QUÊ NHÀ YÊU DẤU (Nhật Tiến)

CHƯƠNG BA

“Hãy kể cho mình nghe tất cả mọi chuyện về quê nhà yêu dấu. Cho dẫu ở trên này mọi thứ đều lộng lẫy, xa hoa, mọi thứ đều yên ổn trôi qua như chiếc kim đồng hồ buồn nản treo ở ngay giữa cổng ra vào trường nữ trung học nhưng ai mà quên được quê nhà yêu dấu. Mỗi lá thư của Thu là một nhịp cầu nối liền tâm trạng với người đi xa hoàn cảnh hiện tại của quê hương, xứ sở. Người ta nói một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Huống chi mình đã sinh ra ở đấy, lớn lên ở đấy, chung sống ở đấy muôn ngàn kỷ niệm vui buồn, vậy không thể vì lý do gì mà lại ngoảnh mặt quay đi trước sự đau khổ não nề mà quê nhà đang phải chịu đựng. Đã có lần Thu nói:
mình biết để làm gì, có thay đổi được gì đâu, có khiến cho bom ngừng rơi, súng ngừng nổ và những giọt nước mắt của cha khóc con, vợ khóc chồng, mẹ già, con dại nhớ thương người thân yêu không bao giờ trở về, tất cả đều ngừng chảy trên những khuôn mặt in hằn dấu vết của khổ đau và nhẫn nại. Đồng ý là như thế rồi, Hạnh làm gì có đôi đũa thần để làm con suối nước mắt của dân mình ngừng chảy khiến cho sự đớn đau ngừng bắt dân mình phải chịu đựng. Nhưng thà biết rõ như vậy để chia sẻ nỗi xót xa còn hơn là ngoảnh quay mặt với thái độ thờ ơ của kẻ ngoại cuộc…”

Thì Thu cũng đã đương nhiên trở thành nhân chứng để kể lại cho Hạnh nghe tất cả mọi biến cố ở quê nhà. Thời gian trôi đi quá nhanh. Một năm rồi lại một năm. Ai mà ngờ chiến tranh tàn phá quê nhà trong một chuỗi thời gian liên miên và vô tận đến như thế.

Cũng như Thu đã kể cho Hạnh nghe về trường hợp của chị Huấn lấy chồng năm mười tám. Năm sau chị sinh thằng On. Thằng On được ba tuổi thì bố nó đi tập kết, hẹn đúng hai năm sẽ trở về. Chị Huấn chờ chồng trong sáu năm. Sáu năm âm thầm nuôi con với muôn ngàn nỗi tủi cực. Cuối cùng chị yếu đuối ngã vào vòng tay người đàn ông khác, chẳng phải ai xa lạ, cũng chẳng có ai phản đối cuộc hôn nhân thứ hai này. Chị đã lấy anh chàng Bằng, dân vệ xã đó.

Bằng thuộc loại đàn ông khoẻ mạnh tươi tắn và tốt bụng. Những buổi gác trên chòi canh, Bằng như bị lôi cuốn bởi một hình ảnh ma lực làm hắn phải cảm phục. Đó là hình ảnh của chị Huấn lầm lũi quẩy gánh âm thầm từ nhà lên chợ vào buổi sáng tinh mơ và chợ về nhà khi sẩm tối. Bằng thấy chị như là hiện thân của đức tính nhẫn nại và chịu đựng. Mái tóc biếng chải, quần áo đơn sơ, vẻ mặt trang nghiêm đến lạnh lùng. Bao giờ ra ngoài chị cũng cúi đầu không nhìn ai, thân mình như thấp xuống thêm dưới đôi gánh trĩu nặng của những mớ rau rổ cà hay sọt khoai èo uột. Tất cả tình thương của chị chỉ dồn vào có đứa bé: thằng On. Hai mẹ con gắn bó nhau như bóng với hình. Trong ánh sáng le lói của buổi bình minh còn ẩm ướt sương sớm hay bóng tối chạng vạng của buồi hoàng hôn vừa tắt ánh nắng, bóng dáng hai mẹ con nhỏ bé và cô đơn nổi bật trên quãng đường mòn chạy giữa hai bờ duối dại với những sợ dây tơ hồng giăng vàng ối như tơ nhện. Họ hiện ra dưới chân chòi canh, rồi những bước chân âm thầm, lủi thủi đưa họ đi qua chỗ Bằng ngồi và dần dần thu nhỏ lại như hai cái chấm đen ở cuối tầm mắt. Bằng ngắm không chán cái hình ảnh thiêng liêng ấy, với tất cả nỗi xúc động và xao xuyến trong lòng. Rồi dần dần khuôn mặt dịu dàng với nước da tươi mát của chị Huấn bỗng trở thành một nỗi ám ảnh trong lòng gã đàn ông chưa có gia đình .Tình yêu nẩy nở như một đoá hoa tràn ngập cả đời sống hàng ngày của gã. Bằng không còn thiết gì đến những ánh mắt lả lơi của nhiều thiếu nữ cùng xóm.

Trong tâm trí của Bằng, hình ảnh chị Huấn, lẫn cả hình ảnh của thằng On đã xâm chiếm trọn vẹn mất rồi. Đó là thời kỳ chị Huấn đã chờ chồng đến năm thứ bốn. Bốn năm chồng chị không gửi về một tin, không viết cho chị lấy một chữ mặc dầu nhiều người đàn ông khác ra đi trong trường hợp ấy đã lác đác thấy xuất hiện trở về. Hai năm còn lại của thời kỳ âm thầm nuôi con, chị Huấn lại còn phải âm thầm chiến đấu đơn độc với tình yêu mãnh liệt của gã đàn ông đang tìm mọi cách chinh phục chị. Chị biết rõ thời kỳ xuân sắc của mình đang trôi qua một cách uổng phí. Chị cũng nhìn thấy rõ con đường cô đơn, lạnh lùng của sự chờ đợi sẽ thăm thẳm mịt mù không biết bao giờ sẽ chấm dứt, không biết bao giờ sẽ có một tia sáng hy vọng loé lên hay sẽ mãi mãi tối tăm, khắc khoải như hiện tại. Đã lâu rồi chị không khóc, đột nhiên nước mắt của chị lại tuôn ướt đẫm mặt gối vào những lúc nửa khuya. Buổi sáng khi bước chân ra khỏi nhà tâm trạng của chị bỗng bối rối. Khi tiến qua chòi canh chỗ Bằng ngồi, thốt nhiên chị phải nắm chặt bàn tay nhỏ bé của thằng On để tránh xúc động. Chị kéo nó đi như chạy trốn. Nhưng trốn khỏi ánh mắt của Bằng rồi chị lại thấy hối tiếc giây phút ngắn ngủi vừa qua. Con đường tan chợ trở về dần dà khiến chị quên mệt nhọc. Ánh mắt nồng cháy thiết tha của Bằng như vương vấn đâu đó trên từng ngọn cỏ, từng mô đất, từng cụm mây, từng cơn gió thoảng mơn man thổi qua những chân tóc ướt đẫm mồ hôi của chị. Rồi lúc đêm về chị lại ôm thằng On đang ngủ vùi để khóc ướt đẫm cả mái tóc óng ả như tơ của nó.

Xẩy đến một hôm thằng On mò mẫm qua bên kia đầm Tròn dẫm phải một cái bàn chông. Hai bàn chân của nó bị những đầu nhọn của những thanh nứa sắc như mũi dao, xuyên ngập và cứa toác ra từng mảnh thịt. Ấy còn may là nó nhẹ kí, nếu không thì đến đi giầy cũng còn bị xuyên thủng cả bàn chân. Bằng nghe tin , tức tốc tìm đến và gỡ nó lên, bồng trên cánh tay. Hai bàn chân của thằng bé ròng ròng máu chẩy. Những giọt máu đỏ tươi thấm xuống nền đất, chói rực như những cục lửa thiêu đốt lòng trắc ẩn của mọi người được chứng kiến.

Trong lúc ấy thằng On dẫy lên như một con đỉa. Tiếng gào của nó rung chuyển cả một vùng cây cỏ thảm sầu, xé vỡ cả một bầu không khí đè nặng những cơn u uất. Rồi nó lả đi. Bọt hai bên mép sùi ra. Cặp mắt nhắm nghiền như bất động trên khuôn mặt xám ngoẹt không còn dấu vết của một luồng sinh khí. Bằng bế nó đi qua những cặp mắt kinh hoàng, tráo trưng của đám trẻ nhỏ. Chân Bằng dẫm nát những đám cỏ may yếu đuối vật vờ trong hơi gió. Nhưng toàn thân của Bằng tràn ngập những cảm giác ghê rợn. Bằng thấy như từng ngọn cỏ mềm mại đang dựng đứng lên thành những ngọn chông nhọn hoắt. Hai bàn chân của gã tê điếng như chính gã đang chịu đựng cơn đau của thằng On, như mỗi bước chân đi của gã là một cái hầm chông sụt xuống, xuyên thủng đôi giầy vải mỏng manh, cắm vào chân gã đến xương, đến tủy. Bằng không bế thằng On về nhà nó mà rẽ ngay lên quốc lộ để đón một chiếc xe lam. Chiếc xe chở hai người lên quận rồi từ quận nhờ xe nhà binh chạy phăng lên tỉnh. Thằng On được vào nằm ngay trong bệnh viện. Mãi đến chiều chị Huấn mới nhào tới. Chị khóc lăn lộn ngay ở cửa vào. Bằng phải níu lấy chị, giữ chị không cho chị lao đầu vào cánh cửa phòng giải phẩu. Cuối cùng, hai người phải chờ đợi đến tối mới thấy thằng On nằm trên băng-ca đẩy trở ra. Nó thoát được nạn phải cưa hai cẳng chân vì Bằng hành động kịp thời. Những mảnh nứa vụn được gắp ra. Những lỗ thủng được xoáy bông vào quậy, rửa sát độc. Và hai bàn chân nhỏ bé của thằng On bây giờ trắng xoá những bông băng.

Người ta xếp cho nó chỗ nằm trên một cái giường sắt, trong một căn phòng chật ních những bệnh nhân. Có người là nạn nhân của một vụ giật mìn. Có người bị hơi bom làm rỉ máu ở hai vành tai. Và phần đông là chịu chung số phận của những viên đạn. Đạn ghim vào đùi, vào ngực, vào bụng. Có người xổ ra cả đùm ruột mà không chết. Cũng có kẻ chỉ bị sượt qua đỉnh đầu mà không sống nổi để chờ nhìn mặt lần cuối thân nhân đến vuốt mắt. Mỗi lần có một kẻ qua đời trên giường bệnh là một lần căn phòng đang ồn ào bỗng im bặt để tiễn đưa chiếc băng-ca lăn trên bốn bánh xe trùm khăn trắng kín mít đi qua lối nhỏ hẹp. Vẻ mặt ai nấy đều xúc động, bàng hoàng mặc dầu người xấu số chẳng phải là thân thuộc. Duy chỉ có những công nhân trong bệnh viện là giữ được vẻ thản nhiên đến lạnh lùng. Điếu thuốc vẫn cháy dở phì phèo trên vành môi. Ánh mắt như chưa phai mờ mẩu chuyện vui nào đó mà trước lúc đẩy chiếc băng-ca đi vào, họ còn đang bàn tán dở dang. Nghĩ cho cùng thì cũng chẳng có gì là khác lạ. Không phải chỉ hôm nay mới có một kẻ qua đời. Hôm qua, tuần trước, tháng trước, năm trước, và cả ngày mai, ngày mốt hay tuần sau, cái cảnh này cũng đã diễn ra, và sẽ còn diễn ra như thế nữa. Cơn xúc động chỉ có ở lúc khởi đầu. Rồi tất cả đều trở thành thói quen. Cái gì rồi cũng trở thành thói quen. Quen cả sự chia ly, quen cả sự cô độc, cô quả, quen cả chuỗi ngày tối tăm, tang tóc, tàn phá quê hương triền miên từ trên hai mươi năm. Trong cuộc chiến tranh này, đã có quá nhiều người phải mất mát. Có những người mất mát đến không còn lại gì. Nhà cửa mất, cha mẹ mất, anh em mất, con cái mất. Vì thế họ mất luôn cả dòng nước mắt để không còn biết khóc, biết xúc động trước bất cứ một biến cố nào xẩy ra nữa. Kiểm điểm lại ngần ấy năm bị tàn phá trong bom rơi , đạn nổ, trong khói lửa mù mịt tràn ngập khắp mọi xóm làng, dân ta đã được những gì, còn lại những gì?

Tai nạn xẩy ra cho thằng bé bỗng trở thành một biến cố quan trọng trong đời sống tình cảm của chị Huấn. Bằng nhân đó đã có nhiều dịp giúp đỡ tận tình gia đình chị. Gã thay chị lo lắng đầy đủ giấy tờ cho thằng bé được nằm trong bệnh viện, thay chị chạy chọt chỗ này, chỗ kia, để thằng bé có những thứ thuốc đầy đủ theo toa bác sĩ. Rồi những ngày chị bận rộn trên chợ, thì cũng chính là Bằng đã có mặt bên giường bệnh để săn sóc, an ủi. Chị Huấn đã mặc nhiên công nhận sự giúp đỡ ấy của Bằng. Từ vầng trán cao và phẳng, đến ánh mắt toả rực niềm hăng hái, nhiệt tình, nụ cười lúc nào cũng tươi tắn nở trên vành môi dầy và ửng đỏ, hai cánh tay rắn chắc sạm đen vì sương nắng…Tất cả những hình ảnh ấy của gã thanh niên đã đem lại cho chị một lòng tin cậy để chị không còn cảm thấy cô đơn trong cuộc sống mỏi mòn và vô vọng của chị.

Đã từ lâu chị không còn vấn vương hình ảnh của người chồng cũ. Sáu năm chờ đợi, sáu năm kéo dài cuộc sống âm thầm trong bóng tối, khắc khoải từng đêm nghe từng tiếng sột soạt ngoài khóm lá, một tiếng chạy trên tầu dừa, tiếng cá quẫy nước ngoài bờ mương hay tiếng động trong kẽ vách. Cả trăm lần, ngàn lần những âm thanh ấy đi qua, mà lần nào chị cũng tưởng như tiếng chân của người cũ đặt trên thềm cửa. Sự chờ mong khắc khoải kéo dài đã quá lâu khiến tinh thần của chị mỗi ngày một trở nên bạc nhược, đến nỗi chị sợ đêm đen, sợ bóng tối, sợ cả sự buông xuôi, không chờ đợi, không hy vọng đã bắt đầu gậm nhấm tâm hồn của chị. Tất cả nguồn vui của chị bây giờ đều hướng vào đứa con trai độc nhất, xoắn lấy chị như bóng với hình, chị vui theo niềm vui của nó, buồn theo nỗi buồn của nó, chị lo lắng còn hơn là sự lo lắng cho tương lại tối đen thăm thẳm đang ngự trị trong cuộc đời thanh xuân mỗi lúc một tàn phai của chị.

Nhưng rồi Bằng đã hiện ra như khuôn mặt của mặt trời le lói sau những ngày mưa rả rích, đủ khiến cho má chị nóng bừng, cho lòng chị xao xuyến, hồi hộp, và tình yêu bắt đầu nẩy nở thành từng sợi tơ lưu luyến mỏng manh quấn quít lấy tâm hồn gan như nguội lạnh của chị.

Hôm ở trong bệnh viện, thằng bé đã giải phẫu xong và ngủ được yên lành thì chị và Bằng đã trải qua nlnrng giây phút thần tiên nhất. Hai người ngồi bó gối trên hàng hiên của bệnh viện nhìn ra khoảng trời trong vắt, tràn ngập ánh trăng thượng tuần. Bằng muốn nói với chị rất nhiều nhưng rồi lại không nói được gì cả. Trái lại, chị Huấn lòng muốn nghe Bằng nói lại thật nhiều, nhưng thâm tâm lại cầu mong cho Bằng đừng nói ra điều gì hết cả. Họ cảm thông nhau trong sự yên lặng, trong hơi gió xạc xào thổi qua các lùm cây, và trong cảnh vật như chan hòa mộ làn ánh sáng đục lờ như sữa của mảnh trăng treo lơ lửng trên từng cao. Cuối cùng, nửa khuya sương lạnh, Bằng chỉ làm được một công việc đầy ý nghĩa là khoác lên mình chị chiếc áo lạnh màu vàng của mình. Chị Huấn im lặng chấp nhận sự săn sóc ấy của Bằng, sự săn sóc mà từ sáu năm nay, chị không còn được hưởng thụ dù chỉ là một cử chỉ nhỏ nhặt. Chị nhìn Bằng với cặp mắt trìu mến và biết ơn. Trong bóng tối, bàn tay của Bằng bỗng nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của chị. Và hai người đã nắm tay nhau như thế cho đến lúc Bằng khuyên chị về phòng đi nghỉ.

Hai tháng sau, họ sống chung với nhau một cách chính thức. Dư luận bàn tán qua loa rồi cũng mặc nhiên chấp nhận. Cuộc chiến này còn gây ra nhiều điều đáng phải quan tâm hơn là sự một người đàn bà chờ chồng trong sáu năm rồi bước đi một bước nữa. Duy chỉ những kể xấu thói, hoặc vì ghen với Bằng, hoặc vì liên hệ thân thuộc với chồng cũ của chị nên thỉnh thoảng lại hỏi thằng bé một cách bâng quơ:

– Ê! On! Bố mầy đâu?

Thằng bé giương mắt lên nhìn, vẻ mặt đanh lại nhưng không trả lời. Kẻ xấu thi lại đưa đẩy thêm:

– Có phải dượng Bằng không?

Nó gân cổ lên cãi:

– Sức mấy!

– Sao lại sức mấy? Bộ ổng ghét mày lắm sao?

Thằng bé không đáp. Nó lơ đãng nhìn về phía đồi núi mờ mịt trong sương lam. Kẻ kia vẫn chẳng chịu buông tha:

– Ớ..ờ…cũng kẹt lắm chứ hả. Mai mốt bố mày về thì rồi mày tính sao, má mày tính sao?

– Tôi đi!

– Đi đâu?

– Đi theo bố tôi chớ đi đâu.

– Mày biết mặt bố mày không?

– Ngày xưa biết, nhưng bây giờ quên rồi. Hồi đó tôi còn nhỏ quá mà…

– Nhưng mày vẫn thương bố mày chớ?

– Thương chớ sao không. Hỏi cái gì mà kỳ cục không?

– Ngộ lỡ bố mày về bắn bỏ mẹ mày thì mày còn thương không?

– Không bao giờ bố tôi làm như thế cả.

– Chèn ơi! Làm sao lại không được nhỉ. Này nhé, bố mày theo Mặt Trận mà dượng mày lại là Quốc Gia. Ui! Chỉ nội cái đó tao đã thấy toé lửa ra rồi.

Thằng bé bị dồn vào những câu hỏi khó giải đáp nên khó chịu, vùng vằng bỏ đi. Nó nghe thấy ở đằng sau có tiếng cười ròn rã đầy vẻ chế riễu. Tiếng cười vỡ ra như thành từng mảnh vụn đâm chĩa vào tâm hồn của nó làm nó bực bội. Sự bực bội không biết trút lên đầu ai, nó quay ra hành hạ mẹ nó bằng những câu hỏi hằn học:

– Tại sao má lại làm như vậy?

Chị Huấn nhìn con ngơ ngác:

– Má làm cái gì?

– Má lấy dượng Bằng đó!

Chị Huấn lặng người đi, cố giữ vẻ thản nhiên:

– Ừ, thì đã làm sao?

– Dượng ấy là lính Quốc Gia!

Chị Huấn cố mỉm cười gượng gạo nhưng lòng chị đã đau nhói vì những cảm giác chua xót:

– Còn ba mầy ngày xưa thì Giải Phóng phải không? Mày thắc mắc cái đó làm gì, có lợi ích gì đâu?

– Ngộ mai mốt ba về thì má tính sao?

– Không bao giờ ba về nữa cả. Ba mày đã bỏ rơi hoàn toàn mày với má rồi.

– Sao má biết?

Chị Huấn thở dài não nuột:

– Ba mày đi từ hồi mày mới lên hai. Năm nay mày đã lớn chừng đó mà không có tin tức gì, như vậy có phải ba mày nếu không mất thì cũng bỏ rơi rồi không?

Ngừng một lát, chị Huấn nói tiếp:

– Nhưng thôi, mày còn nhỏ, thắc mắc đến chuyện người lớn làm chi…

– Tại người ta cứ hỏi.

– Ai hỏi?

– Thiếu gì người!

– Hỏi cái gì?

– Hỏi bao giờ ba về? Hỏi nếu ba về thì má tính sao?

– Tao chẳng tính sao hết đó. Mà điều việc tao, tao lo, không can gì đến lũ nít nhỏ như mày, nghe chưa!

Thằng bé nín thinh không trả lời, mặt nó càng đanh lại thêm. Chị Huấn liền kéo nó lại gần, vuốt ve lên mái tóc mềm như tơ của nó. Sau những phút ngập ngừng, chị bỗng cất tiếng hỏi:

– Mai mốt rồi có em bé nữa, mày có thương em không?

Thằng bé trố mắt ra nhìn mẹ. Nó không thể đoán trước được những gì sẽ xảy ra, nhưng đối với nó thì đấy không phải là một tin mừng gì. Nó có cảm tưởng như thêm một đứa bé ra đời, là sự liên hệ giữa nó với mẹ nó lại tăng thêm một khoảng ngăn cách, cũng như dượng Bằng đã là nguyên nhân khởi đầu cho sự ngăn cách ấy. Thấy nó không đáp, khuôn mặt lầm lì, đăm chiêu, thái độ hờ hững lạnh nhạt, chị Huấn bỗng ứa nước mắt. Chị cũng cảm thấy hố ngăn cách giữa chị và nó đang bắt đầu lan dần, và chị không còn thực sự nắm giữ được nó như ngày nào hai mẹ con lủi thủi đi chợ, về chợ xoắn xuýt lấy nhau như hình với bóng.

Quả nhiên đến ngày chị sinh được một đứa con gái đầu tiên, thì thằng On đã hoàn toàn xa lánh hẳn với chị. Nó đi, về như một cái bóng chập chờn. Cơm không bao giờ ăn đúng bữa. Chỗ ngủ không bao giờ nó ghé lưng vào, mà thường thường nó lang thang la cà hết chỗ này đến chỗ khác, có khi không về nhà, cũng có khi nó ngủ ở ngoài hiên, góc bếp, hay đầu hè để khỏi phải liên hệ đến mọi người.

Tình trạng ấy là do chính nó tạo ra, chứ không phải lỗi ở Bằng. Gã đàn ông, trái lại đã cố gắng tìm cách dàn xếp, làm thân với nó, chẳng phải vì nó, mà vì mẹ nó. Bởi vì nhiều đêm chị Huấn khóc thút thít ướt đẫm cả mặt gối. Chị trách Bằng không ngó ngàng gì đến thằng bé và hối thúc Bằng thân thiện với nó. Nhiều hôm, biết có kẻ xúi dục thằng On để chia rẽ nó với gia đình, chị ra ngõ chửi um lên. Còn Bằng thì cố làm vừa lòng vợ nên cũng xách súng ra lên “cu-lát” rầm rộ doạ bắn bỏ những đứa độc mồm. Nhưng thực ra trong thâm tâm của gã cũng đã bắt đầu bực bội về thái độ đáng ghét của thằng bé. Gã thấy hạnh phúc của gia đình chính vì nó mà sút giảm, mặc dầu suốt từ buổi đầu gã đã có thiện chí tối đa.

Có nhiều hôm hai dượng cháu dẫn nhau men theo đường làng ra quốc lộ để đón chị Huấn tan buổi chợ, xuống xe lam trở về. Trong lúc chờ đợi, Bằng kéo thằng On ngồi xuống bờ cỏ, phóng tầm mắt nhìn về phía cánh đồng xa. Đồng quê im lìm trong ánh nắng úa nhạt buổi chiều. Không gian lồng lộng hơi gió đưa những cụm mây trắng bay lờ lững trên bầu trời trong vắt một màu xanh. Những thửa ruộng láng nước trải dài đến cuối tầm mắt. Xa hơn nữa là những dãy núi chập chùng nối đuôi nhau chạy thành một vòng cung mang mầu lam thẫm.

Mật khu Lê Hồng Phong nằm ở nơi xa đó, có thể đang có sự hiện diện của ba thằng On, và biết bao nhiêu người thân yêu của những gia đình khác. Không gian thật gang tấc nhưng cách trở thật nghìn trùng. On ước ao mình chắp được đôi cánh để bay lên trời cao. Để đến bất cứ nơi nào nó muốn đến. Để gặp bất cứ một ai mà nó muốn gặp. Niềm ước mơ của nó tuy cao xa, nhưng nghĩ cho cùng , đâu có viễn vông. Ngày xưa, hồi quê nhà yêu dấu chưa có tiếng súng, thì khắp giải non sông gấm vóc này có nơi nào mà dấu chân mọi người không có thể đặt tới được. Đường rộng thênh thanh. Đi đến đâu cũng chỉ gặp toàn nụ cười, ánh mắt hân hoan chào đón. Giữa đêm trăng, có thể trải chiếu ra giữa đồng đếm từng ngôi sao sáng, chờ đón từng vệt trắng xoá của những vì sao đổi ngôi bay qua bầu trời, và cuối cùng có thể ngủ thiếp ngay trên bồn cỏ thơm mùa lúa chín mà không phải thắc mắc hay băn khoăn.

Ngoảnh lại quá khứ đồng quê thanh bình như đã lùi vào mộng tưởng. Những ước ao dù nhỏ bé nhất của ngày xưa, bây giờ cũng đã trở thành những ước ao không thể thực hiện, không biết bao giờ mới có thể thực hiện được.

Cũng như con Hương ước ao đôi chân của nó chỉ cần nhanh nhệt như đôi chân của những con gà con bé bỏng. Hạnh ước ao được về bắt bướm trong đồng nội. Thu ước ao mái trường làng không còn rêu phủ và rộn rã tiếng cười trong những giờ tan học. Và bà mẹ anh Hiếu cũng chỉ ước ao được nấu cho con mình một bữa cơm nóng hổi, công khai đơm cho nó từng bát đầy tú hụ, tiếp cho nó từng miếng đậu om tương mà không phải lén lút, không phải dấu diếm, cũng không phải kiên trì chống chọi lại với những đàn kiến tinh quái trên các cành cây trong đầm Tròn.

Ngần ấy điều mong ước sao mà đơn sơ, giản dị đến thế. Đôi chân nào không nhanh nhẹn, đồng nội nào không có bướm rực rỡ bay nhởn nhơ, trường học nào không rộn rã tiếng cười và bà mẹ nào chẳng có quyền thổi cho con một bữa cơm dưới bàn tay, trong ánh mắt trìu mến của mình.

Vậy mà những điều nhỏ bé ấy đã trở thành những ý nghĩ chỉ tồn tại trong giấc mơ. Ôi, giấc mở của người Việt Nam đau khổ sao mà bình thường, ước vọng sao mà nhỏ bé đến vậy mà vẫn chưa thấy hy vọng thực hiện. Đêm đêm tiếng súng vẫn vọng về át tiếng chó sủa, tiếng bom giây rền rĩ trong bầu trời rung chuyển đến từng đọt lá, từng kẽ vách, và chính ở chỗ đó, nơi hứng chịu những tai hoạ trút xuống từ trên đầu đã có bao nhiêu sự sống bị chôn vùi, bao nhiêu thân hình bị tàn phế, bao nhiêu người vợ goá chồng, bao nhiêu đứa con mồ côi cha, và một năm lại có thêm bao nhiêu gia đình phải cúng giỗ. Những câu hỏi đó không phải chỉ được đặt ra trong một đêm, một tuần, hay một tháng, nhưng thực ra nó đã kéo dài quá lâu, quÁ quen thuộc đến độ trở thành những ám ảnh trong đêm đen. Và tuổi thơ Việt Nam quả thực là tuổi thơ thiệt thòi nhất, đớn đau nhất, tủi nhục nhất đến độ không một xứ sở nào còn có thể đưa ra được những hình ảnh xót xa hơn.

Trong khung cảnh buồn bã của đồng quê ảm đạm như vậy, hai dượng cháu ngồi trên mô đất cao nhìn về phía quốc lộ, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Thằng On không ngớt thắc mắc về những câu hỏi mà người lớn đã vô tình ghim sâu vào đầu óc nó để bây giờ đã trở thành những ấn tượng khó phai mờ. “Bố mày theo Mặt Trận, dượng mày theo Quốc Gia. Ui! Chỉ nội cái đó tao cũng thấy toé lửa rồi” . On liếc mắt qua nhìn dượng Bằng. Gã đàn ông không mang một vẻ gì đáng ghét, nhưng giữa nó và người đàn ông này vẫn có một hố sâu cách biệt. On tiếc là nó không nhớ hình ảnh của ba nó để mà so sánh. Ông ta đã ra đi từ ngày On mới lên hai. Gần mười năm trôi qua, dấu vết của người thương yêu gắn bó trong gia đình đã hoàn toàn phai mở trong mọi sự quên lãng. Ông là người thế nào? Cao hay thấp? Gầy hay béo? Già hay trẻ? Hiền hay dữ? Không một tia sáng nào giúp nó chiếu rọi vào dĩ vãng mịtmù mà khi còn nhỏ quá nó không thể ghi nhớ được. Duy có một điều chắc chắn mà On biết rõ được là người đàn ông đang ngồi bên cạnh nó hiển nhiên đã cướp đi của nó nguồn yêu thương đã ấp ủ thời thơ ấu của nó trong sáu, bẩy năm trời. Vị trí của On trong gia đình cứ mỗi lúc một bị thu bé lại. Buổi sáng On không còn được chính bàn tay êm ái của mẹ đắp chiếc khăn mặt lên hai mắt day đi, day lại nhiều lần để làm tan đi giấc ngủ còn đọng trên bờ mi. Trong một ngày, On ít còn dịp biểu lộ những cử chỉ nũng nịu để bắt mẹ chú ý đến mình một cách âu yếm, một cách xót xa, một cách cưng chiều, hay một cách sung sướng. Bây giờ, đôi mắt của bà vẫn to như thế, vẫn đen như thế, vẫn dịu dàng như thế, nhưng thằng On biết chắc nguồn yêu thương trong lòng của bà đã vơi đi so với ngày chỉ có hai mẹ con lủi thủi. Giữa mẹ và nó, bây giờ đã có một người đàn ông án ngữ. Người đàn ông ấy đang ngồi đây, vầng trán cao, đôi mắt sắc, nụ cười dễ dãi, tất cả không có vẻ gì đáng ghét. Nhưng nếu gã càng dễ thương, On càng thấy thù hận, gã càng chiếm đoạt được cảm tình của mẹ On, nó càng thấy mình mỗi lúc một thêm thừa thãi. Điều đó đã khiến cho nó vuột xa, ra khỏi nếp sống khuôn phép của gia đình.

Suốt ngày, On lang thang trong đầm Tròn với một thằng bạn có một hoàn cảnh cũng bi đát như hoàn cảnh của nó, thằng Tư, cái thằng đã xô anh Hiếu sang bên kia hàng ngũ, sau vụ nó lẹ tay chớp được khẩu súng của chuẩn úy Phú trên chuyến xe lam di chuyển từ phố chợ trở về đồn. Tư không hối hận một chút nào về việc nó đã làm. Tuổi trẻ nhiều khi độc ác và dễ quên lãng. Nó quên ngay những gì đã xẩy ra từ ngày hôm trước. Nó cũng quên ngay cả hình ảnh anh Hiếu vẫn thường kể chuyện cổ tích cho mọi người nghe vào những hôm quây quần quanh đống lửa nướng khoai, lùi mía hay quay những con chim sa lưới trong đầm Tròn. Ngay cả đến hoàn cảnh cực kỳ bi thảm của gia đình nó, Tư cũng không vướng bận để buồn rầu. Bốn năm trước, ba của nó sau một lần cãi vã sôi nổi vì chuyện tiền nong, cờ bạc đã tức mình bỏ nhà lên quận đăng vào lính. Quyết định sôi nổi này là dấu hiệu đầu tiên của định mệnh đã an bài. Cuộc đời lính chiến lôi cuốn người đàn ông đi khắp mọi nẻo đường bị tàn phá của chiến tranh. Những người ở nhà theo dấu của kẻ ra đi thật khó khăn và mệt mỏi. Tháng trước Hoành (tên bố của thằng Tư) có mặt ở Hậu Nghĩa. mẹ Tư tìm lên Hậu Nghĩa thì đơn vị đã đang đáng lớn ở Đồng Xoài. Trận Đồng Xoài chấm dứt, người đàn ông viết thư về báo tin bị thương nhẹ ở chân. Mẹ Tư tìm tới quân y viện thì hắn ta đã đi khỏi và được di chuyển về dự trận Sa Hùynh – Đức Phổ. Sau Đức Phổ, Hoành vào mật khu Hố Bò. Rời Hố Bò, ít lâu sau, lại có tin Hoành về Trảng Bàng, Bầu Trẻ rồi ngược lên cao nguyên đóng ở Bạch Mã, chuyển qua A Lưới, A Shau, Tà Bạt – những căn cứ thâm sơn miền sơn cước Trung phần. Duy chỉ có một điều lạ là kẻ đi vào khói lửa không bị thiêu đốt trong khói lửa, mà chính kẻ ở nhà lại gánh chịu thảm hoạ của chiến tranh. Lần này những người dân vô tội không chết vì mìn bẫy, vì hầm chông, vì lựu đạn gài nhưng chính những giây bom đã gây ra thảm kịch. Lẫn lộn trong bùn đen và đất bẩn, có những mảnh áo, có những manh quần, có từng bộ phận bầy nhầy của ai đó, phân biệt làm sao là du kích, là chính qui, là dân vô tội….Mà có ích gì đâu khi làm cái việc phân biệt đối với những kẻ đã vĩnh viễn trộn lẫn xương thịt của mình vào lòng đất.

Thằng Tư đã thoát khỏi số phận ấy, nhưng mọi người trong gia đình nó thì không. Như một cánh chim non bị lìa tổ, nó tham dự vào đời sống như một cái bóng mờ. Mọi người không còn đủ xúc động để thương xót cho hoàn cảnh một đứa mồ côi không nơi chốn nương tựa. Đồng quê yêu dấu đã chịu đựng quá nhiều thảm khốc. Nhiều người đã mất đến không còn gì để mất. Nhà cửa, ruộng vườn, đất đai và người thân ruột thịt. Dòng nước mắt đã cạn khô trong những tâm hồn cằn cỗi. Tình yêu thương không có chỗ để dừng chân và kịp nẩy nở. Ai biết được rằng trên những vẻ mặt bình thản kia, mọi cảm xúc đã nguội lạnh như hòn than nóng bỏng đã bị dìm sâu trong đáy nước. Cũng có ai biết được rằng những đứa trẻ sơ sinh gầy yếu kia vĩnh viễn không bao giờ còn nghe được, đầu óc sẽ không bao giờ còn nẩy nở bình thường được. Âm thanh dữ dội của những cuộc giao tranh, từ trên trời trút xuống, từ dưới đất bùng lên, chát chúa, rền rĩ, liên tục, đã giết chết những khả năng nghe và nghĩ của lũ sơ sinh, trót dại đầu thai vào vùng lửa đạn.

Tình cảnh quê nhà đã như thế thì có nghĩa lý gì khi đời sống có thêm một đứa trẻ mồ côi. Nó đã tới chầu ở một gánh hàng bán dăm củ khoai èo uột, nó đã xoè tay trước mặt một người lớn đang nhai từng hột ngô nguội lạnh. Và người ta đã xua nó đi như xua con Vàng, con Mực gầy yếu tong teo vẫn từng lang thang, đào bới trên những đống rác bu đen ruồi nhặng. Lòng nhân ái hầu như chỉ phát sinh sau khi đời sống đã dư thừa. Nào ai còn điều kiện dư thừa khi mà ruộng không cầy được , vườn không ai săn sóc được, chỉ lo phần dạ dày của mình không thôi đã thấy vất vả, thiếu thốn rồi. Cho nên trong chiến tranh tàn phá, việc gì cũng có thể xẩy ra, ngay cả sự mất đi lòng nhân ái vốn là bản chất của những người nông dân chất phác.

Tuy vậy, thằng Tư chẳng vì thế mà nó chịu nằm khoèo để cơn đói hành hạ. Nó xông xáo ở khắp mọi nơi, mọi chốn. Nó ra vào vùng cấm địa như một nhân vật siêu hàng ngũ, siêu chiến tuyến. Phe Quốc Gia bên này, phe Mặt Trận bên kia, biết nó và đã coi nó như một kẻ ngoại cuộc. Một đôi khi buồn tình, muốn giảI trí, một anh lính Quốc Gia chộp lấy cổ nó hù chơi:

– Cấp này mày làm chi, tao thấy hết rồi.

Tư vênh mặt:

– Tôi làm chi?

– Liên lạc! Mày đem tin tức bên này báo cho tụi bên đó phải hôn?

– Tin tức nào, ở đâu? Tôi nói ai tin.

– Sao không tin mầy?

– Bố tôi đi lính Quốc Gia mà.

– Hà..hà…, vậy tao mới nghi chớ. Bố mày đi lính Quốc Gia mà tụi nó không cắt cổ mày, vậy là mày về phe tụi nó rối.

– Về phe tụi nó sao tôi không đi luôn. Họ cho đi học tôi không đi. Họ biểu vô đoàn thể, tôi không vào, vậy là về phe đó hả?

Anh lính trở nên tò mò:

– À!…Vậy là họ có dụ mày đó há?

– Thằng Sanh chứ ai. Nó biểu tôi đi hoài, nhưng tôi không ưng. Tôi chờ bố tôi về. Thế nào bố tôi cũng về phải không?

– Ờ…ờ..nếu ổng không chết.

– Sao ổng đi lâu quá vậy.

– Ai mà biết.

– Đi lính có được về phép không?

– Về nguy hiểm. Mày không thấy khu này thiếu an ninh sao. Nội cái cứ đi ngờ ngờ từ trên kia xuống đây cũng đủ mệt rồi huống chi còn bao nhiêu là đường đất khác.

– Không về thì cũng có thư chớ?

– Thư nào? Gửi về đâu? Bộ mày tưởng về tới quận rồi ông quận đem về tận xóm làng cho mày chắc. Lên quận kiếm may ra, mà điều không chắc đâu, họ dục cha nó vô thùng rác, sướng thân hơn.

– Vậy tôi chờ.

– Ờ…ai cấm. Mà điều mong ổng đừng có làm sao.

Mặt thằng Tư rạng lên đầy tin tưởng:

– Tin đi. Ổng không làm sao hết đó. Ổng chì lắm mà.

– Mày khi dễ mấy thằng bên đó quá. Tụi nó không vừa đâu.

Tư mỉm cười:

– Ai chớ, bọn thằng Sanh, thằng Ngọ, thằng Thạch, tôi gặp hoài trong đầm Tròn. Tôi biết quá mà.

– Mày biết làm sao?

– Tụi nó nhát lắm. Nghe tiếng máy bay là lẩn như chuột.

– Nói nghe ngon không. Bom đạn ai mà không nhát.

Gã đàn ông gật gù rồi nhún vai bỏ đi. Thằng Tư lại lầm lũi làm những công việc riêng của nó, bắt cua, mò ốc, lang thang trên phố chờ hay ra vô đầm Tròn như một nhân vật siêu quốc gia, siêu chủ nghĩa.

Nó và thằng On gần như chung nhau một hoàn cảnh, nên đã trở thành đôi bạn thân thiết. Chúng nó hay gặp nhau ở bãi cỏ đằng sau chùa đốt lửa nướng khoai vừa ăn vừa rỉ rả nói chuyện. Trong đầu óc nhỏ bé của chúng nó, đứa nào cũng ôm một giấc mơ. Thằng On thì mơ rằng bên Mặt Trận sẽ toàn thắng để bố nó hiên ngang trở về. Bố nó sẽ “sút” dượng Bằng một quả bay văng vô đầm Tròn để trả lại cho nó đời sống tươi mát ngày xưa.

– Thế còn cái Thảo, em bé của má mày thì làm sao?

Thằng Tư hỏi thế và câu hỏi này làm thằng On bối rối. Mường tượng đến khuôn mặt ngộ nghĩnh kháu khỉnh của đứa em gái cùng mẹ khác cha, On không thấy có ý nghĩ nào gọi là ghét bỏ. Con bé có tội tình gì đâu. Mắt nó to và thật sáng. Mái tóc mềm mại như nhung. Vành môi đỏ chót. Đôi má bầy bĩnh như hai trái đào. Nó xinh xắn hơn bất cứ đứa nhỏ nào mà On đã được gặp. Vì thế, On chỉ đáp lại một cách lúng túng:

– Nó vẫn ở lại với má tao, với tao.

– Thế còn ba mày? Ổng có chịu như vậy không chớ.

– Nhất định là không rồi.

On nói thế và nó buồn sịu mặt. Thế là ngay cả những điều mơ ước cũng không làm sao nó được sung sướng trọn vẹn cho dù sự mơ ước có trở thành sự thực. Điều đó làm On im lặng không nói nữa. Nó nhường cho thằng Tư trình bầy sự mơ ước của mình:

– Tao thì tao mong bố tao thắng trận trở về. Ngực ổng đầy huy chương. Ổng sẽ mua sẵn cho tao thật nhiều đồ. Ổng sẽ cho tao đi học như bọn con Thu, con Hương . Chừng đó thì trường học mở của lại chứ gì.

– Lẽ dĩ nhiên rồi. Nhưng nghe dượng Bằng nó thì không dễ dầu gì đâu. Sẽ còn đánh nhau hoài hoài.

Tư cãi lại:

– Đánh mấy thì cũng có lúc thôi chứ.

– Đúng rồi! Nhưng bao giờ? Một năm nữa hay mười năm nữa? Chờ đến lúc cả bố mày lẫn ba tao lẫn tất cả mọi người, chẳng ai còn nữa thì chiến tranh có chấm dứt cũng là vô ích. Ai còn mong.

Tư thở dài. Nguồn hy vọng của nó bị tắt ngấm ngay khi vừa chớm nở. Một lát, nó bàn:

– Tao nghe nói ở trên tỉnh không có chiến tranh. Hay là mình trốn lên đấy cho rồi.

On quả quyết:

– Tao không đi đâu cả. Tao phải chờ ba tao trở về. Lúc ổng đi, ổng từ giã ở chỗ này, thì khi trở lại, ổng cũng sẽ có mặt tại đây.

– Mày chắc như thế à?

– Tao chắc như vậy. Hồi chưa có dượng Bằng, ngày nào má tao cũng nói với tao điều đó. Bao nhiêu là chuyện cũ đối với tao, chỉ toàn là do má tao kể lại. Vì thế tuy chưa gặp mặt ba tao, nhưng tao biết khá nhiều về chuyện ba tao. Ổng giỏi, ổng tôt, bao giờ má tao cũng lấy ra làm gương cho tao. “Ngày xưa ba thế này, ngày xưa ba thế khác, mày phải làm giống thế này, làm thế khác mới bằng ba”.

Tư tò mò:

– Thế còn bây giờ?

On cười chua chát:

– Bây giờ thì khác. Bả tránh không nhắc gì tới ba tao. Có hôm nổi sùng, tao nhắc bả, bả chỉ ôm lấy con Thảo mà khóc. Tao rất sợ khi thấy bả khóc. Đó là một thói quen từ xưa. Bây giờ nó trở thành một khí giới của bả để bắt tao quên ba tao đi. Tao vừa thương bả, tao vừa ghét bả. Kỳ cục thiệt.

Tư nhún vai:

– Có nhiều chuyện kỳ cục xẩy ra ở trong ấp mình. Như tao với mày, đáng lẽ phải ghét nhau. Vậy mà mình lại thân nhau.

– Tại sao mình lại phải ghét nhau?

Bởi vì bố tao theo bên này mà ba mày lại theo bên đó. Ông này được trở về thì ông kia lại phải ra đi. Ông này là kẻ thắng thì ông kia là kẻ bại. Khi đó hai chúng mình sẽ có một đứa sướng, một đứa khổ, phải không.

– Ờ! Tao cũng nghĩ đến điều đó. Nhưng tao không mong là có ai thắng hay có ai thua cả. Ba của tao với bố của mày có điều gì mà phải ghét nhau cay độc đâu.

– Ông Bẩy cũng nói như vậy.

– Ổng nói sao?

– Nói là chẳng lý tưởng, chủ nghĩa gì ráo. Ổng sống ở đây bao nhiêu năm rồi có điều gì để đến nỗi phải giết nhau tận tình đâu. Tất cả chỉ là những sự bày đặt để lôi cuốn đồng quê vào vòng khói lửa.

– Mày có tin là ổng nói đúng không?

– Tao tin là như vậy. Tao thích nói như vậy.

– Nếu thế thì mình nên “chơi” với ổng. Tao sẽ giúp ổng bắt ếch trong đồng ra bán ở quán mụ Năm.

Tư mỉm cười:

– Ổng nghiện rượu như một cái hũ chìm. Bữa nào mời ổng ghé chỗ bụi đước trong đầm Tròn làm một bữa nhậu chơi.

On vỗ tay:

– Phải đấy. Rồi bắt ổng kể chuyện ngày xưa xem thế nào. Ổng già rồi. Ổng biết hết mọi người, biết hết mọi chuyện. Tao hỏi luôn cả chuyện ba tao nữa.

Tư vui vẻ:

– Còn tao, tao sẽ hỏi có khi nào tất cả mọi gia đình đều được sum họp mà không có ai thắng, cũng chẳng có ai thua cả hay không.

—>4

This entry was posted in 3.Truyện dài - Tiểu thuyết, Nhật Tiến, Nhật Tiến. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời