QUÊ NHÀ YÊU DẤU (Nhật Tiến)

CHƯƠNG BẨY

Tấm mộ chí ấy, Hoành đã khắc sâu vào tâm khảm. Gã không quên, không bao giờ quên được. Duy chỉ có hình hài của con trai gã nằm ở dưới ấy là mờ nhạt. Gã không rõ thằng Tư bây giờ so với thằng Tư ngày trước đã khác nhau bao xa. Sáu, bẩy năm trời trôi qua rồi, những hình ảnh cũ chắc chắn chỉ còn là những kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm cũng chẳng lấy gì làm rõ rệt lắm, bởi vì trong ngần ấy năm đạp chân lên gần mọi nẻo đường của đất nước, đầu óc của gã đã nhồi nhét biết bao nhiêu hình ảnh tàn phá của chiến tranh, bao nhiêu hoàn cảnh thảm khốc, nhọc nhằn, bao nhiêu tâm trạng đắng cay, thống khổ.

Gã thở dài nhìn lại chỗ thằng Tư nằm một lần cuối cùng. Tâm hồn của gã rã rời. Đầu óc của gã trống rỗng. Gã có cảm tưởng như mình vừa thua một canh bạc lớn. Canh bạc mà ở đó gã đã nướng hết cả cuộc đời, cả thể xác và cả những người thân yêu ruột thịt. Gã không còn lại gì. Thực sự không còn lại gì, ngay cả những hình ảnh rõ ràng của những người đã khuất. Khuôn mặt của gã đầm đìa nước mắt. Gã quờ tay ra với lấy cái nạng gỗ, chống lên rồi thất thểu trở về xóm.

Tiếng súng ở mặt trận bên kia quốc lộ nghe thật gần. Hung thần tàn phá đã trở gót quay lại vùng đất thảm thương cùng cực này. Bầu không khí trong làng trở nên cực kỳ căng thẳng. Không còn ai lo toan buôn bán gì nữa, dù chỉ là một mớ rau èo uột. Lệnh di tản đã được trực thăng loan báo suốt ngày. Truyền đơn bay như bươm bướm, nằm rải rác trên khắp mọi nơi trong xóm làng. Những gia đình lì lợm nhất cũng buộc phải thu vén để lên đường. Trên quốc lộ, những đoàn xe bọc sắt nối đuôi nhau di chuyển, tạo nên những chấn động làm rung chuyển cả mặt đất. Hai bên lề đường, từng toán dân chúng bồng bế nhau lũ lượt đổ về chợ quận. Tiếng bò kêu, tiếng heo rống, tiếng trẻ khóc hoà lẫn nhau thành những âm thanh hỗn độn. Duy chỉ có người lớn là lầm lì. Nét lầm lì in hằn trên từng khuôn mặt lạnh lùng chai đá.

Gió đồng thổi lồng lộng. Những mái tóc bạc phơ xoã sợi trên vầng trán nhăn nhúm. Bụi đường tung lên từng đợt mù mịt. Bụi phủ dầy trên những đoàn xe đầy nhóc lính tráng. Bụi bám lấy ngập ngụa những gót chân son nhỏ của đoàn trẻ thơ ngơ ngác, sợ sệt. Bụi thổi vào từng cặp mắt đỏ hoe, khô cạn nước mắt. Còn khóc được gì khi mà cảnh này đã triền miên tiếp diễn từ hơn hai mươi năm.

Hoành chống nạng đứng ở trong một chòi lá ven đường từ sáng sớm đến trưa. Gã thản nhiên ngắm nhìn sinh hoạt trước mặt. Gã đếm từng con bò được đưa ra khỏi vòng lửa đạn. Gã nhẩm từng đoàn xe nhộn nhịp di chuyển ngược chiều. Gã đã thấy những vành khăn tang nhan nhản trong đám người qua lại. Nhiều kẻ không vẹn toàn. Như gã. Có người đã chống gậy đi thoăn thoắt. Có người khập khiễng với đôi nạng xử dụng khó khăn trên bờ vai. Cũng có người bó bột trắng xoá ở ngực, ở chân hay ở cánh tay. Có người đã già lão. Cũng có đứa còn phải bồng trên tay. Thế giới của những kẻ mất mát, tàn tật, thua thiệt, nhưng chắc chắn họ chỉ là những người dân vô tội.

Hoành không nhập cuộc theo đám dân di tản nheo nhóc đó. Gã còn mong gặp được lão Bẩy để gửi nhau một tiếng chào lần cuối. Nhưng lão Bẩy không có mặt trong đám người kể từ sáng sớm. Hoành sốt ruột lần mò trở lại trong ấp. Gã gặp thằng On bế đứa em lếch thếch đi ra, bên cạnh là chị Huấn gồng vai lên gánh hai sọt đồ lủng củng. Hoành hỏi thăm thì nó đáp:

– Cháu gặp ổng từ sáng hôm qua trong gò Ông Cả. Ổng mang theo cơm nắm với muối mè.

– Làm chi trong đó vậy?

– Ai mà biết. Ổng làm gì chẳng bao giờ hỏi mà ổng laị hé răng.

– Mày chưa gặp ổng trở ra chớ.

– Chưa mà. Nếu có cháu đã biết.

Hoành gật đầu rồi hăm hở trở lại. Gã ra đầu bãi cỏ sân chùa, trải xuống đấy một cái chiếu nằm đợi. Tầm mắt của gã phóng qua rặng cây thưa thớt để nhìn về phía cánh đồng phẳng lặng. Cánh đồng bây giờ không còn có lấy một bóng trâu, một dáng người, một gợn lúa. Cánh đồng vô dụng. Cánh đồng đã chết.

Hoành buồn bã châm một điếu thuốc còn sót lại cuối cùng. Khói thuốc xanh lơ như ngọn khói bốc cao trên mái lá ở quê nhà vào những buổi chiều đầy mây xám ngày xưa. Hoành ôn lại mớ tin tức mới biết, để kiểm điểm những kẻ còn lại và những người đã vĩnh viễn ra đi. Sự mất mát chiếm một con số khá nhiều. Gã tự hỏi tại sao lại không có thêm gã, để gã khỏi phải chịu đựng chuỗi ngày còn lại với tất cả mọi nỗi niềm cô đơn, đầy tủi nhục.

Gã trằn trọc với những ý nghĩ chua xót gậm nhấm tâm hồn, mải tới lúc nắng ngả về chiều thì mới thấy lão Bẩy từ trong đồng hấp tấp trở lại. Hoành kêu lão rối rít. Lão lắng nghe rồi đổi hướng đi về phía Hoành. Trên vai lão khuân một mớ đồ lủng củng. Lúc tới gần, Hoành thấy mặt mũi lão phờ phạc, râu tóc dựng ngược lên tua tủa, làn da đen bóng như men sành, mồ hôi chảy nhễ nhại ướt đẫm cả lần áo rách mướp và bẩn thỉu như một mớ giẻ lau. Lão đặt phịch mớ đồ xuống đất và ngồi xệp xuống mặt cỏ. Bàn tay xương xẩu của lão lần vào lưng quần. Lão moi ra một xị rượu rồi ngửa cổ tu ừng ực. Râu của lão như dựng thêm lên nữa. Hơi rượu như toát ra ở từng cọng râu bạc trắng. Hoành cất tiếng hỏi:

– Ông vô Gò làm chi vậy?

Lão chỉ xuống đống đồ rồi mỉm cười khà khà:

– Hứa với cái Hương là đóng cho nó một đôi nạng gỗ. Nội quanh đây chỉ có gò Ông Cả là có cây tốt mà thôi.

Nói rồi lão giỡ ở đám cưa và đục ra một đôi nạng còn nguyên mùi gỗ mới. Lão gật gù ra chiều đắc ý:

– Nó còn ướt nên hơi nặng. Ít tháng nữa, ngót đi nó sẽ nhẹ bằng bông.

Hoành đón lấy ngắm nghía rồi chép miệng:

– Đã dùng đến nạng rồi mà ông còn bày đặt chạm với trổ. Vẽ hoa lên đây thật là mỉa mai lắm đó ông à.

Lão Bẩy cãi lại:

– Cậu là người lớn kể gì. Còn cái Hương là con nít. Dẫu có thế nào thì nó cũng thích bày vẽ cho vui mắt.

– Vậy ông tìm nó mà trao ngay đi. Hai ngày hôm nay người ta di tản đông nườm nượp. Máy bay cho lệnh gắt gao rồi đó.

Lão Bẩy hốt hoảng đứng lên:

– Đến vậy rồi sao. Tưởng cũng lích kích qua loa như mọi lần rồi đâu lại vô đó chớ.

Hoành lắc đầu:

– Không đâu. Mặt trận gần đây lắm rồi. Hồi sáng, ở đây nghe thấy cả tiếng súng nhỏ. Cơ đồ này chỉ ào một cái là bên đây thành trận tuyến hết.

– Vậy gia đình cái Hương đã chạy chưa?

– Cái đó thì không rõ. Bởi suốt cả vùng này đều phải đi hết nên đông quá đi.

Lão Bẩy không đáp, vội vã cúi xuống xốc mớ đồ lên vai rồi bỏ đi. Hoành hỏi vói theo:

– Còn ông, ông có đi không, ông Bẩy?

Lão Bẩy quay lại, ngoác miệng cười:

– Đi đâu? Quê của tui ở đây mà. Nếu có chết thì tui cũng chết ở quê nhà chớ. Vả lại chết sao đặng. Đỉa cũng chẳng dai bằng cái mạng của tui mà.

Nói rồi lão lại cười hăng hắc và vội vã bước đi. Lão nhào đến căn nhà lá ba gian của gia đình cái Hương. Tất cả đều cửa đóng then cài. Sân đất trống trải. Vườn cây im vắng. Ở một góc sân, chỉ còn đống rác âm ỉ cháy đưa từng gợn khói lên trông thật u buồn. Tự nhiên lão Bẩy chợt nghe lòng mình bừng lên một cơn xúc động sâu xa. Trải hơn hai ngày cặm cụi trong gò Ông Cả, lão chỉ ước mơ có một giây phút là lúc ướm thử đôi nạng mới vào đôi vai gầy yếu của con bé tội nghiệp. Lão tưởng tượng đến đôi mắt long lanh như hai vì sao sáng của nó. Rồi nó sẽ nhoẻn miệng cười, gò má ửng hồng, vành môi tươi tắn! Rồi lão sẽ say sưa ngắm từng dấu chân nhỏ bé của nó nhón gót lê từng bước ngắn ở trên mặt đường. Nó có đau ở vai không? Nó có khó chịu ở nách không? Chỗ nào làm nó nhức nhối. Chỗ nào làm nó sây sát, lão sẽ sửa chữa tỉ mỉ và tô chuốt tận tình để nó có một đôi nạng hoàn toàn. Một đôi nạng giúp nó dễ dàng một phần nào trong tật nguyền đớn đau của nó.

Bây giờ Hương đã đi rồi. Trên mặt sân đất còn in rõ từng lốt chân bé nhỏ và dấu nạng nặng nề. Lốt chân đi từ mặt hè xuống sân đất. Từ sân đất ra mé vườn. Từ mé vườn ra bể nước. Từ bể nước ra chuồng heo. Rồi từ chuồng heo mới ra cửa ngõ. Chắc trước khi đi, con bé đã lưu luyến sâu xa căn nhà yêu dấu của nó. Căn nhà đáng lẽ phải là nơi yên nghỉ êm đềm cho cẳng chân tàn tật. Hương ơi. Cháu ơi. Lão gọi tên người bạn bé nhỏ trong ý nghĩ và cơn xúc động làm cánh mũi của lão phập phồng. Lão cúi xuống nhìn lại công trình của mình trong suốt hai ngày cặm cụi. Đôi nạng xinh xắn với những nét chạm trổ tinh vi.

Lão tần ngần mân mê từng chiếc trong mấy ngón tay xương xẩu, rồi lại đưa mắt buồn bã nhìn lại khung cảnh buồn bã ở chung quanh. Mãi một lát sau, lão mới uể oải trở gót bước về. Đường trong lối ngõ im vắng đến độ lạnh lùng. Hoành đã nói đúng. Nơi đây sẽ là vùng đất chết. Hung thần tàn phá thực sự lưu luyến mảnh đất nhỏ bé cơ cực này. Nhưng lão sẽ chẳng bao giờ đầu hàng bất cứ hoàn cảnh nào. Lão sẽ ở lại. Sẽ chứng kiến cơn tàn phá ở đây từ phút đầu cho đến phút cuối. Từ lúc những mái nhà tranh còn chen lấn dưới các lùm cây đến lúc tất cả được san bằng thành bình địa. Nếu có phải chết, lão sẽ chết trong khung cảnh thân yêu mà lão quá quen thuộc từ hơn sáu mươi năm, ngày mà lão đã sinh ra, lớn lên và bám riết lấy qua biết bao biến cố. Đấy là quyết định cuối cùng của đời lão. Quyết định mà lão sẽ thực hiện, cho dù bom rơi, súng nổ, đạn bay, nhà cháy, và khói lửa xông lên mịt mù.

Lão quay trở lại bãi cỏ ở sân chùa. Hoành vẫn còn nằm khểnh ở đó. Lão ngạc nhiên hỏi:

– Bộ anh chưa đi hả?

Hoành nhún vai:

– Tôi nghĩ kỹ rồi. Tôi ở lại.

Lão Bẩy la lên:

– Trời ơi. Có bộ là khùng. Chân cẳng thế này, lúc đụng độ thì anh chạy làm sao.

Hoành cúi xuống, nắn nắn hai bắp chân của mình rồi mỉm cười:

– Coi bộ cũng không đến nỗi nào. Vả lại tôi đi nhiều, sáu bẩy năm liền còn gì. Bây giờ thì đã thấy mệt mỏi rồi. Chỗ trú thân cuối cùng của tôi là ở chốn này.

– Không được đâu. Anh còn trẻ. Đời anh còn dài, lo gì không xây dựng được trở lại. Chỉ có tôi là chẳng nên chạy đi đâu.

Hoành nhìn lão bằng cặp mắt chế riễu:

– Tại sao vậy cà?

Lão đáp lại, ánh mắt đục lờ như nhìn qua một màng ướt:

– Có làm sao đâu. Mình tới cõi rồi. Ở đây còn được nằm với ông bà…

Lão ngừng lại, bàn tay thò vào bọc tìm gói thuốc vấn. Gói thuốc cạn khô, chỉ còn những mảnh thật vụn. Hoành cũng chợt nhớ ra mình cũng đã hết thuốc hút, gã tiếc ngẩn ngơ:

– Có vậy mà không nghĩ ra. Giá mua trữ lấy vài lạng thuốc vấn.

Lão Bẩy đứng dậy, một tay quơ lấy đôi nạng gỗ, một tay nâng Hoành lên:

– Đi ra hàng mụ Phước. Con mụ lì. Không chắc nó đã đi.

Hoành theo lão tiến về phía quán chợ. Bốn bề im vắng hoàn toàn. Mặt đất khô nẻ. Những cọng rác đã ngã mầu xám xịt. Những chiếc lá vàng úa cong queo rải rác trên khắp lối đi. Bắt đầu từ mấy ngày hôm nay, các hàng quán lèo tèo cũng đã phải đóng cửa, dẹp tiệm. Mọi người bồng bế nhau đi hết. Duy chỉ có mụ Phước là quả nhiên lì. Mụ đang giằng co với anh Bằng và một tốp lính trong đồn có nhiệm vụ hối thúc đồng bào di tản. Ngay từ ở đằng xa, Hoành và lão Bẩy đã nghe thấy tiếng la lối của mụ:

– Ờ, phải đó. Thằng Hiếu là gì đi nữa thì nó cũng là con tôi. Tôi không đi đâu hết. Tôi chờ nó. Nó còn có mỗi một mình tôi.

Nói rồi mụ bù lu bù loa lên khóc. Trong thâm tâm, mụ vẫn không quên được những bữa cơm ngọt bùi mà mụ đem treo trên cành lá cho ban đêm thằng Hiếu mò ra lấy xuống. Bây giờ, nó đi xa, nó biệt tích, nó không có thư từ, nhắn nhủ gì cho gia đình, nhưng nó vẫn còn sống. Biết đâu ngày mai, ngày mốt nó lại chẳng viết thư về:”Má ơi, má tha lỗi cho con. Bây giờ con đói, má lại đem cơm vô đầm Tròn cho con…” – Ôi, chỉ nghĩ đến như vậy là mụ cũng đủ đứt ra từng khúc ruột, và bằng mọi giá, mụ phải ở lại để chờ tin tức của nó, mụ sẽ lại đem cơm cho nó vào đầm Tròn, vuốt nắm giẻ tẩm dầu ôi lên tấm lạt buộc để treo gói cơm, ngăn ngừa lũ kiến đỏ. Mụ không đi. Không thể đi được.

Tiếng gào của mụ làm cho Bằng bối rối. Gã chưa biết xử trí ra sao với con mụ lì lợm này thì một tiếng nổ long trời lở đất bùng lên ở ngay đầu quốc lộ. Một người nghĩa quân la lên:

– Pháo kích!…

Tiếng la của anh ta bị át đi ngay bởi một tràng súng nổ. Rồi một tràng nữa tiếp theo. Rồi liên chi hồ điêp. Thế là chiến cuộc thực sự mở màn. Những ngày lo lắng, xôn xao, nghiêm trọng đè nặng lên tâm hồn của biết bao nhiêu con người sống trong thấp thỏm, đợi chờ bây giờ đã thực sự nổ bùng. Trong tiếng đạn bay, tiếng súng nổ, mọi người nghe thấy giọng thất thanh của Bằng la lên:

– Tất cả rút về phía sân chùa. Chú Sáu, chú Hồ bắt liên lạc với đồn Thạnh Phú. Chú Hữu hướng dẫn nốt những người còn lại ra tới vòng đai an toàn. Chốc nữa tìm tôi ở ngoài lô-cốt số 7.

Nói rồi Bằng lủi đi thật nhanh. Đám cãi cọ giải tán ngay tức khắc. Một người lên đạn trên nòng súng xoành xoạch và hắn ta dùng cả cái bá súng đẩy vào người lão Bẩy thật mạnh:

– Đi!…Đi theo tôi. Líu ríu ở đây là chết cả đám.

Mụ Phước lợi dụng giây phút lộn xộn ấy, chui tọt ngay vô nhà, đóng kín cửa lại. Trong nhà mụ có hầm sâu, dưới hầm sâu có đủ tiện nghi để sinh sống nhiều ngày. Mụ đã sửa soạn ngay từ khi mọi người rục rịch phải chạy.

Tốp người rút ra không còn ai quan tâm đến mụ nữa. Ý chí quyết liệt của mụ làm cho mọi người không còn băn khoăn hay thắc mắc. Mụ còn sống hay sẽ chết, điều đó không quan hệ bằng sự kiện mụ được thoả mãn tình mẫu tử bao la và bền vững của mụ. Hãy để cho mụ gìn giữ lấy niềm tin là sẽ được gặp lại đứa con trai. Nếu có phải chết, thì khi nhắm mắt mụ cũng còn đem đi được đôi chút kiêu hãnh ở trong lòng.

Anh nghĩa quân Hữu xốc được Hoành lên tới dốc cầu một cách khó khăn và cực nhọc. Hắn trao nhiệm vụ lại cho một tốp khác. Tốp này lại dẫn Hoành và mấy người dân lạc lõng nữa băng qua mấy con đường tắt để lên tới quốc lộ. Mặt đường tráng nhựa vắng ngắt bóng người. Lâu lâu chỉ thấy có từng chuyến xe tản thương phóng như bay ngược về quận lỵ.

Hoành quá giang được trên một trong những chuyến xe đó. Lòng gã lạnh băng. Gã buồn rầu nhìn con đường bị nuốt đi vùn vụt, bỏ rơi lại phía sau những khung cảnh quen thuộc và những bộ mặt quen thuộc. Nhất là bộ mặt cằn cỗi của lão Bẩy Thà trước đó ít phút. Trong cơn bối rối, Hoành không biết là đã lạc mất lão kể từ lúc nào. Hình như có một lúc lão bị vấp té. Hình như lại có một lúc lão đứng lại, ngó về phía đầm Tròn với ánh mắt buồn thảm. Nhưng có một điều mà Hoành tin tưởng chắc chắn là lão có dụng tâm xé lẻ đám đông để được trở lại đồng quê yêu dấu. Đã nhiều lần, lão thường nói rằng không bao giờ lão có thể bỏ được nơi chốn mà ở đó lão sinh ra, lớn lên, và đã chứng kiến biết bao thảm kịch. Hình ảnh cuối cùng mà Hoành ghi nhớ được ở nơi lão là một thân hình gầy gò nước da đen cháy, quần áo như xơ mướp, tóc râu lúc nào cũng dựng ngược đưa lên từng cọng tua tủa, và trên tay lão vẫn còn cầm khư khư đôi nạng gỗ. Hoành tiếc là mình đã không cầm theo đôi nạng để ước muốn cuối cùng của lão được thực hiện. Trong ít phút nữa đây, Hoành sẽ gặp lại khá đông đủ người quen ở những lều tị nạn. Nhưng nỗi vui mừng ấy thật nhỏ nhoi so với cơn xúc động khi phải từ giã hai bộ mặt mà Hoành đều tiếc xót sâu xa: Lão Bẩy Thà với lòng yêu mến quê hương đến tột cùng, và mụ Phước với tình mẫu tử bền vững, dai dẳng của mụ.

Xóm làng bây giờ đã biền biệt sau những lùm cây xanh ngắt. Nhưng trên tầng cao, từng cột khói đen vẫn từ đó bốc lên nghi ngút. Tiếng máy bay rền rĩ làm rung chuyển bầu trời, tiếng súng lớn nhỏ vẫn thi nhau vọng lại, và bên tai Hoành có cả những tiếng rên rỉ, kêu la của một anh binh sĩ đang nằm trên chiếc băng-ca. Mình mẩy anh ta đầm đìa những máu và tình trạng của anh ta đang bắt đầu hôn mê. Có lúc anh ta kêu mẹ và chị. Có lúc anh ta quát tháo một người nào đó ở trong cơn mơ. Cũng có lúc anh ta choàng tỉnh dậy kêu gào một chai nước, bất cứ là thứ nước gì.

Còn người tài xế ngồi bên cạnh Hoành thì lạnh băng như một khúc gỗ vô tri. Hoành liếc mắt sang và thấy gã trẻ, rất trẻ. Nhưng tuổi trẻ của gã lại không còn biết xúc động là gì. Gã thản nhiên cầm tay lái, thản nhiên sang số, nhấn ga, đạp thắng, lách qua những chướng ngại vật, những ổ gà. Gã không bao giờ quay lại nhìn ai. Cũng không một nét nào chua xót thoáng qua vẻ mặt khi anh lính bị thương cất tiếng kêu gào. Riêng chỉ có đôi mắt của gã là biểu lộ được tâm trạng lo toan nhiệm vụ với tất cả khả năng mà gã có thể làm được. Đôi mắt thật sáng, cái ánh sáng bất động, chuyên chú và chỉ dính sát lấy con đường ngoằn ngoèo trước mặt. Gã đem tốc độ của cái xe lên đến một con số kinh hoàng. Chiếc xe lao vút đi. Những cột khói đen mất dần, nhưng vầng mây ở chốn cũ vẫn đỏ rực. Mầu đỏ cứ mỗi lúc một thêm đậm mầu và in trên nền trời một vùng sáng lung linh, chập chờn. Cái hình ảnh đó mỗi lúc một thêm rõ theo thời gian tàn úa của một ngày dài dằng dặc.

Đến khi màn đêm xuống hẳn thì bầu trời lại bắt đầu xuất hiện chùm hoả châu cháy sáng rực. Những chùm hoả châu chẳng mang vẻ nên thơ như những đốm mắt đêm dài hay đại hội hoa đăng ngày cưới mà chỉ làm tăng thêm vẻ nặng nề, nghiêm trọng của trận đánh đang ở vào thời kỳ gay go quyết liệt.

Hoành tiến vào chợ quận trong một bầu không khí đầy vẻ nhộn nhịp. Gần như tất cả mọi người đều đổ ra đường cái. Dưới cặp mắt tò mò của dân chúng địa phương, đoàn người tị nạn vẫn lũ lượt gồng gánh, bế bồng nhau đổ về khu tạm lánh cư. Nhiều gia đình xé lẻ đóng đô ngay ở bên vệ đường. Những mái lều dựng vội giăng mắc ở trên các gốc cây. Chiếu trải la liệt ngay trên nệm cỏ, những đứa bé khóc ngằn ngặt trong những cái đùm vải được trương lên làm thành từng cái võng đu đưa.

Người tài xế thả Hoành xuống ở một đầu đường. Chiếc xe ngừng lại trong một phút rồi lao đi. Hoành như còn nghe rõ mồn một tiếng rên rỉ của người lính bị thương đòi xin một ngụm nước, đòi gặp mẹ và chị, hay quát tháo ai đó trong cơn mơ. Tâm trạng của Hoành lúc đó cũng hoang mang như người đang sống trong cơn mơ. Gã có cảm giác như mình không liên hệ gì đến đám đông ồn ào trước mặt. Gã nhìn thấy rõ khoảng thời gian trống trải sắp tới. Gã không thấy cần thiết phải làm gì cho cuộc sống cô độc của mình. Gã không có gì phải lo toan. Không có ai để mà săn sóc. Không có cả ước mơ để mà nuôi nấng hy vọng thực hiện. Những ý nghĩ ấy làm gã mệt mỏi vô cùng. Gã ngồi phệt xuống một nệm cỏ. Một vài người hối hả đi qua suýt nữa thì bước lên cả đầu của gã. Một người bồng trên vai đứa con nhỏ đang ngủ vùi. Một người cõng cha già xốc xếch ngồi trên lưng. Một người khác ì ạch khiêng đi cả một cái tay nải đựng đủ thứ đồ lề lủng củng. Họ vất vả. Họ cực nhọc. Họ khốn khổ. Nhưng ít ra họ cũng còn những liên hệ thân yêu để mà có thể xả thân cho những liên hệ đó. Riêng Hoành thì chẳng có một bổn phận nào để ràng buộc. Gã bắt đầu hối tiếc là không cương quyết lựa chọn con đường mà lão Bẩy đã đi theo. Bây giờ hẳn lão đang ẩn náu ở một chỗ nào đó nơi quê nhà yêu dấu. Lão sẽ được chứng kiến từng phút những diễn biến xẩy ra trên phần đất thân yêu. Lão được ôm cả quê hương trong vòng tay của mình cho đến lúc chết. Đó là ước mơ của lão từ bao nhiêu năm nay. Và quả nhiên lão đã thực hiện được.

Điều đó thật là hiếm hoi, bởi vì trong cuộc chiến tranh thảm khốc, kéo dài triền miên này, mấy ai có thể thực hiện được mơ ước của mình. Ngay cả đến những mơ ước nhỏ bé nhất, tầm thường nhất của những đứa nhỏ không may phải sinh ra ở phần đất hẩm hiu này cũng mãi mãi chỉ là những ước mơ rực rỡ trong trí tưởng tượng phong phú của tuổi trẻ hồn nhiên. Như một ngày đầu tháng trước, má của Thu nhận được giấy của chị Thanh ở trên Tỉnh gởi về. Chị Thanh là chị ruột của Thu, chị lấy chồng hồi bốn năm trước và theo chồng lên Tỉnh làm ăn. Đã lâu lắm, chị ấy chưa trở về. Năm nay chồng chị nhập ngũ và anh ấy phải hành quân ở xa, nên chị thu xếp về quê thăm nhà một kỳ. Trong thư chị Thanh hẹn sẽ mang cho Thu thật nhiều quà, bánh, kẹo, đồ chơi và đặc biệt nhất là một con búp bê thật đẹp nhắm mắt, mở mắt được. Thu đem cái tin trọng đại đó ra báo cho Hương biết. Cả hai đứa mừng rú và hết lòng mong mỏi thời gian trôi qua thật nhanh để được làm bạn với nhân vật mới. Con búp-bê tuy cả hai cùng chưa nhìn thấy mà cũng đã tranh nhau hoạch định một chương trình tiếp đón trọng thể. Đầu tiên là Thu dự tính đặt cho búp bê một cái tên thật đẹp. Riêng về điểm này hai đứa đã cãi nhau ỏm tỏi rồi. Mải về sau, Thu mới chợt nhớ đến câu chuyện cổ tích mà cô giáo kể hồi năm ngoái nên nó đề nghị chọn cho búp-bê cái tên “Hằng-Nga”. Hương đồng ý với bạn về hai tiếng xinh đẹp đó. Thế là Hằng-Nga sẽ được nằm trong một cái hộp bằng sắt, trước là thùng đạn đại liên mà ba Thu xin về làm thùng chứa kềm, búa, lưỡi bào và đinh ốc. Nay ba Thu đem tặng con gái để nó làm chiếc nôi xinh xắn cho nàng Công Chúa ngủ trong rừng. Ông còn cẩn thận sơn lại cho Thu cái vỏ ngoài. Như thế Hằng-Nga đã có một chiếc nôi màu xanh, có đệm màu đỏ và chiếc gối là cả một công trình thêu may của hai đứa. Cái gối to bằng hai bao thuốc lá ở trong lót bằng bông gòn. Áo gối là một chiếc khăn tay được cắt ra may lại. Chung quanh được viền bằng vải xanh lợt, ở chính giữa, Thu thêu một con chim . Miệng con chim ngậm một giải lụa . Trên giải lụa có hai chữ “Hằng-Nga”. Các mẫu thêu này hồi trước là của cô giáo đã dùng làm phần thưởng tặng Thu vào kỳ thi thêu ở trong lớp học.

Công cuộc sửa soạn tiếp đón người đẹp lích kích cũng mất đến hơn mười ngày. Nguồn hy vọng độc nhất của hai đứa trẻ bây giờ chỉ còn là mong sao cho chóng tới ngày chị Thanh trở về. Nhiều hôm rỗi rãi, Thu thủ thỉ với bạn:

– Hôm qua tao nằm mơ thấy Hằng-Nga. Hằng-Nga của chị Thanh cho thật là đẹp. Mái tóc mượt, gò mũi cao, cái miệng thật xinh có đánh môi son đỏ chót. Hằng-Nga bận một chiếc áo đầm có thắt nơ ở ngực. Cái nơ đã thêu chỉ hồng lại còn giát kim tuyến nữa.

– Hằng-Nga lớn cỡ chừng bao nhiêu?

– Nằm vừa cái gối mà chúng mình đã thêu. Ui cha! Lúc Hằng-Nga ngủ, mắt Hằng-Nga nhắm nghiền, hai bên lông mi dài bằng mấy mi mắt của Hương đó.

Hương mừng rỡ:

– Thiệt không, Thu?

– Thiệt chớ! Rồi coi. Chị Thanh đã viết rõ trong thư rồi mà. Chị ấy sẽ mua búp-bê thứ đẹp nhất, xinh nhất, mắc nhất.

Hương sung sướng chắp tay lên ngực, hai mắt của nó nhắm lại. Nó nói:

– Lạy trời cho chị Thanh chóng về.

Sự mơ ước của Hương đã không được thể hiện. Chị Thanh không về, không thể về, mà ngược lại, tất cả đã phải ra đi.

Khập khiễng trong đám người khốn khổ đó, Hương cố gắng lê bước một cách khó nhọc với cái nạng của mình. Lớp da tì mãi vào thành nạng mặc dù có vải độn cũng làm cho nó rát bỏng và dộp lên. Tuy vậy Hương vẫn cố gắng xách theo mình chiếc hộp sắt đựng đạn đại liên. Nói đúng hơn, đó là chiếc nôi của Công chúa Hằng-Nga. Vị Công chúa xui xẻo nhất trong các chuyện truyền kỳ đã không thể đến đúng hẹn với những người bạn bé nhỏ ở phương xa.

Bây giờ nơi hẹn đã chìm trong lửa đỏ và tất cả mọi người đã phải tập trung về chốn này.

Lúc Hoành đứng dậy thì tiếng xôn xao, ầm ĩ đã dần dần lắng dịu. Mọi người đã sắp sẵn cho mình một chỗ trú chân. Có người nằm dưới lều vải. Có người chui vào nóp cói. Cũng có người ngủ ngồi ngay dưới gốc cây hay tường gạch. Tiếng trẻ khóc cũng đã vơi dần. Bầu không khí êm lặng ấy như càng làm tăng thêm những chấn động ì ầm ở mặt trận phía xa. Lửa đỏ cháy mỗi lúc một thêm sáng rực. Những chùm hoả châu không ngớt bắn lên soi sáng bầu trời. Tiếng động cơ nặng nề của những chiếc máy bay không ngớt làm xao động lớp sương đêm mỏng mảnh, đem lại cho mọi người cảm giác gây gây lạnh qua cơn gió rì rào.

Hoành lầm lũi bước trong bóng tối. Con đường lổn nhổn đất và sỏi đưa gã tới một khoảng đất trống, ở đấy mọc lên những mái lều san sát như bát úp. Từng ánh lửa đỏ đòng đọc toả ra từ những bếp lửa, những ngọn đèn bão hay những ngọn nến leo lét của đồng bào tị nạn. Mọi người ở đây như còn luyến lưu với chốn quê hương mà họ vừa rứt ruột phải rời bỏ. Tất cả đều chen lấn rút lên một cái gò cao. Ở trên đó, cả trăm con người đều như biến thành hàng trăm cây cột gỗ vô tri trồng lủa tủa trên nền cỏ khô úa. Tất cả đều hướng về phía quê nhà đang cháy đỏ. Và tất cả đều im lặng đến độ như đều cùng nghe thấy được tiếng tre nứa nổ lép bép trong lửa đỏ, tiếng tường vôi nứt nở trong cơn nóng thiêu đốt, và cả tiếng chuyển mình đớn đau của mạch đất khô cằn.

Trong đám người tị nạn đó, Hoành tìm đến chống nạng đứng cạnh Hương và Thu.

Hương được bồng lên ngồi ở trên mũi một chiếc xe vận tải nhà binh. Thu đứng kế bên, trên một cái thùng gỗ. Những cặp mắt vẫn đăm đăm hướng về phía có quầng mây đỏ úa.

Hương nghĩ đến ông Bẩy Thà và đôi nạng gỗ của ông có khắc những cành hoa và cánh chim. Đôi nạng mà không bao giờ Hương được xử dụng, cũng như không bao Hương được ngỏ lời cám ơn về công trình quí giá ấy của ông. Nước mắt của Hương bỗng chẩy xuống ràn rụa. Nó quay lại ngó sang phía bác Hoành và chị Thu.

Cả hai người ấy cũng đang đầm đìa nước mắt.

Nhật Tiến
Sàigòn tháng 12-1969

(Lê Thy đánh máy lại từ bản PDF của vietmessenger.com)

This entry was posted in 3.Truyện dài - Tiểu thuyết, Nhật Tiến, Nhật Tiến. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời