Trần Văn Thái: TRẠI ĐẦM ĐÙN (1…HẾT)

(Lê Thy đánh máy từ bản scan của http://pham-v-thanh.blogspot.com/)

Tác giả
TRẦN VĂN THÁI

  • Tên thật: Nguyễn Văn Ký, sanh năm 1919 tại Hà Nội.
  • Tập viết văn từ hồi còn là học sinh Trường Cao Đẳng Tiểu Học Đỗ Hữu Vị (Hà Nội) và bắt đầu viết bài đăng báo từ 1936.
  • Nguyên Tổng Thư Ký Tòa Soạn các Nhật Báo Cấp Tiến (Hà Nội), Dân Chúng (Hải Phòng), Hòa Bình (1955) Sài Gòn.
  • Đã cộng tác thường xuyên với các báo Cách Mạng Quốc Gia, Ngày Nay, Tin Điển, Thứ Tư v.v…
  • Thư Ký Tòa Soạn Nguyệt San Đại Từ Bi từ 1965 đến nay.

ĐÔI LỜI GIỚI THIỆU

Đã lâu lắm, chúng ta mới có một cuốn sách chống Cộng có một vóc dáng đầy đặn, chứa đựng một nội dung xúc tích, sống động và xác thực vượt hẳn lên trên những sách cùng loại xuất bản trong nước từ trước đến nay. Đó là cuốn phóng sự tiểu thuyết “Trại Đầm Đùn” của nhà văn TRẦN VĂN THÁI, được chấm hạng Ba, giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật 1967-1969 của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa trong 62 tác phẩm dự thi về bộ môn tiểu thuyết.

Thông thường, những sách chống Cộng được viết dưới hai hình thức. Một là chống Cộng bằng lý thuyết, tác giả nêu ra những lỗi lầm sơ hở của chủ nghĩa cộng sản, những điểm không hợp thời, hoặc thoái hóa của chủ nghĩa cộng sản, nói một cách khác tác giả đánh thẳng vào ý thức hệ cộng sản bằng lý luận chánh trị, để bác khước chủ nghĩa này.

Hình thức thứ hai là mô tả những cảnh đọa đầy, khổ sở của người dân dưới chế độ tàn bạo, độc tài, bất công của cộng sản để chứng minh rằng thiên đường cộng sản là một chuyện không có, không thể có trên thế giới này. Trái lại, cuộc sống dưới chế độ cộng sản còn nhọc nhằn, tủi cực hơn cuộc sống dưới bất cứ chế độ nào khác.

Viết cuốn TRẠI ĐẦM ĐÙN, nhà văn Trần Văn Thái đã dùng hình thức thứ hai, mô tả cuộc sống của những người bị đưa đi học tập lao động sản xuất tại một Trại Sản-xuất và Tiết-kiệm ở Tây Bắc Tỉnh Thanh Hóa. Nói là Trại Sản-xuất và Tiết-kiệm nhưng thật ra, đó là trại giam thực sự mà những người điều khiển đã bóc lột sức lao động của “trại viên” đến xương tủy, khiến họ gục xuống chết tại chỗ. Bị khổ sai quá mức, bắt buộc phải thi đua tăng năng suất, bệnh mà không có thuốc, bị đòn phạt khi bị buộc là vi phạm luật lệ của nhà giam, tù nhân Trại Đầm Đùn đã có thời gian chiếm kỷ lục về con số thương vong hàng tháng. Đã thế, trại viên lại phải sống thường xuyên trong một bầu không khí khủng bố tàn bạo, bị đem ra đánh, ra giết bất cứ lúc nào cũng được vì không có luật pháp nào bảo vệ cho họ, họ không biết kêu cứu với ai. Đối với nhà cầm quyền Việt Minh, những người bị giam hoặc bị khổ sai tại những trại sản xuất bị nhìn như những tên Việt gian phản động, có hại cho xã hội chủ nghĩa và gây phí tổn vô ích cho Nhà nước cộng sản.

Vì thế cho nên trong một Trại Sản-xuất và Tiết-kiệm của cộng sản, sự sống và sự chết đều vô nghĩa như nhau. Con người chỉ là một công cụ sản xuất của Nhà nước trong những điều kiện vật chất ít tốn kém nhất, không sản xuất được nữa thì liệng xuống hố, lấp đất là xong bất kể đã chết hay còn sống. Những viên chức điều khiển trại tất nhiên phải là đảng viên đảng cộng sản, đối với tù nhân thì họ căm thù, hành hạ, nhưng đối với nhau, họ cũng tàn nhẫn không chút nương tay khi cần phải thanh toán một đồng chí có hại cho quyền lợi cá nhân hay bè phái. Họ là những người không có tim vì họ là cộng sản, bạo lực là phương tiện sở trường và hữu hiệu nhất đối với họ.

o O o

Phóng sự tiểu thuyết Trại Đầm Đùn ghi lại rất nhiều mảnh sống của tù nhân trong một Trại Sản-xuất và Tiết-kiệm của Việt cộng. Nghĩa là một trại giam tàn bạo nhất, tàn bạo một cách thâm trầm độc địa theo lối cộng sản Á Châu. Tất nhiên trên thực tế, các mảnh sống này rời rạc xẩy ra trong nhiều thời gian và tại nhiều trại giam khác nhau ở Liên Khu 3 và 4, nhà văn Trần Văn Thái đã ráp từng mảnh sống đó lại với nhau để tạo thành một cơ thể sống động, làm rùng mình biết bao độc giả và cho họ trông rõ bản chất hiếu sát của con người cộng sản và bản chất phi nhân phi nghĩa của chế độ cộng sản.

Một vai chánh trong truyện là một nhân vật thuộc giai cấp tiểu tư sản tên Trần Văn Toàn đang làm việc cho chính quyền quốc gia ở Hải Dương thì bị du kích Việt Minh bắt, đưa đi giam tại Trại Đầm Đùn. Cho tới khi hai bên Việt Minh và Pháp ký kết Hiệp Định Giơ-neo, Toàn mới được phóng thích cùng một số người sống sót và may mắn. Trong thời gian học tập lao động sản xuất với cả ngàn tội nhân khác, Toàn trông thấy, gặp biết bao cảnh khủng khiếp, chua xót, nhọc nhằn, hụt chết nhiều lần đến nỗi bao phen, anh muốn tự giải thoát khỏi kiếp sống tù đầy, nhục nhã. Nhưng không được vì con người – dù là tù nhân của cộng sản – cần rất nhiều can đảm để sống thì cũng cần rất nhiều can đảm để chết. Vả lại, dần dà Toàn nhận thấy rằng chết không phải là một phương sách chống Cộng. Phải sống để đấu tranh chống Cộng đến cùng. Ít ra, cũng cứu được những thế hệ tương lai.

Cố chịu đựng mà sống, Toàn đã lần lượt được chứng kiến bao nhiêu sự việc chỉ con người máy cộng sản mới làm được.

Nhờ tính cách xác thực và sự phong phú của các tài liệu sống, với một bút pháp điêu luyện, tác giả đã trình bày trên 500 trang giấy đời sống tù nhân trong một trại giam và làm chẩy nước mắt nhiều người. Có nhiều đoạn, người đọc cảm thấy tác giả đã viết bằng máu, nước mắt, tình thương và căm giận nữa khiến người đọc phải rùng mình khiếp hãi, nổi da gà như lên cơn rét.

Thật vậy, dưới chế độ cộng sản, tai họa bất ngờ không biết đâu mà lường trước được. Miệng cán bộ, miệng đảng viên có gang có thép, họ bắt bẻ, buộc tội như thế nào, tù nhân cũng đành chịu, cán bộ bảo sống là sống, bảo chết là chết, tù nhân không thể nào tránh né được.

Bằng một lối văn tả chân sâu sắc, trong sáng và giản dị, tác giả đã lôi cuốn và làm say mê người đọc. Giản dị nhưng không rơi vào cái tầm thường. Trái lại là khác. Nhiều đoạn, độc giả bật cười trong khi dơm dớm nước mắt.

Để chứng minh nhận xét trên, tôi định trích dẫn ra đây vài đoạn đặc biệt nhưng không biết chọn đoạn nào. Vì những đoạn hay trong Trại Đầm Đùn nhiều quá, rải rác khắp cuốn truyện.

Chỉ xin nhắc sơ qua những đoạn tả chân như: Cảnh Đầu Trâu đánh đòn trừng phạt tù nhân bằng roi song mật khiến tù nhân bật tủy xương sống chịu không thấu phải nhai nát lưỡi tự tử “tại trận” trước mắt sáu, bẩy trăm người; đoạn tả ba người tù đói nhai một lúc bẩy tám củ su hào sống dưới ruộng đến no phưỡn bụng rồi chết vì bội thực trước sự chứng kiến bất lực của giám thị; những đoạn tả cơn đói triền miên thê thảm của người tù bị “phong vương” phải nuốt thạch sùng cho qua cơn đói. Đoạn tả đòn tuốt nứa bắt độc giả rợn người, ớn xương sống, toát mồ hôi lạnh; đoạn tả người tù đói liếm đốt xương cá mỗi bữa ăn sau khi hít hít, ngửi ngửi lấy mùi tanh của cá còn sót lại; đoạn tả cảnh thợ rèn đóng xiềng vào chân tù và cho tù nếm đòn trợt búa để đòi tiền hối lộ; đoạn tả tù phong vương cắt xiềng mở cùm rồi đào ngạch chui qua hàng rào trốn vào rừng, gặp bao cảnh giở khóc dở cười, giở sống dở chết v.v… Nhiều lắm, những đoạn hay không kể hết được, tiếp nhau nối từ chương này đến chương khác để thêu dệt và trang trí cho một cốt truyện độc đáo có nhiều tình tiết đột ngột, sôi nổi, bất ngờ như truyện trinh thám, làm tăng giá trị cho nội dung một cuốn truyện chống Cộng bằng những hình ảnh xác thực trăm phần trăm

Với cuốn TRẠI ĐẦM ĐÙN, tác giả Trần Văn Thái đã có một hình dáng rõ rệt, đặc biệt trong những người cầm bút đứng đắn, tự trọng. Điều này không làm chúng ta ngạc nhiên khi ta biết “Trần Văn Thái” là một bút hiệu khác của nhà văn có một bút hiệu được nhiều người biết hơn: HOÀNG CHUNG (Nguyễn). Và cũng chính nhà văn này dưới một bút hiệu khác nữa THANH LÂM (Nguyễn), đã chiếm giải nhất và giải ba trong một cuộc thi truyện ngắn Phật Giáo năm 1966 do Nha Tuyên Úy Phật Giáo tổ chức để tuyển lựa những tác phẩm giá trị trên địa hạt văn nghê Phật Giáo.

Với những người chưa có kinh nghiệm sống chung với cộng sản, TRẠI ĐẦM ĐÙN sẽ cho họ biết rất nhiều về một phương diện của đời sống dưới chế độ cộng sản và về thực chất của con người cộng sản. Do đó, họ sẽ suy luận ra và phải có một thái độ chính trị thích hợp.

Nhất định TRẠI ĐẦM ĐÙN sẽ có một tác dụng hữu hiệu trong cuộc đấu tranh chung của miền Nam tự do: Chống Cộng Để Bảo Vệ Tự Do và Hạnh Phúc Của Chính Mình.

N.M Ch
Nhà xuất bản Nguyễn Trãi
1969

 

TUỐT NỨA

Hôm nọ, gặp mấy người bạn cũ, những người chủ trương cần phải chấm dứt ngay cảnh bom đạn này, mặc dầu có phải chấp nhận chế độ cộng sản.

Tôi về nhà mở tờ bán nguyệt san “Đại Từ Bi” của Nha Tuyên Úy Phật Giáo, tiếp tục đọc thiên phóng sự “Trại giam Đầm Đùn” của Trần Văn Thái, số 44, tả lại cảnh “tuốt nứa” thi hành với tù nhân 983. Đọc xong, tôi thẫn thờ đứng dậy, sờ vào áo thấy sũng mồ hôi, toàn thân như đang lên cơn sốt. Từ 21 số báo “Đại Từ Bi” rồi, nhiều lần đọc xong “Trại giam Đầm Đùn”, tôi đã tự nhủ: Thôi lần sau không đọc nữa. Rùng rợn và thê thảm quá. Hơn cả những “lò giết người” của Đức Quốc Xã tôi đã được xem cách đây hơn 10 năm, nhân chuyến đi xây nhà cho đồng bào nghèo bên Tây Đức. Nhưng mỗi lần báo “Đại Từ Bi” đến tay, tôi lại tìm đọc “Trại giam Đầm Đùn” (ngoài những bài tham luận, quảng bá giáo lý Nhà Phật, hoặc mục Họa Thơ, Đố Chữ v.v…) không phải để căm thù cộng sản hơn, hay để cổ động tiêu diệt người cộng sản ngay trên phần đất của họ. Tôi tiếp tục đọc, mong tìm thấy hình ảnh một số bạn hữu của tôi, những kẻ bị Việt Minh bắt đi cách đây hơn 20 năm.

Họ có phải là tên tù 684, hay những người tên Thanh, tên Toàn, hay tên tù 983 “hai bắp đùi bị nứa cắt nát bấy, thịt da bị vằm tơi tả…trong khi miệng hắn há hốc như con heo bị thọc tiết…Tiếng rên la của tội nhân có một âm hưởng bi thiết lạ lùng, tưởng như mảnh nứa mà có tim, mảnh nứa cũng phải động lòng chảy nước mắt”.

Có lẽ tôi chẳng bao giờ tìm thấy hình bóng họ. Tôi sẽ không nhận ra họ. Làm sao tôi nhận được ra họ trong đám hình hài rách nát, bị tra tấn cùng cực “mặt sưng vều, méo mó, tím bầm, hai mắt sưng như hai trái nhót…một tay bị đánh trật khớp, chân lết đi một cách khó nhọc…”.

Nhắc lại những cảnh rùng rợn này không phải để thêm hận thù với ai. Nhân dân miền Nam hết muốn hận thù với ai. Nhưng cũng không muốn để ai tiếp tục ngụy biện: Một là chấp nhận làm nô lệ cộng sản, hai là phải kéo dài cuốc chiến tranh vô vọng này!

Con đường giải thoát Quê Hương đâu phải chỉ nằm trong 2 ngã: Chấp nhận bị hình phạt “tuốt nứa”, hoặc chấp nhận đánh nhau bất tận?

T.H.
Trích trong mục “NGƯỜI VÀ VIỆC”
Nhật báo Xây Dựng số 1.486 ngày 17.1.1969

 

TRƯỚC KHI VÀO CHUYỆN

Tất nhiên, trên thế giới ngày nay có trại giam nào là không đáng sợ?

Nhưng Trại giam Đầm Đùn lại đáng sợ gấp bội về mọi phương diện, bị bắt vào đó, không mấy ai dám hy vọng có ngày trở về. Dưới chế độ cộng sản, trại giam là một thứ khủng khiếp, mà Trại giam Đầm Đùn thì thật là “thần sầu quỷ khốc!”.

Phải công nhận người cộng sản có một kỹ thuật tàn ác phi thường về phương thức trừng phạt những kẻ bị chúng kết tội hoặc coi là phản động. Kỹ thuật đó đã được nghiên cứu bởi những kẻ không tình cảm, còn mang thêm căm thù không nguôi ở trong lòng vì đấu tranh giai cấp. Vì thế, Trại giam Đầm Đùn đã phá kỷ lục về số tội nhân thương vong hàng ngày vì xung phong bắt buộc, thi đua tăng năng suất, bị bóc lột quá sức lao động, vì đòn trừng phạt, bịnh, khủng bố tinh thần và nhất là đói, liên miên đói…

o O o

Tác giả không biết đích xác Việt cộng lập ra Trại giam Đầm Đùn từ bao giờ nhưng có những người bị Việt cộng kết tội hay quy vào một tội tưởng tượng nào đó khoảng 1952 đã bị đưa đến giam tại Trại Đầm Đùn rồi.

Trại tọa lạc trên một khu đất trống gần rừng thuộc làng Đầm, Huyện Thọ Xuân Tỉnh Thanh Hóa, rộng chừng năm, sáu mẫu tây, chung quanh có hai lớp rào nứa bao bọc. Nứa rừng nguyên cây cứng như tre, cắm sâu xuống đất khít với nhau cheo đi chéo lại buộc bằng giây kẽm, con gà chui không lọt.

Trại chia làm hai khu riêng biệt, ngăn bằng một hàng rào nứa: Một khu nhốt tù binh Pháp, một khu nhốt tội nhân người Việt. Trong khu nhốt tù Việt, nhiều dãy nhà, căn lớn căn nhỏ, lợp lá, vách phên tre hay vách đất, dùng làm nhà giam từng loại tù: Tù thường tội, tù xiềng, tù cùm, tù lãnh án tử hình, đợi “ra bai” v.v…

Cách các lớp nhà giam khá xa, một dãy nhà rộng rãi, lợp lá gồi, trống rỗng không vách, mang tên nhà Tiểu Công Nghệ là nơi đan lát, xay thóc, giã gạo,sàng, sẩy gạo v.v… Ngoài ra, nhà này còn dùng làm nơi ăn cơm của gần một ngàn tù mỗi bữa. Gần đấy là nhà bếp. Xa xa hơn nữa, ở gần cuối vườn là một căn nhà nhỏ để dùng làm Lò rèn, nơi sản xuất những xiềng sắt, khoen sắt để xiềng chân tù, và là nơi chế tạo những vật dụng bằng sắt của trại: Xẻng, cuốc, mai, thuổng, dao rừng, rìu…dùng cho việc canh tác và đốn cây chặt củi trong rừng.

Các căn nhà của nhân viên ban Quản-trị Trại Sản-xuất và Tiết-kiệm Đầm Đùn tập trung vào một khu ở đằng trước. Để tiện việc kiểm soát, bên ngoài cổng lớn vào trại có chòi canh. Cảnh vệ gác thường xuyên. Đã thế, bên trong hàng rào nào cũng có chòi canh và cảnh vệ gác.

Trong vườn có một cái ao khá rộng, sâu ngập đầu người, rau muống thả kín một góc. Nước ao quanh năm suốt tháng đục lờ lờ, dùng để tưới vườn, tưới rau, tưới cây và tưới… người. Mỗi buổi sáng, hàng trăm tù nhân xếp hàng ra ao một lượt, rửa mặt, súc miệng, rửa các mụn lở loét trong người do sự thiếu giữ gìn vệ sinh cá nhân và rửa vết thương do đòn hoặc tai nạn.

Làm công việc vệ sinh buổi sáng xong, tù nhân quay vào nhà Tiểu Công Nghệ, ăn bữa cơm sáng rồi đi lao tác tùy phần việc được chỉ định trong ngày.

Riêng ngày Chủ Nhật, trước khi ăn cơm, tù nhân phải tập trung giữa sân rộng để làm một việc quan trọng: Chào cờ!

Sau đó, họ làm công tác vệ sinh chung trong trại, quét sân, dọn dẹp phòng giam cho gọn gàng sạch sẽ. Xong, có thể làm những công việc vặt cho riêng họ như vá quần áo, săn sóc các vết thương, bắt chấy, rận, rệp v.v…Những tù bị xiềng, xoay sở hay đổi chác lấy giẻ rách quấn quanh khoen sắt ở hai cổ chân cho cạnh sắt khỏi cứa chân chảy máu. Giẻ rách rất khó kiếm vì không ai thừa.

Đứng bên ngoài “Trại Sản-xuất và Tiết-kiệm Đầm Đùn” trông vào, trại có bộ mặt hiền lành, không có vẻ chi giam giữ, trừng phạt một số người đang đi đoạn chót ngắn ngủi của cuộc sống trên dương thế! Khi thấy những người ở bên trong đi lại dáng điệu thiểu não, thân hình tiều tụy gầy còm, quần áo rách rưới hay vá chằng vá đụp, có người vừa đi vừa té nằm cả phút mới lóp ngóp đứng lên loạng choạng bước, khách bàng quan chỉ tưởng là trại tế bần hay trại bịnh của nhà thương.

Vì đứng bên ngoài mà quan sát, Trại Đầm Đùn không có chi khủng khiếp, kinh hồn.

Nhưng…

—>1

This entry was posted in **Chuyện Tù, 3.Truyện dài - Tiểu thuyết, Tội Ác Cộng-sản, Trần văn Thái. Bookmark the permalink.

1 Response to Trần Văn Thái: TRẠI ĐẦM ĐÙN (1…HẾT)

  1. Pingback: Trại Đầm Đùn | CHỐNG TRUNG QUỐC XÂM LẤN VIỆT NAM

Ý kiến - Trả lời