CÁC NGHĨA ĐỊA Ở SÀIGÒN – GIA ĐỊNH trước năm 1975: Nghĩa Địa Gia Định

(TM tổng hợp và bổ túc)

II- NGHĨA ĐỊA GIA ĐỊNH

o O o O o O

17-Lăng Bá Đa Lộc (Lăng Cha Cả)
Xã Tân Sơn Hòa,
Quận Tân Bình – Gia Định

Lăng Bá Đa Lộc thường gọi Lăng Cha Cả, là khu mộ phần của Giám mục người Pháp, Mgr Pigneau de Béhaine, Évêque d’Adran, vicaire apostolique de Cochinchine (Đại diện Tổng Tòa ở Nam Kỳ), tên Việt là Bá Đa Lộc, tục gọi là “Cha Cả’’.

Sơ lược tiểu sử Giám mục Bá Đa Lộc được trình bày trong phần Phụ đề.

Theo tài liệu [1] : Đến ngày 9 tháng 10 năm 1799, Bá Đa Lộc chết ở cửa Thị Nại, trong khi có mặt trong đạo thủy quân của Nguyễn Vương từ Qui Nhơn ra Quảng Ngãi, hưởng dương 58 tuổi.

Nguyễn Vương cho mang xác Giám mục Bá Đa Lộc về Gia Định chôn cất ở gần nhà giảng của Giám mục (cuối đường Trương Minh Giảng, tức đường Trương Minh Ký, gần cổng vào phi trường Tân Sơn Nhứt). Ấy là Lăng Cha Cả, và truy phong Giám Mục là Thái Từ Thái Phó, Bi-Nhu Quận công.

Theo tài liệu [2] : Vì được vua Gia Long trọng vọng, coi là “Giám mục Thượng sư”, Giám mục Bá Đa Lộc được đưa về an táng ở gần ngôi nhà cũ tỉnh Gia Định nằm trong khu vực có tên là khu Vườn Xoài, Tân Sơn Nhất phía tây bắc Sàigòn.

Theo lời tường thuật của linh mục Giáo hoàng đại lý, giáo khu giám mục Miền Tây Nam Kỳ từ năm 1852 tới 1865, Dominique Lefèbvre , xác của Giám mục Bá Đa Lộc được ướp bằng các chất thuốc thơm và đặt vào quan tài gỗ quí, rồi đưa về Sàigòn , quàn xác ngót hai tháng, để mọi người điếu tế.

Mặt khác , theo tài liệu [3] : Thi hài của Bá Đa Lộc được chuyển về quàn tại Dinh Tân Xá trong một tháng chờ đợi lăng mộ xây xong.

Theo tài liệu [4] : Ngay chỗ Viện Bảo Tàng trong vườn Bách Thảo, đời Chúa Nguyễn Ánh có cất một ngôi nhà riêng cho ông Bá Đa Lộc ở để dạy Hoàng tử Cảnh, gọi là Dinh Tân Xá.Sau này, hội Cổ học Ấn-Hoa có xây một bia đá kỷ niệm ngay tại nền cũ Dinh Tân Xá, bia ấy ở về bên phía tả Viện Bảo Tàng, day mặt ngó ra rạch Thị Nghè. Tương truyền đám tang ông Bá Đa Lộc khởi hành nơi đây.

Tang lễ thật trong thể, cử hành vào ngày 16 tháng 12 năm 1799. Các giáo sĩ trong nước tập họp đưa đám, không thiếu một ai.

Các bà Thái Hậu, Hoàng hậu và cung tần cũng đưa tiễn tới phần mộ.

Đạo quân cận vệ của Nguyễn Vương 1200 người , võ khí trang nghiêm uy nghi dàn hầu. Kế tiếp là đạo tượng bình, trên 100 con với dưới sự chỉ huy của Hoàng Tử Cảnh.

Đồng thời quân sĩ còn kéo nhiều khẩu đại bác theo sau.

Đám tang đi từ 1 giờ đêm đến 9 giờ sáng mới tới huyệt. Tám chục người đạo tì hộ tống lính cữu trên chiếc kiệu rất đẹp.

Theo tài liệu [4] : Giám mục Bá Đa Lộc được chôn vào đêm. Đám tang nữa theo phép đạo Thiên Chúa, nửa theo lễ tục Nam, tế trọng thể,bài ai điếu viết trên lụa vàng, nay còn để dành tại họ Sàigòn.

Số đi đưa lên tới 40 ngàn người, nghẹt cả đường sá, ấy là chưa kể những người đứng xem ở hai bên đường.

Vào mùa thu 1800, Nguyễn Vương cho dựng tấm bia đá lớn trong Lăng Cha Cả, ghi tạc công đức của Giám mục Bá Đa Lộc. Lời văn bia do Đốc học Nguyễn Gia Kiết tước Hoa Xuyên Hậu đề soạn. Hữu Tham tri Bộ binh là Lê Tri Chỉ tước Tri đình hậu viết.

Bài bia như sau :

’Nhà thầy họ Bi Nhu (Pigneau) tên là Bá Đa Lộc (Pierre), người nước Đại Tây Dương. Lúc còn ít tuổi nhà thầy chỉ chuyên việc tu hành.Thế mà bao nhiều sách vở của những bậc thánh hiền nước Trung Hoa nhà thầy đều thông hiểu hết. Đến năm ngoài 30 tuổi, nhà thầy mới sang nước ta, khi ấy nước ta đang loạn, nhà thầy đóng vai thượng khách của nước nhà.

Quả nhiên nhà thầy đem học thức đã thâu lượm được bấy lâu nay ra áp dụng hữu hiệu cho thực tế. Nhà thầy lại hết lòng với Chúa những khi vận nước nghiêng ngửa chia phôi. Rồi nhà thầy lại được Chúa giao phó cho một việc nặng nề là : ra nước ngoài để tìm quân cứu viện. Trong thời gian ấy, nay đây mai đó, không mấy lúc nhà thầy được nghỉ ngơi. Hơn 20 năm trời, khi thì giữ chức tham mưu trong quân đội, lúc thì lại giúp việc hành chánh trong các trấn. Những mưu mô , những cách thức nhà thầy đã kiến nghị hoặc thi hành đều có thể làm gương mẫu cho đời sau được. Cũng vì thế mà nước ta khi ấy đã dần dần có cơ hội chỗi dậy được. Được như thế một phần cũng là do công lao của nhà thầy,

Mùa thu năm Kỳ Mùi (1789) , nhà thầy theo Chúa ra đánh phá Qui Nhơn. Nửa đường nhà thầy mắc bịnh rồi mất ở trong đồn, trên cửa bể Thị Nại (Qui Nhơn) . Hôm ấy là ngày 11 tháng 9 (âm lịch). Năm ấy nhà thầy đã 58 tuổi.

Cũng vào đầu mùa đông năm đó, nhà thầy được truy tặng chức Thái Tử Thái Phó tước Quận công và an nghỉ ngàn năm nơi đây, ở phía bắc ngoại thành Gia Định, nơi mà khi xưa thầy đã cất nhà giảng đạo tại đây.

Bia này dựng giữa ngày tốt, về mùa thu năm Canh Dần (1800) để ghi nhớ công trạng kể trên’’. Bản dịch của Nhược Ngu-Tạp chí Văn hóa Á Châu.

Nhưng theo tài liệu [2,5] : Mộ Giám mục Bá Đa Lộc được đích thực chôn ở Nha Trang. Thời đó, Nguyễn Ánh còn phải chống đỡ nhà Tây Sơn, nên rất có thể sợ Tây Sơn có ngày chiến thắng, khiến ông phải bôn tẩu lần nữa. Vì vậy việc chôn cất giám mục Bá Đa Lộc phải giấu kín, cho làm đám tang giám mục Bá Đa Lộc thật lớn và cho dựng lăng ở Gia Định để đánh lạc hướng.

Tài liệu [5] lấy lại kết luận của bài : “Bá Đa Lộc: mộ ông… hiện nay ở đâu?” của Vương Gia Bật, đăng trên tờ Nam Phong Tạp Chí của Phạm Quỳnh, quyển XVI, 92, phát hành tháng 2 năm 1925 : ‘’Lăng Ngọc Hội cách thành phố Nha Trang 8 cây số. Phía trước mộ có một cái miếu nhỏ ở giữa đề chữ Hán: “Bá Đa Lộc chi mộ”. Phía sau miếu có khắc cây Thánh giá. Ngày 13 tháng 3 năm 1925 ( tức là 125 năm sau khi Giám mục Bá Đa Lộc đã qua đời ), quan Công sứ và Linh mục nhà thờ Bình Can (Nha Trang) ra lệnh cải táng. Bên trong, xương cốt đã mục, hàm còn dính 3 cái răng, có 2 – 3 cái rơi ra ngoài…”. Sau đó, người Pháp mới đem chút xương cốt còn lại của giám mục từ ngôi mộ thật sự ở Nha Trang về cải táng nơi lăng ở Gia Định.

Theo tài liệu [6] : Triều đình giao việc xây mộ Bá Đa Lộc cho linh mục Barthélémy Sang.

Bản vẽ Lăng Bá Đa Lộc
Ảnh trích từ https://anhxua.net/album/lang-cha-ca.html

Tuy Giám mục Bá Đa Lộc là người Pháp, nhưng kiến trúc mộ ông theo kiểu Việt Nam, có bình phong, bái đường và hậu cung.

Phạm Quỳnh nhân chuyến du ngoạn Nam Kỳ năm 1918, trong Hành trình nhật ký: mười ngày ở Huế, một tháng ở Nam Kỳ, Pháp du hành trình nhật ký, đã viết như sau : ‘’Lăng Cha Cả được xây kín như kiểu một cái đình lối ta’’.

Lăng Bá Đa Lộc hay Lăng Cha Cả là khu đất rộng khoảng 2000 thước vuông , gồm một dãy nhà lợp ngói, cột và vách bằng gỗ quý, ở trước có bia đá lớn. Lăng này tọa lạc trong một khu vực mang tên của Lăng, đó là khu Lăng Chả Cả. Khu vực này nằm ở giao điểm các đường Võ Tánh,Trương Minh Ký, Cộng Hòa và Bùi Thị Xuân thuộc xã Tân Sơn Hòa,quận Tân Bình, Gia Định. Xem không ảnh chụp năm 1966 dưới đây.

(Phụ chú : Theo trí nhớ đã quá bàng bạc của tác giả bài này, trước năm 1975, thành phố Sàigòn có xe buýt chuyên chở công cộng chạy từ Sàigòn qua các đường Hai Bà Trưng, quận 1- Sàigòn , đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận- Gia Định lên Lăng Cha Cả. Trên kiếng phía trước của xe buýt có gắn bảng Lăng Cha Cả).

Tombeau de l’Évêque d’Adran- Mặt trước Mộ Giám mục Bá Đa Lộc tại Lăng Cha Cả ngó ra ngã ba Võ Tánh và Trường Minh Ký Tombeau de l’Evêque d’Adran – Mộ Giám mục Bá Đa Lộc
Ảnh trích từ https://anhxua.net/album/lang-cha-ca.html
Mặt trước Lăng Cha Cả ngày xưa Khung cảnh khu vực Lăng Cha Cả năm 1970
Đường Võ Tánh thẳng phía trước, bên trái là Lăng Cha Cả
(Năm chưa xác định được)
Mặt trước của Lăng nhìn từ đường Võ Tánh
(Năm chưa xác định được)
(Nguồn: manhhai-Flickr)
Mặt hông Lăng Cha Cả bên đường Võ Tánh. Trong hình, các nữ học sinh trường Quốc Gia Nghĩa Tử đi bộ tới trường.
(Năm chưa xác định được)

Bài trí bên trong Lăng được mô tả bởi Phạm Quỳnh, trong Hành trình nhật ký: mười ngày ở Huế, một tháng ở Nam Kỳ, Pháp du hành trình nhật ký : “Chính mộ Cha Cả là cái sập đá to ở giữa, xung quanh đặt cửa bức bàn. Hai cái mộ nhỏ hai bên thì bên tả là mộ cha Charbonnier, bên hữu là mộ cha Miche mới phụ táng về sau. Trong đình trước mộ có tấm bia đá kỷ-niệm cái công-đức của Cha Cả”.

Bên trong Lăng Cha Cả
Ảnh trích từ https://anhxua.net/album/lang-cha-ca.html

Tấm bia đá lớn trong Lăng Cha Cả, ghi tạc công đức của Giám mục Bá Đa Lộc
Hình chụp năm 1970

Photo by Frederick P. Fellers of Indianapolis
(Nguồn: manhhai-Flickr)

Bàn thờ chính với huy hiệu Giám mục Bá Đa Lộc
Photo by Frederick P. Fellers of Indianapolis
(Nguồn: manhhai-Flickr)

Phụ chú :

* Cha Charbonnier viết trong đoạn văn ở trên có thể là Cha Eugène Étienne Charbonnier, sinh năm 1821 và mất 1878. Cha Charbonnier được bổ nhiệm làm linh mục của hội Thừa Sai (Missions Étrangères de Paris) từ tháng 9 năm 1864 đến 7 tháng 8 năm 1878;

* Cha Miche tên đầy đủ là Jean Claude Miche, sinh năm 1805 mất ngày 1 tháng 12 năm 1873 ở Chủng Viện Sàigòn. Theo tài liệu [4] Cha làm giám mục Giáo hoàng đại lý, giáo khu giám mục Miền Tây Nam Kỳ từ năm 1865 đến 1873. Trước đó, từ năm 1848, hội Truyền giáo trên Cao Miên (Mission du Cambodge) được giao cho Cha Miche cai quản.

Theo tài liệu [7] : Sau chiến tranh Đông Dương, tro cốt của Cha Miche được mang về Pháp, và từ năm 1983, được đặt ở tiểu giáo đường của Missions Étrangères de Paris.

Mộ của giám mục Jean Claude Miche trong Lăng Cha Cả
Photo by Frederick P. Fellers of Indianapolis- (Nguồn: manhhai-Flickr)

Nhiều năm sau, theo tài liệu [4], miếng đất sau lưng Lăng Cha Cả trở thành nghĩa trang mộ phần chung cho các vị mục sư kế tiếp mất tại đây, trong số này có mộ linh mục thừa sai Cha R.P. Liot viên tịch ngày 28 tháng 4 năm 1811. Mộ này được liệt kê cổ tích tháng 5 năm 1930.

Nghĩa trang các vị mục sư sau Lăng
Photo by Frederick P. Fellers of Indianapolis
(Nguồn: manhhai-Flickr)
Nghĩa trang các vị mục sư sau Lăng
Photo by Charley Seavey 1970 (Nguồn: manhhai-Flickr)

Cũng theo tài liệu [4] : Nhờ Cha R.P. Liot nên hai ông Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc quen nhau, về sau Cha R. P.Liot làm bí thư và kế nghiệp Bá Đa Lộc.

Theo tài liệu [8] : Sau khi Giám mục Bá Đa Lộc qua đời, Dinh Tân Xá (nhà riêng của ông Bá Đa Lộc ở để dạy Hoàng tử Cảnh) được dùng làm nơi ở cho Cha R. P.Liot. Trong thời gian này, Hoàng tử Cảnh vẫn thường xuyên lui tới Dinh Tân Xá , lo hương khói cho người thầy ngoại quốc của mình đến khi hoàng tử bệnh đậu mùa và mất vào ngày 20 tháng 3 năm 1801 khi mới 21 tuổi.

Hủ tro cốt của giám mục Bá Đa Lộc
(Hình trích từ tài liệu [5])

Hài cốt của Giám mục Bá Đa Lộc được thờ ở Lăng Cha Cả cho đến hết thời nhà Nguyễn sang chính thể Việt Nam Cộng Hòa.

Năm 1983, ngụy quyền cộng sản giải tỏa Lăng Bá Đa Lộc , san bằng mấy nếp nhà cũ của khu lăng cổ và trao di cốt lại cho lãnh sự Pháp đem hồi hương.

Di cốt giám mục Bá Đa Lộc , khi về lại Pháp được đem chôn trong nhà thờ Séminaire des Missions Étrangères, rue du Bac tại quận XV, Paris.

Theo tài liệu [5,9] : Những hài cốt tại khu mộ Lăng Cha Cả này đã được đại diện nước Pháp sang nhận và mang về chôn. Nhưng riêng mộ của Giám mục Bá Đa Lộc, khi khai quật, chỉ thấy cây Thánh giá bằng vàng Tây lớn mà ông đeo khi xưa, chiếc gậy vàng của chức Giám mục, những mề đay của nhà nước Pháp và Việt trao tặng.

Phụ đề – Sơ lược tiểu sử Giám mục Bá Đa Lộc

Theo tài liệu [2,10] : Giám mục Bá Đa Lộc Bỉ Nhu hay Bách Đa Lộc , nguyên tên là Pierre Joseph Georges Pigneau de Behaine, sinh 2 tháng 2 năm 1741, mất 9 tháng 10 năm 1799.

Ông sinh ngày 2 tháng 2 năm 1741, tại quê mẹ là vùng Origny-en-Thiérache (Pháp). Từ “de Béhaine” không có hàm ý chỉ ông thuộc dòng dõi quý tộc mà chỉ là tên của một điền trang nhỏ Béhaine, gần vùng Marle, nơi cha ông là chủ điền trang. Từ này chỉ xuất hiện kể từ sau Hiệp ước Versailles 1787.

Ông là anh cả của một gia đình có 19 người con, ông theo học tại Lyon, sau đó ở Paris tại chủng viện Trente Trois . Ông vào Đại Chủng viện của hội truyền giáo hải ngoại Paris (Séminaire des Missions Étrangères) năm 1765.

Theo tài liệu [2] : Ông rời Pháp từ cảng Lorient vào ngày 09 tháng 9 năm 1765 (tháng 12 năm 1765 theo tài liệu [10]) với sứ mạng truyền giáo tại Đàng Trong.

Ngày 21 tháng 6 năm 1766, ông cập cảng tại Pondicherry. Sau đó, ông có vài tháng lưu trú tại Ma Cao và có vài lần đến Hà Tiên bắt liên lạc với những người truyền giáo đi trước tại đây. Tháng 3 năm 1767, ông đặt chân đến Hà Tiên với chức vụ giáo sư trong chủng viện của Hội Thừa Sai tạm đặt cơ sở tại Hòn Đất (gần Rạch Giá thuộc tỉnh Hà Tiên). Cơ sở này là mấy ngôi nhà bằng tre với khoảng 40 giáo dân Việt, Xiêm và Hoa.

Năm 1768, Bá Đa Lộc bị Mạc Thiên Tứ, Tổng binh Đại Đô đốc Hà Tiên, giam cầm khoảng hai tháng vì bị buộc tội đã che chở cho một người thuộc hoàng tộc Xiêm La, kẻ thù của họ Mạc.

Ngày 11 tháng 12 năm 1769, ông làm linh mục giám đốc chủng viện tại Hòn Đất.

Năm 1770, khi chủng viện Hòn Đất bị quân Cao Miên tấn công đánh cướp, đốt cháy trụ sở truyền đạo, sát hại nhiều giáo sinh và giáo dân, Bá Đa Lộc phải rời khỏi Đàng Trong cùng với linh mục Morvan, 13 nhân viên chủng viện và các học sinh chủng viện khoảng 40 người để đi đến Malacca (nằm ở phía tây của Mã Lai, cách Singapore khoảng 200 cây số) rồi từ đó xuôi về hướng nam đến Pondichéry (nằm ở vùng đông nam Ấn Độ trong vịnh Bengale, nơi đã có nhiều cơ sở thương mại và hành chánh của Pháp từ năm 1673). Sau đó vào năm 1770, ông thành lập một chủng viện ở làng Virampatnam cách Pondichéry một dặm về hướng bắc.

Trong thời gian ở Pondicherry, ông tiếp tục trau dồi và trở nên thông thạo cả tiếng Hoa và tiếng Việt.

Năm 1771, mới 31 tuổi, ông được Giáo hoàng Clement XIV tấn phong làm Giám mục hiệu tòa Adran và đồng thời được bổ nhiệm làm Giám mục Tông tòa, phụ tá cho Giám mục Guillaume Piguel. Nhưng cũng trong năm ấy, Giám mục Piguel qua đời ngày 21 tháng 6, Pigneau de Behaine thay thế Piguel rồi được bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa tại Madras- Ấn Độ ngày 24 tháng 2 năm 1774 .

Ngày 12 tháng 3 năm 1775, ông lên đường trở lại Đông Dương với chức vị Giám mục Đại diện Tông tòa Đàng Trong.

Mãi đến năm 1773, Hà Tiên mới sống lại thời yên bình.Năm 1775 ông được Tổng trấn Mạc Thiên Tứ tiếp đãi trọng hậu và cho phép đi giảng đạo khắp Hà Tiên.

Năm 1777, quân Tây Sơn tiến chiếm Gia Định, sát hại cả dòng họ Chúa Nguyễn, chỉ có người cháu là Nguyễn Ánh chạy thoát được, lúc đó mới 16 tuổi. Cơn hoạn nạn của gia đình Chúa Nguyễn cũng là cơ duyên cho tương lai của Bá Đa Lộc. Ông giúp Nguyễn Ánh trốn thoát vào Vịnh Thái Lan. Vì trong dịp ra tay cứu Nguyễn Ánh , Bá Đa Lộc, vốn là một giáo sĩ, một nhà giáo dục, một học giả, nay trở thành một “chính trị gia” và “quân sư” bất đắc dĩ cho Nguyễn Ánh.

Năm 1782, Tây Sơn đem thủy quân đánh chiếm lại Sàigòn. Cả Bá Đa Lộc và Nguyễn Ánh phải bỏ chạy lần nữa, lẫn trốn trong Vịnh Thái Lan gần một năm. Sau khi quân Tây Sơn rút về, Nguyễn Ánh nóng lòng đem mười ngàn lính do vua Thái cung cấp trở lại chiếm Sàigòn, nhưng cũng bị đánh tan tành.

Lần này, Nguyễn Ánh bị rượt đuổi đến cùng, phải bỏ cả thủy đoàn mà chạy, chỉ đem theo được vài trăm tên lính hộ vệ. Lang thang đó đây, trong cơn đói rách quân lính phải đào củ trên các hoang đảo mà ăn. Lúc này Nguyễn Ánh bắt đầu hoang mang, phân vân có nên cầu cứu sức mạnh Âu Tây để có thể đẩy ngược làn sóng vận mệnh của Nhà Tây Sơn.

Trong lúc đó thì vị Giám mục, vì đã tính trước nên đang sống an toàn với các chủng sinh trên đảo Pulo Way (Phú Quốc ngày nay). Nguyễn Ánh thường đến tá túc và xin thực phẩm cho binh lính, và tỏ ra rất cảm động trước tấm lòng nhân đạo của Bá Đa Lộc. Ngược lại vị Giám Mục này đã chinh phục được lòng tin cậy của Nguyễn Ánh và từ đó, vị chúa trẻ tuổi đã giao cho ngài đứa con độc nhất, tức Hoàng Tử Cảnh mới lên 6, để được dạy dỗ chăm sóc.

Trong lúc quân Anh cũng như quân Hòa Lan ở Batavia chuẩn bị thương lượng việc giúp đỡ cho Nguyễn Ánh, giám mục Bá Đa Lộc đã đề nghị một sự giúp đỡ từ phía Pháp.

Tuy nhiên, theo tài liệu [12] : Vào cuối thế kỷ thứ 18, ông Bá Đa Lộc đã xuất hiện ở Đông Dương. Ông sợ rằng Nguyễn Ánh không đủ phương tiện để chống lại nhà Tây Sơn, sẽ kêu gọi sự giúp đỡ từ các nhà truyền giáo Tin Lành (Protestants), nên ông đã cố vấn Nguyễn Ánh tiếp xúc với xứ Pháp.

Sau khi ,Nguyễn Ánh cùng liên minh quân Xiêm La bị bại trận. Nguyễn Ánh liền gởi chiếc ấn tín và con trai của mình là Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh cho Bá Đa Lộc và bổ ông Bá Đa Lộc làm đại diện toàn quyền cận thần Hoàng Đế Pháp.

Năm 1786, Bá Ða Lộc cùng Hoàng tử Cảnh rời Hà Tiên qua Pháp. Phái đoàn tới cảng Lorient ngày 26 tháng 02 năm 1787. Ngày 16 tháng 5, vua Louis XVI tiếp phái đoàn tại lâu đài Versailles. Một thỏa ước được ký kết giữa hai vương quốc tại Versailles ngày 28 tháng 11 năm đó, giữa Bá tước de Montmorin, Bộ trưởng Ngoại Giao Pháp quốc và Giám Mục Bá Ða Lộc, Ðặc sứ toàn quyền của vua Nam Kỳ.

Nhưng bản thỏa ước nầy sau đó đã không được áp dụng. Bá tước De Conway, Thống Ðốc Pháp tại các lãnh địa thuộc Ấn Ðộ đã từ chối thi hành thỏa ước.

Trước thất bại này, ông Bá Đa Lộc đành phải ra tay một mình, ông vận động quyên tiền khắp nơi để mua tàu bè, đạn dược giúp cho Chúa Nguyễn. Với sáng kiến riêng, ông đã tuyển chọn hơn trăm tình nguyện người Pháp gồm có kỹ sư, thợ thủ công , lính hải quân và bộ binh đổ bộ xuống Sàigòn vào ngày 14 tháng 7 năm 1789. Ngoài ra còn có 8 linh mục theo ngài đi Việt Nam.

Các chuyên viên Pháp đã giúp Nguyễn Ánh hiện đại hóa các chiến thuyền và quân đội, nhờ thế đã giúp Nguyễn Ánh đạt được nhiều chiến thắng. Năm 1789, Nguyễn Ánh cả thắng Tây Sơn, thâu được Sàigòn.Năm 1790, với sự giúp đỡ của các người Pháp này, Chúa Nguyễn Ánh đã cho xây ở Sàigòn thành phòng thủ Bát Quái kiểu Vauban .

Cuốn tự điển tiếng Việt mang tên Dictionarium Anamitico Latinum của giám mục Bá Đa Lộc
(Nguồn: madeinsaigon.vn)

Ngoài công việc là nhà truyền giáo, phò Nguyễn Ánh , ông còn có một công trình đóng góp quan trọng cho tiếng Việt đó là có công soạn cuốn từ điển tiếng Việt mang tên Dictionarium Anamitico Latinum vào năm 1773 và được Jean-Louis Taberd xuất bản năm 1838, chú bằng chữ La-tinh, chữ Quốc Ngữ, chữ Nôm và chữ Nho.

Cuốn từ điển này nguyên bản nay còn được giữ ở Thư khố Hội Truyền giáo Ngoại quốc tại Paris. Cuốn từ điển Việt-LaTinh làm trong thời gian Bá Đa Lộc ở Pondichéry, Ấn Độ, nghĩa là chỉ 5 năm sau khi ông tiếp xúc với Việt Nam.

Ông Bá Đa Lộc có những cộng sự viên đắc lực hữu hiệu như nhà nho Trần Văn Học (Việt Nam), Mạn Hoè (người Pháp, tên Manuel), Nguyễn Văn Chấn (người Pháp, tên Dayot), Nguyễn Văn Thắng (người Pháp, tên Vannier), Gia Đô Bi (gốc Tây Ban Nha), Ma Nộ Y (người Tây Ban Nha)…

Giám mục Bá Đa Lộc chết ở cửa Thi Nại năm 1799. Ông được đưa về an táng ở gần ngôi nhà cũ trong khu Vườn Xoài, Tân Sơn Nhất, tỉnh Gia Định.

Địa danh Vườn Xoài có thể bắt nguồn từ thú thích trồng cây ăn trái của giám mục Bá Đa Lộc. Thật vậy, theo tài liệu [12]: Sang thế kỷ 18, nhiều thôn ấp phát triển, làng xã được thành lập, như xã Tân Sơn Nhất, Tân Sơn Nhì ra đời năm 1749. Sinh sống trong các xã thôn, có những người công giáo, làm nương rẫy, trồng lúa nước.

Đến nửa đầu thế kỷ 19, nông dân còn lập vười cây ăn trái, trồng mít, trồng xoài. Cũng có những giống cây mới từ nước ngoài đưa vào như măng cụt, được Đức cha Bá Đa Lộc đem từ đảo La Sonde ở mạn nam Nam Dương trồng thử vào cuối thế kỷ 18.

Là một người ưa thích trồng các loại cây ăn trái, Đức cha đem các giống xoài về trồng chung quanh nhà nghỉ mát, nhà nguyện, rồi cho trồng khắp vùng Chí Hòa.

Thưở ấy, một vùng rộng lớn từ Chí Hòa, Hòa Hưng vòng lên đến Phú Nhuận là vùng hoang vắng, người ta trồng cây ăn trái. Khu vực ngày nay dân gian gọi là “Lăng Cha Cả”, ngày xưa um tùm rừng mít, rừng xoài, dân gian gọi vùng trồng xoài rộng lớn là “Vườn Xoài”, những nơi gò cao cũng trồng xoài gọi là “Gò Xoài”.

Hài cốt của Giám mục Bá Đa Lộc được thờ ở Lăng Cha Cả từ thời nhà Nguyễn sang chính thể Việt Nam Cộng Hòa.

Năm 1983, ngụy quyền cộng sản giải tỏa Lăng Bá Đa Lộc. Di cốt giám mục Bá Đa Lộc được giao lại cho lãnh sự Pháp đem hồi hương và sau đó được chôn trong nhà thờ Séminaire des Missions Étrangères, rue du Bac tại quận XV, Paris, Pháp.

Tài liệu tham khảo :

  1. Huỳnh Minh – Gia Ðịnh xưa và nay- Nhà xuất bản Khai Trí- 1973.
  2. Lăng Cha Cả ở Sàigòn – Đền thờ ông giáo Tây từng đem hoàng tử Việt tha hương cầu viện-20/04/2017.
  3. Trần Chánh Nghĩa -Vietnamnet-Lăng Cha Cả – Một góc Sàigòn xưa-02/10/2016.
  4. Vương Hồng Sển- Sàigòn Năm Xưa-Sống Mới-1968.
  5. Nguyễn Ngọc Chính-Hồi ức một đời người-Nghĩa tử là tận: Lăng Cha Cả- 03/09/2012.
  6. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia -Lăng Cha Cả.
  7. L’encyclopédie libre-Jean-Claude Miche.
  8. Trang Nguyên-Ngôi nhà gỗ trong tòa Tổng Giám Mục.
  9. Phạm Cường- Lăng Cha Cả-Posted by bienxua- 16/10/2017.
  10. Bách khoa toàn thư – Bá Đa Lộc.
  11. L’Indochine Française- Extrait de Il est ressuscité ! tome 6, n° 42, janvier 2006, p. 32.
  12. Tổng Giáo Phận Sàigòn-Nhà thờ Giáo Xứ Vườn Xoài.

—>18-Đất mộ phần dòng họ Trương Minh

This entry was posted in 5.Tài-liệu - Biên-khảo, TM, TM: Các Nghĩa địa ở Sàigòn - Gia Định trước năm 1975. Bookmark the permalink.

2 Responses to CÁC NGHĨA ĐỊA Ở SÀIGÒN – GIA ĐỊNH trước năm 1975: Nghĩa Địa Gia Định

  1. TM says:

    Cám ơn pearlharbor2009 đã bổ túc thêm chi tiết cho bài viết được đầy đủ hơn, hữu ích cho TM và các độc giả khác

    Like

  2. pearlharbor2009 says:

    nghĩa trang Đa Minh giờ nằm trên đường Bình Long (thuộc quận Bình Tân), đối diện đường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú), nó tách ra so với khu nghĩa địa Bình Hưng Hòa (góc ngã 4 Bình Long – Tân Kỳ Tân Quý).

    Like

Ý kiến - Trả lời