những đêm dừng chân tạm nghỉ ở một chốn chui rúc nào đó trong đầm lầy hay rừng rậm, anh chỉ còn biết nhìn lên khoảng trời cao thẳm trên đỉnh đầu mà cầu mong cho đất nước này im tiếng súng, để khỏi thấy những thây người ngã gục trong biển lửa, để những người ra đi được trở về, ít ra được nhìn thấy một lần cuối cùng hình ảnh của mẹ già trước khi các người tàn lụi theo năm tháng mỏi mòn.

Những lá thư do Hiếu gửi về cứ thưa dần và cũng ngắn dần. Cuối cùng chỉ còn là những mẩu tin tức ngắn ngủi (đoàn thể muốn vậy) và sau hết thì biệt luôn. Có người đồn Hiếu đi tuốt xuống tận Cà Mau. Có người đồn Hiếu đang ở núi rừng biên giới. Nhưng cũng có tin Hiếu chết ở mặt trận Dầu Tiếng, nơi chôn vùi biết bao nhiêu xác chết vô danh.

Nhưng ai đồn thì đồn, bà mẹ của Hiếu cũng vẫn giữ một niềm tin vững chắc như thành đồng, là thằng Hiếu chưa chết. Thằng Hiếu sẽ về. Bởi lý do rất giản dị là “Nó chết làm sao, chết thế nào, có trăn trối gì không. Một đứa có hiếu như nó, ít ra trước khi nhắm mắt nó cũng phải gửi một vài lời về cho mẹ nó chớ!”

Hiếu ra đi đã để lại trong tâm hồn của lũ trẻ một khoảng trống. Mọi trò chơi, thiếu bàn tay xếp đặt của Hiếu đã trở nên nhạt nhẽo kém phần thú vị. Nhưng đối với mụ Phước thì lại còn là một đại hoạ giáng xuống phần cuộc đời cằn cỗi còn lại của mụ. Mụ khóc lóc thảm thiết suốt mấy ngày, mấy đêm. Mụ chưởi bên này, rủa bên kia, chẳng Tự Do mà cũng chẳng Giải Phóng gì hết ráo. Quê nhà đã nghèo khổ lại trở nên nghèo khổ thêm, đồng ruộng đã xơ xác lại trở nên xơ xác thêm và ngày này qua ngày khác đám dân lành vô tội vẫn tiếp tục bị xua vào vòng khói lửa như vào một cái túi vô tận không biết bao giờ ngừng không biết bao giờ chấm dứt. Điểm mặt từng gia đình, chẳng nhà ai không có một vành tang trắng, ba trăm sáu mươi lăm ngày trong một năm, chẳng ngày nào không có nhà làm giỗ những người thân chết non, chết trẻ, chết ngoài cánh đồng, chết trên bờ mương, chết dưới hầm hố.

Và tiếng khóc của mụ Phước chỉ nguôi ngoai, khi một ít lâu, sau ngày Hiếu đi, bỗng một hôm mụ lại nhận được thư của nó. Trong thư, Hiếu viết:

Con đã trở về vùng này. Con của má vẫn bình yên má à. Mấy lần tính lẻn về thăm má nhưng bọn thằng Bằng canh gác và đi rỏn hoài nên không dám vô. Ở trong đây chỉ thiếu cái ăn thôi. Nhiều hôm nhịn đói ngủ không được. Nếu thấy tiện, mỗi chiều má đem vô đầm Tròn, chỗ bụi lác ở mé lạch cho con một gói cơm thì hay quá. Má nhớ coi chừng chớ để cho ai thấy, đi theo, phiền lắm má”

Mụ Phước nhận được thơ, mừng rỡ như người được sống lại. Mụ lập tức vật một con gà làm hai ba món rồi chất ních một gà-mên cơm, tất cả đem vô đầm Tròn. Quả nhiên mụ gặp lại Hiếu. Mặt Hiếu xanh rớt, gầy sọp hẳn đi, và mất hết vẻ hồn nhiên ngày trước. Hai mẹ con nắm tay nhau khóc ròng. Lúc soạn các thức ăn ra, Hiếu la bải hải:

– Trời đất ơi! Ai biểu má giết gà làm chi. Má đâu có dư gì mà sang quá, làm sao sống?

Mụ Phước mỉm cười qua hai hàng nước mắt:

– Tại tao thấy mày khổ quá, phải ăn thêm vài ba cái gì cho lại sức chớ.

Hiếu lắc đầu:

– Ôi, cần gì. Có cơm đều đều là lại sức được rồi. Má lo được cho con mỗi ngày một gói cơm với chút muối mè là con đã làm khổ má quá rồi.

Mụ Phước sụt sịt:

– Thôi, tính chuyện mà về đi con ạ, mày đi thế này tao không yên tâm.

– Má không thấy gì hết sao. Con mà về bây giờ, tụi nó bắt thì cũng quá tội. Thôi, cứ nương náu ít ngày, rồi mai mốt bình yên ngay đó mà má.

Mụ Phước đáp lại bằng những tiếng sụt sịt lớn hơn. Hiếu nuốt những miếng cơm trong sự nghẹn ngào. Tiếng rằng phải nhịn đói, mà anh ta cũng chỉ lùa được hai bát lưng rồi bỏ đũa và nói:

– Để con gói tất cả mấy cái này lại đem vô trỏng dành đến mai. Mai má khỏi vô nhưng ngày mốt, má nhớ nhé. Chỉ cơm với muối mè thôi. Mà đừng gà-mên gầu mung gì hết trơn. Má cứ làm như có tự do giống hồi trước không bằng. Đi vô đồng mà xách gà-mên, họ thấy họ nghi.

Mụ Phước nhìn ra chung quanh:

– Mày tin chắc chỗ này kín chớ.

Hiếu gật đầu:

– Bảo đảm an toàn mà má. Tụi nó dại gì mà vô tới tận đây. Có điều má cũng nên cẩn thận đừng để chúng nó theo.

Cuộc gặp gỡ lén lút như vậy từ đó cứ tiếp diễn đều đều. Ngày nào mụ Phước cũng thổi thêm hai lon gạo. Rồi mụ đem nắm lại thành một nắm lớn. Có hôm mụ gói theo một ít dưa cải, có hôm thì muối mè, lâu lâu dành dụm được ít tiền mụ lại kho cho Hiếu một niêu cá. Riết rồi Hiếu đã trở thành một con chuột đồng cứ đúng giờ lại đúng hẹn bò từ đám sình lầy nhằng nhịt lau lách ra mạn đầm Tròn, ngồi thu mình trên một cái chạc cây khuất sau đám lá um tùm để chờ đón một bữa cơm no bụng.

Mấy ngày đầu, mụ Phước còn đi dấu diếm. Sau mụ cũng chẳng còn giữ ý tứ gì với ai. Nhất là một hôm đem cơm vô đồng, mụ gặp Bằng đang xách khẩu súng đi từ nhà ra trạm gác. Bằng đứng lại hỏi:

– Bác đi đâu vậy?

Mụ Phước làm bộ tự nhiên, cười ngỏn ngoẻn:

– Tôi đi bắt mấy con sâu ngoài ruộng.

Bằng nheo mắt mỉm cười:

– Rồi bác đem cả cơm nắm ra cho sâu ăn đó phải không?

Mụ Phước trợn mắt, la lối:

– Đâu có! Cơm của tôi mà!

Bằng bật cười:

– Chà! Hồi này bác ăn khoẻ dữ. Nắm cơm của bác to thiệt ta.

– To hay nhỏ thì can gì tới ai?

– Thì cháu cũng chỉ nói vậy thôi chớ có can cớ gì đâu. Mà điều, cho bác hay, cháu biết hết rồi, bác còn dấu làm chi.

Mụ Phước vênh mặt:

– Biết cái gì, mà dấu cái gì kia chớ?

– Thì thằng Hiếu đó. Bác mang cơm cho thằng Hiếu trong đầm Tròn chớ gì?

Mụ Phước nhún vai:

– Sao cậu hay quá vậy. Ờ! tôi mang cho thằng Hiếu đó. Nó là con tôi. Nó đói. Bộ tôi không có quyền tiếp tế cho nó chút đỉnh sao?

– Ờ, thì cháu có nói gì đâu. Bác cứ tự do mà. Mấy thằng chuột nhắt ấy không nhờ mấy bác thì tụi nó chết đói nhăn răng ra rồi. Mà điều bác nhắn với tụi nó cứ lén lút ở ngoải. Lần mò về đây lộn xộn chúng cháu không nể gì đâu.

Mụ Phước đấu dịu để làm hoà:

– Ờ, thì tụi nó cũng lén lút ở ngoải vậy thôi, chớ nó về đây làm chi.

– Chưa tới lúc thôi đó, bác. Mặt trận sắp sửa lan rộng tới nới rồi. Cháu e bác chẳng có dịp nắm cơm cho nó được bao lâu nữa đâu.

Mụ Phước giật mình:

– Ủa! Cậu nghe nói như vậy hả?

– Thì mùa mưa sắp tới rồi. Bao giờ tụi nó chả lợi dụng sương mù, với nước ngập để phát động chiến trường vào mùa mưa.

– Ôi, mà điều thằng Hiếu nhà tôi nó đâu biết cái gì. Ai phát động thì phát động chớ nó chỉ vậy vậy thôi.

Bằng mỉm cười:

– Nói như bác thì dễ quá. Thời buổi này ai mà muốn gì những chuyện chém giết. Như cháu đâu có mong cầm súng tối ngày lo hết cái này tới cái kia. Nhưng thời thế nó đưa đẩy vậy thì biết vậy. Theo phe nào thì phải hoạt động cho bên ấy chớ…

Thấy mụ Phước im lặng không đáp, Bằng lại tiếp:

– Như cháu đây, đâu có thù oán gì với thằng Hiếu. Hồi còn nhỏ đi học, cháu còn chơi thân với nó nữa là khác, bác nhớ chớ?

Mụ Phước gật đầu:

– Nhớ chớ sao không. Có lần thằng Hiếu nó cõng cậu từ sân chùa về nhà. Đầu cậu be bét những máu, chắc vết sẹo hãy còn phải không?

Bằng mỉm cười:

– Cháu nhớ chớ sao không. Bây giờ vết sẹo ấy hãy còn đây. Hồi đó may nhờ thằng Hiếu đỡ giùm và kiếm thuốc bôi, chớ không thì đời tàn rồi, đâu còn đứng đây.

Mụ Phước chép miệng:

– Thời buổi ác ôn thế đấy. Ai mà ngờ được rằng sẽ có ngày cậu với nó lại đối nghịch được với nhau.

Bằng gật đầu:

– Vâng, đúng thế. Ai mà có thể ngờ được . Mà điều chẳng vì thế mà cháu nhượng bộ nó đâu bác Bác nhớ nhắn nó là chớ có lảng vảng về nhà, gặp nó là cháu không nể nang gì đâu. Cháu bắn nó trước.

Mụ Phước la lên:

– Tại sao kỳ cục vậy. Bộ cậu không biết bắn chỉ thiên sao?

Bằng mỉm cười:

– Sao lại không bắn được chỉ thiên. Mà điều như vậy nguy lắm. Cháu không bắn, nó cũng bắn cháu trước. Trong chiến tranh, nào có ai nể gì ai được….

Lòng mụ Phước bỗng như đau quặn lại. Mụ tưởng như thân hình gầy gò yếu đuối của thằng Hiếu bỗng đã chịu năm bẩy phát đạn khi đang lần mò về ăn những bữa cơm lén lút. Một niềm xót xa tràn ngập tâm hồn người mẹ thương con. Mụ cảm thấy cái thời buổi này thật là hoàn toàn vô lý. Ngày xưa, mỗi bữa cơm ngọt ngào do bàn tay mẹ nấu lấy là biểu hiệu của mái ấm gia đình, là hạnh phúc đơn sơ, là nguồn vui nhẹ nhàng như con suối hiền từ chẩy qua những cánh đồng rực rỡ hoa và bướm. Bây giờ, cũng đôi bàn tay hiền từ ấy, cũng vẫn chỉ là những bữa cơm của mẹ cho con, mẹ thương con, nguồn xót thương của mẹ vẫn bao la, rộng rãi như ngày nào, lòng mẹ có bao giờ đổi thay vậy mà bây giờ tất cả lại trở nên lén lút. Chiếc “gà-mên” cơm đặt xuống nệm cỏ, khuất sau lùm cây um tùm. Bữa ăn của mẹ dành cho con đấy. Nhưng nó không còn về đúng giờ nữa. Nhiều hôm sẩm tối, Hiếu mới bò ra thập thò như chuột. Những ngày đầu, mụ Phước còn ngồi chờ, nhưng sau, theo lời Hiếu dặn, mụ chỉ buộc gói cơm lên một cành cây.

– Má treo lên cành đó cho con. Bớt kiến má ạ! Nhiều hôm phủi kiến muốn chết mới ăn được.

Lòng mụ Phước khựng lại, xót xa như lũ kiến trong đầm Tròn đã gậm nhấm chính mụ. Những ngày hôm sau mụ treo gói cơm lên một cành cây nhẵn nhụi. Mụ lại không quên mang theo mảnh giẻ tẩm ít dầu hôi xoa ở đầu chỗ lạt buộc. Thế là thằng Hiếu khỏi phải “phủi kiến muốn chết mới ăn được”. Mụ Phước rất hãnh diện vì những công trình nhỏ nhặt ấy. Và chỉ khi đó, mụ mới mỉm cười, nụ cười hiu hắt như những tia nắng cuối cùng trong một mùa đông ảm đạm. Tuy vậy đối với Hiếu chỉ ngần ấy cũng đủ làm cho không gian buồn tẻ này trở nên ý nghĩa hơn, và những lời trao đổi giữa Hiếu và mẹ khiến Hiếu chẳng bao giờ quên được.

– Mày ăn cơm còn thấy kiến không?

– Hết rồi má.

– Cơm hơi nát phải không?

– Hình như vậy, má.

– Tại tao đổ nước lỡ tay một chút. Cái càng cua ở ngón tay mấy bữa rày nhức quá.

Hiếu giật mình:

– Má đau từ bao giờ má.

Mụ Phước xoè ra một bàn tay sưng vù. Hiếu chua xót:

– Thôi, từ mai má nghỉ vài bữa đi má. Con nhịn được mà.

– Đừng có ẩu. Tay tao trông vậy, chớ có đau lắm đâu.

Và quả nhiên ngày hôm sau, dù đau muốn rụng cả bàn tay, mụ Phước vẫn dành cho Hiếu một giỏ cơm trên đầu cành. Trong lời ước hẹn, ai ngờ chính Hiếu lại là người bỏ cuộc trước. Bữa đó Hiếu không về. Gói cơm vẫn lủng lẳng trên cao đu đưa theo từng làn gió thoảng suốt một đêm một ngày không có người gỡ xuống. Hôm sau trở lại mụ Phước giật mình khi nhìn thấy gói cơm còn đó. Mụ tháo xuống thay bằng gói mới rồi kiên nhẫn ngồi chờ từ chiều cho đến tối mịt. Thằng Hiếu vẫn không về. Và kể từ bữa đó, không bao giờ mụ lại còn nhìn thấy thằng Hiếu trở về để gỡ xuống những bữa cơm thanh đạm vỏn vẹn chỉ gồm một nắm không quá một vốc tay, với một nhúm muối mè chan chứa biết bao lòng yêu thương và nguồn hy vọng mong manh của người đàn bà khốn khổ. Mụ Phước đã ngồi chờ Hiếu suốt mấy ngày liền. Có khi trắng cả một đêm trong đầm Tròn, sương xuống ướt sũng cả vai áo. Buổi sáng ra đi, mụ thất thểu như người mất hồn. Mụ băng qua đầm Tròn, đi sâu mãi vào trong vùng rậm rạp, um tùm của rừng lau, sậy đan kết nhằng nhịt miên man như bất tận. Đi chán, mụ lại trở về dưới gốc cây ngồi chờ và than khóc. Khóc mãi riết rồi nước mắt của mụ cạn khô như những hạt cơm phơi nắng hai ba ngày liền cũng đanh cứng lại, rắn chắc, chứa đựng một vẻ tàn nhẫn phũ phàng. Đàn kiến hung tợn trước bị ngăn chặn bằng lớp giẻ tẩm dầu hôi không xâm phạm được đến gói cơm, bây giờ những hạt cơm từ chiếc gói bung ra, đổ vương vãi trên khắp mặt cỏ. Không còn là của thằng Hiếu nữa. Không còn thú vui cuối cùng khi hai mẹ con thủ thỉ với nhau những lời ngắn ngủi nữa. Bây giờ những hạt cơm là của những con kiến với số lượng chập chùng, đông không kể xiết.

Thế là, trong cuộc tranh giành miếng cơm trắng trong gói cơm treo trên đầu cành, không phải thằng Hiếu thắng mà chính là những con kiến hằng hà sa số trên những lùm cây um tùm.

—>3

This entry was posted in 3.Truyện dài - Tiểu thuyết, Nhật Tiến, Nhật Tiến. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời