Kim Vân Kiều tân truyện (Hoàng Thị Bích Ti)

3-

Buổi tối, khi cả gia đình Thúy Kiều vừa sửa soạn đi ngủ thì một đám công an ập vào nhà. Vương bà hồn vía lên mây, khiếp đảm nhìn bọn đầu trâu mặt ngựa đang ầm ầm quát tháo:

– Bây đâu, bắt lão già Vương cho ta.

Lập tức Vương ông liền bị hai tên mặc hai bộ đồng phục công an xanh lè với những cái phù hiệu vàng, đỏ hoa hòe hoa sói túm cổ áo lôi tới trước mặt cấp chỉ huy. Tên này kê cái mặt non chòe non choẹt tới sát Vương ông, răng nghiến trèo trẹo:

– Cái thằng phản động nhà anh, phen này ông cho mày đi tù không thấy ngày về nuôn nhé!

Vương bà khóc ngất:

– Oái, mấy ông ơi! Chồng tôi đã đi cải tạo rồi, đã có giấy khoan hồng rồi! Mấy ông có lầm không?

Tên chỉ huy quát lên:

– Nầm, nầm! Chúng ông mà nầm à. Cái bà già vô ní, vô nẽ lày, có im không?

Thúy Kiều từ tốn bước ra:

– Thưa đồng chí, có chuyện gì? Cha tôi đã phạm tội gì?

Tên chỉ huy quay lại trông thấy Thúy Kiều mày ngài, mắt phượng, nói năng từ tốn, yểu điệu đoan trang liền dịu giọng, hậm hực chỉ Vương lão gia:

– Tôi bắt ló vì tội phản động!

Thúy Kiều nhíu mày:

– Cha tôi làm gì mà phản động?

Cơn tức giận lại bừng lên khiến cho hắn gầm gừ như điên dại:

– Ló dám bêu rếu chế độ, ló mặc cái quần vô văn hóa ấy đi khắp thành phố Hồ Chí Minh từ sáng giờ. Ló mặc quần tượng trưng cho màu cờ của Mỹ ngụy. Mấy người ngoại kiều còn chụp hình nó. Thằng lày phản động. Ló nàm mất sĩ diện quốc gia!

Cả nhà Vương Thượng Sĩ sững sờ, Vương bà lớn tiếng kêu oan:

– Mấy ông chỉ cấp cho chúng tôi chừng đó vải thôi, may không đủ cái quần. Phải chấp tới ba xấp mới có một cái quần lành lặn để mặc kia mà.

Vương gia thấy vợ kêu khóc quá, xót xa lên tiếng:

– Thôi được rồi, từ rày về sau mấy chú muốn tôi khỏi mặc quần cũng chẳng sao! Tôi chịu ở truồng cho đảng và nhà nước nở mày nở mặt.

Câu nói của Vương gia khiến tên chỉ huy càng thêm tức giận, hắn chồm tới tát tới tấp vào mặt ông già. Vương Quan nhào lên, muốn xấn tới nhưng Thúy Kiều đã kịp thời nắm chặt tay em trong khi Thúy Vân và Vương bà ôm nhau khóc rấm rức. Quát tháo một hồi cũng mệt, tên chỉ huy vội vàng ra lệnh cho đồng bọn áp tải tội nhân đi. Vương lão bà đứng nhìn theo Vương ông bị lôi xềnh xệch ra khỏi nhà, nghĩ đến ba năm cải tạo mòn mỏi mà ông vừa trải qua, dằn lòng không được nỗi cảm thương, ôm mặt khóc tấm ức:

– Trời ơi! Cũng tại cái thằng bán vải mà ra nông nỗi này!

Thúy Kiều ôm mẹ, nước mắt sa như mưa:

– Mẹ đừng lo, xin mẹ hãy bình tâm! Con sẽ nghĩ cách cứu cha.

Chờ cho mẹ nguôi ngoai, đêm hôm ấy Thúy Kiều đội mưa ra đầu ngõ, tìm đến nhà Thúc Sinh Tỉnh Ủy. Đêm khuya thanh vắng mà người đẹp lại đến tận nhà gõ cửa khiến Thúc Sinh lòng mừng khấp khởi, dìu Thúy Kiều ngồi xuống trường kỷ, Thúc Sinh chẳng ngại ngùng đổi cách xưng hô, dồn dập hỏi:

– Kiều em, có chuyện gì thế hở em?

Kiều thổn thức:

– Xin anh hãy cứu cha em!

Thúc Sinh hấp tấp ngồi xuống bên nàng:

– Chuyện gì, chuyện gì ? Em cứ lói đi! Gớm, sao mà cứ khóc mãi.

Thúy Kiều sụt sùi kể đầu đuôi sự việc trong khi Thúc Sinh Tỉnh Ủy cứ vò đầu, bứt tai, miệng không ngừng than thở:

– Khó nắm! Khó nắm em ơi! Chưa chắc gì anh đã cứu được. Tội lặng nắm! Phản quốc đấy, gián điệp đấy!

Thúy Kiều càng nghe càng kinh hãi, vội vàng quỳ xuống, giòng châu lã chã:

– Em biết anh làm được! Anh nhất định làm được! Thúc lang ơi! Nếu anh thật lòng nghĩ đến em thì xin anh hãy cứu cha em. Ơn này em xin kết cỏ ngậm vành. Còn bằng không, bằng không…em sẽ nhảy xuống sông Tiền Đường…í, mà không phải, em sẽ nhảy xuống cầu Bình Lợi mà chết quách đi cho rồi!

Thúc Sinh Tỉnh Ủy vuốt má Thúy Kiều, cười đểu:

– Anh không cần em kết cỏ ngậm vành. Anh chỉ muốn em đến đây bầu bạn với anh. Ngày đối ẩm, tối hát karaoke. Anh muốn em…, anh muốn em nàm tri âm, tri kỷ của anh.

Thúy Kiều phụng phịu:

– Nhưng mà anh đã có vợ rồi, như vậy…như vậy thì bất tiện lắm!

Thúc Sinh cau mày:

– Anh chán cô Hoạn Thư ấy nắm rồi! Đáng ghét nà cô ấy có nhiều tuổi Đảng hơn anh. Nhưng em đừng no, cứ để nhà nước no! Ngày xưa Đảng bắt anh nấy Hoạn Thư để thay mặt Đảng mà đêm ngày theo anh kìm kẹp, sợ anh trở mặt ấy thôi. Bây giờ thái bình rồi, đánh Mỹ ngụy nhào rồi, đảng phải giải phóng cho anh chứ nị!

Thúy Kiều nóng lòng cứu cha, cũng liều nhắm mắt đưa chân:

– Nếu cha em được thả về thì em hứa với anh sau này sẽ trở thành tri âm tri kỷ của anh. Bây giờ em về thưa lại với huyên đường, chờ cha quay về rồi sẽ định ngày sang nâng khăn sửa túi cho anh

Thúc Sinh cười sung sướng:

– Em đừng no, vô tư đi! Trong vòng ba ngày thôi nà cha em sẽ về nhà mí em.

Thúy Kiều từ tạ lui ra, lòng mừng khấp khởi, đi một mạch về nhà kể lể sự tình cho mẹ hay.

Quả nhiên chưa đầy ba ngày, Vương lão gia đã thất thểu về đến nhà. Vợ con ùa ra mừng mừng tủi tủi.

Vương gia ngậm ngùi bảo Thúy Kiều:

– Phen này ba làm lụy đến con rồi! Con gái ba lá ngọc cành vàng như vầy mà phải đem thân đi lấy cái thằng Tỉnh Ủy đó.

Thúy Kiều gượng cười, thưa với cha:

– Ba à! Ba đừng lo, vô tư đi!

Vương gia vừa nghe Kiều nói xong lại càng thêm bi thảm, lắc đầu ngán ngược:

– Trời ơi, Kiều! Chưa gì mà con đã bị tẩy não rồi ư? Đất Thăng Long thủ đô văn hóa của bốn nghìn năm văn vật, văn hiến, văn vẻ, văn nô đã dạy cho con những từ ngữ nặng mùi nông thôn tính như thế ư?

Kiều ấp úng một hồi rồi nhẹ giọng:

– Con…con..hẹn với hắn cả tuần nữa mới tới nạp thịt cho hắn. Trong thời gian đó, con sẽ thu xếp. Hơn nữa, lúc ấy cũng đúng thời điểm con phải xuống tàu theo Mã Giám Sinh vượt biên.

Vương bà lo lắng:

– Không phải chuyện đùa đâu nghe con, nó thả cha con ra được thì cũng bắt lại được bất cứ giờ phút nào. Nếu con không tuân theo…Ơi thôi! Mẹ sợ cái gia đình ta sẽ không qua nỗi tai kiếp này.

Thúy Kiều đăm chiêu lo lắng, chập lâu bỗng vỗ tay reo:

– Con có cách rồi! Vương Quan, thằng Vương Quan!

Vương bà mừng rỡ:

– Cách gì vậy con?

Vương Quan nghe nói đến tên mình, vội vàng lên tiếng:

– Gì đó chị Hai? Chị muốn em làm cái gì?

Thúy Kiều cười tủm tỉm , ngắm nghía em trai:

– Được lắm! Trổ mã lắm! Em ngồi xuống đây đi, chị có kế hay!

Chờ cho Vương Quan ngồi xuống, Thúy Kiều ngậm ngùi, vòng vo:

– Em ơi, phen này chị đành phải nhờ em. Chị là chị lớn trong nhà, lâu nay đâu có việc gì mà chị không gánh vác hết cho các em. Nhưng lần này chị không thể nào làm nỗi. Vì muốn đưa cha mẹ thoát khỏi cảnh này nên chị đành phải xuống thuyền ra đi, sống chết ra sao chị cũng đành phó cho số mệnh. Ngày ra đi đã gần kề, lại xảy ra chuyện của Thúc Sinh. Nếu để Thúy Vân thay chị mà đến với Thúc Sinh thì càng không thể được, sau này làm vợ người ta, thằng chồng ba Tàu sẽ xẻo lỗ mũi của Thúy Vân mất. Thân này nếu xẻ làm ba, tư được thì chị cũng đã xẻ rồi, chứ đâu để phiền lụy đến các em.

Vương Quan nóng nảy, cướp lời chị:

– Chị Hai, chị nói đi! Em không thể đi gặp Thúc Sinh thế chị…, may quá!….Nhìn thằng chả là thấy ớn chè đậu rồi. Nhưng mà chị muốn em làm gì em cũng sẽ tuân theo.

Thúy Kiều thở dài, lo lắng nhìn em, chập lâu ngập ngừng nói:

– Chị muốn,…chị muốn gã em cho Hoạn Thư!

Cả nhà bàng hoàng sửng sốt trong khi Vương Quan kêu lên:

T- rời đất! Chị hết chuyện nói chơi rồi hả? Bả già thấy mồ sao chị bắt em lấy?

Thúy Kiều cười gượng:

– Bả càng già thì tuổi Đảng càng cao em à! Có bả đứng ra hứng mũi chịu sào trong khi hai chị vắng nhà thì chị mới yên tâm. Hơn nữa có như thế, Thúc Sinh vì sợ bả, mới tha cho cha.

Vương bà xót cậu con trai út cũng dẫy nẫy lên:

– Từ cổ chí kim, ngay cả trong Đoạn Trường Tân Thanh đâu có đoạn nào bắt Vương Quan phải bán mình chuộc cha bao giờ. Đàn bà con gái mới làm chuyện đó, ba mẹ chỉ có mình nó nối dõi tông đường, lẽ nào con lại bắt em trai làm cái chuyện phản văn hóa ấy.

Thúy Kiều trợn mắt:

– Mẹ à, thời đại này là thời đại của thế kỷ hai mươi chứ không phải thế kỷ mười mấy của cụ Nguyễn Du. Mấy cái chuyện bán mình chuộc cha này cứ bắt đàn bà con gái làm hoài thì không khá được. So unfair!

Vương Quan nhăn mặt:

– Chưa chắc người ta đã chịu em đâu chị ơi!

Thúy Vân im lặng nãy giờ, vội vàng lên tiếng:

– Em đẹp trai như tài tử Hồng Kông lại nho nhã trí thức, nhìn xa hiểu rộng, mấy ông sĩ phu bắc hà răng đen mã tấu sai đâu làm ấy của Đảng há đã bì được với em, huống gì cái ông Thúc Sinh vừa lùn vừa dơ ấy. Bả thấy em là sẽ mê em liền.

Vương Quan ngần ngừ làm thinh, đưa mắt nhìn Vương bà như cầu cứu. Thúy Kiều đem gan ruột ra bày tỏ nãy giờ mà thấy vẫn không lay chuyển được thằng em vô trách nhiệm, giận quá Thúy Kiều liền quát lên:

– Nãy giờ tao nói hết lời rồi! Mày có hứa không thì bảo?

Vương Quan thất kinh:

– Hứa thì hứa chứ! Nhưng em nói trước à nghe, tới khi nào chị qua tới Mỹ là em bỏ bả đó!

Thúy Kiều nghiêm mặt:

Không, chừng nào chị lo giấy tờ bảo lãnh cho em với ba mẹ xong thì em mới được bỏ bả.

Vương Quan lầu bầu:

– Tới chừng đó hổng biết em có được toàn thây không nữa đây.

Thúy Kiều làm lơ giả như không nghe Vương Quan nói gì. Kiều vui vẻ dặn dò hai em và cha mẹ mọi sự. Nàng cẩn thận viết mấy cái cẩm nang giao tận tay cho Vương Quan. Cẩm nang một. Cẩm nang hai. Cứ thế mà làm trong khi chờ tin của hai chị.

Bàn tính xong xuôi, cả nhà lục đục đi ngủ. Nằm trong mùng nghe muỗi kêu vo ve, Thúy Kiều trằn trọc nghĩ đến ngày theo Mã Giám Sinh xuống thuyền sang đế quốc Mỹ mà lòng cứ nao lên. Đêm hôm ấy Thúy Kiều nằm mơ, mơ thấy mình ngồi với Giác Duyên trên bờ đảo Paula Bidong vừa khảy hồ cầm, vừa ngâm Đoạn Trường Tân Thanh.

—>Chương 2

Advertisement
This entry was posted in Hoàng thị Bích Ti, Vui cười-Phiếm-luận. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s